Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Team Building - Gala Dinner Euro Window 2019

Thông Tin Du Lịch Phổ biến

CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN

CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN

Biên soạn: Dzoãn Tiến Đạt – 0903 97 68 33

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005.
Cồng chiêng xuất hiện từ bao giờ chưa thấy có nghiên cứu sâu nào nói về vấn đề này. Theo cách hiểu truyền thống thì cồng chiêng Tây Nguyên có xuất xứ từ vùng người Việt, người Lào. Mới đây căn cứ vào việc phát hiện các di chỉ khảo cổ ở Lung Leng (Kon Tum), nhất là về mặt kỹ thuật của các khuôn, có nhà khảo cổ học cho rằng rất có thể cư dân Tây Nguyên bản địa đã làm được cồng chiêng từ rất lâu. Dù cồng chiêng Tây Nguyên do các tộc người cư trú lâu đời tự đúc hay nhập từ vùng người Việt, người Lào hay thế nào đi chăng nữa, nhưng có một số điều ai cũng phải thừa nhận là người Tây Nguyên bản địa diễn tấu cồng chiêng rất tài tình, điệu nghệ. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, về không gian địa lý, cần hiểu theo ý nghĩa hẹp và ý nghĩa rộng.
Về nghĩa hẹp: cồng chiêng Ê đê chỉ diễn tấu trong ngôi nhà dài, khu mộ địa, trên rẫy; cồng chiêng Mơ Nông diễn tấu trong ngôi nhà trệt, ngoài sân, trên đường lên rẫy,người Gia rai đánh chiêng trước ngôi nhà rông theo điệu xoang (múa) và khu mộ địa.
Về nghĩa rộng: cách đây không lâu, vào những năm 80, 90 của TK XX (tất nhiên càng về trước lại càng như vậy), khi đặt chân đến vùng đồng bào cư trú lâu đời ở Tây Nguyên vào mùa thu hoạch mùa màng, đối với người Ê đê cả mùa ăn năm uống tháng (hua mnăm thun), đứng từ xa thì nghe tiếng chiêng, đến gần thì nghe tiếng hát. Đêm đêm thỉnh thoảng tiếng chiêng lại vang lên dồn dập, hấp dẫn, thôi thúc, cuốn hút người nghe. Đó là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Dĩ nhiên, không gian văn hóa cồng chiêng gắn liền với các chỉnh thể văn hóa khác như nghi lễ, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán...
Theo dòng lịch sử văn hóa nhân loại  thì cồng chiêng  trong khu vực Đông Nam Á  xuất hiện khá sớm và trở thành một nét văn hóa riêng , văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bắt nguồn từ đời sống cộng đồng các dân tộc  mà điểm xuất phát là từ lao động sản xuất, tập quán cư trú sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số nên cồng chiêng tây nguyên mang giá trị nổi bật của tài năng sáng tạo, bắt rễ từ văn hóa và lịch sử  của các cộng đồng dân tộc trở thành  biểu tượng khẳng định bản sắc văn hóa cộng đồng. Nhìn trên toàn diện thì đây là “tiếng nói của Việt Nam” nhưng thật sự thì đây là 1 dòng chảy văn hóa mang sắc thái riêng biệt. Vì vậy mà Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là "hậu duệ" của đàn đá. trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá... tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng... Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.
* Bản chất nghệ thuật
Cồng chiêng không do cư dân Tây Nguyên tự đúc ra mà xuất phát từ một sản phẩm hàng hoá (mua từ các nơi khác về) được nghệ nhân chỉnh sửa thành một nhạc cụ. Phương pháp chỉnh sửa chiêng cộng với tai âm nhạc nhạy cảm của nghệ nhân sửa chiêng đã thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế và hiểu biết cặn kẽ về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng và trong không gian. Có hai phương pháp chỉnh sửa mà người nghệ nhân ở Tây Nguyên sử dụng: Gõ, gò theo hình vảy tê tê và theo hình lượn sóng. Do vậy, kỹ thuật gõ, gò theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng là một phát hiện vật lý đúng đắn, khoa học (mặc dù trình độ phát triển xã hội của người Tây Nguyên thuở xưa chưa biết đến vật lý học). Đây là sáng tạo lớn của cư dân các dân tộc ít người Tây Nguyên.
Để đáp ứng các yêu cầu thể hiện bằng âm nhạc khác nhau, các tộc người Tây Nguyên đã lựa chọn nhiều biên chế dàn cồng chiêng khác nhau:
Dàn chiêng có 2 hay 3 chiếc: Biên chế này tuy nhỏ nhưng theo quan niệm của nhiều tộc người Tây Nguyên, đây là biên chế cổ xưa nhất. Dàn 2 chiêng bằng gọi là chiêng Tha, của người Brâu; dàn 3 cồng núm của người Churu, Bana, Giarai, Gié-Triêng... cũng thuộc loại này.
Dàn chiêng có 6 chiêng phổ biến ở nhiều tộc người: Dàn 6 chiêng bằng của người Mạ; dàn Stang của người Xơđăng; dàn chiêng của các nhóm Gar, Noong, Prơng thuộc dân tộc Mnông; dàn chiêng Diek của nhóm Kpạ người Êđê. Cũng có dàn gồm 6 cồng núm như nhóm Bih thuộc dân tộc Êđê. Dàn chiêng 6 chiếc có thể đảm trách nhịp điệu như dàn cồng núm của nhóm Bih thuộc dân tộc Êđê, dàn Diek của nhóm Kpạ dân tộc Êđê, dàn chiêng của nhóm Noong dân tộc Mnông.
Dàn chiêng 11 hoặc 12 chiếc gồm 3 cồng núm và 8-9 chiếc chiêng bằng của các tộc người Giarai (ngành Aráp), Bana (ngành TồLồ, Kon K’Đeh), người Xơđăng (ngành Steng).
Các dàn chiêng có biên chế 3 chiêng trở lên thường có chiếc trống lớn và cặp chũm choẹ. Riêng dàn 3 cồng núm của người Churu thì phải có chiếc khèn 6 âm phối hợp.
Ở nhiều tộc người như Churu, Xơđăng, Mnông và đặc biệt tộc người Giarai, Bana, phụ nữ (nhất là các cô gái trẻ) làm thành một dàn múa đồng hành với bản nhạc chiêng. Điều đáng nói là các điệu múa này được coi là thành tố không thể thiếu của việc diễn tấu các bài cồng chiêng (không được dùng bên ngoài diễn tấu cồng chiêng hoặc trình diễn giải trí).
Cồng chiêng là một nhạc cụ nghi lễ, các bài nhạc cồng chiêng trước hết là sự đáp ứng cho yêu cầu của mỗi lễ thức và được coi như một thành tố hữu cơ của lễ thức đó. Như thế, mỗi nghi lễ có ít nhất một bài nhạc chiêng riêng. Trong mỗi nghi lễ, lại có thể có nhiều công đoạn có nhạc chiêng riêng: Người Aráp dân tộc Giarai ở vùng Ea H’Leo tỉnh Đắc Lắc có các bài nhạc chiêng cho các lễ đâm trâu, khóc người chết trong tang lễ, mừng nhà rông mới, mừng chiến thắng, lễ xuống giống, lễ cầu an cho lúa, mùa gặt... Ngoài ra, còn có những bài chiêng dùng cho các sinh hoạt cộng đồng như: Lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, mừng nhà mới, chúc sức khoẻ...
Các bài chiêng cũng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...
