Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Người Đi Tìm Hình Của Nước

Thông Tin Du Lịch Phổ biến

Văn Hoá Chăm (phần 2)

 

Rau môn cắt về, tước vỏ ngoài, bẻ làm ba làm tư, rửa nước xào qua khương (akhang) bằng đất nung (hoặc thùng nhôm), đun lửa vừa phải, nước xáo bắt đầu sôi bỏ rau vào dùng que bằng cây cổ nắm tay nhấn thọc cho rau mềm nhũn như bún. Thịt thái từ xương sườn con thú bỏ vào canh, bột gạo rang giã nhuyễn bỏ vào sau đó.
Khi khương canh đã mềm nhũn, bốc mùi thơm, người ta nêm gia vị (ớt, hành, muối, mắm nêm) và lá me thái mỏng theo tỷ lệ số lượng rau.
2. Nước xáo (Iajanrâw)
Trong các cuộc đình đám người Chăm không thể nào thiếu món nước xáo (nước lèo) thịt dê, trâu, gà, đó là những con vật hiến tế. Gọi chung là Iajanrâw.
- Nước xáo thịt gà gọi là Ia kanăng: được chế biến để ăn gia đình, khi đãi khách nhưng nhiều nhất vẫn là trong các cuộc cúng thần hoặc thánh.
Con gà được làm sạch sẽ, băm nhỏ, xào qua cho chín rồi đổ nước, gạo hạt vào nấu. Đã chín, gạo nở đều như cháo hoa, bốc mùi thơm gia vị ướp thịt, người ta nêm gia vị (ớt, hành, muối, mắm nêm)
Nếu là thịt gà luộc nguyên con để cúng, người ta dùng nước ấy bỏ gạo vào để nấu nước xáo, gạo chín nêm gia vị.
Người Chăm đã biết nấu canh gà với lá dang (hala dang) rất sớm. Lá dang xung quanh địa bàn cư trú của người Chăm rất nhiều, vì thế mà họ đã khai thác để ăn triệt để.
- Nước xáo thịt dê, trâu gọi là Ia kanut pabaiy, Ia kanut kaba. Nước xáo thịt dê, trâu được lấy từ nước luộc thịt để chế biến thành món ăn. Nếu ở canh gà hoặc xáo gà người ta bỏ gạo hạt thì ở nước xáo dê, trâu người ta rang gạo, giã thành bột gọi là apriêng để nấu chung. Nước xáo bốc mùi thơm, người ta nêm gia vị gồm ớt, hành, muối và một ít mắm nêm.
Ngày nay, nước xáo thịt đã được thêm nhiều nguyên liệu như cà chua, hành tây… để làm cho nước xáo thịt ngon thêm.
Đồng bào Chăm hay dùng nước xáo thịt ăn với bánh aku, một loại bánh bột gạo hấp, gọi món ấy là Akunla Janrâu.

V. Các loại rau (Djăm): Người Chăm ăn rất nhiều rau: canh rau (ia habai), rau luộc (djăm tuk), rau muối (djăm jrauk) và rau sống (djăm băng mưtah).
- Rau luộc (djăm tuk): có thể là rau lá luộc được hái ngoài tự nhiên, hoặc trồng trong vườn nhà, đó là những loại rau nấu được canh và rau quả (mướp, cà, bí, bầu…).
Người Chăm luộc rau lá bằng cách đun nước sôi, sắc rau bỏ vào, và nếu là rau quả thì sắc bỏ vào nồi đun sôi cùng thời.
- Rau ăn sống (caduk): rau ăn sống rất phong phú, thường là các đọt cây rừng, và rau trên mặt nước. Rau đọt cây rừng như đọt lim, đọt dừng… vị chát, đọt cây cốc đắng, đọt đu đủ, thường luộc hoặc ăn sống vị đắng… rau lá lốt có vị cay. Các loại rau sống trên mặt nước như rau muống (djăm puôn), rau cần (djăm gălbô)…
Người Chăm thường có kinh nghiệm hái đọt cây khi đi rừng để ăn là loại cây nào có đọt màu đỏ thẩm cả lá thì có thể ăn được, nếu mặt trên đỏ dưới xanh hoặc chỉ đỏ một nửa thì hãy coi chừng có vị độc.
Rau rừng thường để ăn với thịt, cá rán hoặc nướng. Rau luộc ăn với cá, thịt kho.
Ngày nay, rau trên thị trường rất phong phú, nhưng người Chăm không bao giờ quên rau cỏ ngoài rừng hay trên mặt nước, vừa ngon lại không bị các chất hóa học thẩm thấu trong cây rau.
- Rau muối (Djăm jrauk): Người phụ nữ Chăm rất thạo muối các loại rau để làm thức ăn, họ có thể muối được rau lá, thân rau và rau quả, củ. Nhưng ngon nhất và được ưa chuộng nhất vẫn là rau màng màng với cà dĩa.
Rau màng màng sau trận mưa rào mọc rất nhiều, nhổ về cắt bỏ rể, thái cả thân và lá thành từng khúc ngắn từ 1,5 - 2cm, cà dĩa thái mỏng. Tất cả trộn lại đem phơi ngoài nắng. Nấu nồi nước muối (vừa phải) để nguội, rửa rau để ráo nước, bỏ vào muối ngập khỏi rau, ba ngày sau là có thể ăn được. Nếu muốn ăn nhanh, người ta đổ thêm nước vo gạo vào hủ, một ngày và một đêm đã ăn được.
VI. Chè - cháo (Bu): Người Chăm sử dụng chè cháo rất phổ biến và lâu đời, chè cháo ăn hàng ngày và dâng cúng.
- Chè, người Chăm gọi là “bu yamưn” (cháo ngọt), chế biến nguyên liệu chính là đường, đậu. Có hai loại chè: lỏng và đặc. Người Chăm thích chè đặc hơn, bằng cách pha loãng vào nồi chè, bột nếp, gạo nếp hoặc bột bán trên thị trường. Gừng quyết định mùi vị của nồi chè . Có khi người Chăm dùng hạt quế ngâm đổ vào nước đường nấu chín gọi là bu bauh aik.
- Cháo, người Chăm gọi là “bu”. Có hai loại cháo: bu brah (cháo gạo tẻ, nếp) và bu hăng (cháo cay). Cháo gạo như cách nấu của các tộc người khác là đun nước với gạo, gạo chín nở bung hạt đã có thể ăn được. Có khi người Chăm dùng bắp hạt giã bóc vỏ, mày nấu cháo gọi là butangơi, cách nấu như “bu brah”. Cháo cay nguyên liệu chín là gạo nếp với thịt có nêm gia vị (ớt, hành, mắm), lá hành ngò. Nếu nấu với cá thì luộc cá, bóc bỏ xương (nếu có), cháo chín nêm gia vị (hành, ớt, nước mắm, tiêu), hành ngò, quế.
Có khi người Chăm cũng dùng thịt các loại nhuyễn như ốc, tôm…để nấu cháo cay.

- Cháo chua, người Chăm gọi là “bu mưtham” được ưa thích trong mọi tầng lớp Chăm, đặc biệt là tầng lớp nông dân.
Cháo chua được chế biến khá đơn giản: gạo nấu cơm chín tới (vừa mới nở hạt cơm), bới để nguội, bỏ vào lu hoặc hủ đổ nước lã vào đem phơi ngoài sương đêm. Nếu là nồi lần đầu tiên qua hai ngày và hai đêm đã có thể ăn được, nếu là nồi tiếp theo, người ta lấy nước cháo chua nồi trước làm men mồi, qua một ngày đêm đã ăn được.
Cháo chua ăn rất bổ, ăn với cháo chua người Chăm thường dùng muối sả (sara plăng), muối xào giông hoặc khô cá nướng.
VII. Cơm (Lithei) - Xôi (điêp)
Cơm là món ăn chính của người Chăm từ xưa đến nay, là lễ vật không thể thiếu trong những lần cúng tế. Cách người Chăm đã dùng cơm cùng thời với nền văn minh lúa nước ở các nước Đông Nam Châu Á.
Trong dâng cúng tùy tính chất của cuộc lễ mà cơm được dọn bằng các vật dụng khác nhau; cúng trong thánh đường hoặc dâng cúng đức thánh Âu-huah, cơm được dọn trong một cái dĩa lớn vun tròn, tượng trưng cho bầu trời úp trên mặt đất, cúng thần Yang bằng tô vun, hay hộp bằng kim loại. Những ngày thường, người Chăm ăn cơm bằng chén và dùng đôi đũa để và vào miệng. Riêng người Chăm Islam ăn cơm bằng dĩa và dùng muỗng để múc.
Người Chăm có vài cách nấu cơm tùy vào khối lượng gạo tương ứng với thực khách và đặc trưng cuộc cúng.
- Nấu cho gia đình (từ 6-10 người) người ta vo gạo đổ nước đun xôi trực tiếp lên bếp, nồi cơm sôi chắt nước, cời than đặt lên, thỉnh thoảng “vần” để cơm chín đều.
- Nấu cơm cho các lễ đám đông người, vo sạch gạo để cho ráo nước. Đun nồi nước sôi đổ gạo vào. Cơm sôi cời than đặt lên.
- Nấu “cơm béo” (lithei lamưk) để cúng cho Patri (công chúa) bằng cách dùng nước luộc gà thay nước lã, gạo vo ráo nước đổ vào nồi. Cơm có chất béo và có màu hơi vàng vàng. Có nơi người ta dùng nước dừa pha cốt để nấu, thường thấy trong lễ cúng của người Chăm Bàni.
Người Chăm ăn cùng thời cơm với các món ăn, hoặc gắp hoặc chan. Người Chăm Bàni có bữa ăn vào rạng sáng thứ 31 tháng chay tịnh Ramưwan gọi là lithei yakai. Cơm được thổi bằng số lượng gạo mang về từ thánh đường vào sáng thứ 29 mùa chay. Cơm được ăn với muối mè và trứng (gà, vịt) luộc. Người được ăn phải là người theo đạo Bàni, đã qua các cuộc lễ bắt buộc như Katak Karơi cho người vị thành niên, Palikhah cho những ai đã có gia đình. Trước khi ăn phải được tắm rửa sạch sẽ và ngồi ăn theo kiểu xếp bằng nếu là đàn ông và ngồi duỗi tréo là phụ nữ. Trong khi ăn không được nói chuyện và ăn hết số cơm đã nấu, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn trong tương lai.
Ngoài ra trong thuật chữa một số bệnh, người Chăm dùng cơm gạo lức ăn với muối mè gọi là “brah ba sara larga”.
* Xôi (điêp) không được dùng làm món ăn chính như cơm, thỉnh thoảng mới nấu, nhiều nhất trong các cuộc dâng cúng.

Người Chăm có hai cách thổi cơm nếp (xôi), bằng cách vo sạch gạo nếp, đun nước sôi đổi gạo vào, chờ cạn nước, cời than đặt lên, hoặc hấp (Kahôn) bằng nồi đất nung hai tầng trên soi lỗ lót lá chuối, đổ gạo lên để nước bốc hơi xôi chín.
Người Chăm hay trộn đậu xanh hoặc đậu đen vào gạo nếp để nấu xôi. Và thường ăn xôi với muối mè đậu phộng.
VIII. Mắm (mưthin) - Muối (sara)
Đây là hai loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Chăm.
Mắm (mưthin): Hiện nay người Chăm không còn chế biến nước mắm nữa mà hay chế biến mắm cái. Mắm cái được làm từ cá nước ngọt và cá nước mặn.
- Mắm cái cá nước ngọt thường bằng các loại cá kích thước nhỏ như lòng tong (rataung), rô (Kruah),… Cá bắt về rửa sạch trộn với muối theo tỷ lệ để dùng mau hay lâu. Ngoài ra để mắm có vị chua và thơm, người ta hay trộn vào cá cơm nguội hoặc bắp rang giã thành bột.
- Mắm cá biển cũng vậy thường là cá có kích thước nhỏ như cá cơm, cá nục… có khi người Chăm còn muối mắm cá mòi, cá thu. Tuỳ thời gian sử dụng mà trộn muối theo tỷ lệ thích hợp. Ngày nay muối mắm cá nước ngọt có nơi còn trộn thêm đường ăn, để mắm có màu hồng và vị chua ngọt.
Người Chăm chế biến mắm cái để ăn cơm, ăn với rau phải có gia vị, thông thường là sả, ớt, hành và me chua.
Muối (sara): Muối là nguồn gia vị vô tận ở tỉnh Ninh Thuận, được sử dụng phổ biến để chế biến món ăn, bảo quản thực phẩm. Từ xưa, người Chăm sử dụng muối không những để làm gia vị mà còn là thành phần không thể thiếu trong các cuộc xua đuổi tà ma của thầy pháp (gru urang), hay dùng trong việc làm giảm quá trình tiêu hủy chất dầu thắp sáng như thầu dầu (tamưngưn), đậu phộng (ritak lauw), dừa (li-u)… dưới dạng muối hột. Và nghi thức đầu tiên của các vị chức sắc trong các cuộc dâng cúng lễ vật là cắn hạt muối - Kaik sara.
Muối được chế biến thành thức ăn như muối hầm, muối sả, muối lá xào giông, muối đầu cá khô.
- Muối hầm là muối được bỏ vào nồi đất nung đắp rơm hoặc củi xung quanh đốt, sức nóng làm hạt muối nổ bung thành những hạt mịn như cát. Gọi là sara pađaih. Muối hầm dùng làm gia vị và là thức ăn hàng ngày cho các phụ sản.
- Muối sả là muối hầm giã với củ cây sả. Gọi là sara plăng. Muối sả dùng để ăn với cơm nóng, cháo chua, làm gia vị.
- Muối lá xào giông là muối hầm trộn với bột (khô) lá xào giông. Gọi là sara halamưngei.
- Muối đầu cá khô là muối hầm giã với đầu cá khô nướng hoặc rang. Gọi là sara akauk ikan thu, muối này dùng để ăn với cơm, cháo chua.
X. Thức uống (kaya mưnhum) - Đồ hút (Pakaw)
Ngoài nước lã (nước sông, suối, giếng khơi, nước lọc…), người Chăm còn uống nước nấu với cây cỏ, nước nấu với đậu và các loại rượu.
- Nước nấu với cây cỏ gồm có nước trà (ia caiy), nước trà tiên (ia caiy glai), nước lá rằng (ia gauk klangjah), nước cây chùm bầu đực (ia halamưlar tanauw).
Thức uống nấu với cây cỏ ngoài trà mua ở thị trường còn lại được khai thác nơi địa bàn cư trú. Có loại cây cỏ dùng hết các bộ phận (lá, thân, rễ) như trà tiên, có loại dùng vỏ như cây bur, có loại dùng thân cây như cây chùm bầu đực… Nhưng đều băm nhỏ, xao khử thổ xong mới nấu uống.
Các loại nước nấu với cây cỏ trên ngoài làm thức uống còn là thuốc chữa bệnh như đầy hơi, kiết lỵ, thanh nhiệt…
- Nước nấu với đậu thường là hạt đậu săng, hạt đậu săng rang nấu uống, vừa ngon vừa thanh nhiệt và thơm. Ngoài đậu săng, người Chăm còn nấu đậu ván rang để uống, chủ yếu là mùi thơm của đậu.
- Các loại rượu (Alăg-tapai): Các loại rượu được người Chăm sử dụng rất phổ biến, các cuộc cúng thần nào đều có rượu, ngoài ra dùng để thết đãi khách hoặc uống trong các bữa ăn.
Rượu được chế biến bằng phương pháp chưng cất hoặc ủ đều sử dụng trái men (bauh tapei) ngoài nguyên liệu chính là ngũ cốc (gạo, nếp, bắp, mì…). Ngày nay, người Chăm không chế biến trái men mặc dù việc làm rượu vẫn còn.
Rượu chưng cất gọi là alăg, bà con đi mua mỗi khi dùng, còn rượu ủ được làm tại nhà gọi là “tapai”. Người Chăm chế biến hai loại tapai gọi là “tapai cuak” (rượu cần) và “tapai athăr” (cơm rượu).

Đồ hút (Pakaw):
Người Chăm hút thuốc lá do họ trồng hoặc mua. Thuốc trồng (pakaw pala) hái phơi khô, cuộc sắc bằng dụng cụ gọi là baltrăk pakaw. Thuốc được quấn sâu kèn bằng vỏ bắp (loại bắp địa phương vỏ rất mỏng

Phép ứng xử trong ăn uống:
1. Ăn uống hàng ngày:
Hàng ngày, người Chăm trải chiếu hoặc cà tăng theo chiều Đông - Tây để dọn ăn. Thường thường buổi sáng và buổi chiều ăn ngoài sân còn buổi trưa trong hiên nhà. Thức ăn được dọn trên mâm và ngồi theo thứ bậc trong gia đình, người phụ nữ (mẹ, chị) thường ngồi gần nồi niêu vừa ăn vừa núc bổ sung thức ăn cho mọi người.
Người Chăm không cầu nguyện trước khi ăn, và bữa ăn bắt đầu khi người lớn tuổi cầm đũa. Trong lúc ăn không được nói chuyện nhảm hoặc cãi cọ, không để rơi vãi hạt cơm và nếu vào buổi chiều phải thắp đèn dù trời hãy còn mờ sáng.
Ngoài ruộng rẫy, nếu không phải là buổi cúng thì bữa ăn không cần dọn trên mâm mà bê đặt dụng cụ đựng thức ăn chính giữa, mọi người dùng chung. Trường hợp không mang theo đũa chén thì họ vót cây rừng hoặc có khi dùng lá cây làm muỗng. Và mọi thành viên ngồi quanh không theo thứ bậc.
2. Ăn uống nơi đình đám: Tùy theo tính chất và đạo giáo Bàlamôn hay Bàni mà người Chăm có cách dọn ăn khác nhau.
Nếu là đám tang ở cả hai đạo giáo dọn ăn theo chiều Bắc - Nam, còn nếu là các đám khác như đám cưới, hoặc lễ cúng thần thánh, họ dọn ăn theo chiều Đông - Tây.
Người Chăm Bàlamôn dọn thức ăn trên mâm cho hai hoặc bốn người, còn người Chăm Bàni chỉ dọn mỗi mâm có hai vị cao niên hoặc chức sắc ngồi trên cùng, những người còn lại dọn tiếp diễn đặt trực tiếp chén đãi trên mặt chiếu. Được ăn khi mâm trên cùng đã cầm đũa.
Các vị chức ắc ở hai đạo giáo khi tham gia cúng kính trong nhà lễ (Kajang), mọi lễ vật (các món ăn - uống) dọn trên mâm cao chân lót lá chuối, gọi là salaw takai, mâm của người Chăm Bàlamôn có 5 chân, mâm người Bàni 6 chân. Các vị chức sắc ngồi theo kiểu duỗi tréo (Jauh maiy), và trước khi dùng tất cả đều cắn hạt muối và thực hiện nghi thức xin phép bằng động tác và lời niệm thầm trong miệng.
Người đàn ông Chăm dùng cơm nơi đình đám cũng như ở nhà đều cùng tư thế (ngồi xếp bằng), còn người đàn bà tư thế duỗi chéo như các vị chức sắc đó là tư thế chuẩn mực và bắt buộc.
Điều đáng lưu ý là bất kỳ đình đám nào, người đàn ông cũng được mới ăn uống trước mới đến phụ nữ.
Trong lễ cưới hai vợ chồng son được cùng ăn trên một cái mâm với nhiều thức ăn thể hiện sự chung thủy, gắn bó và giàu có.
3. Một số kiêng kỵ trong ăn uống:
- Đạo Bàlamôn kiêng ăn thịt bò.
- Đạo Bàni kiêng ăn thịt heo, thịt giông.
- Thầy pháp không ăn cá trê.
- Ông Mưduôn, muk rija dù là người Bàlamôn hay Bàni đều kiêng ăn thịt heo, thịt giông.
- Có tộc họ kiêng ăn trái mít, chuối nải nguyên, nếu muốn hoặc phải cúng hoặc phải làm động tác ném bỏ.
… Những điều kiêng kỵ trên ắt là có lý do của nó. Tuy vậy, đứng về mặt dinh dưỡng học nhiều kiêng kỵ trong ăn uống sẽ làm cho con người thiếu chất, con người phát triển chậm và tinh thần không thể minh mẫn được.
Nhận thức “vấn nạn” ấy, ngày nay một số tiểu gia đình trẻ đã có một vài xu hướng cải cách ăn uống, người Bàlamôn đã ăn được thịt bò, và Bàni đã ăn được thịt heo. Tuy vậy, họ không thể ăn uống công khai trong thôn làng.
Trong tương lai, chắc chắn những điều kiêng kỵ ấy sẽ bị phá vỡ, thay vào đấy xu hướng “đủ chất dinh dưỡng” chiếm ưu thế trong cộng đồng người Chăm, đặc biệt là các tiểu gia đình trẻ.

Nhạc cụ truyền thống


Nhạc cụ là thành tố quan trọng để tạo nên phần hồn lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện biểu diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh.
Phải nói lễ hội Chăm là nơi bảo tồn, lưu giữ nhạc cụ Chăm. Hầu hết các loại nhạc cụ Chăm nhằm mục đích để phục vụ cho lễ hội.
Nhạc cụ Chăm sử dụng trong lễ hội bao gồm: Đàn Ka nhi, Rabap trống Ginăng, Basanưng, kèn Sarakai, Hagar (trống nhỏ), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ). Ngoài ra còn có Mã la do người Raglai biểu diễn. Các nhạc cụ trên có các đặc điểm sau đây:
Đàn Kanhi:là loại đàn kéo một dây tương tự như đàn nhị của người Kinh. Thân đàn Kanhi được làm bằng mai rùa vàng. Trên thân mai rùa vàng có gắn một đoạn tre nhỏ đặc cỡ ngón chân cái, dài khoảng 0,65cm. Ở đầu đoạn tre này có hai cần để kéo dây gọi là hai tai Kanhi. Từ hai cần kéo (hai tai) nối xuống với cây tre bằng một sợi là dây đàn chính của Kanhi. Ngoài ra cần kéo này nối với cây tre bằng lông đuôi ngựa uốn cong như cánh cung. Đây chính là dây kéo của đàn Kanhi để tạo ra âm thanh.
Theo truyền thuyết Chăm đàn Kanhi là biểu tượng cho 4 đứa con của thần mẹ xứ sở - Po Inư Nưgar có tên là: Jakak, jakan chuyên trông coi việc trên trời và jalo, jalai trông coi ở trần gian (dun ya). Do vậy đàn Kanhi người Chăm sử dụng trong hai trường hợp sau:
- Kanhi dùng trong đám tang gọi là “Kanhi đam”. Người Chăm thường sử dụng 2 đàn Kanhi cho đám tang 2 thầy Paseh và sử dụng 4 cái cho đám tang 4 thầy Paseh. Kanhi trong nghi lễ này do nghệ nhân biểu diễn phục vụ cho công việc trần gian là nhằm để phụ hoạ với bài hát lễ tiễn đưa hồn người quá cố về thế giới bên kia.
- Đàn Rabap cũng tương tự, cùng họ với đàn Kanhi trên nhưng chỉ được sử dụng đơn chiếc. Rabap vừa là vật tổ môn phái của thầy Kadhar - một thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời (yang prong). Do đó Rabap chỉ được thầy Kadhar sử dụng để hoà âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như lễ hội đền tháp, lễ tế thần linh puis, payak, lễ tế trâu…
Cả hai loại Kanhi và Rabap đều có 2 ấm chính: kò và kí. Khi diễn tấu thầy Kadhar phải ngồi xếp bằng đặt tay lên đùi tay phải kéo cánh cung, tay trái điều khiển nốt nhạc. Khi khai lễ (Pachah yawa Rabap) thầy Kadhar phải kéo Rabap phát ra 3 tiếng khò và 3 tiếng khí để thức giấc mọi sinh linh và các thần thánh ở vũ trụ.
Kèn Saranai:
Đây là nhạc cụ thổi bằng hơi, cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: Phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông, dùng để thổi; phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc;và bộ thứ ba loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu hoặc ngà voi, rỗng ruột.
Đây là phần phát âm thanh. Kèn Saranai có 5 nốt âm thanh tương đương với nốt nhạc đồ, pha, sol, la, rê và cũng là tượng trưng cho 5 ngũ quan con người. Kèn Saranai được nghệ nhân Chăm sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ hội múa Rija.
Trống Basanưng:
Đây là loại trống tròn, bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45m. Mặt trống bịt da dê, thân trống bằng gỗ. Xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và có quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống có 3 âm chính: tác, tăm, tằm. Trống này được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người. Trống Basanưng được xem là nhạc cụ, là vật tổ của thầy Mưduôn - thầy cúng lễ tín ngưỡng dân gian phục cho lễ hội múa Rija. Trống vỗ với tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực, vỗ hai tay vào trống.
Trống Ginăng:

Trống ghi năng Chăm là trống dài hình trụ, thường biểu diễn bằng cặp đôi để nghiêng nằm chéo nhau. Thân trống thường làm bằng gỗ lim, khoét rỗng bên trong. Thân trống dài khoảng 0,72m, hơi phình ở giữa và được bào nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống căng da, mặt nhỏ căng da dê, đường kính 0,24m, mặt này người Chăm gọi là chang (mặt dương) vỗ bằng tay có 2 âm chính tớ, tìn.
Còn một mặt lớn căng da trâu, đường kính khoảng 0,28m, mặt này là mặt chính của trống người Chăm gọi là Băm (mặt âm) có hai âm chính là: dìn, gleng và luôn đánh bằng đùi gỗ. Trống Ginăng tượng trưng cho đôi chân con người.
Theo quan niệm người Chăm về 3 loại nhạc cụ: kèn Saranai, trống Basanưng, Ginăng là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.
Hagar (trống cái): Đây là loại trống cơm, thân trống dài khoảng 0,5m làm bằng gỗ đục rỗng bên trong. Mặt trống căng bằng da dê đường kính khoảng 0,2m. Đây là loại trống nhỏ chỉ sử dụng trong đám tang Chăm. Cùng họ với loại trống này còn có trống gọi lễ trong thánh đường nhân lễ hội Ramưwan của người Chăm Awal. Như trống gọi lễ này có kích thước lớn hơn, hình bầu dục, đường kính khoảng 0,4m.
Chiêng (cheng):
đây là loại nhạc cụ gõ bằng đồng có đường kính 0,3m. Chiêng có 2 loại: chiêng mặt bằng và chiêng có núm. Chiêng thường dùng dùi gỗ, ở đầu dùi quấn vải mềm dùng để gõ. Chiêng được sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ múa Rija, tế lễ thần linh Puis, payak. Ngoài ra còn được sử dụng trong đám tang. Bên cạnh chiêng còn có Mã la nhưng nhạc cụ này do người Raglai biểu diễn nhân ngày hội cúng lễ ở đền tháp.
Tù Và (săng):
Đây là nhạc cụ bằng ốc biển dùng để thổi. Theo truyền thuyết đây là vật linh mà đấng Dêbitathuôr dùng để sáng tạo vũ trụ và mọi sinh vật trên trần gian, tù và còn là vật tổ Po Adhia dùng để hành lễ trong đám tang Chăm Ahiêr, đặc biệt trong nghi thức lễ tẩy uế (talih) đất tháp trong các lễ hội ở đền tháp Chăm.
Nhạc cụ Chăm tuy chưa phong phú và đa dạng nhưng là một phương tiện không thể thiếu được trong lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm chỉ vang lên khi có lễ, có hội, không phục vụ cho sinh hoạt đời thường. Nhạc Chăm chỉ đánh thức những sinh linh ở cõi trần và thần thánh nơi chốn thiên đường và lôi cuốn người xem về với tín ngưỡng, về với lễ hội. Như vậy, đến lượt mình nhạc cụ Chăm đã thực sự trở thành phương tiện nghệ thuật lôi cuốn người xem về với lễ hội và ngược lại lễ hội Chăm chính là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn nhạc cụ Chăm.

Tóm lại
: Di sản văn hóa vật chất từ đến tháp, đồ tế tự như áo quần, võng lộng, kiệu khiêng đến thức ăn truyền thống và nhạc cụ… tồn tại trong lễ hội Chăm không chỉ là biểu hiện dưới dạng vật chất đơn thuần mà nó là biểu tượng tâm linh mang ý nghĩa tổng hòa. Sự tổng hòa ấy là sự gắn kết với nhau, quan hệ nhiều với nhau trong một không gian linh thiêng. Đó là mối quan hệ giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan di tích; mối quan hệ giữa con người với tâm linh; mối quan hệ giữa con người với các biểu tượng (vật thờ, tượng thờ) và mối quan hệ giữa con người với nhau… Toàn bộ những mối quan hệ đó chuyển hóa bổ sung lẫn nhau, để rồi chắt lọc, cô đúc, tinh chất lại thành những dạng thức vật chất trong lễ hội Chăm. Với ý nghĩa đó lễ hội Chăm trở thành nơi bảo tồn văn hóa vật chất của người Chăm khá đồ sộ, là bảo tàng dân gian sống động đáp ứng đời sống tinh thần của người Chăm.

 Nghệ thuật múa


Đa phần các điệu múa của người Chăm đều gắn liền với lễ hội mà hệ thống lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no khoẻ mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên.
Không chỉ gắn bó với lễ hội, múa dân gian Chăm còn gắn liền với những dịp trọng đại của gia đình như cưới xin, khánh thành nhà... Điều đặc biệt là múa dân gian Chăm hầu hết là múa có đạo cụ như khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào đạo cụ mà gọi tên cho từng điệu múa.
Trong sinh hoạt lao động thường ngày của người Chăm, đầu là phương tiện chuyển tải lâu đời rất thuận tiện. Có khi ta bắt gặp họ đội những bao lúa trên đầu từ ruộng về làng, hoặc những món đồ khá nặng. Bóng dáng các cô gái đội pụ đi lấy nước chính là những hình ảnh lao động truyền thống của đồng bào Chăm được tái tạo bằng hình tượng nghệ thuật, đó là múa Đoa pụ. Múa khăn cũng là điệu múa dân gian lâu đời của dân tộc Chăm có mặt trong hầu khắp các sinh hoạt vǎn hoá. Những chiếc khăn đội đầu thường ngày của phụ nữ được đưa vào điệu múa với những biến hoá phong phú. Các nghệ sĩ thường sử dụng cổ tay để bật hai đầu khǎn gây ấn tượng rộn ràng, ẩn hiện.
Nếu như múa Đoa pụ với tính chất dịu dàng, sâu lắng, tế nhị thì múa quạt lại rộn ràng, vui tươi, sôi động. Chiếc quạt như tiếng nói thân tình, khi vui quạt rung lên, khi buồn thì úp xuống, lúc yêu đương lại duyên dáng đẩy đưa, khi nghĩa tình quạt sóng đôi bay lượn...
Múa roi là múa của nam giới, nó biểu hiện sự khoẻ khoắn, lòng quật cường có thể chiến thắng mọi chông gai thử thách. Đôi khi đạo cụ trong múa roi được thay thế bằng cây mía nhưng nội dung ý nghĩa của điệu múa không có sự thay đổi, nó vẫn biểu hiện sự đấu tranh kiên cường, chiến thắng tà ma quỷ quái để dành lại cuộc sống thanh bình.
Ngoài múa roi, múa chèo thuyền có lẽ là điệu múa lâu đời nhất trong kho tàng nghệ thuật múa Chăm. Múa chèo thuyền là một tác phẩm phản ánh sinh hoạt lao động vùng biển của người Chăm với nội dung đầy tính nhân văn. Nó không chỉ miêu tả quá trình lao động trên biển của cư dân, mà còn đề cao đức độ con người, đồng thời khẳng định ý chí con người có thể chiến thắng mọi gian nan thử thách.
Múa dân gian Chăm dựa trên bốn động tác cơ bản như: múa con công, múa con gà tây, múa quí phái và múa hoàng tử. Các nghệ nhân đã phát triển, biến hoá, kết hợp lại tạo thành những động tác múa hoàn chỉnh. Có thể xuyên suốt bài múa chỉ có bốn động tác chính mang tính chất qui nạp, chủ đạo nhưng vẫn tạo được ấn tượng độc đáo, cuốn hút người xem vào không khí linh thiêng, sâu thẳm nhưng chứa đầy ẩn vọng. Động tác tay có bốn động tác, còn động tác chân trong múa Chăm truyền thống chỉ có một bước nhún nhưng không thể thiếu, đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển của các điệu múa Chăm. Động tác nhún êm dịu, bồng bềnh như những đợt sóng nhẹ trên mặt biển mênh mông. Trong động tác chân có những nét phụ tô điểm cho những nhịp chính gây cảm giác lạ thường.
Nhạc cụ chính trong múa Chăm gồm bộ ba trống baranưng, kèn saranai và trống ghinăng. Âm nhạc góp phần tạo không khí vui tươi, sôi động và làm cho bước chân, điệu múa của các chàng trai, cô gái thêm thướt tha, yểu điệu. Múa bao giờ cũng dựa trên cơ sở tiết tấu của âm nhạc, múa và nhạc luôn đồng điệu với nhau giữa động tác và nhịp trống, mỗi điệu múa lại hoà quyện cùng một tiết tấu riêng, mang âm hưởng riêng. Âm nhạc cùng những điệu múa đã ǎn sâu vào trong tâm hồn mỗi người dân và góp phần không nhỏ tạo nên nét đặc sắc của múa truyền thống Chăm, mang đậm phong cách văn hoá của cộng đồng người Chǎm.
Dân tộc Chăm rất tự hào về nền kiến trúc, điêu khắc của mình, nó là sự thể hiện tài năng xây dựng với những kỹ thuật độc đáo, tinh tế và tính thẩm mỹ cao. Những bức phù điêu độc đáo trên các tháp cổ như tháp Hoà Lai, tháp Mỹ Sơn, tháp Mẫn... cùng những điệu múa dân gian Chǎm đã tạo nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ, từ đó, những điệu múa mang chủ đề "khát vọng", "bến nước tình yêu", "lên tháp"... của các biên đạo múa Đặng Hùng, Ngọc Canh, Dương Tấn Đức, Nguyễn Thị Hiển lần lượt được ra đời. Các tác phẩm điêu khắc đã cung cấp không ít cứ liệu dù bằng đá mà như có da, có thịt. Bằng sự tĩnh lặng của đá mà như đang vận động, sức sống của nó không chỉ cho ta sự sao chép, sưu tầm đơn giản mà mang ý nghĩa khái quát tư tưởng, trừu tượng hoá khách quan. Đó chính là vẻ đẹp huyền diệu từ chính cái đẹp của con người, hợp nhất giữa ước mơ và hiện thực để tiến tới một tương lai tươi sáng.
Những tác phẩm múa Chăm của các nhà biên đạo múa được xây dựng dựa trên những chuẩn mực và đặc thù riêng. Từ các đặc điểm mang tính quy tắc, từ nhiều tư thế hoàn chỉnh của các tượng múa trong kiến trúc điêu khắc Chăm, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng đã tổng hợp lại được 8 thế tay và 4 thế chân.
Người Chăm quan niệm sống phải có âm, có dương nên kết cấu ngôn ngữ của từng động tác múa phải theo qui tắc cân đối, thượng hạ âm dương tương đồng. Sự cân đối không chỉ nằm trong không gian mà cân đối trong từng chi tiết động tác. Nếu một bên tay thượng thì phải có một bên chân hạ, hay tư thế bên dưới gối khuỳnh ra thì bên trên tay cũng phải khuỳnh ra, tay trên ngửa thì tay dưới úp... Giống như trong múa dân gian, âm nhạc trong múa cung đình Chăm giữ một vai trò quan trọng. Múa cung đình được các nhạc sĩ sáng tác dựa trên những vũ điệu của các nhà biên đạo, có khi là bản nhạc trầm hùng sâu lắng, nhưng có lúc lại nhẹ nhàng thiết tha mà tác động mạnh mẽ đến tâm hồn của người nghệ sĩ.
Những điệu múa dân gian Chăm cũng như những điệu múa cung đình đã phần nào thể hiện được sự sáng tạo, tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân trong cộng đồng người Chăm.

 Lễ nghi đám cưới của người Chăm theo Hồi giáo Bàni

Qui định của luật và giáo lý Hồi giáo buộc tín đồ Hồi giáo chung sống với nhau phải thông qua lễ cưới hỏi, cho nên người Chăm hồi giáo nào chung sống không thông qua lễ cưới hỏi thì họ gọi là “dì nà” là điều không tốt. Từ quan niệm giáo lý hôn nhân đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống người Chăm Hồi giáo, và có thể nói đó là tiêu chuẩn đầu tiên để làm thước đo chuẩn mực của một người hồi giáo.
Người Chăm Hồi giáo Islam cũng như người Chăm Hồi giáo Bà Ni coi sự độc thân là một tội lỗi, nên trong gia đình thường gả con sớm.
Quan hệ nam nữ trước hôn nhân của người hồi giáo Bà Ni được quan niệm giống như của những người theo đạo Bà La Môn. Nghĩa là bước đầu của lễ thành hôn là một giai đoạn khó khăn, người ta thường dùng một danh từ có nhiều nghĩa đó là danh từ “pa luak pa noih” (dạm hỏi) để chỉ: thầm kín, cần nhiều tài khôn khéo, xã giao, hùng biện (dạm hỏi).
Cũng như người Chăm Bà La Môn, người Chăm Hồi Giáo Bà Ni quan niệm người con gái thuộc nội tộc, con gái là nội tướng, có bổn phận nội trợ, quản lý tài sản, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng con, thờ cúng tổ tiên v.v... Người con gái ngoài bổn phận làm mẹ, làm vợ còn cả tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh và rất hiếu khách. Quan niệm của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng giống như người Chăm Bà La Môn mà chúng tôi đã trình bày.
Lễ Pa luak Pa Nôih (Dạm hỏi)
Cũng giống như người Chăm Bà La Môn, đây là giai đoạn hoạt động khó khăn nhất của gia đình nhà gái. Mọi việc được tiến hành âm thầm bí mật, càng kín đáo càng tốt. Vì e rằng câu chuyện mai mối không thành gây ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình và thân phận cuộc đời của người con gái. Quan niệm về phương diện gia đình, về phương diện thân phận người con gái, về giai cấp và kể cả đức tính cần có của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cùng giống như quan niệm của người Chăm Bà La Môn mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên.
Khi con gái trưởng thành, cha mẹ lo tìm kiếm trong làng hay vùng lân cận có chàng trai nào xứng đáng với con mình, chủ động tính toán việc chồng cho con mình bằng cách nhờ ông mai mối (ôn binhuk) qua dò la, tìm hiểu.
Nếu cha mẹ đàng trai đồng ý thì định ngày cho phép bên gái cử một số đại diện lại gia đình bên trai để làm lễ hỏi, cũng như lễ dạm hỏi ở người Chăm Bà La Môn. Giai đoạn dạm hỏi mọi việc luôn luôn diễn ra về đêm, trong âm thầm. Khi có kết quả tốt mới tiến hành ban ngày bằng lễ hỏi.
Lễ Nao pôih (Lễ hỏi)
Lễ hỏi của người Chăm Hồi giáo Bà Ni giống như lễ hỏi người Chăm Bà La Môn, đây là giai đoạn mọi việc tiến hành bán công khai, tế nhị, nhưng sáng tỏ và có nhiều triển vọng. Sau lễ dạm hỏi, nếu hai bên gia đình và hai dòng họ đồng ý, thì nhà gái mang trầu cau đến nhà trai xin ấn định thời gian làm đám hỏi. Đặc biệt lễ hỏi của người Chăm Hồi giáo Bà Ni khác với lễ hỏi của người Chăm Bà La Môn là nhà gái không cần hỏi ý kiến của Thầy cả mà hai bên bàn bạc thống nhất ngày đám hỏi.
Theo cổ tục, tới ngày ấn định nhà gái sửa soạn các lễ vật gồm các loại như sacada hay còn gọi là pei saliya (làm bằng trứng gà, bột và đậu phộng được trộn chung với nhau pha thêm nước dừa xong cho vào một cái tô đem chưng cách thuỷ); pei nung (bánh tét), bánh truyền thống “nònya” (được làm bằng trứng gà với bột nếp, hình bánh các loại “pì ngù” tức là các loại hoa, xong bỏ vào chảo chiên); “pei mang” (giống bánh cốm của người Việt) và một số trái cây như chuối, xoài, nho v.v... và một ít rượu, đựng trong một cái “ciết” mang qua nhà trai. Cùng đi với “ôn binhuk” (ông mai) còn có cha mẹ, cậu, dì và một số người họ hàng thân tộc gần nhất. Bên nhà trai cũng mời họ hàng thân tộc gần gũi nhất đến tiếp chuyện với đại diện họ nhà gái. Nếu không có việc gì trục trặc xảy ra thì họ cùng nhau uống nước, ăn bánh bàn bạc về chuyện hôn nhân. Nhà trai còn tổ chức tiệc mặn hoặc tiệc ngọt để thết đãi đàng nhà gái. Nhà gái không mời nhà trai sang nhà gái “làm khách” giống như lễ hỏi của người Chăm Bà La Môn.
Sau khi lễ hỏi được hai bên đồng ý và thống nhất, nhà gái cử đại diện (thường là cha mẹ) mang một ít bánh trái đến nhà ông binhuk (ông mai) để tạ ơn và nhờ ông mai đến gia đình đàng trai bàn bạc chính thức ngày “cló panôih” (lễ đính hôn).
Lễ Takloh Panôih (Lễ Đính hôn)
Đây là giai đoạn hai bên bàn bạc, đưa ra ngày chính thức để tổ chức đám cưới, đồng thời xác định lại chú rể có đồng ý lấy cô dâu hay không. Theo tục lệ thường tổ chức vào ban đêm vào các ngày thứ hai (pụk), thứ ba (thôm) theo lịch của người Chăm.
Đến ngày lễ đính hôn, cha mẹ cô gái cùng với người thân trong gia đình như ông cậu, bác, dì cùng cô dâu và ông mai mang rượu, bia, và có khi nước ngọt, đặc biệt trong lễ đính hôn phải có cá khô (thường là “kan pàu”(cá đuối)). Trầu cau cũng là món không thể thiếu trong lễ đính hôn. Tất cả mọi thứ được đựng trong một cái “ciết” truyền thống của người Chăm do chính cô dâu đội.
Bên nhà cũng mời tất cả những người thân, họ hàng để đến chứng kiến lễ đính hôn của thành viên dòng tộc mình. Lễ đính hôn thường tổ chức ở giữa sàn nhà và không có bàn ghế, mọi người ngồi trên hai dãy chiếu dài.
Lễ thường bắt đầu vào khoảng 7 đến 8 giờ tối. Cha mẹ đàng trai đón đàng gái rất ân cần. Nghi thức đầu tiên là ông mai rót rượu khấn vái ông bà, tổ tiên đàng trai báo cho biết là ngày đính hôn của một thành viên gia đình, đồng thời cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ. Sau đó, người trưởng tộc hoặc cậu của chàng trai đứng lên hỏi cô gái có đồng ý lấy anh ta làm chồng không. Cô gái trả lời ưng thuận thì lễ được chấp nhận. Ông hỏi tiếp chàng trai có chấp nhận cô gái làm vợ mình không. Nếu thuận cả hai, thì đương nhiên lễ đính hôn hoàn thành.
Sau khi các nghi thức của lễ đính hôn được hoàn thành, nhà gái đem những thức ăn như cá, rượu, bánh trái ra thết đãi họ đàng trai. Hai họ trò chuyện, ăn nhậu mừng buổi lễ đính hôn thành công và kết thúc lễ đính hôn để chuẩn bị cho buổi lễ cuối cùng và quan trọng nhất trong các lễ đám cưới đó là lễ “pa kháh” (lễ cưới).
Sau lễ đính hôn, người Chăm hồi giáo Bà Ni có tục lệ chú rể tương lai phục vụ vô điều kiện cho nhà gái một tuần. Đây là việc thử thách người rể tương lai có giỏi hay không. Thường chú rể tương lai làm những công việc cày bừa, đi chặt củi, phụ việc lặt vặt trong gia đình nhà gái. Ngoài ra cùng thời gian này, cô dâu cũng sang nhà đàn trai giúp việc như nấu cơm, gánh nước cho cha mẹ chồng tương lai của mình