Cồng chiêng được giới nghiên cứu xem là một nhạc khí dân gian bởi độ vang, cao thấp, khả năng diễn tấu của nghệ nhân, nghệ thuật tạo âm sắc của nó. Cấu tạo thang âm, điệu thức một bộ chiêng có nhiều điểm khác nhau. Có bộ chỉ gồm  2 chiếc cho đến bộ đầy đủ lên tới 15 hoặc 18 chiếc. Ở những bộ chiêng như thế có cồng là loại có núm thường giữ chức năng đệm và chiêng là loại không có núm, còn gọi là chiêng bằng thể hiện bài bản, giai điệu. Cồng chiêng gắn liền với lễ hội mà lễ hội dân gian của các dân tộc bản địa ở Kon Tum khá dày, diễn ra quanh năm với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, chu kỳ một đời người và những sự việc liên quan tới cộng đồng (plei).
Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người. Nếu lễ hội dân gian quy tụ được rất nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, trong đó có cồng chiêng thì khi cồng chiêng lên tiếng sẽ thu hút sinh hoạt của nhiều người nhất, nghệ thuật diễn tấu của cồng chiêng cũng chiếm thời lượng nhiều nhất trong lễ hội. Hầu như tất cả các lễ hội dân gian đều có mặt cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng.
Ngoài ra, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng còn được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh của họ. Với tín ngưỡng dân gian đa thần, vạn vật hữu linh nên những bộ chiêng thiêng đều có Yàng (trời) trú ngụ (được gọi là chiêng lễ), chỉ được đưa ra sử dụng trong phần lễ của những lễ hội lớn, long trọng. Ở phần hội hoặc sinh hoạt thường ngày, họ sử dụng các loại chiêng thường (còn gọi là chiêng hội). Những loại chiêng thiêng ở Kon Tum có thể kể tới Lào viêng (nhóm Hà Lăng), Xteng (Xơ đăng gốc), Kh’leng và Xum (nhóm Giẻ), Pom, pát(Giarai Aráp), Buar( Xơ Đăng Sơ đrá), Tha (B'Râu)...Cồng chiêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum. Với con người, từ lễ thổi tai của trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả; với cây lúa, từ lễ bói điềm, chọn đất đến thu hoạch, đóng cửa kho; với cộng đồng, từ lễ tu sửa máng nước đến mừng Nhà Rông mới... bất cứ lễ hội nào cũng không thể vắng bóng cồng chiêng, ứng với mỗi hoàn cảnh ấy là một bài chiêng khác nhau, và ngay trong lễ hội, các bài chiêng cũng đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau, tuỳ theo không khí chung của lễ hội. 
Về số lượng của từng bộ chiêng, theo kết quả nghiên cứu khá kỹ của các chuyên viên nghiên cứu ngành văn hóa tỉnh cho thấy ở Kon Tum có những điểm khá đặc biệt và rất lạ so với các tỉnh khác trong khu vực, có đủ thứ tự từ ít đến nhiều như là có sự sắp đặt, đó là có loại chiêng chỉ có 1 chiếc như chiêng Buar của nhóm Xơ đăng Sơđrá. Có 2 chiếc như chiêng Tha của dân tộc B'Râu. Có 3 chiếc như chiêng Lào, Pom, Pát của nhóm Xơ đăng Hà Lăng. Có 3 chiếc rưỡi (thêm một ống nứa) như chiêng Nỉ của nhóm Triêng, chiêng Kh’leng của nhóm Giẻ. Có 4 chiếc như chiêng Mẻ, Vạch của nhóm Xơ đăng Mơ nâm, chiêng Guông của nhóm Xơ đăng Sơđrá.  Có 5, 6 chiếc như chiêng Xum của nhóm Giẻ.  Có từ 7-9 chiếc như chiêng X'teng (Pơm Poa) của người Xơ đăng gốc.  Có từ 12-18 chiếc rất hoành tráng như chiêng Ania, Pơsơi của người Gia Rai Aráp...có thể nói rất đa dạng, phong phú và độc đáo, đồng thời cũng là niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số Kon Tum.
Văn hóa cồng chiêng Kon Tum - sự độc đáo và đa dạng về các giá trị phi vật thể
Đã được 5 năm, kể từ khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Ngày 25/11/2005 - Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng Kon Tum nói riêng đang được bảo tồn và phát huy theo các góc độ khác nhau ở từng địa phương. Mặc dù kết quả như thế nào, nhưng văn hóa cồng chiêng vẫn có một sức hút rất đặc biệt, như ý kiến đánh giá của các nhà khoa học tại Hội nghị khoa học về giá trị của các nhạc cụ gõ bằng đồng ở Việt Nam và các nước trong khu vực, tổ chức tháng 10 năm 2004 ở Thủ đô Hà Nội, đã khẳng định : giá trị của nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là phương pháp thể hiện, diễn tấu thật sự độc đáo trong lĩnh vực âm nhạc, là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý hiếm của nhân loại.
Ở Kon Tum, cùng với đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu dân gian, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum khá đa dạng, phong phú. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng chiêng còn có cả trống, lục lạc... tạo nên sự hoà âm phong phú. Quyện hoà trong tiết tấu, giai điệu của cồng chiêng là những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có bộ thì âm điệu trầm hùng, đĩnh đạc như là một sự giới thiệu về đại ngàn Kon Tum hùng vĩ, có bộ thì âm điệu lại réo rắt, nỉ non với những giai điệu, tiết tấu hòa quyện như những lời tự sự kể về những truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người Kon Tum…hết sức trữ tình bằng ngôn ngữ âm thanh vô cùng độc đáo, chỉ riêng có ở nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum, từ xưa cồng chiêng đã được coi là của cải, bởi bao giờ cồng chiêng cũng thể hiện giá trị ở một số thứ tài sản quý, một loại của cải vật chất mà từ nó có thể phân biệt được sự giàu nghèo, trước đây gia đình nào cũng mơ ước có được một bộ cồng chiêng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở chỗ đấy là bộ chiêng gì. Bởi vì có loại chiêng chỉ ngang giá một vài con trâu (thời giá hiện nay khoảng vài ba triệu đồng) nhưng cũng có loại chiêng giá trị tới 30-40 con trâu một bộ. Có nhiều chiêng quý là giàu có, là sức mạnh, được người khác kính trọng. Dòng họ nào, làng nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ khác, làng khác nể nang, tôn trọng.
1/ Âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên
-        Nhạc Cụ: Tây Nguyên có nhiều loại  cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghỉ lễ, hội hè…Công Cụ nổi bật nhất của chúng là tạo nền cho các nghi thức tế lễ, phối tấu cùng với ca hát và “mở đầu” các động tác nhảy múa.
-        Cồng Chiêng: Tây Nguyên là cội nguồn  của văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng không chỉ là tài sản quý báu của mỗi gia đình, dòng họ trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó còn là khí cụ linh thiêng, ngôn ngữ kỳ diệu để con người giao tiếp với các vị thần  linh trong trời đất.
Hầu hết các dân tộc Tây Nguyên đều sử dụng cồng chiêng, cái có núm gọi là cồng (kuồng), loại không có núm thì gọi là chiêng (chim hay cing). Cồng chiêng có hình tròn , đường kính cái lớn nhất khoảng 65cm , cái nhỏ không đến 20cm.
Cồng

Chiêng

-      Kết cấu bộ chiêng của người Bana thường từ 6 – 7 – 9 – 11 cái và được chia làm nhiều thứ loại , căn cứ vào kích thước , sắc diện, âm thanh…và mỗi  chiếc có chức năng riêng, có những chiếc chính có những chiếc  đánh theo. Thông thường, cồng đảm nhiệm phần đệm và giữ nhịp, còn chiêng đảm nhận phần giai điệu. Cùng kết hợp với cồng chiêng có cả trống, lục lạc, chuông đồng…để tạo sự hòa âm phong phú hơn. Đặc điểm chung nổi bật của dàn cồng chiêng là sự kết hợp linh hoạt, những âm thanh cao thấp khác nhau tạo nên bè khác nhau, các loại âm, tiết tấu vừa khác nhau vừa hòa hợp với nhau khi diễn tấu một bài cồng chiêng.
-        Người Giẻ Triêng thường dùng bộ chiêng 6 cái , một cái giữ phần đệm và 5 cái giữ phần giai điệu , có khi kết hợp cả trống và các nhạc cụ tre nứa khác.
Chiêng của người Brâu có 3 loại: Chiêng goong 1 bộ có 11 cái, chiêng Mam 1 bộ có 11 cái , nhưng chiêng Tha chỉ có 2 cái , 1 chiêng vợ và 1 chiêng chồng, loại chiêng Tha chỉ dùng trong nghi lễ quan trọng của cộng đồng.
-             Người Ê đê gọi chiêng là ching. Mỗi một bộ chiêng Ê đê gồm 9 chiếc, trong đó 7 chiếc không có núm là knah, hliăng, khơk, hluê khơk, hluê hliăng, hluê khơk diêt và char (to nhất); hai chiếc có núm là mduh và mong. Một là dàn hợp xướng của dàn nhạc Ê đê là bao gồm 9 chiếc chiêng này và trống (hgơr). Người Ê đê dùng dùi làm bằng gỗ cây smuk (gỗ cây này mềm, dai) để đánh chiêng, trống...
Cồng chiêng Ê đê được diễn tấu trong các lễ cúng như cúng chúc thọ, cúng bến nước, cúng thu hoạch mùa màng, trong các lễ hội như lễ rước kpan, lễ bỏ mả, ăn trâu,... Khi diễn tấu là theo các quy định của tục lệ, chứ không tùy tiện. Người Ê đê chỉ được diễn tấu suốt ngày đêm (không phải liên tục mà từng đợt) khi trong buôn làng có đám tang. Còn trong lễ cúng chúc thọ chỉ được đánh chiêng đến nửa đêm là nghỉ. Khi trong buôn làng bình thường mà diễn tấu chiêng quá nửa đêm là cấm kỵ, bởi việc này diễn ra cộng đồng tưởng lầm nhà đó có người bị chết đột ngột.
Cồng chiêng Ê đê được sử dụng vào các dịp sau:
Đối với gia đình, cồng chiêng được diễn tấu trong các lễ cúng gieo trỉa, lúa mới, mừng lúa mới về nhà; cưới hỏi, rước rể về nhà vợ, thổi tai, đặt tên, mừng thọ, đám tang, lễ bỏ mả; cúng dựng nhà mới, lên ở nhà mới và cúng sửa nhà.
Đối với cộng đồng buôn làng, cồng chiêng được diễn tấu tại nhà chủ bến nước trong các dịp lễ cúng như cúng bến nước, cúng khi buôn làng bị dịch bệnh, cúng mừng mưa đầu mùa (một năm một lần), cúng lễ kam djir (bảy năm một lần).
Cách thức biểu diễn cồng chiêng của người Ê đê rất bài bản: khi bắt đầu biểu diễn, người sử dụng chiêng cả (knah phun) bao giờ cũng gõ trước (10), tiếp đến làmduh, hliăng, khơk, hluê khơk, hluê hliăng, hluê khơk diêt, mduh, char(đệm), mong, hgơr (lúc đánh lúc không). Sự kết hợp ở đây đều tự nhiên, hài hòa đến mức hoàn hảo.
Người Ê đê rất giỏi cảm nhận âm thanh và tài nghệ khi biểu diễn cồng chiêng. Họ có thể hiểu ý nhau qua âm thanh để biểu diễn liền một mạch ba, bốn bài nhạc chiêng khác nhau, tức là nghệ nhân chủ sự dùng tiếng chiêng để báo cho những người trong nhóm sẽ chơi một bài chiêng nào đó. Chủ sự dùng ký hiệu âm thanh của chiêng đực (knah khơk) để làm ký hiệu chuyển bài. Chiêng này nhắc bằng âm thanh cho chiêng cái (knah hliăng) chuyển bài. Khi chiêng cái đã chuyển bài thì ngay lập tức các nghệ nhân sử dụng các chiêng khác bắt nhịp theo.
Đặc điểm chung của âm thanh tiếng chiêng Ê đê khi diễn tấu là dồn dập, sôi nổi, thôi thúc, hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Tiếng chiêng Ê đê âm vang mà đanh, sắc, gọn.
Cồng chiêng Ê đê nói riêng và cồng chiêng Tây Nguyên có hai chức năng: chức năng văn nghệ và chức năng tín ngưỡng. Về trình tự thể hiện của chức năng văn nghệ và tín ngưỡng ở cồng chiêng Ê đê có sự đảo ngược so với diễn xướng khan sử thi. Chỉ sau phần thực hiện nghi lễ xong, các nghệ nhân sử thi mới diễn xướng khan. Còn cồng chiêng Ê đê việc diễn xướng được tiến hành như sau: bài chiêng đầu tiên mang nội dung mời mọi người trong buôn làng về đây sum họp vui vẻ, cùng uống rượu chia vui niềm vui được mùa, mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc ấm êm. Đúng như lời của một bài duê (văn vần) đã nói: các loài chim hót vang, tiếng chiêng vang vọng đất trời. Họ chúc nhau no ấm, vui vẻ như đàn trâu bò luôn luôn có bãi cỏ xanh để ăn. Cái không gian ở trên trời là tiếng sáo diều, ở trong nhà là tiếng chiêng và những cánh rừng xanh đồng vọng tiếng chiêng là không gian văn hóa Ê đê thi vị, huyền ảo.