Lễ Pa khah (Lễ cưới hay lễ thành hôn)
Lễ cưới của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng như lễ cưới của người Chăm Bà La Môn, thường được tiến hành sau lễ hỏi ít ngày, nhưng được quá 4 tháng, có lẽ do không muốn để lâu nhiều kẻ dèm pha gây khó khăn cho hôn nhân, ảnh hưởng không tốt cho việc cưới.
Người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng thường ấn định ngày cưới giống bhư người Chăm Bà La Môn, thường là vào buổi chiều thứ tư ngày chẳn, trong hạ tuần trăng từ 16 đến cuối tháng theo lịch Chăm của các tháng, tháng ba, sáu, tám, mười và tháng mười một.
Theo chế độ mẫu hệ việc tổ chức đám cưới do nhà gái tổ chức. Tới ngày cưới, nhà trai sửa soạn lễ rượu, trầu cau, cầu trời và ông bà, tổ tiên (prók) đã khuất chứng giám cho việc hôn nhân của con cái mình.
Đến ngày đã định tất cả những người bà con thân tộc kể cả bạn bè thân thiết của đàng trai đều tập trung đông đủ. Đám cưới của người Chăm Hồi giáo Bà Ni không giới hạn người đến dự như người Chăm Bà La Môn. Tất cả mọi thành viên họ hàng đàng trai đều có quyền đến dự, không phân biệt gái trai, già trẻ. Mỗi thành viên của dòng họ đều không quên mang theo tiền gọi là “chền chúk” tiền (gâup gàn), tức tiền họ hàng dùng để làm của hồi môn cho chú rể.
Trước khi đưa chú rể qua nhà gái, chú rể không cần làm lễ rửa tội giống như chú rể Chăm Bà La Môn. Nhà gái cử ông mai đến nhà trai để đón rước họ hàng chàng trai về đàng gái để làm lễ cưới. Đi đầu là tộc trưởng dẫn đường, kế đến chú rể, các ông già, thanh niên, sau đến đàn bà dẫn đầu là vợ tộc trưởng, kế đến là các bà già, cuối cùng là các cô thiếu nữ. Tất cả mọi thành viên của dòng họ đàng trai ăn mặc rất lịch sự; các bà, các cô thiếu nữ trang điểm và đeo nhiều đồ trang sức rất lộng lẫy và hấp dẫn.
Đoàn đưa rể đến gần nhà gái khoảng 20 - 30m mà chưa đến giờ tốt (giờ lành) thì phải dừng nghỉ 10 - 15 phút. Nhà gái cử một đoàn do người đàn ông cao tuổi cùng với người cậu của cô dâu, mang chiếu, trầu cau ra thết đãi họ hàng nhà trai, chờ giờ tốt. Tất cả cùng nhau trò chuyện, uống nước. Đến đúng giờ lành đã định, một số người trong đoàn nhà gái quay trở vào nhà để thông báo cho phía nhà gái biết là đoàn nhà trai đã đến, để tiếp đón chính thức. Đúng giờ lành, nhà trai vào nhà gái theo thứ tự trên. Để tỏ lòng kính trọng đàng trai, nhà gái để một lu nước “khan ya” có một người đàn bà cầm gáo múc nước dội cho từng thành viên nhà trai rửa chân tay và mời họ theo hàng chiếu đã trải sẵn bước vào nhà. Các thành viên đàng trai được ông mai, cha mẹ và họ hàng đàng gái tiếp đón rất nồng hậu và cởi mở, đặc biệt kính trọng, không để mất lòng đàng trai. Nếu để mất lòng và làm những điều không vừa ý nhà trai thì bị nhà trai bắt lỗi và có thể dừng đám cưới. Trường hợp như thế xảy ra thì hai bên phải thoả thuận, thường tộc trưởng hai bên đứng ra giải quyết. Nhà gái phải làm lễ “thú tội”. Trường hợp trên thường xảy ra ở đám cưới người Chăm Hồi giáo Bà Ni và người Chăm gọi là “mứk kai” (bắt lỗi).
Trong nhà, người ta trải ba chiếc chiếu dài thành ba hàng dọc, hàng chiếu giữa dành cho ông mai, chú rể, những người già cả và những người có chức sắc; hàng chiếu bên phải dành cho họ hàng đàng trai; hàng chiếu bên trái dành cho họ hàng đàng gái. Hiện nay không còn ngồi dưới chiếu, thay vào đó là bàn ghế.
Đến giờ qui định, chú rể được ông mai dẫn vào phòng the của cô dâu, lúc này cô dâu đã được trang điểm và đang ngồi chờ sẵn. Phòng của cô dâu là một gian ở phía trong của căn nhà, kiến trúc theo lối nhà cổ truyền được gọi là “thang yơ” (nhà tục). Trong phòng the được kê một tấm phản hoặc trải chiếu dưới nền đã được yểm bùa chú, chú rể đến ngồi kế bên cô dâu, ông mai cầm chiếc chiếu đập xuống ba lần, khấn vái các thần linh rồi trải xuống tấm phản của cặp hôn nhân, đầu chiếu quay về hướng Bắc, đuôi chiếu quay về hướng Nam. Kế đó ông mai cầm chiếc gối đã để sẵn ở đó đẩy sát vào nhau.
Trong lúc này, người ta mang vào một mâm lễ gồm trầu cau, vôi, rượu, để trước mặt cô dâu và chú rể, trên chiếc phản. Ông mai thắp nến làm lễ bổn mạng cho hai người, rồi rót rượu khấn vái thần linh yamư, Pôinưgar, pôpan và tổ tiên, ông bà chứng giám cho hôn lễ này là trịnh trọng lấy một lá trầu to, đẹp từ trong một hộp đựng trầu cau, xẻ đôi dưa cho cô dâu một nữa, cô dâu lại xẻ đôi miếng trầu ra làm hai phần, đưa cho chú rể một phần. Cô dâu lấy ít vôi bôi vào trầu cau của chú rể và của mình, rồi hai người cùng ăn miếng trầu trong niềm hạnh phúc. Sau đó cô dâu chú rể đợi đến giờ ra làm lễ.
Theo nghi lễ của Hồi giáo, đám cưới phải cử hành ở thánh đường. Muốn làm lễ gia chủ phải đến hỏi người đứng đầu trong đạo gọi là “pô grù” ông này cho ngày tốt để cử hành hôn lễ. Gia đình, cha mẹ phải báo cho họ hàng láng xóm biết đúng ngày đó đến thánh đường làm lễ với con mình. Nhưng ở người Hồi giáo Bà Ni nguyên tắc này gần như không được thực hiện nguyên xi mà đã có cải biến phần nào.
Theo giáo lý của Hồi Giáo, chú rể và cô dâu cùng họ hàng đến thánh đường làm lễ trước rồi sau đó mới được quyền vào phòng the. Nhưng do ảnh hưởng của đạo Bà La Môn, chú rể vào phòng the trước, cho nên đành phải làm lễ rửa tội ở nhà, không đến thánh đường bằng cách tới ngày lễ đã định, người ta dựng một cái nhà lợp bằng tranh gọi là”càn” để làm lễ. Bên trong “càn” được trang hoàng rất đẹp. Dưới mái nhà, người ta che một hay hai tấm ra trắng có tua phủ hai bên.
Y phục của chú rể gồm áo “ao loák” (áo truyền thống của người Hồi giáo Bà Ni) hoặc áo trắng (kiểu áo sơ mi), sarong trắng và đặc biệt chú rể phải cột đầu bằng khăn “xếu” có tua hai bên màu trắng. Cô dâu cùng mặc y phục truyền thống gồm áo “ao may” (áo dài Chăm), váy, khăn choàng (khar drăm). Toàn bộ y phục cho lễ cưới toàn màu trắng.
Đến giờ làm lễ (thường vào khoảng 8 giờ sáng), cô dâu và chú rể bước ra khỏi phòng the đi đến nơi làm lễ cưới “càn”. Hai ông thầy là imưm và một ông grù (người đứng đầu tôn giáo) ngồi chờ sẳn. Bắt đầu nghi lễ, các giáo sĩ đọc kinh cầu nguyện, ngồi trước mặt giáo sĩ là chú rể sau đó là cô dâu, tiếp đến là mẹ và những người thân trong gia đình và họ hàng. Những người thân của cô dâu chú rể cầu nguyện thánh Alla ban phước lành cho cô dâu và chú rể.
Chiếu được trải dài từ nhà cho đến nơi làm lễ mục đích để cho chân cô dâu và chú rể không được chạm đất. Khi lễ đọc kinh cầu nguyện vừa chấm dứt, cha mẹ cô dâu nói với chàng rể rằng “Hôm nay chúng tôi cho anh cưới con gái chúng tôi là con gái này đây”. Chú rể đưa hai tay ra và trả lời: “slan, slan, slan” tức là “tôi xin nhận” 3 lần trước mặt thầy cả và hai ông i mưm là nhân chứng cho cuộc hôn nhân. Tiếp đến cô dâu chào các giáo sĩ bằng cách lạy 3 lần rồi trở vào phòng the một mình, để chú rể ở lại đó với hai vị i mưm ngồi hai bên chú rể. Đặc biệt trong lễ cuới phải có một cặp đứa trẻ từ 4 đến 6 tuổi, mặc bộ áo truyền thống màu trắng giống như bộ áo cưới của chú rể gọi là “nưk là con” để chứng giám cuộc hôn nhân. Ông Thầy Cả bảo giáo sĩ hỏi chú rể xem có bằng lòng cho các giáo sĩ đứng ra làm trung gian, để cho cuộc hôn nhân anh ta hợp thánh đạo không? Những tặng vật chú rể mang tặng cô dâu gồm những tặng vật gì? Theo tục lệ cổ truyền, quà tặng của chú rể cho cô dâu bắt buộc phải có một chiếc nhẫn hình mắt cá, bằng bạc, đồng hay bằng vàng tuỳ theo hoàn cảnh gia đình chú rể khá giả hay không (chiếc nhẫn này người Chăm gọi là “kara mưta”). Sau đó họ cầu phúc cho họ bằng những đoạn kinh trích trong kinh Coran. Thường trong lễ cưới, lễ cầu nguyện cho cuộc hôn nhân đều có lư hương dùng để đốt trầm. Có lẽ hương trầm được đốt và toả hương để mang lời cầu nguyện đến với thánh Alla.
Có lẽ tất cả các nghi lễ hôn nhân này có ý diễn lại đám cưới con của thánh Môhamat là Ali và Pô Tha Mứh. Tất cả những nhân vật chính của cuộc hôn nhân này đều mang tên của Thánh nhân toàn là những vị đã sáng lập ra Hồi giáo. Nhưng chỉ mượn tên trong lúc làm lễ mà thôi. Ông Thầy cả lấy tên hoàng tử Môhamat, vị đệ nhất i mưm làm nhân chứng là hoàng tử “Abubaken”, chú rể là ông hoàng Ali hay chàng Bauguidoeu Ali, cô dâu lấy tên Phatimau

Sau đó hai vị i mưm tay giữ chiếc nhẫn là người làm chứng cho cuộc hôn nhân bước vào nhà. Móc ngón tay trỏ vào nhau hướng về phía cô dâu và nói với nàng “Phatimau”: Hoàng tử Môhamat phái chúng tôi đến đây để hỏi nàng có chấp thuận chàng Ali làm chồng không? Cô gái trả lời rằng “Tôi vui mừng chấp nhận”. Một vị giáo sĩ đeo chiếc nhẫn vào ngón tay của cô dâu, một giáo sĩ khác trải tấm vải trắng lên chiếu, rồi hai giáo sĩ này đi ra, hai tay vẫn móc vào nhau tiến vào hướng nơi làm lễ và báo cáo với vị chủ trì tức Thầy Cả rằng”Phatimau đã chấp nhận chàng Ali”. Ông grù cầm tay chú rể đến với cô dâu. Hai giáo sĩ đi trước, chú rể đi sau, ngoài ra đi sau còn có cả hai em bé mặc bộ áo truyền thống toàn màu trắng gọi “nư là con”. Hai em bé này có nhiệm vụ mang tấm chiếu và tấm vải trắng để trải lên giường cưới. Khi vào đến phòng the, chú rể lấy ra ba miếng trầu mang đập bằng hòn đá trên ngưỡng cửa.
Trong phòng the của cô dâu, có bốn bà già gọi là mú úa, (người chỉ dẫn cô dâu), trải chiếu và vải trắng ra cho cô dâu ngồi lên, chú rể cùng ngồi xuống bên cạnh cô dâu. Vị i mưm nói “Đây là giường nằm của hai người trong tối tân hôn” và “đây là chồng của nàng đây, nàng có bằng lòng không”. Cô dâu cùng với bốn mú úa đều trả lời “chúng tôi ưng thuận”. Các vị i mưm cầm tay chú rể đặt vào tay cô dâu và người ta đẩy hai vợ chồng ngồi gần nhau. Tiếp đến hai vị i mưm rắc nước phép lên đầu hai người gọi là nước phép rửa tội, cầu phúc cho cô dâu, chú rể, dặn họ đôi điều về mặt giáo lý, xong ngồi ra ngoài. Sau đó cô dâu lấy trầu cau và bôi một ít vôi đưa vào miệng chú rể, chú rể cởi áo cưới vắt lên người cô dâu. Sau đó hai người ra nơi làm lễ, một lần nữa lạy các giáo sĩ. Cô dâu lạy cha mẹ chồng. Các giáo sĩ tiếp tục đọc kinh và kết thúc lễ cưới.
Lễ Dua anưk atâu (Lễ trình diện tông môn)

Cũng giống như người Chăm Bà La Môn. Sau lễ cưới 3 ngày, cha mẹ cô dâu làm các loại bánh gồm bánh sacada (là loại bánh truyền thống của người Chăm) peinung (bánh tét) cùng trầu cau, chuối và một lít rượu đựng trong một cái (ciết) do cô dâu, cha mẹ cô cùng với một số người bà con thân tộc gần gũi nhất như cậu, bác, dì v.v... đến nhà trai làm lễ tạm biệt cha mẹ đàng trai. Lễ này diễn ra giống như lễ “ta lơh akhar ao” của người Chăm Bà La Môn đã được trình bày trên đây.
Sự Bãi hôn và Đính hôn

Gia đình người Chăm cho phép đôi nam nữ tự do lựa chọn người mình kết duyên. Nhưng sau khi bằng lòng nhận trầu cau, bánh trái của nhà gái rồi thì coi như đã hứa hôn, nếu bên nào bãi hôn không có lý do chính đáng, làm lỡ dở việc hôn nhân thì bên đó coi như là thất ước, bội hôn. Theo tục lệ thì bị phạt vạ và bồi thường duyên phí tổn cho bên kia. Theo thuật ngữ người Chăm gọi là “táh pàu kia” và “tạh plao mưta”. Trá duyên tức là dắt một cặp trâu bồi thường duyên nợ, tuy nhiên nếu hoàn cảnh gia đình nghèo thì làng châm chước, phạt vạ nhẹ hơn. Điều đặc biệt là nếu người con trai, con gái đã già, hay ly dị một lần thì dù có thất ước, bội hôn cũng chỉ phạt rất nhẹ. Ngoài ra hai bên đã định ngày cưới, đột nhiên một bên có người thân thiết mất thì phải xin hoãn lại đám cưới. Sau đó, hai bên định ngày khác chậm nhất là một năm.
Các lễ nghi của gia đình Hồi giáo BàNi:

Lễ Bai Plày (Lễ đầy tháng):

Người Chăm Hồi giáo Bà Ni không có lễ nghi đặt tên, cắt tóc cho đứa trẻ như Hồi giáo Islam, họ không có tên thánh như Mônamad, Ibrohim, Moasa, … Tên cho con cái tự họ đặt, không theo qui tắc của luật Hồi giáo. Thường đặt tên theo tên người Việt như Phương, Phú, Vân…
Khi đứa con đầy tháng, họ làm lễ đầy tháng mừng cho đứa trẻ. Lễ vật gồm một con dê, cơm. Thường làm lễ vào buổi chiều do 3 ông thầy đảm nhiệm gồm thầy i mưm, ông tìnk, ông chan. Lễ được bắt đầu do ông i mưm chủ trì đọc kinh cầu nguyện dâng cho Alla phù hộ cho đứa trẻ; mẹ, cha của đứa trẻ cầu nguyện cho đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh và có chức vị cao trong xã hội. Đọc kinh vừa dứt, họ dâng lên cho các vị tăng lữ một mâm cơm. Sau khi các tăng lữ ăn xong, đọc kinh một lần nữa và chấm dứt buổi lễ đầy tháng.
Lễ đầy tháng mang ý nghĩa mừng đứa trẻ ra đời và cầu nguyện thánh Alla ban phước lành và mọi điều may mắn đến với đứa trẻ. Trong lễ đầy tháng người Chăm Hồi giáo Bà Ni không đặt tên thánh và họ không quan niệm tên thánh khi chết bạn bè và người quá cố sẽ gọi nhiều lần để nhắn nhủ vong hồn trong lễ cầu nguyện, hoặc đến ngày tận thế, đến ngày phán xét cuối cùng họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh như những tín đồ Hồi giáo Islam đã làm. Có lẽ do Hồi giáo Bà Ni bị Chăm hoá làm mất đi hoặc biến dạng một số lễ nghi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội người Chăm.
Vào năm Minh Mạng thứ 14, Triều đình Huế bắt người Chăm phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Hán, Phú, Mã, Châu…Đặc biệt các họ Ông, Ma, Trà, Chế (dành cho vua Chàm), dân chúng không được mang.
Lễ Tang Ma của người Hồi giáo Bà Ni:
Khác với người Chăm Bà la môn theo tục hoả táng, người Hồi giáo BàNi chôn người chết.
Ở người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng quan niệm về người chết giống người Chăm Bà La Môn. Khi có người chết phải làm lễ tang ma để linh hồn của người đó được siêu thoát. Ngược lại nếu người quá cố không được làm lễ tang ma, linh hồn sẽ không được siêu thoát, sẽ bắt tất cả những người thân trong dòng tộc của họ. Cho nên người Chăm Hồi giáo Bà Ni rất coi trọng tang ma.
Trong lễ tang ma có rất nhiều nghi lễ phức tạp, có sự khác nhau giữa đám tang người giàu, người nghèo. Tục lệ còn qui định những đứa trẻ dưới 15 tuổi không được làm đám tang mà chỉ chôn bình thường. Đối với người chết cũng chia ra làm 2 trường hợp: chểt bình thường và chết không bình thường.
+ Chết bình thường: chết vì bệnh, được quyền làm tang ngay.
+ Chết không bình thường: như chết trận, chết vì thú dữ phải chôn một thời gian từ 1-3 năm, sau đó mới cải táng đem chôn ở nghĩa địa và làm đám tang. Tục lệ cũng qui định, khi người bệnh hấp hối tất cả những trong gia đình và dòng họ phải đến thăm và canh chừng ngày đêm. Họ quan niệm rằng, khi người bệnh tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là “chết tốt”, nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, “chết xấu” “ha mư tai phào”. Cũng chính vì vậy họ có điều kiện để chuẩn bị rất cẩn thận tất cả những nghi lễ liên quan đến đám tang từ áo quần, trầu cau, gạo…
Thường người Chăm Hồi giáo Bà Ni chôn người chết ngay vào buổi chiều nếu thân nhân tắt thở lúc sáng, hoặc chôn ngay sáng hôm sau nếu chết vào buổi chiều.
Chúng tôi đã trực tiếp dự đám tang của bà Thập Thị Tép ở làng Văn Lâm, xã Phước Nam huyện Ninh Phước tắt thở vào lúc 5 giờ chiều ngày 27 tháng 11 năm 1993. Mọi người trong dòng họ và kể cả bàn con xóm làng đến thăm viếng cùng nhau dựng lên một cái nhà bằng tranh rất đơn sơ gọi là “chànk” dùng để cho thi hài người chết và là nơi các vị tăng lữ, các bậc I mưm, ông Grù đọc kinh cầu nguyện cho người chết. Người chết được người thân trong gia đình khiêng vào một cái lán lợp tranh rất đơn sơ để tắm rửa thật sạch sẽ, vì họ quan niệm rằng người chết phải tắm rửa thật sạch sẽ, kỹ lưỡng trước khi đem vào “chànk” nơi các tăng lữ sẽ đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Nếu không tắm rửa sạch sẽ thì người chết được coi là xấu, không tốt. Sau khi thi hài được tắm rửa dưới sự chỉ đạo của ông thầy i mưm thì được đưa vào “chànk” đầu quay về hướng Bắc. Người ta phủ lên thi hài vài bộ quần áo của người quá cố, mặt được phủ một chiếc khăn. Suốt đem đó, các tăng lữ được mời đến đọc kinh.
Tùy theo tuổi tác người chết như: già, trung niên, trẻ mà ông “Grù” phân công các tăng lữ đến đọc kinh và đưa thi hài đến hào huyệt nghĩa trang gọi là “khồn”. Người già chết do 12 ông tăng lữ đưa, trung niên 6 ông và nhỏ do 2 ông đưa. Qui tắc của Hồi giáo Bà Ni không để người chết quá 24 tiếng đồng hồ. Suốt đêm đó các tăng lữ đọc kinh 3 đợt, cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt lành.