Sau phần nhạc chiêng vui tươi, giải trí, kích thích, phấn chấn người nghe, là nhạc chiêng phục vụ cho nghi lễ, tín ngưỡng. Người Ê đê coi cồng chiêng, phèng la(char) và trống da là các vật thiêng trong nhà, nên họ rất quý trọng chúng. Và bản thân các nhạc cụ này cũng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của họ. Đồng bào cho rằng tiếng chiêng giúp cho con người giao tiếp với thần linh, tiếng chiêng làm cho các vị thần vui vẻ, và cũng từ đó thần linh sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc cho con người. Cho nên trong các nghi lễ, chiêng luôn luôn được tấu lên. Thày cúng (pô riu yang) đọc lời cầu khấn thần linh trên nền của tiếng chiêng.
-      Dân tộc M’Nông có các bộ cồng chiêng goong pêh (3 cái) chiêng bor (6 cái). Người M’Nông đánh chiêng bằng cách đứng một hàng dài (theo thứ tự chêng nhỏ trước, chiêng lớn sau), mỗi người cầm chiêng bằng tay trái  và dùng tay phải của mình đánh vào mặt trước của chiêng theo bài bản đã quy định cho từng nghi lễ.
Người Mơ nông gọi chiêng là ching. Chiêng là đồ vật quý giá của đồng bào. Theo cố dịch giả Điểu Kâu, người Mơ nông mua chiêng từ vùng người Việt, người Chăm.
Khi mua được bộ chiêng về nhà, chủ chiêng mời tất cả dân làng đến dự lễ cúng mừng và đặt tên cho bộ chiêng. Bộ chiêng được đặt tên là gì là do chủ chiêng quyết định. Một bộ chiêng Mơ nông gồm sáu chiếc. Có một điều thống nhất là: chiếc chiêng to nhất gọi là chiêng me (mẹ), thứ hai gọi là chiêng rlâm (chiêng cha), thứ ba gọi là chiêng njơn, thứ tư gọi là chiêng tru, thứ năm gọi là chiêng thơ, thứ sáu gọi là chiêng kan.
Khi đánh chiêng, người Mơ nông xếp thành hàng. Nếu xếp hàng ngang và đứng tại chỗ để diễn tấu chiêng thì người sử dụng chiêng mẹ bao giờ cũng đứng ở vị trí cuối cùng phía bên phải. Nếu xếp hàng dọc và vừa đánh vừa đi, người sử dụng chiêng mẹ đi trước. Người sử dụng chiêng mẹ đảm nhiệm việc đánh nhịp cho cả dàn chiêng. Nếu người đánh chiêng mẹ sai nhịp thì cả năm người đánh các chiêng còn lại đều mất phương hướng. Nghệ nhân dùng nắm tay phải dập vào chiêng, lòng bàn tay và các ngón tay (chủ yếu là ba ngón giữa) để điều chỉnh âm thanh. Khi diễn tấu chiêng, đồng bào đeo chiêng ở nách bên trái và khom lưng để chiếc chiêng xoay chuyển linh hoạt, nhờ vậy mà tiếng chiêng phát ra không bị chi phối bởi tác động ngoài mong muốn của con người (11).
Tiếng chiêng Mơ nông có âm điệu trầm trầm, âm thanh không ngân vang. Đến bon làng Mơ nông, thấy con người, ngôi nhà ở có cái gì đó bí ẩn, âm u, còn con người thì trầm lặng, lạnh lùng. Dấu hiệu này nằm trong cái chung của tư duy nghệ thuật, nhận thức thẩm mỹ của cư dân này. Nếu nhìn ra cả tộc người Ê đê, thì văn hóa cồng chiêng, sử thi, nhà ở của hai tộc người này phản ánh rõ nét tính cách tộc người họ. Khi đưa sử thi, cồng chiêng trở lại đời sống buôn làng, tạo dựng kiểu dáng nhà cần đặc biệt chú ý đến các đặc điểm này.
Cồng chiêng Tây Nguyên được sử dụng trong các cuộc vui, trong các nghi lễ, lễ hội. Tiếng chiêng là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh. Các nghệ nhân diễn tấu chiêng có thể diễn tả các trạng thái tình cảm của con người, mô phỏng âm thanh của tiếng suối, tiếng gió, tiếng chim hót, tiếng thú kêu,... Nghe tiếng chiêng, người Tây Nguyên cảm nhận được nội dung mà người diễn tấu muốn truyền đạt. Cồng chiêng cuốn hút, lôi cuốn, hấp dẫn đồng bào như có sức thôi miên. Người Ê đê cho rằng uống rượu cần mà không có cồng chiêng thì coi như bữa cơm không có muối ớt. Còn người Mơ nông ai ai cũng thích nghe chiêng. Khi đang ngủ mơ màng nghe tiếng chiêng là họ bừng tỉnh và thức để nghe. Ai không biết đánh chiêng bị mọi người chê, thậm chí có khi trai khó lấy vợ, gái khó kiếm chồng.
-   Dân tộc Ga Rai có dàn chiêng Aráp (mỗi bộ có từ 12  đến 18 cái chiêng númg, kết hợp với 1 cái trống nhỏ). Người Gia Rai đánh chiêng bằng cách đứng 1 hàng dài (theo thứ tự  chiêng nhỏ trước,chiêng lớn sau), tay trái cầm chiêng, tay phải cầm dùi  gỗ có bọc vải nhựa đánh vào mặt có núng của chiêng theo bài bải từng nghi lễ đã quy định (hoặc người ta treo chiêng vào một chiếc sào có hai người khiêng và một đến ba người đánh).
-   Cồng chiêng Ê Đê nhịp điệu dồn dập, phức hợp, tốc độ nhanh, cường độ lớn. Cả ban nhạc như những chùm âm thanh giàu màu sắc nối tiếp, đan xen, nghe rộn ràng hoành tráng như mua dông, như thác đổ, như sấm rền của rừng đại ngàn.
Cồng chiêng M’nông cường độ trầm ấm, tốc độ chậm. tạo một bản nhạc khoan thai giưa những cuộc đối thoại sinh động của từng cặp chiêng với nhau. Có thể cảm nhận rằng đó là âm thanh của tiếng suối chảy, tiếng chim hót gọi nhau trong buổi hoàng h6n. cồng chiêng Gia Rai, Ba Na thiên về tính giai điệu của âm nhạc. một bè trầm của cồng chiêng có núm vang lên với âm sắc đầy đặn, ngân nga, hùng tráng. Bên trên là bè giai điệu thánh thót vang xa giữa đất trời Tây Nguyên của dàn cồng chiêng không núm làm rung động lòng người.

Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau, mỗi nhạc cồng chơi một nót và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu . mỗi người dân Tây Nguyên là một nghệ sĩ, nhạc sĩ thực thụ có thể vừa hát vừa múa, sử dụng từng nhạc cụ hay tham gia vào giàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo. Khả năng âm nhạc của người Tây Nguyên được phát triển tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng. ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Cồng chiêng luôn có mặt trong các lễ cúng khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi về với cội nguồn. trong các lệ hội thì cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần) giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng.
Cồng chiêng Tây Nguyên đã đi và dân ca, truyền thuyết, sử thi của người Tây Nguyên. Nó trở thành bài ca hoành tráng của người Tây Nguyên và được truyền tụng từ đời này qua đời khác: “Hãy đánh những cái chiêng kêu nhanh nhât. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. đánh cho khỉ trên cây quên báo chặt cành đến phải ngã xuống đất, Đánh cho ma quỷ mê mãi nghe đến quên cả làm hại người, Đánh cho chột, sóc quên đào hang, cho rắn năm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu, nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn nghe tiếng chiêng của Đam San” (Sử thi Bài ca chàng Đam San).
Đến với Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) vui bước chân vào dòng lễ hội cồng chiêng truyền thống của người Gia Lai, Ba Na, Ê Đê…chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đắm say bởi âm thanh của những bài chiêng, bộ chiêng, loại chiêng và tài năng của người sử dụng với những bước chân nhịp nhàng của vòng xoan kéo tròn không bao giờ cạn của các cô gái, chàng trai mến khách, dễ thương. Và điều đặc biệt hơn là du khách đã đến thì dù biết hay không cũng không thể không một lần bắt tay hòa nhịp hết mình vào giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên giờ đây không những rung rung ngân trong các buôn làng nhỏ hẹp mà đã vang xa, bay xa khắp nơi trên thế giới, là niềm vinh dự và tự hào của dân tộc Việt Nam.
Cồng Chiêng  cũng như các nhạc cụ khác của Tây Nguyên thường không có lời ca kèm theo khi diễn tấu  mà chỉ dùng âm thanh, tiết tấu và giai điệu của chính loại nhạc cụ ấy nói chung và cồng chiêng nói riêng để biểu đạt tình cảm, tư tưởng miêu tả cảnh vật thiên nhiên. Trong các lễ hội, tùy thuộc vào vị trí của từng lễ hội mà các nghệ nhân dùng từng bài khác nhau cho phù hợp. không được dùng bài bản của lễ hội này vào lễ hội khác, ví dụ như bài “Đón Khách” thì không được dùng trong lễ đâm trâu khi trâu đã xẻ thịt; trong tiệc vui mừng nhà rông, mừng lúa mới, mừng đám cưới thì không được dùng bài “Trao vòng” hay “Bỏ mả”.
Theo quan niệm của các Già Làng: Cồng chiêng là loại nhạc cụ linh thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần , cồng chiêng không được sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các lễ hội lớn của buôn làng. Cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với mỗi đời sống người, mỗi gia đình, dòng họ và nghi lễ cổ truyền của cộng đồng. nó được sử dụng trong hai hệ thống lễ nghi: Nghi lễ vòng đời và nghi lễ nông nghiệp.
Trong nghi lễ vòng đời: Cồng chiêng đi suốt vòng đời của một con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, sinh ra, trưởng thành, xây dựng gia đình và trở về  với thế giới tổ tiên ông bà. Bao gồm các nghi lễ:lễ cúng khi người mẹ mang thai, lễ cúng trước khi sinh, lễ cúng đặt tên – thổi tai, lễ cúng đầy tháng, lễ cúng đầy năm, lễ cúng đầy 3 mùa rẫy, lễ cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy), lễ cưới chồng, lễ cúng sức khỏe cho đôi vợ chồng, lễ cúng sức khỏe hàng năm cho các thành viên trong gia đình, lễ cúng vào nhà mới, lễ rước Kpan, lễ kết nghĩa anh em, lễ tiếp khách, lễ thang, lễ bỏ mả…
Trong nghi lễ nông nghiệp: Cồng chiêng gắn bó mật thiết vói nghi lễ vòng cây lúa ( hay còn gọi là nghi lễ nông nghiệp), bao gồm: lễ tìm đất, lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ gieo hạt, lễ vun gôc, lễ cầu no đủ, lệ cúng cầu mùa, lễ cúng thần gió, lễ cúng cầu lúa trổ bông, lễ cúng cầu lúa nhiều hạt, lễ cúng bến nước, lễ cúng hồn lúa, lễ cúng kho lúa, lễ cúng bầu cơm và bầu đựng gạo, lễ tắm lúa…
Mỗi nghi lễ trên đều gắn với âm nhạc cồng chiêng do những nghệ nhân trong cộng đồng bôn làng thể hiện. cồng chiêng của buôn làng Tây Nguyên được cấu trúc thành từng bộ độc lập.
* Bảo tồn
Theo thống kê của Sở Văn hoá Thông tin Gia Lai, trước năm 1980 trong các bản làng của người Giarai, Bana trong tỉnh có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng. Có gia đình sở hữu 2-3 bộ, mỗi bản làng có hàng chục bộ. Đến năm 1999, cả tỉnh có 900 p’lei và chỉ còn 5.117 bộ, năm 2002 còn lại chưa đến 3.000 bộ.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ còn lại 3.113 bộ. Từ năm 1982 đến 1992, tỉnh Đắc Lắc đã mất 5.325 bộ chiêng, từ năm 1993 đến 2003 lại mất tiếp 850 bộ, hiện tại cả tỉnh chỉ còn 3.825 bộ cồng chiêng.
Trước hết là sự suy giảm nhanh chóng về số lượng các dàn cồng chiêng... Nhưng nguy cơ mai một cồng chiêng còn thể hiện ở các bài bản nhạc chiêng dần dần bị lãng quên. Các nghệ nhân trải qua thời gian, do nhiều tác động khác nhau đã quên nhiều bản nhạc chiêng. Người Mnông trước đây có 40 bản nhạc chiêng, nay các nghệ nhân chỉ còn nhớ, lưu truyền và trình diễn được 10 bản nhạc chiêng. Mặt khác, những nghệ nhân có đôi tai thẩm âm, có năng khiếu trong việc chỉnh chiêng cũng thưa vắng dần trong các cộng đồng cư dân.
Đáng tiếc nhất là khi những người già, những nghệ nhân Tây Nguyên chết đi đã mang theo cả kho tàng di sản văn hoá cồng chiêng mà không dễ dàng tạo dựng và khôi phục được. Sự đứt gãy dòng chảy của văn hoá truyền thống dẫn đến sự thờ ơ, hờ hững của lớp trẻ với văn hoá của các thế hệ tiền nhân, trong đó có văn hoá âm nhạc cồng chiêng.
Khác với Nhã nhạc cung đình Huế, là một hiện tượng văn hóa, để bảo tồn chúng ta chỉ cần đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển nghệ nhân biểu diễn, cồng chiêng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần, mà gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, với đời sống hằng ngày, với chính không gian của vùng đất ấy. Vì vậy, cần có một chương trình tổng thể, quy mô cho công việc này.

Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép và nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tiến hành phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa để tạo môi trường diễn xướng của sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trên quan điểm kế thừa có chọn lọc. Từng bước xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Trung tâm Dữ liệu Di sản văn hóa (Viện Văn hóa-Thông tin) và tại các bảo tàng tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Ðắc Nông và Lâm Ðồng.

Ðồng thời có kế hoạch đào tạo dài hạn, cơ bản đội ngũ cán bộ khoa học am hiểu về âm nhạc truyền thống, văn hóa, lịch sử Tây Nguyên, chú trọng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mở lớp truyền dạy kinh nghiệm đánh chiêng, chỉnh chiêng tại cộng đồng.

Theo số liệu thống kê cấp tỉnh năm 2007 thì Kon Tum hiện còn khoảng 1.776 bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số bản địa. Theo tập quán của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum thì đa phần chỉ có đàn ông mới được đánh cồng chiêng, còn phụ nữ thì tham gia thể hiện nghệ thuật múa Xoang (dân vũ), song có những nhánh của dân tộc Xơ Đăng như Xơ Đăng Mơ Nâm ở huyện KonPLông thì phụ nữ cũng được đánh chiêng. Hiện nay Kon Tum có khoảng 300 đội cồng chiêng ở các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số. Có đội chỉ sử dụng một bộ chiêng trong làng (như đội chiêng Tha của dân tộc B'Râu), có đội sử dụng 2-3 bộ chiêng khác nhau trong một làng ( như các đội sử dụng các bộ chiêng có tên : Xteng, Hleng của người Xơ Đăng X'teng; Ania, PơSơi, Goong của người Gia Rai; Nỉ, Kh’leng, Xum của người Giẻ Triêng…); có đội chiêng chỉ có 2 người như đội chiêng Tha (dân tộc B'Râu), có đội đông tới 21 người như đội chiêng Ania với 18 lá cồng, chiêng kèm theo lục lạc, trống (người Gia Rai A Rap)...Điều đáng mừng là trong số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hiện nay, có đến 1/3 đang ở độ tuổi thanh niên và có không ít những thiếu niên tuổi 13, 14. Đấy chính là sức sống và sự trường tồn của văn hóa cồng chiêng, một khi được tạo lập đầy đủ môi trường, điều kiện phát huy. Thực tiễn sôi động trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng những năm vừa qua cho thấy đã có sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và sức hút rất đặc biệt của văn hóa cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Hiện đang xuất hiện khá nhiều “lớp” truyền dạy đánh cồng chiêng bằng nhiều hình thức từ những người lớn tuổi cho lứa thanh thiếu nhi trong các làng, bản. 
Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh những vấn đề cần phải quan tâm từ thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Đó là sự phát triển chưa có tính bền vững, còn mang tính hình thức và chạy theo phong trào. Cồng chiêng chưa thật sự được trả về với cái nôi đích thực của nó trong sinh hoạt văn hóa dân gian, gắn với ba điều kiện cơ bản bao gồm : Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên, với kết cấu vật chất văn hóa cư trú làng-nhà Rông-nhà sàn; Lễ thức, nghi lễ truyền thống. Tách rời ba điều kiện ấy, văn hóa cồng chiêng chưa phải là chính nó !. Bởi thế, UNESCO mới công nhận là Di sản thế giới bao hàm cả Không gian văn hóa dân gian. Tình trạng văn hóa cồng chiêng được sân khấu hóa, môi trường diễn xướng nặng về trình diễn, quảng bá đang xuất hiện ngày một nhiều. Ở một góc độ nào đấy có thiên hướng lệch về mục đích, trở thành một nghệ thuật biểu diễn sân khấu, có đạo diễn, dàn dựng một cách áp đặt...bởi vậy hầu hết những bài chiêng được thể hiện ở những góc độ này chỉ là những bài chiêng bình thường, đơn giản mà đồng bào thường gọi là những bài chiêng “hội” ( phục vụ sinh hoạt văn hóa đơn thuần mang tính vui chơi ). Còn những bài chiêng nghi lễ với những bài bản nghiêm ngặt, được coi là quan trọng nhất gắn với yếu tố “thiêng” trong tâm linh của đồng bào, là những bài bản chiêng cổ truyền, thể hiện bản sắc truyền thống của từng dân tộc, được quan niệm là phần “hồn” của cồng chiêng, thường được diễn tấu trong các nghi lễ, lễ thức dân gian, lễ hội cổ truyền mà đồng bào gọi là chiêng “lễ” thì hầu như ít được đồng bào sử dụng trong những sân khấu biểu diễn như vừa qua. Yếu tố “thiêng” của cồng chiêng với vai trò là phương tiện để giao tiếp với thần linh theo tín ngưỡng đa thần trong đời sống tâm linh của đồng bào đang dần dần bị bình thường hóa đi phần nào. Thực tiễn cho thấy đang có nguy cơ mất dần các bài chiêng cổ cực kỳ giá trị - như đánh giá của nhiều nhà khoa học - mất dần nghệ thuật diễn tấu, hòa âm đúng bài bản, bởi lớp người lớn tuổi đang dần dần qua đời mà không trao truyền lại được ! Nếu chỉ còn những bài bản chiêng “hội” mà không còn những bài bản chiêng“lễ”, những bài bản chiêng cổ truyền thì văn hóa cồng chiêng sẽ trở nên thiếu vắng linh hồn, thực sự báo động về việc những giá trị phi vật thể của cồng chiêng sẽ có nguy cơ mai một, trong khi đó nội dung chính được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại lại chính là phần phi vật thể, là những bài bản chiêng cổ truyền, là tiết tấu, giai điệu, thang âm, điệu thức, nghệ thuật diễn tấu, phương pháp truyền khẩu...đấy chính là phần hồn của văn hóa cồng chiêng.  
Bởi vậy, nên phải có cái nhìn sâu sắc hơn nữa về Không gian văn hóa Cồng chiêng từ phía các nhà quản lý văn hóa các cấp, để có những định hướng đúng đắn, những cách làm, bước đi phù hợp và thiết thực cho mục tiêu bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng. Vấn đề mấu chốt là phải làm cho văn hóa cồng chiêng thực sự mang tính cộng đồng, gắn kết với tự nhiên, với kết cấu văn hóa làng và các lễ thức, nghi lễ truyền thống trong không gian văn hóa dân gian của đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Không chỉ chú trọng quá nhiều vào phần vật chất của cồng chiêng, mà cần phải đặc biệt coi trọng phần phi vật thể (phần hồn) của văn hóa cồng chiêng. Nếu đánh mất đi nội dung quan trọng này thì phần vật chất của cồng chiêng cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Cần phải lắng nghe ý kiến của đồng bào xem họ nói như thế nào về cách thức bảo tồn và phát huy. Bởi đồng bào mới là chủ nhân Không gian văn hóa Cồng chiêng, chỉ có chính họ mới bảo tồn sống được văn hóa cồng chiêng để phát huy giá trị trong đời sống và trường tồn với thời gian. 