Sáng sớm hôm sau vào lúc 6 giờ sáng, thân nhân đưa thi hài đi tắm một lần nữa. Trong lúc này các cụ già, thanh niên chẻ trẻ để làm quan tài. Quan tài thường làm bằng tre, chia làm 3 ngăn, ngăn giữa dùng để đặt thi hài, 2 ngăn 2 bên để cho tăng lữ đọc kinh cầu nguyện. Sau khi tắm rửa xong, tăng lữ được phân công đọc kinh dẫn đường và là người điều khiển đưa quan tài đến huyệt, vẩy nước thánh vào thi hài, vừa đọc kinh. Sau đó lau khô rồi bắt đầu liệm thi hài gồm có một quần lót trắng, váy trắng, áo trắng. Đối với đàn ông mặc 3 lớp, đàn bà mặc 5 lớp. Xong, đưa thi hài vào “chànk”. Các con cháu, anh em đến gần coi mặt người chết lần cuối, sau đó các thân nhân đều lạy 3 lạy.
Cuối cùng người ta khiêng thi hài bỏ vào quan tài, phủ khăn lại, quan tài 12 người khiêng đi đến huyệt, đi đầu là một tăng lữ được Thầy Cả chỉ định dẫn đường, tiếp sau là các tăng lữ như i mưm, Pô Grù và các tăng lữ khác cùng với người thân, tất cả bà con xóm làng đi theo sau quan tài tiễn đưa người quá cố. Thân nhân vừa đi, vừa khóc. Tục lệ người Hồi giao Bà Ni cho thân nhân khóc và kể lể không như luật Hồi giáo Islam không cho thân nhân khóc vì cho rằng nước mắt sẽ trở thành cái ao nước làm ngăn bước đường của người quá cố đến với thượng đế. Khi quan tài được khiêng gần đến nghĩa trang, tăng lữ dẫn đường ra lệnh đổi đầu thi hài, bằng cách xoay quan tài đưa chân ra phía trước. Vì họ cho rằng làm như thế sẽ làm lạc hướng lối đi, linh hồn người chết sẽ không trở về quậy phá người thân. Cách nghĩa trang 10-20m, quan tài được hạ xuống (nếu người già chết), người ta phải khiêng luôn 4 tăng lữ ngồi hai bên quan tài để đọc kinh, đến nghĩa trang của dòng họ, chủ nhà (pô thang) chỉ định nơi chôn, tăng lữ làm phép, con cái và người thân cầu nguyện đồng thời khấn, lạy nơi huyệt, cầu Alla cho người thân mình nằm xuống tốt lành, cầu hồn người quá cố được lên thiên đàng tốt đẹp. Huyệt thường được đào sâu 1,5 - 2m. Sau khi huyệt đào xong tất cả người thân lạy quan tài lần cuối cùng. Sau đó tăng lữ xuống huyệt làm lễ, ở trên huyệt được che một tấm khăn lớn, thi hài được đưa xuống huyệt từ từ, đầu hướng về phía Bắc, chân hướng về phía Nam, tăng lữ đặt nghiêng thi hài, đầu hướng về mặt trời lặn. Ở trên mộ, các tăng lữ đọc kinh cầu nguyện dâng cho Alla. Tiếp đến người thân của người quá cố đọc đoạn kinh “yà sim” cầu nguyện cho linh hồn người chết sớm trở về cõi thiên đường, trong lúc này 3 ông tăng lữ dưới huyệt tiếp tục đọc kinh và làm nghi thức đọc kinh nhắn nhủ với người quá cố. Xong phần nghi thức, các thân nhân người chết lấy mỗi người một nấm đất bỏ xuống huyệt, tiếp đến vài người thân xuống huyệt dùng cuốc cào đất xuống phụ giúp với tăng lữ. Nếu đất được lấp đầy huyệt họ cho là chết tốt, ngược lại không lấp đầy huyệt cho là chết xấu. Đặc biệt, hào huyệt được san bằng giống như cách chôn của người theo đạo Hồi giáo islam chứ không làm nấm mồ như cách chôn của người Việt hoặc người Hoa. Thi hài được chôn xong họ lấy một nhánh cây gai cắm lên tượng trưng cho người chết. Mọi người về nhà. Khi ra về không quay lại nhìn mồ, vì họ tin rằng làm như vậy linh hồn người chết sẽ theo họ về quậy phá. Họ hàng, gia đình tiếp tục làm đám tuần ở nhà trong 3 ngày. Ngày đầu gọi là “dấu an”, ngày thứ hai “tá pàu dâu” (giết trâu), ngày thứ ba “pố non” (lễ tiễn đưa). Nếu nhà giàu, họ làm 7 đám tuần vào các ngày sau: lần thứ nhất là vào ngày thứ 7 tính từ khi người chết, tiếp đến là ngày thứ 10, ngày thứ 30, ngày thứ 40, ngày thứ 100 và cuối cùng là đầy năm, khi tròn một năm người ta quan niệm linh hồn người chết sẽ về thăm nhà.
Trước khi làm đám tuần, họ chuẩn bị nhiều thứ rất tốn kém, có khi tốn hàng chục triệu đồng gồm một cặp trâu, 1 tấn gạo, cá, trầu cau, đường… Tất cả dân làng trong xóm làng đến chia buồn, sau đó được thết đãi rất linh đình làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình có người quá cố. Đám tuần (phathi) được tiến hành các nghi lễ sau đây:
Lễ Dấu Van:
Sau khi chôn người chết vào buổi sáng xong, buổi chiều gia đình tiến hành làm lễ dấu van. Lễ này rất đơn sơ lễ vật gồm gà, cơm. Đầu tiên gia đình mời 6 ông tăng lữ trong đó có ông Pô Grù, I mưm. Lễ bắt đầu vào khoảng 4-5 giờ chiều. Tất cả tăng lữ vào “chànk” làm lễ. Họ ngồi đối diện nhau ở giữa là khoảng trống dùng để lễ vật. Lễ do Thầy Cả điều khiển cùng với tăng lữ đọc kinh. Kinh vừa dứt cho mang đến cho mỗi thầy một mâm cơm, ăn xong, Thầy Cả làm lễ đọc kinh lần cuối rồi kết thúc. Gia đình thết đãi bà con đến dự.
Lễ Tak Ku Bau Yâu (Lễ giết trâu):

Lễ nghi này tiến hành ngay ngày hôm sau ngày lễ dấu van. Lễ này là lễ giết trâu, tuy nhiên nếu có người nghèo không đủ điều kiện kinh tế, người ta làm cá.
Lễ được bắt đầu vào khoảng 1 giờ chiều. Đầu tiên thân chủ mời 2 ông tăng lữ làm lễ giết trâu. Lễ được tiến hành ngay trước cổng nhà gia chủ. Họ đào 2 cái hố sâu 40-50cm, trâu được quật ngã, dùng gậy cột 4 chân lại kéo đến hố đã được đào, mỗi hố một con, 1 ông tăng lữ đứng trước 2 mâm lễ vật dùng để giết trâu gồm gươm, 1 bó nhánh cây, 1 hũ nước. Sau khi làm lễ đọc kinh xong, các ông tăng lữ tiến đến hố đã được đặt hai con trâu, mỗi ông cầm gươm và một nhánh cây, đọc vài câu kinh rồi bắt đầu cắt cổ trâu, xong phần lễ.
Đến 4 giờ chiều họ mời 6 tăng lữ, gồm ông grù, 2 ông I mưm và 3 ông thầy “chan”. Họ vào “chànk” ngồi đối diện nhau, ông Grù đọc kinh trước rồi sau đó các tăng lữ đọc theo, kinh vừa dứt, họ mang vào cho mỗi ông tăng lữ một mâm chè, sau đó kế tiếp là mâm thịt luộc rồi 1 mâm cơm gồm thịt, canh lá, nước mắm… Họ ăn từng đợt kế tiếp nhau. Cuối cùng tăng lữ đọc kinh một lần nữa, thân nhân khấn vái xong rồi chấm dứt buổi lễ. Gia đình thết đãi bà con xóm làng. Lần này số lượng bà con rất đông.
Tối đến, người thân và một số và con xóm làng làm giúp một số công việc như xếp đặt đồ đạc, quần áo, bánh trái được ngăn nắp để chuẩn bị cho ngày hôm sau làm lễ pố non (lễ tiễn đưa)

Lễ Pố Non (Lễ tiễn đưa linh hồn người quá cố):
Lễ được tiến hành vào buổi sáng. Khoảng từ 5 giờ sáng tất cả tăng lữ được mời đến đọc kinh, Trước mặt tăng lữ (4 chan) là khoảng trống dùng để đặt mâm lễ vật. Trong khi tăng lữ đọc kinh dưới sự điểu khiển của Thầy Cả, tất cả những người thân đều vô nhà lễ “chànk” để lạy và cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt đẹp. Trước mặt nhà lễ là áo quần, vải vóc của người thân xếp cao 1m, và một hàng hoặc 2 hàng “ciết” (giỏ đựng trái cây, bánh kẹo…) của tất cả những lễ vật trên gửi về cho những người ở bên kia thế giới. Sau khi vừa đọc dứt, thân chủ dâng mâm cơm, mâm chè cho các vị tăng lữ, ăn xong tăng lữ đọc kinh lần cuối. Trong lễ pố non này, người thân của người quá cố như con hay người anh, hoặc cậu, đã qua lễ “akrắk” (người được chứng nhận thuộc kinh Coran), đọc vài đoạn kinh dâng thánh Alla, cầu xin linh hồn người quá cố được siêu thoát. Sau khi kinh cầu nguyện được đọc xong, người thân mang “ciết” ra đứng hai hàng dọc. Đi đầu là các vị tăng lữ, vừa đi vừa đọc kinh, tiếp đến là thân nhân, họ hàng. Đoàn mang lễ vật đưa tiễn đến ngã tư đường, tăng lữ cho đoàn ngừng làm lễ đọc kinh để chấm dứt lễ.
Lễ tuần (padthi) được chấm dứt cách 2 ngày, thân nhân của người quá cố đi đến một con sông tìm 2 hòn đá tròn nặng khoảng 20-50kg. Tùy theo người chết là già hoặc trẻ mà có hòn đá khác nhau, người chết càng già thì đá càng lớn. Họ mời một tăng lữ, mang 2 hòn đá đến đặt ở hai đầu mộ, xong tăng lữ làm phép. Mộ của người Chăm Bà Ni không đắp cao và cũng không xây cất, chỉ để 2 đầu mộ hai hòn đá.
Ngoài ra người Chăm Hồi giáo Bà Ni có tục chôn tạm (pà doa) và sẽ làm lễ cải táng sau 1-3 năm. Những người chết phải chôn tạm là những người chết bất đắc kỳ tử hoặc đàn bà chết lúc mang thai, chết lúc sinh đẻ. Những người chết trong trường hợp trên không được chôn ngay trong nghĩa trang mà họ phải nằm lẻ loi một thời gian, chờ cho lúc xác tan hết thịt thì mới đào lên để làm lễ đám tuần chôn vào khu nghĩa trang của dòng họ. Việc cải tang bình thường khác.
Nghĩa trang của người Chăm Hồi giáo Bà Ni phần lớn nằm ở động cát ven biển. Nhiều làng Chăm như làng Văn Lâm có nghĩa trang Sơn Hải, Cà Ná, Ya Klang, ở làng Phước Nhơn có nghĩa trang Cà Đú thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Quá trình biến đổi về gia đình và hôn nhân từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay:
Ngày nay gia đình Chăm ở Việt Nam đã biến đổi rất nhiều, tuy rằng gia đình ‘mư nga vôm’ vẫn tồn tại song song với những qui định luật pháp về hôn nhân gia đình của nước CHXHCN Việt Nam tạo điều kiện cho việc phát triển tiểu gia đình với những qui định chia gia tài cho các con gái. Những thay đổi trong nền nông nghiệp và kể cả công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đẩy mạnh chiều hướng này. Ngày nay, các gia đình nhỏ hơn trước nhiều, thường chỉ một hoặc hai con, và sớm có quyền tự quản.
Với công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển khoa học kỷ thuật trong sản xuất, trong phong trào xây dựng văn hoá mới, chế độ gia đình và hôn nhân của người Chăm có nhiều thay đổi rõ rệt. Nề nếp phong kiến và giáo lý tôn giáo từ không cho trồng cây bóng mát do sợ ma quỷ đậu, không treo ảnh trong nhà thì nay đã đổi mới, khắp mọi nơi đã mọc lên những hàng cây tô thêm vẻ đẹp phong cảnh của “pley” Chăm.
Sự đổi mới cư trú đã làm thay đổi nếp sống, sinh hoạt gia đình trước hết được biểu hiện trong cơ cấu gia đình. Do việc sắp xếp lại cách ăn ở và xây dựng lại hợp tác xã với chế độ khoán được thực hiện, nhiều hộ gia đình nhỏ xuất hiện. Ví dụ: Ở thôn Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và thôn kinh tế thuộc thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã giảm dân và thành lập thôn mới. Thôn Hữu Đức có thêm làng Tân Đức, thôn Văn Lâm có thêm khu kinh tế Văn Lâm. Ở đây nhiều gia đình nhỏ ra đời. Sự xuất hiện tiểu gia đình là một tiến bộ của xã hội Chăm phù hợp với phương thức sản xuất hiện nay. Cùng với việc sinh hoạt trong gia đình có nhiều biến đổi, cuộc đấu tranh loại bỏ mê tín dị đoan đang tồn tại trong gia đình Chăm hiện nay diễn ra khá mạnh, Nhất là ở bộ phận Chăm Trung Bộ. Điểm nổi bật nhất ở sau ngày giải phóng là xoá bỏ bớt những phong tục, lễ nghi hủ tục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế gia đình, đặc biệt là không tồn tại những lễ nghi cúng thần linh ma quái nghi lễ “pô phùm” (tục cúng ruộng) đã hoàn toàn mất hẳn.
Trong sinh hoạt của từng gia đình người Chăm hiện nay đã tiếp thu ảnh hưởng nền văn minh và văn hoá mới, những thành tựu khoa học đã thúc đẩy cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình mang tính chất thành viên của xã hội mới. Những cảnh bần cùng, nếp sống thiếu văn minh trong sinh hoạt hằng ngày đang dần dần thay bằng sinh hoạt văn minh hơn (như ăn uống được giữ gìn vệ sinh do tiếp thu ảnh hưởng văn hoá của người Việt) đã tác động rất mạnh đến nhận thức trong gia đình phải được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Trong ăn uống, thói quen như ăn bốc đã được sửa đổi trong cộng đồng Chăm. Hiện nay hầu hết người Chăm Trung Bộ ăn bằng đũa như người Việt. Người Chăm Nam Bộ ăn bằng muỗng, đôi khi ăn bốc nhưng phải rửa tay sạch sẽ. Thức ăn nước uống được nấu chín và đun sôi cẩn thận. Nhìn chung sau ngày giải phóng nếp sống mới đã được xây dựng khắp ở mọi nơi, mọi làng xã thuộc cộng đồng dân tộc Chăm, góp phần làm biến đổi nhiều mặt các sinh hoạt hằng ngày, nâng cao đời sống tinh thần và xã hội của người Chăm, tạo điều kiện cho họ theo kịp trào lưu tiến hoá của xã hội các cộng đồng tộc người ở Việt Nam.

Sau năm 1975 trở đi chiều hướng phát triển này ngày càng nhanh do nhiều công ăn việc làm gia tăng và hệ quả của nó là con người sống cơ động hơn. Ở người Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận những người trẻ tuổi đã phát hoang làm rẫy, trồng nho, nuôi bò đồng thời rút kinh nghiệm, học hỏi thêm khoa học nông nghiệp, áp dụng phương pháp và kỷ thuật phục vụ nông nghiệp. Nhiều chủ gia đình đứng ra buôn bán, điều mà trước giải phóng ít người Chăm làm được, bởi lẻ các quán trong xóm làng Chăm đa số đều do người Việt thành lập.
Ngày nay có nhiều chủ gia đình nhận những công việc thời vụ tại những khu đô thị mở rộng hoặc đi buôn bán rong quần áo, vải, dầu gió, dầu thơm v.v... thường thấy ở người Chăm Islam Nam Bộ.
Ngày nay sự phát triển của khoa học kỷ thuật, sự phát triển của các phương tiện và máy móc truyền thông cũng không hậu thuẩn cho tình cảm cộng đồng gia đình. Gia đình không còn là nơi trao đổi tin tức để cha mẹ hoặc ông, bà đọc Ariya dưới đêm trăng, kể chuyện cổ tích hoặc hơn thế nữa đứa trẻ không còn được nghe kể chuyện lịch sử, anh hùng ca của dân tộc, tất cả đi vào dĩ vãng, nhường bước lại cho truyền hình với nhiều chương trình khác nhau đã làm cho việc xem truyền hình đã trở thành một sinh hoạt cá nhân. Mỗi thành viên gia đình ngày càng có những nguồn thông tin riêng và ngày càng ít có chiều hướng trao đổi những thông tin ấy với người thân thích. Điều đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, đây có thể là một thời kỳ quá độ và có thể xuất hiện những tập tính mới. Ví dụ đang xuất hiện ngày một nhiều “nhà ở cho hai thế hệ” trong đó bố mẹ già và con cái có thể chung sống với nhau, đồng thời vẫn độc lập với nhau. Cũng có thể việc phục hồi những lễ hội truyền thống tập hợp nhiều thế hệ có một vai trò riêng sẽ đi đến chỗ thắt chặt hơn nữa các sợi dây liên hệ gia đình. Phải chăng đang ra đời một mô hình văn hoá mới.
Trong chế độ hôn nhân của người Chăm đã có nhiều biến đổi khá rõ nét. Như chúng ta đã biết, giáo lý của tôn giáo đã chi phối khá sâu sắc trong gia đình và nhất là trong hôn nhân của người Chăm. Các lễ nghi trong hôn nhân phải thực hiện theo giáo lý, cấm không được sửa đổi. Sự sửa đổi trong lễ nghi hôn nhân được coi là “harâm” xấu và cuộc hôn nhân không được chấp nhận chính thức. Sự bảo thủ của giáo lý đã tác động rất mạnh đến tư tưởng của mỗi thành viên. Mỗi tín đồ đều phải tuân theo lễ nghi giáo lý của tôn giáo đặt ra. Mặc dù tôn giáo đã ăn sâu vào mỗi tiềm thức của mỗi thành viên Chăm, nhưng kiềm hãm được ảnh hưởng của sự phát triển của nền văn minh; khoa học kỷ thuật đang hằng ngày phát triển mở đường cho nhân loại đến với nền văn minh rực rỡ và người Chăm đã đón nhận thành tựu của thời đại khoa học ấy.
Trong gia đình hôn nhân của người Chăm cũng đã chịu ảnh hưởng một phần nào những yếu tố văn minh hiện đại. Ví dụ khi tiến hành lễ nghi đám cưới xong, cô dâu và chú rể có thể mặc y phục theo phong cách của chú rể hiện đại như mặc áo vét, mang cà vạt, mang giày. Cô dâu có thể thuê khăn đóng hoặc bộ áo cưới dài kiểu Tây phương. Sự đổi mới về nhận thức thẩm mỹ đã tô thêm khung cảnh ngày hôn lễ có phần đẹp, lộng lẫy và đa dạng hơn.
Ngoài sự thay đổi y phục của cô dâu và chú rể, còn có sự thay đổi về cách nấu ăn để thết đãi họ hàng. Trước kia thường thết đãi những món ăn cổ truyền, nay đổi mới còn có thức ăn có đủ gia vị giống những món ăn của người Việt. Về cách trang trí cho ngày hôn lễ cũng khang trang và lộng lẫy hơn trước, đặc biệt những bông hoa được đưa vào trang trí, điều mà trước đây không có.
Hôn nhân trong xã hội Chăm ngày nay dưới ảnh hưởng của nền văn minh thời đại đã tiến bộ rất nhiều, nhất là trong nhận thức về nếp sống mới đẩy lùi trong số hủ tục. Ngoài ra quan niệm hôn nhân “con cô, con cậu” vốn được ưa thích, hiên nay đã giảm đi rất nhiều. Người Chăm đã nhận thức: Trong hôn nhân cặp vợ chồng có dòng máu gần nhau sẽ gây nên hiện tượng đồng huyết ảnh hưởng xấu cho con cái và thế hệ người Chăm sau này. Ngoài ra tư tưởng phong kiến xưa tồn tại rất mạnh ở gia đình và xã hội người Chăm. Nhưng sau ngày giải phóng đường lối đúng đắn đã dẫn dắt người Chăm thoát khỏi những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ, không rộng lượng trong tình yêu gây nên cảnh chia cắt nhiều cặp tình nhân.
Hiện nay trong hôn nhân người Chăm đã giảm bớt lễ nghi rườm rà ví dụ như trong thết đãi không dùng rượu, đây là điểm nổi bật nhất. Điều đó làm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Trước đây tình trạng men rượu đã gây ra rất nhiều chuyện ẩu đả và những chuyện không hay khác.

Trong hôn nhân không thể nói đến tác động của yếu tố tôn giáo. Tôn giáo chi phối hoạt động của xã hội cũng như sinh hoạt hằng ngày nhất là trong hôn nhân của người Chăm. Mặc dù trong xã hội Chăm tín ngưỡng và văn hoá dân gian tác động trở lại làm cho hai tôn giáo Bà La Môn và Hồi Giáo có sự đan xen lẫn nhau về lễ nghi. Sự đan xen đó của hai tôn giáo tưởng chừng để đoàn kết các bộ phận thuộc cộng đồng dân tộc Chăm với nhau, nhưng do ảnh hưởng của giáo rất lớn làm cho những cặp tình nhân không cùng chung một tôn giáo bị chia cắt. Tình cảnh này tồn tại trong xã hội Chăm hằng mấy trăm năm nay, khiến rất nhiều cặp tình nhân phải kết liễu cuộc đời một cách thảm thương. Sự đau thương đó đã biến thành nỗi đau của hàng trăm con tim người Chăm, họ phải đành bó tay trước giáo lý tôn giáo, điều đó đã thể hiện trong bản trường ca nổi tiếng “Chăm Bà Ni” mà ai cũng biết.
Sau ngày giải phóng (1975) bản chất cố hữu không kéo lùi lại sự tiến hoá của xã hội. Sự giáo dục của nhà nước đã hướng tư tưởng của cộng đồng dân tộc Chăm ngày một tiến bộ. Sự phân biệt giữa hai tôn giáo nhất là trong hôn nhân đã có sự chuyển biến và thay đổi một phần nào. Đã có nhiều nhiều cặp trai gái khác nhau về tôn giáo yêu thương nhau và được sống hạnh phúc. Có những lúc họ vấp phải sự ngăn chặn và phản đối kịch liệt của cha mẹ và có khi cả dòng họ, nhưng tình yêu đã vượt qua tất cả. Sau năm 1975, riêng ở Phan Rang đã có khoảng 10 cặp và Phan Rí có vài cặp vợ chồng là những người khác tôn giáo. Đặc biệt có cặp vợ chồng là con của ông trùm đạo “pô grù” Quang Sang theo đạo Bà La Môn, là cặp Quảng Đại Trường và Lưu Thị Hoà (vào 1987). Những cặp vợ chồng khác đại đa số là giới trí thức.
Hôn nhân và gia đình người Chăm ở Việt Nam đã có sự đổi mới nhất định trong thời đại hiện nay, tạo cho xã hội Chăm có nếp sống văn minh lành mạnh hơn trước, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tàn dư của xã hội phong kiến xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Chăm hàng mấy thế kỷ. Với hiện tượng trên tuy chưa phổ biến trong xã hội Chăm nhưng là dấu hiệu hoàn toàn mới mẻ phản ánh một phần nào sự đấu tranh quyết liệt của tuổi trẻ Chăm với những tập tục cổ hủ của giáo lý đã tồn tại trong xã hôi Chăm hàng chục thế kỷ.

 

Lễ hội múa Chăm (Lễ Rija)


Rija là một hệ thống lễ múa của người Chăm bao gồm lễ Rija Nưgar (lễ hội múa tống ôn đầu năm), lễ Rija harei (lễ hội múa ban ngày), lễ Rija dayaup (lễ hội múa ban đêm) và lễ Rija Pruang (lễ hội múa lớn). Trong 4 loại lễ hội múa Rija vừa nêu trên, ngoài lễ hội múa Rija Nưgar là lễ nghi liên quan đến cộng đồng làng Palei, còn các lễ khác chỉ là lễ múa trong phạm vi tộc họ và gia đình.
I. Lễ Rija Nưgar (Lễ hội múa tống ôn đầu năm):
Thời gian mở lễ Rija Nưgar:

Đầu năm khi nghe tiếng sấm rền vang ở phía đông, phía tây là báo hiệu một năm mới người Chăm sắp đến. Người Chăm bắt đầu tổ chức lễ hội đầu năm Rija Nưgar để tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, để năm mới đón nhận những điều tốt lành cho dân làng và đón nước, cầu mưa, chuẩn bị mở đầu cho việc khai trương, cầy cấy. Người Chăm có thành ngữ:
Khi nghe tiếng sấm hướng đông - tây
Nhân dân hớn hở mới hòng yên tâm
(Bilan than úk thanh ôn
Hamik grum mưnhi gah pur, pai)
Từ tiếng sấm đầu năm đó, người Chăm bắt đầu cắm mốc thời gian cho năm mới, cho lịch pháp. Đó cũng là ngày hội mở đầu năm - mồng một tháng giêng lịch Chăm. Kể từ mồng một cho đến hết thượng tuần trăng tháng giêng là thời gian mở hội lễ Rija Nưgar. Khắp nơi làng Chăm đều tổ chức lễ hội Rija Nưgar. Đối với làng Chăm Ahiêr thường tổ chức lễ hội Rija Nưgar vào ngày thứ tư, thứ năm và Chăm Awal thì ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ (1, 3, 5, 7) trong tháng giêng.
Diễn biến lễ hội Rija Nưgar:
Lễ hội Rija Nưgar được diễn trong một nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn. Nhà lễ (kajang) có 2 mái, được kết cấu bằng 2 vì kèo, mái lợp bằng tấm nhựa (ngày xưa lợp bằng tranh), diện tích khoảng (8m x 5m). Xung quanh được che chắn bằng những tấm liếp tre và chỉ mở một hướng ra vào về hướng đông - hướng thần linh.
Ở trần nhà lễ Rija Nưgar, trong ngày cúng thứ nhất treo một tấm vải trắng hình chữ nhật (1,5m x 1m) gọi là “Lâm tinh” - tượng trưng cho vũ trụ. Bên dưới đối diện với tấm vải là vật lễ “Mưron” - cũng là một tấm vải trắng được cột hai cây gỗ. Và ba cây cột ở đầu nhà lễ đều bao vải trắng. Cách trang trí nhà tương tự như trong không gian thánh đường Hồi giáo - Bàni. Do vậy, ngày đầu cúng lễ Rija Nưgar là cúng cho “thần mới” (yang brou) như các vị thần Alla, mohamach…; đến ngày hôm sau cúng “thần cũ” (yang bimon - yang aklak) như thần Po Inư Nưgar, Po klaung… Tục này còn lưu giữ một cách rõ nét trong tục cúng lễ hội Rija Nưgar ở thôn Bĩnh Nghĩa (Ninh Hải - Ninh Thuận).
Lễ Rija Nưgar được tổ chức trong hai ngày “một ngày vào và một ngày ra” (vào ngày thứ năm ra ngày thứ sáu - tamư di jip tabiak di suk). Hoặc họ gọi theo cách gọi cúng lễ vật “Ngày vào cúng Gà và ngày ra cúng Dê” (tamư mưnuk tabiak pape). Họ còn gọi theo cách cúng lễ vị thần “tamư Po birâu tabiak Po aklak” (Ngày vào cúng thần mới - thần Hồi giáo và ngày ra cúng thần cũ - thần Bàlamôn).
Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng… Ngoài ra trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương mà họ thường gọi nôm na theo tên lễ vật chính là “ngày vào buổi chiều - cúng con gà (thuộc âm) và ngày ra buổi sáng - kết thúc lễ là cúng con dê (thuộc dương)”.
Thầy cúng lễ Rija Nưgar gồm có:
- Thầy Ka in (thầy bóng) mặc áo đỏ múa lễ, đạp lửa, lên đồng phản ánh nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại.
- 03 thầy Mưduôn mặc áo trắng vỗ trống Basanưng hát thánh ca của các vị thần (01 thầy hát chính 02 thầy phụ lễ).
- 02 nghệ nhân đánh trống Basanưng.
- 01 nghệ nhân thổi kèn Saranai.
Và cùng nhiều thầy cúng lễ và dân làng phụ lễ.
Nhạc cụ bao gồm: 01 cặp trống Ginăng, 01 trống Basanưng và 01 kèn Saranai.
Đạo cụ múa bao gồm: 01 cây chèo, 01 cây mía đỏ (tượng trưng cho mái chèo thuyền); 01 cây quạt, khăn, và 01 cây roi ngựa. Tất cả đạo cụ, ngoài khăn và quạt được thầy Ka in (thầy bóng) cầm tay còn lại là để tại bàn tổ (danok). Tại bàn tổ nơi để vật lễ và đạo cụ múa còn có một cán rìu (công cụ lao động).
Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar: Người Chăm có tục thờ đa thần. Tất cả làng Chăm đều có hệ thống thần linh chung. Nhưng quan trọng là làng nào cúng lễ thì thần làng của làng đó được mời cúng lễ đầu tiên trong hệ thống thần linh chung ấy. Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar Chăm bao gồm các vị thần như sau Po Tang, Po Tang Ahok (thần chèo thuyền), Po Gialau (thần rừng trầm, rừng quế), Cey thun, Cey Dalim (Chàng Lựu), Cey Hanim Par, Cey Sit, Cey Pruang (hai hoàng tử), Po Garai phauk, Po Dam (Chàng trai trẻ), Po Riya (thần sóng biển), Nữ thần Po Nưgar (thần mẹ xứ sở), Po Klaung Garai (vua Chăm), Po Rame (vua Chăm), Po patau Bin Thôr, Po Sah Inư, Po Nai, Nai Bia Sôi, Bia Kôn, Bia Nưn, Bia Than Can, Bia Than Cih (Hoàng Hậu)… Ngoài các vị thần trên là các vị thần anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc trong lễ Rija Nưgar còn cúng các vị thần đất (Po bhùm), thần sông, thần nước (Patau ia), thần mặt trời (Aditiak), thần núi (Po cơk), thần biển (Yang tasik), thần lúa (Po yang sri)…
Hành lễ lễ Rija Nưgar: Lễ Rija Nưgar do thầy Mưduôn (thầy vỗ) làm chủ lễ, vỗ trống Basanưng rót rượu lần lượt mời các vị thần và hát bài thánh ca. Thầy Ka in (thầy bóng) dâng lễ vật và múa phụ hoạ theo nhịp trống Basanưng, trống Ginăng, kèn Saranai. Mỗi vị thần được mời về dự thì thầy Ka in (thầy bóng) có một điệu múa riêng, có một sắc phục và đạo cụ riêng. Hầu hết những bài thánh ca của các vị thần đều được rút ra từ những huyền thoại, sự tích, truyền thuyết, tiểu sử (Damnưi) của các vị vua (Po), hoàng hậu (Bia), tướng lĩnh (Cey)… Nhưng trong lúc hành lễ tùy theo thời gian, tâm trạng, tính cách, công lao của các vị thần mà Mưduôn (thầy vỗ trống), hoặc Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) xướng lên nhiều hay ít. Theo nguyên bản, mỗi ca khúc rất dài, có từ 60-100 câu thơ. Tất cả những lời ca này được các nghệ nhân thuộc lòng và được ghi lại thành văn bản chữ Chăm còn lưu truyền trong dân gian hiện nay. Chẳng hạn, khi hát mở đầu lễ Rija Nưgar thì thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát mời vị thần Po Tang về dự lễ theo đoạn thơ như sau:
- Hát mời thần Po Tang:

Chúng con xông lửa đốt trầm hương
Kính cẩn, quỳ lạy mời thần Po Tang
Nghe chúng con cất tiếng mời
Ngài đến nước rửa chân, ngồi tại bàn tổ
Xin ngài hưởng lễ vật,
Phù hộ độ trì chúng con

(Galau cuh pahuơl yak ia,
Klaung khôi da a yang Po Tang
Pok sap da a Po mai,
Ia rau takay dơh dang di danok
Kanư Po Palieng suk siam kajap,
Likau kanư kajap bih drey yang Po Tang…)




- Hát về Po Riyak (thần sóng biển):

Ngài Po Rijak quê ở Tánh Linh,
Người mẹ vĩ đại đã sinh ra ngài.
Ngài thông minh từ thuở bé,
Đạo dức tuyệt vời toả sáng khắp nơi.
Lớn lên quên cả việc nhà,
Đi khắp dân gian tìm học bùa phép

(Po Rijak bhum Bicam ia radak,
Mưda Inư sơh tabiak hu Po
Jak rak mưtuon lo,
Tal pruang oh jương thau ka kruk sang
Nau duah mưkru tanau rim harey,
Pieh daung palei Nưgar)


 

- Hát về thần Po Tang ahuak (thần chèo thuyền): Thầy Mưduôn vỗ trống hát về sự tích thần chèo thuyền, bài hát có đoạn:

Đứng giữa biển khơi là Po Tang ahuak
Bọt sóng tuôn trắng ngần
Như đoàn quân Po Tang ahuak
Bọt sóng lên trứng phau
Như đoàn quân Po tang Ahauk
(Di dalam tasik Po Tang ahauk
Riyak pauh athak patih bhong
Bwơl Po Tang ahauk
Riyak puah patih chai lauw)

- Hát về thần Cey Sít:
Đi La Mecque về làng,
Đất Ma Lâm ngồi chưa nóng chỗ
Đất Phan Rí chê tệ,
Sít qua Cà Ná chẳng ghé qua.

Người làm thuyền qua biển.
Bè gỗ Sít vị theo thần sóng.
(Sit nau Mưkah wơk mưng rai,
bhum di pajai ôh dauk liwik
Palei bhum Rarik lac jak,
Bhum di Chanak ôh wek tamư
Urang ngak gilai urang dik,
Gilai bhak di rakituan Po Riyak.)

- Hát về thần Cey Tathun, thì Mưduôn vỗ trống hát cuồng nhiệt, ca ngợi tính oai phong lẫm liệt của thần. Bài hát về Cey Tathun có đoạn:

Thần tự hoá thân đến,
Lòng mong muốn đi dạo chơi
Thầy Cey thun chạy ngựa vang dậy non sông,
tướng mạo đẹp trai, khôi ngô tuấn tú
Mũ đội đầu, tay cầm roi,
Ống điếu bằng ngà thần mang theo cùng
(Cey thrơh di trey cey mai…,
cuang di hatai nau duah mư in
Urang nau mưin gay ba,
Cey kau mưng rai sa bek havey
Duon tuak havey cey ba,
Gai đin bila cey ba thu bik…)



- Hát về Cey Dalim:

Ta trồi lên mặt nước,
Miệng ngậm cây mác đạp cá sâu dưới chân
Êđê thấy linh gọi ông,
Xây tháp thần cho dân cúng thờ
Êđê dựng rạp rải cát,
Dâng trâu đực làm lễ Rija Harei.

(Nan mưng kau blang di ia
Yak di paya bat di pabah
Rađaiy boh ginrơh ieu on,
Ngak jương Bimôn pok khwoi limah
Rađaiy ngak kajang tuh cwah,
Kabaw tanauw limah ngak Rija Harei
).


- Hát về thần Po Hanim Par:

Khen Po Hanim Par thật tài,
chọn đất đai Patau kumey
Khéo thay Alla ban cho ngài,
rời bỏ Palei Po đi chiến đấu
(Mưyom Po hanim par biak girơh,
Po crauk di po siam đay,
Po klak palei nau ngak nưgar…)
Lúc thầy Mưduôn hát thì thầy Ka in cầm roi ngựa múa nhảy theo nhịp trống và tiếng reo hò của người dự lễ. Thầy Ka in (thầy bóng) ngây ngất trong điệu múa và nhập đồng. Đến lúc thăng hoa thầy Kain (thầy bóng) cầm roi ngựa múa, nhảy phi vào đạp tắt đống lửa đang rực cháy trước rạp lễ trong tiếng hò reo của mọi người. Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà. Vì lửa tượng trưng cho nắng nóng, khô hạn. Dập tắt đống lửa trong lễ hội Rija Nưgar là tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem lại khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hoà cho dân làng cày cấy.
- Hát về Po Klaung Giarai, Po Rame, thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát bài thánh ca kể về các vị vua đã có công dạy dân làm thủy lợi, đắp đập, ngăn sông, xây dựng đền tháp như sau:

Chúng con là thường dân bé nhỏ,
Xin quì lạy mời vị thần Po Rame
Cất tiếng mời ngài đến,
nước rửa chân ngồi tại bàn tổ
Ngài lên trời thủ phép màu,
Ngài Po Rame thật tài
Ngài đắp đập ngăn sông,
chất đá lên núi làm đền

(Akok klaung anưk dun ya,
klaung khôi da a yang Po Rame
Po sap da a Po mai,
Ia rao takay dơh tal danok
Po nau hôr lon ar,
Ginơk Po par yang Po Rame
Po ngak kanon ragar kraung,
Po kăn kanon cơk dak kalan…)



- Đền thần Po Nai thầy Mưduôn hát về sự tích Nữ thần:

Nàng bỏ nhà đi tu ở núi cao rừng rậm,

Nàng đi tu không ai biết
Chỉ vì hổ thẹn bà đi tu,
Đường vào thung lũng rẽ hai
Nàng đi tu ai bày,
Chính Po Thun Garai bày Nàng đi tu
Nai nau tapah they thau,
Sa buah mưlau nai nau tapah
Nai nau tapah they brai,
Po thun Garai biai nai nau tapah

Lúc này thầy Ka in (thầy bóng) đóng vai nữ, là hiện thân của Po Nai mặc áo bông đỏ, đầu đội khăn màu trắng, tay cầm khay trầu trên đó có bông điệp và trái cây múa theo nhịp trống lễ. Thường đến lúc cúng vị thần Po Nai thì thầy bóng Ka in lên đồng phản ảnh nguyện vọng cộng đồng lên thần linh và ngược lại. Ở lễ Rija Nưgar làng Vĩnh Thuận (Ninh Phước – Ninh Thuận) thầy bóng (Kain) nhập đồng trong trạng thái người ngây ngất, toàn thân người thầy bóng run lên. Dân làng lúc này ai cũng van vái, hồi hộp, chờ đợi lời thầy phán xét. Một hồi sau thầy bóng phán: “Tôi (Nữ thần Po Nai) đã đi xa bao năm nay mới về tẩy uế vệ sinh làng palei thì thần mới thường xuyên ghé phù hộ độ trì và cho mưa thuận gió hoà”. Trong lúc thầy bóng đang phán xét thì dân làng vừa lắng nghe, vừa cầu xin thần linh đừng nổi giận, vui lòng hưởng lễ vật lễ Rija mà cho mưa sớm cho dân làng cày cấy. Trong lời khấn vái của dân làng, của thầy lễ luôn có lời khấn cầu nước. Đây là chủ đề mà họ quan tâm nhất trong suốt lễ hội múa Rija Nưgar.
Sau trạng thái lên đồng của Po Nai thì họ tiếp tục hát mời và tiểu sử các vị thần linh khác Po Sah Inư, Bia kon, Bia soi, Bia nưn, Bia Than Can, Than Cih… Cuối cùng thì họ cúng các vị thần đất, thần sông, các người đã khuất mà đã có công khai khẩn, tiền hiền trong làng rồi kết thúc lễ ngày đầu (ngày thứ nhất) của Rija Nưgar vào buổi chiều bằng lễ cúng cơm (Pathan pabah). Đây chỉ mới kết thúc một nửa - phần đầu (phần âm) của lễ Rija Nưgar.