CÁC LOẠI NHẠC CỤ KHÁC CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÂY NGUYÊN
         
Đàn Tơrưng:
Là nhạc cụ làm bằng các ống nứa dành cho nam giới thường đánh trên chòi rẫy hay trong nhà rông. Đàn Tơrưng có 2 loại: Loại 5 ống và loại 10 ống, được kết thành 2 sợi dây mây ở 2 đầu ống nứa. khi chơi, người ta buộc đầu dây phía các ống gắn vào một gốc cây, cột chì, đầu kia buộc quanh bụng người đánh đàn.
Để dánh đàn Tơrưng người ta có 2 chiếc dùi, làm bằng tre hoặc gỗ, có bịt vải ở đầu, hiệu quả âm thanh là tiếng vang của ống nứa được nghệ nhân cắt gọt tương ứng với âm: La – Đô – Rê – Fa – Sol.
Hiện nay, đàn Tơrưng được các nghệ nhân, nghệ sĩ cải tiến thành nhiều ống và hiệu quả âm thanh khác nhau để tăng khả năng biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp.




Đàn Klông – pút:

Nhạc cụ này rất phổ biến và quen biết với chúng ta, trong dân gian Klông-pút chỉ dành cho phụ nữ. Klông-pút cũng chỉ gồm 5 ông lồ ô có độ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau và cho ta 5 âm có quan hệ quãng như sau: La = Đô – Rê – Fa Đ1/4 – Sol.
Hiệu quả âm thanh: Klông-pút là sự chuyển động cột khí trong ống. khi chơi Klông-pút người ta đặt các ống nứa trên dàn theo thứ tự và người chơi đứng khom người dùng 2 tay để vỗ hơi vào miệng ống tạo nên một chấn động đó là phương pháp tác động sinh âm  vì thế Klông-pút là loại nhạc cụ hơi lùa.
Loại nhạc cụ này chỉ dành cho nữ giới và thường chơi tại rẫy trong những lúc nghỉ giải lao . để chơi đượcKlông-pút ít nhất phải có từ 2 người đến 4 – 5 người.
Dân tôc Brâu chơi Klông-pút kiểu hơi khác,Klông-pút chỉ có 2 ống nứa. một người đứng giữa giữ 2 ống nứa  theo kiểu bắt chéo, 3 đến 5 người khác vỗ hơi lùa vào 4 miệng của 2 ống , lúc thì vỗ, lúc thì bịt, tạo hiệu quả âm thanh rất độc đáo.

Đinh Túk:
Đinh Túk gồm 6 ống nứa (lồ ô), đáy kín, ở miệng ống có khoét một lõm hình vòng cung . khi chơi người ta đặt môi dưới vào vòng cung đó. Môi trên chúm vào, tạo một khe hẹp để vuốt hơi và luồng hơi chéo sang thành ống phía đối diện làm  chuyển động cột không khí chứa trong ống, tạo nên âm thanh.
Đinh Túk của dân tộc Giẻ Triêng do phụ nữ thổi (nếu nam giới thổi thì mặc trang phục phụ nữ). Đnh Túk thường được sử dụng trong các lễ hội, trên nhà rông và trên nương rẫy. đinh Túk là loại nhạc cụ dễ chế tác và sử dụng, tuy nhưng hiệu quả âm thanh rất độc đáo, tiếng Đinh Túk như lời thì thầm nhắn nhủ, như lời tỏ tình đằm thắm. Đinh Túk của làng Dục Nhầy xã Dục Nông huyện Ngọc Hồi, chơi những bản nhạc thường mô phỏng hơi thở của thiên nhiên như: tiếng dế mèn, tiếng chim Hoong gọi bạn tình, rất nhẹ nhàng, êm đềm da diết.
Đinh Dựt: Được cấu tạo bởi ống lồ ồ (hoặc nứa) với 6 lỗ thoát âm và 6 sợi dây bằng cật tre nứa hoặc bằng kim loại. khả năng diễn tấu của đàn Đinh Dựt cũng rất phong phú. Vì vậy giống như mbuốt, nhạc cụ này có nhiều sinh hoạt khác nhau và nó có khả năng “nói hộ tiếng lòng” cho người sử dụng và thưởng thức, thuộc mọi tâm trạng của con người.

Tính Tẩu:
Các dân tộc Thái, Tày di cư vào Nam Trường Sơn mang theo mình chiếc đàn Tính Tẩu rất độc đáo của người thiểu số phía Bắc. Tính Tẩu có nghĩa là đàn bầu vì bầu cộng hưởng được làm từ trái bầu khô. Tính tẩu tuy nghe không vang nhưng âm sắc khá độc đáo dùng để đệm cho hát – múa và có khi độc tấu. Tính Tẩu được các dân tộc Tày, Thái ở Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh sử dụng nhiều.
Kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc Thái vùng Tây Bắc rất phong phú và đa dạng. Bất cứ nơi đâu trong bản làng của người Thái đều có thể thấy có các làn điệu dân ca thể hiện rõ phong cách riêng của mỗi vùng mà nguyên nhân do sự truyền lại cho các thế hệ theo cách cảm thụ và rung động riêng của mỗi nghệ nhân. Trong đó không thể thiếu tiếng cây đàn tính tẩu.
"Tính" tiếng Thái nghĩa là đàn, còn "Tẩu" nghĩa là quả bàu, Tính tẩu nghĩa la đàn bàu. Trong cộng đồng người Thái có lưu truyền một huyền thoại về cây tính tảu: Chắc nhiều người biết về sự tích quả bàu trong huyền thoại về sự sinh ra các dân tộc trên trần gian.
Sau một trận hồng thủy trần gian chẳng còn ai nên Nhà Trời đưa xuống một quả bàu có giống người và dùi một lỗ thủng bằng chiếc dùi nung đỏ cho giống người chui ra. Lỗ thủng ấy có vết đen người Xá chui ra trước nên đen nhẻm cho đến bây giờ, người Kinh chui ra sau nên đỡ đen hơn... và mọi giống người đều từ quả bàu (có hình cái nậm rượu) mà ra cả. Sau khi từng giống người chui ra khỏi quả bàu và trở thành các dân tộc, còn lại vỏ quả bàu ấy nằm một mình trên tận nơi thượng nguồn chẳng còn ai nhớ gì đến nữa. Nơi thượng nguồn có nguồn nước trong và mát nên các tiên nữ thường xuống lấy nước về trời.
Trong bản Thái nọ có một chàng trai ngày ngày đi câu cá ngược theo suối nhưng mãi chẳng được con cá nào. Đến nơi cảnh đẹp thượng nguồn, chàng trai nghe tiếng các thiếu nữ đang cười đùa vui vẻ. Chàng bèn tìm chỗ ẩn nấp theo dõi. Nhờ vậy mà chàng phát hiện thấy các tiên nữ đi lấy nước đang nô đùa xung quanh vỏ quả bầu. Thấy các tiên nữ làm sợi dây mảnh nối từ quả bàu ngang qua miễng lỗ dùi khi có gió thổi làm cho sợi dây rung lên những âm thanh êm ái mà chàng trai không thể bỏ đi được. Nghe nhiều ngày chàng trai càng mê không dứt ra được. Trời tối các tiên nữ rủ nhau bay về trời để lại chàng trai một mình nơi tiên cảnh. Chàng trai không chịu ngồi yên, chàng muốn nghe âm thanh từ quả bàu kia. Và thế là, chàng bắt chước chặt cành cây cắm xuống đất, lấy sợi dây rừng xe thành sợi mảnh cũng nối từ cành cây cắm cọc xuống đất kéo qua miệng lỗ dùi ở quả bàu và nằm chờ gió thổi. Nhưng chờ mãi chẳng được, chàng trai dùng tay bật thử sợi dây và thấy phát ra âm thanh. Âm thanh làm chàng trai say mê nghe hết ngày này sang ngày khác quên cả mọi việc đến nỗi chàng không nhận ra rằng cành cây chàng cắm xuống đất đã mọc rễ và trở thành một cây thực thụ. Lúc này chàng trai muốn về bản báo tin vui cho dân làng. Chàng cầm quả bàu đi theo nhưng thấy vướng quá chàng đã dùng dao cắt bỏ phần ngọn của quả bàu quăng xuống suối. Còn lại phần phình to chàng giữ lại và chặt theo cành cây mang về làm cần đàn, lấy vỏ cây làm sợi dây buộc qua miệng quả bàu vừa bị chặt phần ngọn vừa đi vừa gảy vừa hát. Tuy nhiên âm thanh ấy không còn hay như trước nữa. Vì chàng không biết rằng phầnlinh thiêng của quả bàu đã bị chàng vứt xuống suối trôi về xuôi người Kinh vớt được và làm ra cây đàn bầu của người Kinh. Vì thế mà cây đàn bàu của người Kinh ngày nay hay hơn cây đàn bàu của người Thái.
Đấy là chuyện cổ tích. Tuy âm thanh của cây tính tẩu không bằng cây đàn bầu của người Kinh như ngày nay chúng ta thấy. Nhưng sự tồn tại của cây tính tẩu trong đời sống tunh thần của người Thái có ý nghĩa quan trọng mọi lúc mọi nơi.

Đàn đá:
gồm có nhiều phiến đá mỏng phát ra âm thanh có âm điệu rõ rệt. Đối với các dân tộc Tây Nguyên , những phiến đá này được xem như là báu vật và chỉ dụng trong các dịp tổ chức lễ tết. Sau buổi lễ, những phiến đá được xoa máu trâu và được đem về cất vào vị trí trang trọng trong nhà.
Trống: Là loại nhạc cụ có mặt hầu hết các dân tộc, Trống có mặt bịt bằng da súc vật, Tang trống thường làm bằng gỗ và phình ra hoặc thẳn. Người ta đánh trống bằng nhiều cách khác nhau như dùng nhiều dùi gỗ, dùng gỗ, dùng tay, ngón tay và cả cùi tay. Nghệ thuật đánh trống của các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú. Đặc biệt là các nghệ nhân người Chu Ru thì tiếng trống trở nên có linh hồn và rất thân thiết.
Kèn, sáo, khèn: Là nhạc cụ gồm các loại khoét lỗ vòm (sáo ngang, tiêu…), kèn dăm (kèn bó hay kèn đám ma), loại có lưỡi gà rung tự do ( kèn bà, kèn bầu, sáo Mèo…) , Ở người Việt, kèn bóp là tiêu biểu. Âm sắc của loại nhạc cụ này nghe rộng ràng, vang xa. Nhạc cụ sáng giá nhất của người thiểu số bản địa là kèn bầu (còn gọi là Mbuốt, hay mboắt). Phổ biến nhất là loại kèn bầu 6 ống, gồm một quả bầu và 6 ống trúc thoát hơi. Nếu đàn đá và chiêng chỉ sử dụng trong các lễ hội thì kèn không bị ràng buộc, vì vậy mà hầu như có mặt mọi lúc, mọi nơi. Khả năng diễn tấu của nó cũng phong phú vì nó thể hiện nhiều cung bậc tình cảm của con người. Tương tự, người Thái ở Lâm Đồng có loại khèn bè gồm nhiều ống nứa ghép lại và đều có lưỡi gà để phát âm. Khèn có thể độc tấu nhưng cũng có thể hòa tấu hoặc đệm cho múa và hát.
Còn rất nhiều các loại nhạc cụ khác như: Đàn Goong, Đàn Kơ ny, đàn B’rõ…Các loại trống, Sơ Gơ , Pa năng…được các dân tộc chế tác và sử dụng như những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày và trong những nghi lễ quan trọng có thể nói âm nhạc Tây Nguyên là cả một thế giới phong phú và huyền diệu, người Tây Nguyên yêu thích và gắn bó suốt đời với âm nhạc cổ truyền của mình. Nó chính là máu thịt của đồng bào. Âm nhạc thực sự giữ vai trò quan trọng trong đời sống, là tiếng nói tâm hồn thỏa mãn nhu cầu tình cảm thẩm mỹ.
Tài liệu tham khảo:
Nguồn: Tây nguyên vùng đất con người (nhà xuất bản quân đội)
Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật
Bài: Trần Vinh (Nguồn: kontum.gov.vn)
Nguyễn Lân (báo thể thao văn hóa)