Tiếp tục lễ Rija Nưgar là phần nửa còn lại được tiếp tục vào sáng ngày mai – cúng dê - thuộc về dương. Nội dung phần lễ cúng này tương tự như lễ ngày đầu, chỉ khác là lễ ngày ra (ngày thứ hai) có tiễn đưa “hình nhân thế mạng” (Salih). Hình nhân thế mạng được làm bằng bột gạo sống bao gồm: 04 hình người (2 đàn ông, 2 đàn bà) và hình trâu bò, heo, rắn…đặt trên một cái tra đan bằng tre. Lễ nặn “hình người” (Salih) do thầy Mưduôn (thầy vỗ trống) và thầy Ka in (thầy bóng) thực hiện. Thầy Ka in ngồi ở bàn tổ tay cầm bột gạo sống vừa nặn hình người, động vật, miệng vừa khấn vái. Lúc này thì thầy Mưduôn vừa vỗ trống Basanưng, vừa hát về bài kinh lễ ca ngợi Nữ thần Po Inư Nưgar, Po Sah Inư “có công trong việc tạo ra trời đất, con người, vật nuôi cây trồng/ dạy con người biết cày cuốc, biết dệt biết thêu, / cho cây cối tốt tươi, con người sinh sôi nảy nở …” (Mưng pajương tanưh pajương kau/ mưng jương Po Sah Inư/ Po trun rai, lâm linh, mưng nguak/gan patoh mưng ala). Sau khi nặn hình người, thú xong, thì họ lại tiếp tục múa hát, cúng các vị thần linh như ngày đầu.
Cuối cùng là lễ tiễn đưa hình nhân (salih). Hình nhân này chính là “Salih” (thay thế, hoán đổi) cho dân làng, cho con người mang đi những xấu xa, xui xẻo, nắng nóng, khô hạn của năm cũ và năm mới dân làng sẽ đón nhận được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Nghi thức lễ tiễn đưa “hình nhân thế mạng” này (Palau Salih) được diễn ra tại một ngã ba đường làng (có làng tiễn xuống dòng sông). Trước khi tiễn xưa “hình nhân thế mạng”, thầy Mưduôn bài kinh lễ tiễn đưa như sau:

“Hỡi chúng sinh có mặt trên cái tra này
Chúng mày có hai đàn ông hai đàn bà
Đàn ông biết cày, biết cuốc
Đàn bà biết dệt, biết thêu
Chúng mày phải đi thay thế cho dân làng
Mang đi ốm đau, bệnh tật, mất mùa, nắng nóng ra đi
Cho dân làng khoẻ mạnh bình yên
Hỡi chúng mày Salih!
Chúng mày phải đi tâu với thần yang
Nếu chúng mày, không nói trung thực
Thì con Ó và Đại bàng sẽ hành huyết chúng bay
Mày hãy nói những lời dân làng căn dặn.
(Salih lơi! Salih!
Hư dwa likey dwa kamey
Likey thau juang thâu amra
Kamey thau munhim thau lawey
Hư nau ka anưk adam duak wơk
Joi padik akauk bok tian joi
Anưk adam suk sak tal taha)

(Salih lơi! Salih!
Hư joi dom plơh dom plan joi
Hư dom plơk grơk băng hư
Hư dom jhak ak hư
Hư dom yau kau takey).

Khi “hình nhân thế mạng” được dân làng tiễn đến ngã ba đường làng (hoặc thả trôi sông) thì lễ Rija Nưgar kết thúc. Tất cả dân làng đều tin rằng cái tra “hình nhân thế mạng” sẽ thay thế cho mình mang đi những bệnh tật, mất mùa năm cũ và đem lại cho họ sức khoẻ, bình an, mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu.
Lễ Rija Nưgar, ngoài lễ nghi chung có tính chất bắt buộc nêu trên thì một số làng Chăm còn có một số tiểu kiết lễ khác nhau. Chẳng hạn ở làng Chăm Bĩnh Nghĩa làm lễ Rija Nưgar có thêm tục hát đối đáp (dauh sa) và múa phồn thực (tamia klai kluc). Chúng tôi xin trình bày ra đây để bạn đọc tham khảo.

Hát đối đáp và múa phồn thực được diễn ra trước nhà lễ Rija Nưgar trong ngày thứ hai của lễ. Hát đối đáp do một nhóm Nam và một nhóm Nữ thực hiện. Hát về chủ đề thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar Hamu Kut thì họ hát như sau:
Hát về vị Thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar:

- Nam hát: Cò bay trong buổi sáng tinh mơ,
Cò bay cò đậu trên đồng phù sa
- Nữ hát: Cò bay trong đêm tối mịt mù,
Cò bay cò đậu trên đồng lúa xanh
(Sa bok kuak par mưng page,
lek di hamu ak
Sa bok kauk mưng klam,
Klek di dam hamu tanưh)


Hát về thần Po Bin Thuôr:

- Nam hát: Đi mài rựa mài búa,
Lên rừng núi chặt cây
- Nữ hát: Đi chặt gỗ ba cành,
Lấy thân làm ván anh nằm,
Hai canh còn lại,
dựng cột nhà cho em
(Thak juang drey ka luah,
Tagok cơk nau luak kayau.
Nau luak kayau klau dhan,
Phun ngak pan jung ngak mek)
Hát về nữ thần Po Sah:

- Nam hát: Nữ thần Sah Inư,
Hai con rắn thần quấn quay cửa đền thần
- Nữ hát: Nữ thần Po sah Inư hiện ba lần,
Hai con bồ câu đậu hai bên đền thần
(Po Sah Inư bal dua,
dua drey anưk ula dang boh bang
Po Sah Inưbal klau,
Dwa drey katrau dang dwa bok tabang)

- Múa phồn thực (tamia klai kluc):
Khi kết thúc lễ hát đối đáp thì đến lễ múa phồn thực. Lễ múa phồn thực trong lễ Rija Nưgar do một người đàn ông có tầm vóc to khoẻ được dân làng bầu chọn và Bà bóng (Muk pajau) đảm nhiệm. Trước khi vào lễ người đàn ông làm nghi thức mặc y phục (váy, áo, khăn trùm đầu) và tay cầm 3 cây gỗ tre hình dương vật dài khoảng 25cm, đầu nhuộm màu đen. Khi vào lễ thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát lễ về Po Inư Nưgar. Người đàn ông cầm cây dương vật múa nhún nhảy như động tác giao hợp. Sau một hồi nhúm nhảy trong tiếng hò reo và lời khấn vái của người dự lễ thì người đàn ông chuyển cho bà bóng (Muk Pajau) tiếp tục múa và cuối cùng làm lễ tẩy uế 3 cây dương vật trên cái tra đặt “hình nhân thế mạng” (Salih). Sau đó 3 cây dương vật được dân làng tiễn đưa cùng với những “hình nhân thế mạng” (salih) ra ngã ba đường làng và kết thúc nghi lễ Rija Nưgar.
Tóm lại: Lễ Rija Nưgar được tổ chức hai ngày, mặc dù mỗi làng Chăm đều có một số tiểu tiết lễ khác nhau nhưng chung qui lại lễ Rija Nưgar cơ bản là giống nhau. Mục đích của lễ này là người Chăm đem lễ vật cầu cúng để tránh được tai ương bệnh tật, cầu được mùa và sức khoẻ cho dân làng. Qua lễ Rija Nưgar người Chăm còn gắn với sự tích lịch sử, những vị anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc mà họ suy tôn thành thần linh. Toàn bộ lễ Rija Nưgar liên quan đến đời sống tín ngưỡng dân gian như đã trình bày là tín ngưỡng nguyên thủy, tục thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và đậm nét nhất tín ngưỡng liên quan đến nghề nông. Lễ Rija Nưgar còn chứa đựng nhiều vấn đề cốt lõi lịch sử, văn hoá nghệ thuật như những loại truyền thuyết, sự tích, thơ ca, tục cúng tế, các loại hình ca múa nhạc dân gian Chăm. Tất cả những yếu tố trên đã liên kết, phụ thuộc vào nhau, tạo nên ở lễ Rija Nưgar một diện mạo của lễ hội Chăm đa dạng và độc đáo.
II. Lễ Rija Harei (Lễ hội múa ban ngày):
Mục đích và ý nghĩa của lễ: Sau khi lễ Rija Nưgar (lễ múa tống ôn) mở đầu lễ hội cho dân làng kết thúc thì các gia đình, tộc họ bắt đầu tổ chức lễ Rija Harei cho mình. Lễ Rija Harei là lễ nghi của một tộc họ hoặc gia đình nhằm cầu xin các vị thần linh, tổ tiên phù hộ độ trì cho các thành viên trong tộc họ sức khoẻ, bình an trong năm mới. Đây còn là lễ nhằm tâu trình với tổ tiên, xin phép thực hiện một công việc, một sự kiện quan trọng mà tộc họ sắp tổ chức như lễ tế trâu, lễ nhập kút…
Thời gian và địa điểm tổ chức lễ: Lễ Rija Harei thường tổ chức vào ngày lẻ thượng tuần trăng tháng giêng lịch Chăm. Lễ Rija Harei được diễn ra vào buổi chiều tại một bãi đất trống hoặc trong sân nhà của gia đình tộc họ. Nhà lễ được cất tạm thời đơn giản, không lợp mái, chỉ được chấn ngang xung quanh hình vòng cung (hay nửa vòng tròn – Rija harey mưtưh buah) bằng liếp tre và chừa một khoảng ra vào về phía tây.
Chủ tế lễ Rija Harei: do thầy Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và thầy bóng (Kain) phụ trách lễ. Nhạc cụ sử dụng trong lễ gồm có trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai…Lễ vật: 01 con gà luộc, 5 mâm cơm, rượu trứng, xôi chè, hoa quả…
Hành lễ: Sau khi nhà lễ, vật được chuẩn bị xong, các vị chủ tế ngồi vào bàn tổ cúng lễ; bà con trong tộc họ, gia đình ngồi xung quanh rạp lễ. Mở đầu lễ thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng mời các vị thần linh về dự lễ và hưởng lễ vật. Thần linh được mời về dự lễ là: Po Tang, Po Riyak (thần sóng biển), Po Tang Ahuak (thần chèo thuyền),Cey Sit, Cey pruang (hai hoàng tử), Cey Dalim (chàng lựu), Cey Tathun (Po Klaung Garai), Po Hanim Par, Po Rame, Po Galau (thần giữ rừng trầm, rừng quế), Po Sah Bingu, Po Sah Inư, Po Nai, Po Truak, Po Patra (thần tổ tiên)… Mỗi vị thần khi Mưduôn mời về dự thì ông đều vỗ trống Basanưng và hát – hát những bài thánh ca, kể về tiểu sử và ca ngợi công lao, sự tích của các vị thần…tương tự như ở lễ Rija Nưgar (Lễ múa tống ôn đầu năm). Chẳng hạn, hát về thần Cey Tathun (hoá thân của thần Po Klaung Garai), Mưduôn có đoạn hát như sau:

Xoài nở rụng tháng giêng
Cho trái non hương bay khắp xứ
Alla ban cho chú đủ đầy,
Dân khắp xứ sở ban tiến muôn
Vui thú chú một mình,
Hoá phép linh nuôi ông bà…
Bilan sa bauk bauk brai
Bingu saung catai blơu grơp Nưgar
Alwah crauk ka cey bial tal
Di cơp nưgar ba jien rituh
Cey dauk sa drey bwei sơh,
Sunit ginrơh raung muk taha.


Trong lúc thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát bài thánh ca thì thầy bóng (Ka-in) múa cầm roi mây hoặc cây chèo thuyền, cây mía đỏ, khay trầu… nhảy múa theo nhịp trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai… Đặc biệt là khi Mưduôn hát đến vị thần Po Hanim par thì thấy bóng (Ka-in) cầm roi ngựa, múa đi vòng quanh đống lửa đang rực cháy ở trước rạp lễ. Lúc này điệu hát múa, nhạc lễ đều dồn dập, thúc giục thầy bóng (Ka-in) múa nhảy vào dập tắt đống lửa trong tiếng reo hò và cổ vũ của mọi người. Tiếp theo lễ, thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng lần lượt mời các vị thần khác rồi làm lễ cúng tổ tiên (Po trauk, patra) và kết thúc lễ Rija Harei.
Tóm lại: Lễ Rija Harey thực sự là lễ hội của cộng đồng gia tộc. Mặc dù thời gian diễn ra rất ngắn nhưng đó chính là khoảnh khắc thăng hoa về tâm linh. Khoảnh khắc ấy là dịp để thành viên trong gia tộc gặp gỡ tạ ơn tổ tiên, thần linh; ôn lại những truyền thống lịch sử hào hùng; thưởng thức các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian mà ông bà tổ tiên để lại để mà trao truyền cho thế hệ mai sau. Và mục đích cuối cùng là qua lễ Rija Harey (lễ múa ban ngày), tộc họ người Chăm cầu mong cho sức khoẻ, mùa màng, đời sống tộc họ được may mắn, sung mãn.

III. Lễ Rija Dayuap (Lễ hội múa ban đêm):
Mục đích và ý nghĩa của lễ
: Lễ Rija Dayuap hoặc còn gọi là Rija Klam là loại lễ hội múa ban đêm để phân biệt với lễ múa ban ngày (Rija Harey). Lễ Rija Dayuap (lễ hội múa ban đêm) được tộc họ hoặc một gia đình người Chăm tổ chức nhằm cầu xin tổ tiên thần linh giúp cho tộc họ vượt qua khó khăn trong công việc của tộc họ như lễ tế trâu, đám tang, nhập kút… hoặc là gia đình thoát khỏi tai ương bệnh tật. Lễ này cũng có một số nội dung, tiểu tiết lễ tương tự như lễ múa ban ngày (Rija Harei) và lễ múa lớn (Rija Praung). Do vậy người Chăm thường nói: hai lễ Rija Dayaup (lễ hội múa ban đêm) bằng một lễ múa lớn (lễ Rija Pruang). Nếu lễ Rija Harei mang yếu tố dương thì lễ Rija Dayaup (Lễ hội múa ban đêm) là mang yếu tố âm. Lễ Rija Dayuap (lễ hội múa ban đêm) diễn ra đúng như tên gọi của nó là diễn ra tại một rạp lễ vào lúc ban đêm. Lễ thường diễn ra vào tháng 2 hoặc 3 lịch Chăm, được tổ chức ở cả cộng đồng Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Lễ hội múa ban đêm có hai hình thức cúng lễ: lễ Rija Dayuap thuộc dòng núi (Atau cơk) và Rija Dayuap thuộc dòng biển (atau tasik). Hai hình thức lễ này có một số tiểu tiết lễ chung và khác nhau.

Hành lễ múa ban đêm (Rija dayaup): Lễ này do Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và thầy Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) và Muk Rija (Vũ sư) thực hiện. Nhạc cụ sử dụng là trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai. Trước khi vào lễ múa ban đêm thì vào buổi chiều thầy Mưduôn, Po Acar và Muk Rija…tổ chức cúng khai lễ bằng lễ chay (kaya yuơr) cho các vị thần thuộc nhóm Chăm Awal (yang birow) và cúng lễ mặn (kaya klăm) cho các vị thần thuộc nhóm Chăm Ahiêr (yang bimon).
Lễ cúng chay (kaya yuơr) bao gồm các lễ vật như xôi, chuối, bánh bột gạo… Mưduôn vỗ trống và đọc kinh bằng tiếng Mãlai (akhar Java) mời thần linh về dự. Lễ này có Po Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) – thay mặt cho thánh Alla (Âuloah) chứng lễ. Sau khi kết thúc lễ cúng chay thì đến lễ cúng mặn. Lễ cúng mặn (kaya klăm) do thầy Mưduôn thực hiện. Lễ vật gồm có 01 con gà luộc, 5 mâm cơm… Thần linh được Mưduôn mời về dự lễ này là thần Bàlamôn (yang Bimon) như Pô Inư Nưgar, Po Klaung Garai, Po Rame… Sau khi lễ cúng các thần ở các đền tháp kết thúc thì bà con ăn uống cộng cảm, chuẩn bị vào múa ban đêm.
Diễn biến lễ múa ban đêm (Rija Dayuap): Sau khi lễ trên vừa kết thúc thì trời sẩm tối, bà con, thành viên trong tộc họ bắt đầu tựu về đông đủ. Lễ chính thức do Mưduôn, thầy Acar Muk Rija (Vũ sư) và nghệ nhân đánh trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai thực hiện. Bước vào lễ múa, Muk Rija (vũ sư) ngồi vào bàn tổ chính trong nhà lễ. Ở bàn tổ, trước mặt Muk Rija là mâm trầu được kết thành ba tầng (thôn hala) và “chiết Atâu”, cơi đựng trầu cau, rượu trứng, chén lửa… Khi vào lễ Mưduôn vỗ trống Basanưng mời thần linh. Muk Rija tay cầm quạt cầu khấn và dâng lễ vật lên thần linh. Tuỳ theo tộc họ thờ dòng núi (atâu cơk) hay dòng biển (atâu tasik) mà thầy Mưduôn mời các vị thần như sau:
- Hệ thống thần linh tộc họ dòng núi (atau cơk) bao gồm các vị thần như Po cah ya, Po bal mưta, Pata Po, Patra likey. Patra dakga, Rat Inư, Pata mưnôn, Patri bang so, Patri chan ni, Patri dara nai neh, Patri bia atakal, Patri banlikam…
- Hệ thống thần linh tộc họ dòng biển (atau tasik) bao gồm các vị thần như Po mat tituk, Bana jali, Bana jawơt, Bana mưsiêr, Basa mư jatai, Po bana Jali, Po man sri, Jalimit, Jalikam, Patri ridang, Java than mưta…
Trong tục mời cúng các vị thần trong lễ múa này, nếu là cúng dòng núi (atau cơk) thì họ chỉ mời cúng các vị thần dòng biển. Nhưng nếu tộc họ nào thuộc dòng biển (atau tasik) thì họ mời cúng luôn cả hai hệ thống thần linh dòng núi và dòng biển. Mỗi khi mời vị thần thì Mưduôn đều vỗ trống Basanưng hát lễ bằng tiếng Mãlai và Muk Rija múa phụ hoạ. Ở đây có tất cả đến 24/76 điệu trống lễ mang tên các vị thần vừa nêu trên. Mỗi điệu trống thì Muk Rija (vũ sư) có điệu múa riêng, nhưng nổi bật nhất vẫn là điệu múa truyền thống như múa didin (điệu múa chim công), điệu choong (rồng bay), điệu kaman (chim trĩ), Patra (chim bay)… Mỗi điệu mùa và bài cúng của thầy Mưduôn được kết thúc bằng một “cây đuốc” (bó trôi).
Lễ Rija Dayaup, ngoài điệu múa trên còn diễn ra “tục hèm” nhằm để diễn tả một hành động của con vật nào đó mà họ cho là có liên quan đến tổ tiên, dòng tộc. Đa số tộc họ của người Chăm tục hèm thường gắn với con ngựa, con trâu, con hổ… Sau lễ hèm kết thúc thì bà con trong tộc họ vào rạp lễ, lạy tạ tổ tiên, thần linh - những người đã phù hộ cho họ sức khoẻ tài lộc, bình an, con đàn cháu chắt…
Tóm lại: Lễ Rija Dayaup (lễ múa ban đêm) thực sự là đêm hội của tộc họ. Đó là đêm gặp mặt của con cháu - tổ tiên - thần linh. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, ấm cúng, qui tụ được tất cả thành viên trong tộc họ. Đó là đêm gặp mặt của con cháu - tổ tiên - thần linh. Mọi người quây quần bên nhau chứng lễ hương hồn của tổ tiên, vừa thưởng thức một đêm hội tinh thần trong tiếng trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai…
IV. Lễ Rija Praung (Lễ Hội múa lớn):
Mục đích ý nghĩa của lễ: Lễ Rija Praung là lễ nghi lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội múa Rija của người Chăm. Người Chăm thường nói: Hai lễ hội múa ban đêm (Rija Dayuap) hợp lại thì thành một lễ hội múa lớn (Rija Pruang). Cũng như lễ hội múa ban đêm (Rija Dayuap), lễ hội múa Rija Praung là lễ hội của tộc họ.
Lễ chỉ diễn ra khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không qua được thì người Chăm tổ chức lễ Rija Praung để cầu mong thần linh, tổ tiên cho người bị bệnh tai qua nạn khỏi. Lễ hội Rija Praung còn được tổ chức trong trường hợp tộc họ tôn chức Vũ sư (Muk Rija) để trông coi “chiết atâu” cúng lễ cho tộc họ. Lễ hội Rija Praung còn được tổ chức khi các thầy Mưduôn thầy vỗ trống Basanưng và các nghệ nhân đánh trống Ginăng, kèn Saranai thăng quan, tiến chức…
Nguồn gốc của lễ hội Rija Pruang: Căn cứ theo nhiều nguồn tư liệu, lễ hội Rija Pruang được các nhà nghiên cứu cho rằng có nguồn gốc từ Mã Lai và ảnh hưởng văn hoá Hồi giáo.
Trong tập Calague giới thiệu về Y phục Champa - Mãlai ở Việt Nam của TS. Po Dharma (chủ biên) có viết: Rija là lễ múa nối tiếng của người Champa bị ảnh hưởng bởi hình thể Makyong Mã Lai. Nhân vật anh hùng trong lễ múa Rija tên là Laksamana Jinjang - một hoàng tử từ Kelantan - Mã Lai đến. Đây là lễ múa liên quan đến chuyến viễn hành lịch sử bằng đường thủy của hoàng tử Jinyang đến Champa. Trên chuyến viễn hành đó, tàu của hoàng tử bị đánh úp bởi sóng biển. Cuối cùng hoàng tử cũng được cứu sống và đến được Champa kết hôn với công chúa Chăm, sinh sống với nhau có một vài đứa con. Sau khi hoàng tử Jinjang chết, người Chăm tôn thờ ông ấy như thần tổ tiên. Lễ múa Rija là một lễ dâng cúng tưởng nhớ đến ông ấy - một hoàng tử Mã Lai - người mà rất nổi tiếng như một chiến sĩ vĩ đại trong bản anh hùng ca Champa.
Cũng theo TS, Po Dharma: Rija là lễ hội gốc Mã Lai sang Champa vào thế kỷ 17. Lễ Rija Pruang Atau tasik (Dòng biển) là diễn lại sự tích hoàng tử Mã lai Putra Jingyang sang Champa bằng đường biển. Và Rija pruang atau cơk (dòng núi) là tưởng nhớ lại hoàng tử MãLai sang Champa bằng đường bộ theo ngả đường bộ Campuchia.
Theo TS. Phan Văn Dốp: “Lễ Rija Praung diễn lại mối quan hệ giữa một công chúa Chăm và hoàng nhân Mã Lai đồng thời thể hiện giữa dòng núi (atau cơk) và dòng biển (atau tasik) của người Chăm…
Văn Món còn nhận định: “Lễ Rija Pruang - một tín ngưỡng Hồi giáo của người Chăm Ninh Thuận”

Còn theo sự tích dân gian người Chăm kể rằng: Lễ Rija praung có từ thời vua Po Rame (1627 - 1651) có bang giao với các nước láng giềng và có một dịp vị vua Po Rame đã mời đoàn khách Malayu (Mã Lai) về thăm Champa. Đoàn khách Malayu gồm có 7 chiếc thuyền đến Chămpa bằng đường biển nhưng khi đến eo biển Mũi Né (Phú Hài – Phan Thiết) thì bị Po Sah Inư - một vị tướng của người Chăm ngộ nhận và cho quân đánh chìm 5 chiếc thuyền, sau này chỉ còn lại 2 chiếc. Biết đó là sự ngộ nhận của Po Sah Inư nên vua Po Rame bỏ qua và ra lệnh vớt xác nạn nhân đồng thời dựng lên nghi lễ Rija praung. Đây là lễ nghi được diễn lại theo nghi thức lễ của nạn nhân để tiễn đưa vong hồn người chết và người sống sót trở về lại nước Mãlai. Từ đó lễ Rija praung đã đi vào phong tục, tập quán gắn chặt với kí ức và đã ăn sâu đời sống tín ngưỡng dân gian Chăm. Do đó, ngày nay trong lễ Rija praung dòng biển (atau tasik) có tục tiễn đưa 4 người trên hai chiếc thuyền bằng gỗ thả ra sông, biển là tượng trưng cho việc tiễn đưa người chết và nạn nhân sống sót trong sự kiện trên về lại Malayu.
Các bước chuẩn bị cho lễ Rija Pruang: Để thực hiện nghi lễ này, tộc họ người Chăm chuẩn bị rất chu đáo và có nhiều điều cấm kị. Khi tổ chức lễ này thì tộc họ phải bàn bạc thống nhất, quyên góp tiền của một thời gian dài, vì có lễ thực hiện trong thời gian 7 ngày 7 đêm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ tiền của thì tộc trưởng (Akauk gơp) đem lễ vật (rượu, trứng) đến nhà thầy Mưduôn để xin ngày lành tháng tốt thực hiện lễ. Trước khi thực hiện lễ này, tộc họ cũng phải đem lễ vật (1 con dê, 5 mâm cơm) để cúng xin phép thần linh ở các đền tháp Chăm và cúng 5 mâm cơm trong lễ gia tiên.
Lễ dựng nhà lễ (kajang): Nhà lễ (kajang) phải làm bằng gỗ hoàn toàn mới chặt trên rừng; gỗ phải cùng chặt chung một khu rừng. Cấm kị trong nhà lễ múa lớn không được sử dụng gỗ cũ để làm nhà lễ. Khi gỗ được chặt từ rừng về thì người Chăm còn làm lễ đón rước tại đầu làng. Lễ đón rước gồm có Mưduôn (thầy vỗ trống), Muk Rija (vũ sư), và một số người phụ lễ với lễ vật bao gồm 1 cặp gà, rượu trứng, chuối… Sau đó người Chăm còn làm lễ tẩy uế gỗ bằng nước cát lồi trước khi dựng nhà lễ. Cũng như nhà lễ múa ban đêm (lễ Rija Dayuap) nhưng nhà lễ Rija Praung có kích thước lớn hơn, diện tích (20m x 10m). Nhà lễ được cất bằng gỗ, tre, mái lợp tấm bạt, xung quanh được che bằng những tấm liếp đan bằng tre (katăng). Nhà lễ nằm theo hướng đông tây, chỉ mở một cửa chính theo hướng tây và một cửa nhỏ phụ ở phía bắc. Trong nhà lễ có trang trí bục đứng giảng (padan) bằng gỗ có lót vải trắng và ở trần nhà lễ có treo một miếng vải trắng gọi là “tâm linh” (nơi trú ngụ thần Allah), và 3 cây cột ở vì kèo nhà lễ được bao bọc bằng vải trắng… Đây là nơi đặt bàn tổ chính (danok) của lễ Rija Pruang – bàn tổ của thầy chủ lễ Mưduôn. Ở phía bên trái của nhà lễ (tính từ ngoài vào) là bàn tổ (danok) của vũ sư (Muk Rija) được che bằng tấm vải có trang trí hình hoa lá, người, động vật (panin). Bàn tổ (danok) của vũ sư (Muk Rija) chính là tượng trưng cho bụng mẹ - nơi sinh ra bà vũ sư. Bên phải nhà lễ là bàn tổ (danok) Po Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) và ban nhạc lễ (nghệ nhân đánh trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai). Đối diện với nhà lễ chính (kajang) cách 8 m về phía tây thì có một nhà bếp trong đó có đặt 3 bộ ông táo để nấu cơm nước phục vụ nghi lễ.
Nhà lễ (kajang) Rija Praung được thực hiện chu đáo, từ vật liệu xây dựng, đồ cúng lễ, ông táo… phải là đồ mới tinh khiết không bị ô uế…để cúng thần linh Awal (yang birou). Đặc biệt cách trang trí nhà lễ (kajang) lại có mặt “tâm linh”, “paban” - tương tự như cách trang trí trong thánh đường (sang mưgik) của người Chăm Hồi giáo - Bàni.
Nhà lễ (kayang) Rija pruang sau khi được xong thì người đầu tiên bước vào nhà lễ là Po Acar làm lễ khai kinh (Sarawat) cầu các vị thần Âuloah - Mohamat - về chứng giám nghi lễ Rija Praung.

Hành lễ Rija Praung (lễ hội múa lớn): Lễ kéo dài trong thời gian 4 ngày 4 đêm; có lễ lớn đến 8 ngày 8 đêm. Tùy theo lời cầu khấn của gia đình, tộc họ mà qui định hình thức nghi lễ. Xét về mặt nghi lễ, Rija praung có 2 hình thức: Nghi lễ dòng núi (atau cơk) và nghi lễ dòng biển (Atau tasik). Trong hai hình thức nghi lễ ấy thì lễ dòng biển (Atau tasik) có nội dung phong phú hơn, bao hàm cả nghi thức dòng núi (atau cơk). Tùy theo lời cầu khấn của gia đình tộc họ mà tiến trình lễ sẽ đi theo các bước sau: Lễ “Rija praung cúng để trả nợ” cầu khẩn của tộc họ, người Chăm gọi là “Rija thre”; “lễ tôn chức vũ sư” (Pok Rija) và “lễ mừng chức vũ sư” (Rija patruh hoặc Rija hala ôn).

Lễ hội liên quan đến Nông nghiệp


Lễ dựng chòi cày (Padang paday tuan):
Lễ dựng chòi cày là lễ mở đầu công việc đồng áng hàng năm của người Chăm. Trước khi khởi đầu công việc cày gieo người Chăm thường dựng lên một cái chòi nhỏ ở gần ruộng của mình để trú ngụ tránh mưa nắng và để dụng cụ lao động trong thời gian cày cấy. Lễ này được thực hiện trên thửa ruộng từng gia đình.
Thầy cúng lễ là ông “Cai mương” (Hamu ia) hoặc “Ong Từ”( Camưney). Ngày cúng lễ là ngày thứ tư hay thứ bảy trong tuần. Lễ vật gồm có 1 cặp gà, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau…
Các vị thần linh được cầu cúng trong lễ này là các vị thần như thần trời, thần cha (Po yang amư), thần mẹ, thần sông (Po patau ia), thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame và các vị khẩn hoang tiền hiền… Mục đích lễ này, họ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, công việc cày cấy được suông sẻ, mùa màng tốt tươi…
Lễ cúng ruộng lúc lúa đẻ nhánh (Iew po Bhùm): Sau khi ruộng lúa cày gieo xong khoảng tháng sau thì họ tiếp tục làm lễ cúng cho cây lúa đẻ nhánh. Lễ vật cúng cho lễ này tương tự như lễ cúng dựng chòi cày. Những thần linh cầu cúng của lễ này chủ yếu là thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar.
Lễ cúng lúa làm đòng (Padai dôk tian): Lễ này người Chăm cúng lúc lúa đang dậy thì con gái. Họ quan niệm hồn lúa cũng như hồn người. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định và ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Lễ này khác với lễ trước là lễ vật cúng 1 con dê, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau… Chủ tế lễ là thầy Kadhar kéo đàn Rabap (đàn tương tự như đàn nhị người Kinh), ông Cai mương (Hamu ia) hoặc ông Camưney. Các vị thần linh được mời về dự lễ cũng tương tự như lễ vừa nêu trên nhưng nội dung hành lễ này phong phú hơn, thầy Kadhar vừa kéo đàn Rabap vừa mời các vị thần và hát về những bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần mẹ (Po Inư Nưgar) đã dạy người trồng lúa, cày cấy đem lại lúa gạo cho người Chăm và hát ngợi ca các vị thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame đã đem nước về cho dân làng tưới tiêu, trồng lúa.
Lễ thu hoạch lúa (Iew Yang Trun Yuak): Lễ này thường diễn ra vào tháng 11 lịch Chăm (tháng 10 âm lịch). Khi cúng lễ, người Chăm phải chọn ngày tốt (ngày thứ tư hoặc thứ bảy) để xuống gặt lúa. Lễ này do ông Cai mương hoặc ông Cai đập cúng (ôn Binưk). Lễ vật gồm có 1 cặp gà, rượu, trứng, trầu cau, xôi chè… Nội dung cúng tương tự như lễ lúa làm đòng. Khi lễ cúng này kết thúc thì ông thầy cúng bước xuống ruộng, dùng lưỡi liềm cắt một bó lúa để khai lễ ngày gặt lúa. Cách 3 ngày sau ruộng lúa mới được thu hoạch. Bó lúa lễ được chủ ruộng đem về nhà để trên trần nhà đến mùa sau thì đem ra cúng.
Lễ lúa mới lên sân (Da a patai tagok lan): lễ này nội dung tương tự như lễ cúng lúa làm đòng. Mục đích là lễ tạ ơn các vị thần thánh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho họ thóc lúa đầy bồ.
Nói chung qua 5 lễ nghi nông nghiệp của người Chăm như trên, đã phản ảnh nhu cầu sinh trưởng của cây lúa (từ lúc cày gieo, lúa đẻ nhánh, lúa đơm đòng đến lúa chín). Mặc dù đây là lễ nghi tổ chức từng gia đình nhưng lại liên quan đến mùa vụ của cả cộng đồng nên nó trở thành lễ hội cộng đồng. Ngày nay, kể từ sau năm 1975 thì hệ thống lễ nghi nông nghiệp này không còn phụ hợp nữa mà đã biến mất.
Lễ cầu đảo (Palau Sah):
Lễ palau sah là lễ cầu đảo liên quan đến cầu mưa, cầu nước của người Chăm. Lễ được tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm. Lễ này ngoài tổ chức ở các đền tháp Chăm còn được tổ chức tại các cửa biển. Đây là lễ chung cho cả cộng đồng Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo).
Ngày xưa, cứ đến tháng 4 Chăm lịch - mùa khô hạn nắng nóng thì người Chăm đến các cửa biển Lâm Ngư (xã Phương Hải, Ninh Hải) và gần cửa biển Cà Ná (Phước Diêm - Ninh Phước) và cửa biển Mỹ Tân (Mỹ Tường, Ninh Hải) để cúng lễ.
Lễ Palau sah là một nghi lễ tổng hợp của các lễ thức người Chăm. Đây là lễ cúng chung cho các vị thần Chăm như các vị thần Bàlamôn (Yang bimon - yang aklak), các thần Hồi giáo - Bàni (yang birow - thánh alla); thần núi, thần sông, thần biển… Các vị chức sắc cúng lễ như tu sĩ Paseh của nhóm Chăm Ahiêr, tu sĩ Acar của nhóm Chăm Awal, thầy cúng tín ngưỡng dân gian như Kadhar (thầy kéo đàn Rabap), thầy Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng), thầy Ka-in (thầy bóng), Muk Pajau (Bà bóng), ông Cai đập (binưk), ông Cai mương (Hamu ia)…
Riêng lễ Palau Sah (cầu đảo) ở Bĩnh Nghĩa (Ninh Hải) có nội dung khác lễ cầu đảo (Yuơr yang) ở các vùng Chăm khác. Lễ Palau sah ở thôn Bĩnh Nghĩa có nội dung tương tự như lễ hội múa Rija Nưgar (Lễ hội múa tống ôn đầu năm). Còn lễ Palau sah ở vùng Chăm có đặc điểm chung như nhau và bao gồm các tiểu lễ như sau:
Lễ Rija harei (lễ múa ban ngày): Lễ này được tiến hành trong một nhà lễ làm bằng tre, mái lợp bằng tranh hoặc bằng tấm bạt, hướng mặt về phía mặt trời lặn. Lễ vật gồm có 1 con gà, 5 mâm cơm (mỗi mâm có cơm, canh cá và cá khô), 3 mâm chuối, hai mâm trầu, rượu, trứng… và 5 mâm xôi chè.
Lễ do Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và ông Ka-in (thầy bóng thực hiện). Đặc điểm của lễ này là Mưduôn vỗ trống Basanưng hát mời các vị thần như thần núi (Po cơk), thần sông biển (Po Riyak), thần chèo thuyền (po tang ahuak), thần giữ rừng trầm (Po gilau), đặc biệt là thần thủy lợi như Po Klaung Garai, Po Rame… Khi ông Mưduôn hát các tiểu sử ca ngợi các công lao đức độ của các vị thần thì thầy bóng (Ka-in) múa phụ họa trong tiếng trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai Chăm. Bà con dân làng dự lễ cầu cúng khấn vái và tham gia múa mừng
Lễ cúng Rija Dayuap (lễ cúng ban đêm): Lễ này được tiến hành vào lúc chiều tối hoặc ban đêm do Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) và bà bóng (Muk Pajau) thực hiện.
Lễ này có sự tham gia của tu sĩ Po Acar nhóm Chăm Awal. Lễ vật gồm 1 con dê, 5 mâm cơm, xôi chè, trầu cau, rượu trứng, bánh trái… Thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) hát mời các vị thần như Po Au loah, Po Bal Gina, Po Cah ya, và thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar), Po Klaung Garai, Po Rame (Vua Chăm được suy tôn thành thần thủy lợi), thần núi (Po Cơk), thần sông (Po Patau Ia), thần biển (Yang tasik)… Ông Kadhar hát thì bà bóng múa phụ họa…
Lễ tế thần lửa (cuh yang apui): Lễ này do tu sĩ paseh thực hiện. Đây là lễ cúng các vị thần Chăm ở đền tháp (yang Bimon) đặc biệt là cúng tế thần lửa (yang apui) để cầu thần lửa đem lại lửa làm sấm chớp, mây, mưa… Nội dung lễ này tương tự như lễ nghi đốt thần lửa ở đền tháp Chăm.

Lễ rước gậy thần của tu sĩ Acar (Gay bhong): Lễ này do nhóm tu sĩ Chăm Awal thực hiện. Nghi lễ này rất long trọng, Po Acar và dân làng rước gậy thần (Gay bhong) - gậy lễ rao giảng kinh của thánh Mohamach từ thánh đường hồi giáo đến cửa sông, cửa biển để cầu mưa. Nghi thức cúng lễ này tương tự như lễ hội Ramưwan Chăm Awal. Lễ vật gồm 5 mâm xôi chè, chuối. Tu sĩ Po Acar đọc kinh Coran, cầu thánh Alla (Pamrơ) về hưởng lễ, dâng làng van vái, cầu khấn cho thánh Alla hiệu nghiệm, ban cho dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Ngoài lễ Palau Sah (Lễ cầu đảo) như trên, vào thời điểm này (tháng 4 lịch Chăm), từng làng người Chăm còn tổ chức lễ hội cầu đảo cho riêng mình, chủ yếu họ cầu cúng Po Nai (Nữ hoàng đi tu tại núi Chà Bang - Ninh Thuận) và lễ cúng Po Riyak (thần sóng biển)… Lễ này diễn biến tương tự như lễ múa ban ngày (Rija harei) do thầy Maduôn và Ka-in thực hiện. Lễ lôi cuốn cả dân làng tham gia trở thành ngày hội của các palei Chăm.
Nói chung Lễ Palau Sah là lễ nghi tổng hợp của người Chăm. Lễ này không những tập trung các chức sắc, tu sĩ, các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng mà nó còn lôi kéo được dân làng, từng thôn và từng khu vực tham gia. Cùng với lễ Palau Sah (cầu đảo), thời điểm này còn có lễ cầu đảo Po Nai, Po Rijak đã góp phần làm cho lễ hội Chăm sôi động hẳn lên. Đây là thời điểm lễ hội Chăm diễn ra khắp nơi, từ bãi trống đầu làng đến mỏm núi, bờ sông, bờ biển là cho làng Chăm thực sự là mùa trẩy hội. Tháng tư là mùa nắng nóng - mùa cầu mưa, cầu nước - mùa cầu khấn cho dân làng khỏi bệnh tật bởi sức nóng khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Do vậy thời điểm này là mùa diễn ra nhiều nghi lễ hội hè ở khắp mọi nẻo của làng - Palei Chăm.
Lễ chặn nguồn nước (Kap kraung Halau): Sau khi làm lễ cầu đảo, trời bắt đầu ban xuống cơn mưa cho dân làng cày cấy. Để tránh mưa nhiều, gây ra bão lụt thì người Chăm còn tổ chức làm lễ chặn nguồn nước. Lễ này được thực hiện ở các cửa sông lớn. Lễ được diễn ra ở hai cộng đồng Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Lễ này có nghi thức diễn ra khá long trọng do các tu sĩ po Acar, Ong binưk (cai đập)… thực hiện. Trong lễ này, ngoài việc lễ vật là 5 mâm cơm và xôi chè, người Chăm còn rước gậy lễ rao giảng kinh của Mohamach (Gay bhong) ở trong thánh đường (sang mưgik) đến cửa sông. Trong nghi lễ này có 9 tu sĩ Acar nhóm Chăm Awal - Chăm ảnh hưởng Hồi giáo mặc áo màu đen (aw juk) để thực hiện lễ. Họ đọc kinh Coran… cầu nguyện thánh Alla xin đừng mưa nhiều, gây lũ lụt phá hoại mùa màng, nhà cửa, xóm làng. Khi lễ kết thúc tất cả tu sĩ Po Acar ở trần lội xuống sông làm lễ “té nước” và kết thúc nghi lễ.
Nghi lễ này ngoài chức sắc, tu sĩ thực hiện còn có sự tham gia của một số dân làng, tín đồ ở các thôn, các vùng cùng hưởng chung đập nước tham gia cúng lễ. Tất cả bà con dân làng cúng lễ vật đều cầu mong cho trời ban cho mưa thuận gió hòa, không gây lũ lụt phá hoại mùa màng.
Lễ tế trâu (Ngak kabaw yang patau): Lễ tế trâu là loại lễ nghi cúng tế lớn nhất trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Chăm. Lễ được tổ chức 7 năm 1 lần. Lễ vật cúng một con trâu trắng tại núi Đá Trắng thuộc thôn Như Ngọc, Ninh Phước, Ninh Thuận.
Nguồn gốc của lễ này theo truyền thuyết kể lại: Ngày xưa khi người Chăm chưa có vua, ông “kay Klong, kay Biên” mới đào đất lấp biển, phá núi để hình thành đất đai, sông biển cho người Chăm. Lúc đó ở xứ Chăm có một Chằn tinh (Rak) từ đâu xuất hiện đòi làm vua xứ Chăm. Chằn tinh đòi vua Chăm phải nộp nhiều thứ thuế và nộp cả người đẹp. Về sau Chằn tinh còn đòi vua Chăm nộp cả công chúa. Thấy Chằn tinh ngày càng gieo tai họa cho dân làng, và để cứu công chúa ra khỏi tay Chằn tinh. Vua cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng và giúp vua tiêu diệt cho được Chằn tinh. Vua tập trung dân làng, ra tay chiến đấu nhiều ngày đêm với Chằn tinh. Cuối cùng Chằn tinh bị vua chém đầu, Chằn tinh bị giết chết, xương chất đống thành núi màu trắng. Từ sự tích đó, tại làng này có một ngọn núi Đá Trắng, trên núi có một cái hang sâu mà dân gian gọi hang đó là đầu và miệng của Chằn tinh và lấy tên núi đó là “Cơk yang Patau” (Núi vua chúa). Từ đó dân làng thoát khỏi tai họa. Về sau để trừ Chằn tinh phá hoại dân làng, mùa màng, dân làng thường cúng trâu trắng 7 năm một lần.

Lễ cúng trâu trắng do Cai lệ (Hamu ia), thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap), Muk pajau (bà bóng) thực hiện… Lễ được thực hiện một ngày từ sáng đến chiều. Trong buổi sáng, Ong Cai lệ dắt trâu trắng đến chân núi Đá Trắng và làm lễ tâu trình với thần yang tại tấm bi “Yang tikuh” (thần Chuột) bằng lễ vật 3 trứng gà, rượu và trầu cau… Sau khi tâu trình thần yang, ông Cai lệ trở lại chân núi Đá Trắng, ông Cai lệ đọc lời khấn làm lễ tẩy uế con trâu và xin phép thần yang làm lễ cắt cổ trâu. Nghi thức lễ cắt cổ trâu diễn ra rất trọng thể. Trước khi bị cắt cổ cúng thần, con trâu được làm lễ tẩy thể bằng “nước thần” (nước có pha cát lồi). Sau đó trâu được buột lại bốn chân và vật ngã nằm xuống đất. Ông Hamu ia (Cai lệ) cầm cây kiếm dài hướng về phía mặt trời mọc, tay cầm 3 tem trầu cau và một nắm gạo trắng vung lên trời để cầu siêu cho linh hồn con trâu. Ông Hamu ia cầu thánh Alla, thần đất, thần núi Đá Trắng, thần Chằm tinh (Cơk yang patau)… cho phép ông được cắt cổ trâu và các vị thần sớm cầu siêu cho linh hồn con trâu và các vị thần nhanh mà đến hưởng lễ. Hết lời cầu khấn ông cắt cổ trâu. Trong lúc cắt cổ trâu ông Cai lệ nín thở cho đến khi huyết trâu chảy hết và trâu tắt thở trong tiếng chiêng và lời hát lễ của thầy Kadhar kéo đàn Rabap.
Lễ vật cúng thần yang, thần Chằm tinh ở núi Đá Trắng, ngoài thịt trâu còn có hai con gà luộc, bánh chà cung (bánh bột gạo), 2 chén rượu cần, trứng, trầu cau, bánh trái…
Địa điểm cúng lễ ngoài tại chân núi Đá Trắng - nơi hành lễ chính, họ còn cúng tại nơi dựng tấm bi “Yang Tikuh” một mâm cơm, 1 mâm thịt, 1 mâm cỗ bánh (bánh tét, trái cây hoa quả). Và cúng tại đỉnh núi đá trắng gồm: 1 mâm cơm, một mâm thịt trâu, 1 cỗ bánh, 1 thau huyết trâu.
Nghi thức hành lễ, thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thánh ca mời các vị thần thì ông Cai lệ (Humua ia) đánh chiêng và Bà bóng (Muk pajau) dâng lễ vật. Họ mời các vị thần như thần đất (Po bhum), các vị thần núi ở núi đá trắng (Po cơk yang patau), thần sông (Po patau ia), thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar), thần thủy lợi (Po Klaung Garai, Po Rame), thần chuột phá hoại mùa màng (Yang tikuh)… Lễ này có sự tham gia của dân làng ở khu vực núi Đá Trắng, họ cũng dâng bánh trái, cầu khấn, múa mừng tạo thành một lễ hội mang tính khu vực. Lễ này từ lâu đã trở thành phong tục, tín ngưỡng của người Chăm. Do đó cứ 7 năm 1 lần, người Chăm tổ chức lễ cúng trâu tại núi Đá Trắng. Dân gian Chăm có câu tục ngữ để tưởng nhớ đến tục lễ trên như sau:
Bilan năm yang tikuh
Bilan tajuh yang patau
(Tháng sáu cúng thần chuột phá hoại mùa màng
Tháng bảy cúng thần Chằn tinh ở núi Đá Trắng)

Lễ hội Chăm ở Thánh đường (Sangmưgik)

Cùng với hệ thống lễ hội múa Rija thì hệ thống lễ nghi ở thánh đường là biểu hiện rõ nét về một loại hình tín ngưỡng, lễ hội của người Chăm Awal – Chăm ảnh hưởng Hồi giáo. Ngoài các lễ nghi chung với người Chăm Ahiêr – Chăm ảnh hưởng Bàlamôn như hệ thống lễ nghi nông nghiệp, hệ thống lễ Rija thì người Chăm Awal còn có nghi lễ và hội hè khác liên quan đến thánh đuờng như lễ Suk jương (kinh hội), lễ hội Ramwan…
I. Lễ hội Suk Yương (Kinh hội):
Lễ Suk yương là kinh hội của người Chăm Awal - Chăm ảnh hưởng Hồi giáo. Lễ hội được tổ chức 3 năm 1 lần, luân phiên tại các thánh đường trong ngày thứ sáu. Vì vậy họ gọi lễ hội này là Suk yương, có nghĩa là chu kì lễ ngày thứ sáu. Lễ hội thường diễn ra vào tháng 11 hoặc 12 Hồi lịch.
Lễ hội Suk yương ngoài việc các tu sĩ nhóm Chăm Awal là tu sĩ Po Acar mở cửa thánh đường làm lễ, cầu kinh còn là dịp họp mặt các chức sắc tín ngưỡng, tôn giáo của Chăm Ahiêr và nhóm Chăm Awal, kể cả các tín đồ ở 22 làng Chăm về để tổng kết, bàn bạc và đưa ra phương hướng thực hiện phong tục như quan hôn, tang tế và cả về lịch pháp ở các làng palei, các khu vực đền tháp, các thánh đường trong thời gian thực hiện 3 năm qua. Trong dịp lễ hội này người Chăm còn bầu một hội đồng phong tục - những thành viên trong hội đồng phong tục là các chức sắc tu sĩ phụ trách ở 7 thánh đường người Chăm Awal và ở 3 đền tháp người Chăm Ahiêr để quản lí tín đồ.
Lễ hội Suk yương ở làng Chăm, sau khi kết thúc phần họp mặt bàn bạc của hội đồng phong tục, tín đồ thì các tu sĩ nhóm Chăm Awal (Po Acar) làm lễ cầu kinh trong thánh đường. Mỗi gia đình trong làng Palei, mỗi nhà có tu sĩ Acar đều đội mâm lễ vật (cơm canh, bánh trái) đến thánh đường để tu sĩ hành lễ. Nghi thức hành lễ tương tự như hành lễ trong thánh đường ngày lễ hội Ramưwan sẽ trình bày sau. Tuy nhiên hành lễ Ramưwan kéo dài một tháng còn lễ Suk yương tu sĩ chỉ hành lễ một ngày.
Trong dịp lễ này các gia đình ở làng Chăm nhóm Awal, ảnh hưởng Hồi giáo – nơi có kinh hội Suk yương đều chuẩn bị quá bánh để tiếp đón người thân, bạn bè. Họ vui vẻ chúc tụng lẫn nhau. Làng Chăm trong dịp lễ này còn tổ chức bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, ca múa nhạc dân gian…làm cho làng Chăm thực sự sôi động hẳn lên. Lễ Suk Yương thực sự là ngày hội của palei Chăm.
II. Lễ hội Ramưwan: Lễ hội Ramưwan của người Chăm Awal diễn ra trong thời gian một tháng, trước khi vào lễ họ thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu. Lễ hội diễn ra làm 3 phần: lễ tảo mộ (nau ghôr) - lễ cúng gia tiên (iêu muk key – kèm theo hội) và lễ chay niệm tại thánh đường (bang ơk).
- Lễ tảo mộ (nau ghôr):
Khi chuẩn bị bước vào lễ Ramưwan, người Chăm tổ chức đi tảo mộ. Đây là lễ khởi đầu của mùa lễ Ramưwan thường tổ chức vào cuối tháng 8 Hồi lịch. Họ thường tổ chức đi tảo mộ thành từng tộc họ, thành từng làng palei, với trang phục chỉnh tề, với lễ vật đơn giản như bánh trái, ấm trà, rượu trứng, họ đến nghĩa địa từng gia tộc để làm sạch cỏ, vun đất phần mộ và tu sĩ Po Acar
làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ “cúng gia tiên” nhân ngày Ramưwan. Nghi thức lễ do Po Acar thực hiện bằng những lời cầu kinh bằng tiếng Ả rập được rút ra từ kinh Koran (Kuruưn) và một số vị đàn ông khác thuộc kinh kệ cũng ăn mặc chỉnh tề cùng với các phụ nữ van vái mời tổ tiên ông bà về dự lễ Ramưwan.
- Lễ cúng gia tiên (ieu muk key): Sau khi tảo mộ về, họ chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà làm bàn tổ (danok). Bàn tổ được trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, 2 cái gối nằm…Đây là nơi yên vị của tổ tiên về hưởng lễ nhân ngày Ramưwan. Sau khi lập bàn tổ xong, họ dâng lễ vật lên cúng tổ tiên như bánh tét, bánh ít, chè, xôi bánh sakaya (món lạt – kaya yuơr); gà luộc, cơm canh, cá khô (món mặn - kaya klăm)…Lễ vật được dâng cúng thành nhiều mâm. Mỗi một thành viên trong gia đình đều cầu khấn trong hương hồn tổ tiên phù hộ độ trì cho họ. Mâm lễ còn được dâng thành nhiều đợt. Mỗi đợt dâng lên hai mâm (mâm ngọt và mâm mặn). Trong mỗi lần dâng lễ vật vị cúng lễ luôn đọc kinh, vừa rót rượu vừa khấn vái trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Các vị thần linh được mời về hưởng lễ là tổ tiên bên nội và cả bên ngoại sau đó là những người thân trong gia đình đã khuất...Trong ngày cúng gia tiên (ieu muk kay) những thành viên trong gia đình đều họp mặt đông đủ với hương hồn của tổ tiên. Họ luôn cầu khấn và hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ độ trì. Kết thúc lễ này, họ mời bà con, bạn bè dự lễ cùng hưởng lễ vật, họ cùng ăn, cùng chúc tụng lẫn nhau.
- Hội: trong 3 ngày lễ cúng gia tiên họ thường tổ chức ngày hội. Mỗi làng palei Chăm Awal đều tổ chức giao hữu bóng đá, văn nghệ, trò chơi dân gian như tổ chức thi đội nước, bò kéo xe, kéo cày, giã mạo... Các trò chơi không chỉ lôi cuốn các thành viên trong làng mà còn có nhiều thành viên ở các làng palei khác tham gia. Ba ngày đầu cúng lễ gia tiên người Chăm Hồi giáo Bàni thực sự là ngày hội mở đầu cho lễ Ramưwan.
- Lễ Ramưwan (băng ơk):
Sau khi kết thúc 3 ngày lễ cúng gia tiên làng Chăm lại chìm lắng lại trong không khí trang nghiêm. Tất cả các tín đồ Hồi giáo – Bàni phải làm lễ tẩy thế (Richo) để cho thân thể sạch sẽ, tâm hồn thanh thản. Họ không được sát sinh, ca hát, nhảy múa nữa, mà luôn để cho tâm hồn trong sạch, mặc áo quần sạch sẽ, nam nữ đều mặc áo lễ màu trắng truyền thống để vào thánh
đường (Sang Mưgik) dự lễ Rưmưwan. Và cũng kể từ đây tẩt cả tu sĩ Po Acar cũng tập trung tại thánh đường để hành lễ trong thời gian 01 tháng.
Hành lễ Ramưwan trong thánh đường:
Lễ Ramưwan tại thánh đường do các tu sĩ Po Acar thực hiện. Tất cả tu sĩ Po Acar phải tập trung vào thánh đường. Trong suốt tháng lễ họ không được trở về nhà sinh hoạt với gia đình vợ con. Họ phải nhịn đói suốt tháng lễ, chỉ ăn được lúc về đêm. Mỗi ngày đêm cầu nguyện 5 lần, đọc kinh Coran, cầu thần Âuloah (thánh alla).
Hành lễ Ramưwan tại thánh đường được diễn ra theo các bước lễ như sau: lễ tẩy thể (mưk ia), lễ đánh trống (atoong agar), lễ đọc kinh (wah) và lễ kết thúc.
+ Lễ tẩy thể tu sĩ Acar:Trước khi vào hành lễ các tu sĩ Po Acar đều làm lễ tẩy thể. Lễ tẩy thể được diễn ra trước thánh đường. Lễ được thực hiện một lúc 9 vị tu sĩ. Mỗi tu sĩ mặc váy mình trần (áo khoác vai), tay cầm chén đồng để lấy nước tẩy thể. Nước tẩy thể được họ lấy từ giếng hoặc cái hồ ở trong khuôn viên thánh đường. Lễ tẩy thể này mang tính tượng trưng. Khi lấy được nước thì 09 vị tu sĩ đứng trên 09 miếng đá (patau kakbah) được đặt ở trước thánh đường đọc kinh làm lễ tẩy thể. Sau đó họ mặc trang phục chỉnh tề bước vào thánh đường làm lễ. Khi bước vào cửa thánh đường họ còn đọc câu kinh dài và làm nghi thức lễ của người Hồi giáo là lấy tay chạm mũi.

+ Đánh trống và gọi lễ (atoong agar): Mỗi lần thực hiện lễ trong thánh đường họ đều dùng trống (hagar) để khởi lệnh. Đánh trống lễ trong thánh đường được phân công tu sĩ cụ thể. Người đánh trống thường là cấp tu sĩ Katip hay Imưm trong hàng ngũ chức sắc Chăm Awal. Trống được treo ở góc bên trong thánh đường (gần cửa ra vào). Tiếng trống gọi lễ thường bắt đầu bằng một hồi dài liên tục và kết thúc bằng 03 tiếng sau cùng. Khi tiếng trống gọi lễ (Bang) kết thúc, thì người đánh trống được một vị tu sĩ khác đến tiếp đón về nơi dự lễ bằng cử chỉ hai người đứng cạnh nhau, hai tay chạm lên mão (mũ) và hai tai. Cuối cùng ngâm lên bài kinh và bắt đầu lễ đọc kinh.
+ Đọc kinh (wah):
Trong 4 bước hành lễ trên, lễ đọc kinh “wah” là quan trọng do một vị Imưm hoặc Katip hướng dẫn đọc và hành lễ. Các vị tu sĩ đứng theo hàng ngang trong thánh đường, mặt hướng về hướng tây (hướng về La Mecque). Bài kinh có khi một người đọc, có khi cùng đọc tất cả và thỉnh thoảng đọc đồng thanh hoặc hô vang tiếng “Omin”.
Trong 4 bước hành lễ trên, lễ đọc kinh “wah” là quan trọng do một vị Imưm hoặc Katip hướng dẫn đọc và hành lễ. Các vị tu sĩ đứng theo hàng ngang trong thánh đường, mặt hướng về hướng tây (hướng về La Mecque). Bài kinh có khi một người đọc, có khi cùng đọc tất cả và thỉnh thoảng đọc đồng thanh hoặc hô vang tiếng “Omin”. Khi đọc các tu sĩ thể hiện nhiều thao tác khác nhau như bái lạy, qùy, đứng, tay thì lần từng hạt chuỗi (mặc khải). Kết thúc một lần đọc kinh thì các tu sĩ thường ngồi lại thành vòng tròn. Từng vị tu sĩ tham gia lễ trong thánh đường đều bắt tay nhau, rồi đưa tay chạm vào mũi. Đây là nghi thức chào nhau thân thiện mà thường gặp ở các tín đồ Hồi giáo thế giới.
Trong lúc các tu sĩ hành lễ thì bà con trong làng thường dâng lễ cho vị thần Âuloah (Alla) như têm trầu, cây nến bằng sáp ong để thắp sáng... để biết ơn đến thánh Alla và cầu may, cầu tài lộc. Những gia đình có tu sĩ thì còn đội lễ vật như cơm, bánh trái đến thánh đường để các tu sĩ dùng về đêm.
Hành lễ Ramưwan kéo dài trong một tháng. Trong tháng lễ họ còn chia ra làm nhiều giai đoạn (tiểu lễ) khác nhau như sau:
Lễ ngày thứ sáu (harey jamưah): Trong tháng lễ Ramưwan họ tổ chức 4 lần đọc kinh lễ ngày thứ sáu. Nghi thức lễ cũng tương tự như đã trình bày trên, chỉ khác ở chỗ là chủ lễ đọc kinh trong ngày thứ sáu là vị Katip, lễ vào giờ kinh Vahrik - hướng về thánh Môhamat. Nghi thức hành lễ này khá long trọng, vị katip phải đứng vào bục giảng trong thánh đường (Kanrong), tay cầm gậy lễ (gai bhong) và cuốn sách giảng kinh Koran. Khi bài giảng kinh kết thúc thì tín đồ dâng lễ vật (xôi, chè) lên thánh đường. Các tu sĩ ngồi quây quần lại bên nhau cùng đọc kinh và đốt chén lửa xông hương trầm kết thúc bài lễ kinh.
Lễ kinh vào ngày thứ năm (Harey pok jip): Lễ này cũng được thực hiện trong ngày thứ năm hàng tuần. Nghi thức hành lễ, đọc kinh dâng lễ vật cũng tương tự như lễ thường ngày trong thánh đường. Chỉ khác ở chỗ là lễ này đọc kinh vào giờ kinh Esha và cuối cùng có đọc thêm 5 kinh lễ cầu cúng tổ tiên tương tự như lễ cúng gia tiên ở phần đầu (băng muk key).
Lễ Muk trun, Ôn trun: Lễ Ramưwan kết thúc 15 ngày đầu gọi là “Nữ thần gian thế” (Muk trun) và từ ngày thứ 20 trở đi đến cuối tháng là lễ “Thần Ông” giáng thế (Ôn trun). Nghi thức hành lễ của các lễ này cũng tương tự như các nghi thức lễ ngày thứ sáu hàng tuần đã trình bày. Đặc biệt sau lễ “Muk trun” là mốc thời gian báo hiệu các tín đồ ở làng Chăm (kể cả Chăm Awal và Chăm Ahiêr) đã hết thời kỳ kiêng cữ, chay tịnh. Họ sẽ được phép sát sinh, cúng tế thuộc về lễ nghi tín ngưỡng dân gian Chăm. Còn sau lễ “On trun” bà con trong làng có tục dâng gạo (tuh brah) lên thánh đường để các tu sĩ làm lễ bố thí cho người nghèo. Trong lễ On trun này các tu sĩ còn thực hiện lễ nghi cho các tín đồ như lễ “Palek kalăm” cho các cháu trai đã làm lễ cắt da quy đầu (katat) theo tập tục của Hồi giáo...để kể từ đây các tín đồ mới trưởng thành này được phép dự lễ kinh tảo mộ, cúng gia tiên...
+ Lễ kết thúc Ramưwan (taleh Ramưwan): Lễ Ramưwan kết thúc vào ngày thứ 30 của tháng lễ chay tịnh. Ngày kết thúc lễ được tổ chức rất long trọng trong thánh đường. Ngoài việc tổ chức đọc kinh Koran như thường lệ và cầu những điều tốt lành cho dân làng (giờ kinh Subahik); họ còn tổ chức lễ rước gậy thần Âuloah (Alla); làm lễ thăng quan tiến chức cho các vị tu sĩ trong thánh đường (Imưm, Katip). Ngày cuối cùng của tháng lễ, ngoài việc tín đồ trong làng tổ chức ăn cơm bố thí (cơm, trứng luộc và muối mè) gọi là “lithey Yakat” của các vị tu sĩ, dân làng còn dâng lễ vật, mỗi tín đồ dâng 2 mâm lễ (một mặn, một ngọt)... lên thánh đường để cúng lễ thánh Âuloah (Alla) rồi kết thúc lễ Ramưwan.
Tóm lại:
Lễ Ramưwan là lễ hội lớn nhất của người Chăm Awal – Chăm ảnh hưởng Hồi giáo. Lễ hội nguyên gốc của nó chỉ là lễ đơn thuần cho mùa chay niệm cho tín đồ Hồi giáo. Thế nhưng khi người Chăm tiếp nhận, họ đã cải biên lại thành lễ hội mang bản sắc của riêng mình. Do vậy lễ Ramưwan của người Chăm không chỉ là lễ chay niệm, đọc kinh cầu nguyện thánh Alla một ngày 5 lần mà nó còn kết hợp với lễ cúng gia tiên, tục dâng gạo, lễ cúng nữ thần giáng thế - một tín ngưỡng bản địa lâu đời của người Chăm. Hơn thế nữa, trong lễ hội Ramưwan còn chấp nhận cho các tín đồ múa hát - một loại hình sinh hoạt khó có thể chấp nhận trong luật của Hồi giáo nhưng cuối cùng cũng hội nhập vào lễ Ramưwan. Những yếu tố trên đã kết hợp, dung hoà lại với nhau tạo cho lễ Ramưwan trở thành một lễ hội đặc sắc của người Chăm, góp phần làm phong phú và đa dạng sắc màu độc đáo của lễ hội Chăm.

Lễ hội cúng thần linh

Trong hệ thống lễ hội Chăm lễ Puis, Payak là loại lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm có từ lâu đời. Đây là lễ hội của tộc họ được tổ chức theo định kỳ 1 năm, 3 năm hoặc 7 năm một lần. Lễ Puis, Payak là hai loại lễ khác nhau, tuỳ theo phong tục thờ cúng, hệ thống thờ thần mà mỗi tộc họ tổ chức lễ Puis hoặc Payak để tế thần linh.
Lễ Puis:
là loại lễ nghi của tộc họ cúng để trả lễ và thết đãi thần linh (Jiư muk key) - cụ thể là lễ tế thần Po Rame. Lễ này thường được tổ chức theo định kỳ 1 năm, 2 năm hoặc 7 năm một lần khi tộc họ làm ăn được mùa, phát đạt con cháu sum họp.
Lễ Puis được tổ chức phổ biến trong tộc họ thuộc các làng thờ tháp Po Rame như Hậu sanh, Mỹ Nghiệp, Vĩnh Thuận, Vụ Bổn, Hiếu Thiện (Ninh Thuận)… Còn các tộc họ khác thờ cúng thuộc khu vực tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh - Ninh Thuận) thì làm lễ cúng Payak. Tục lễ ấy đã có từ xưa đến nay và đã trở thành phong tục, tín ngưỡng của tộc họ. Cứ như thế khi đến chu kỳ cúng lễ hàng năm thì tộc họ phải thực hiện những lễ cúng trên.
Khi đến một chu kỳ cúng lễ Puis của tộc họ thì trưởng tộc họ (akauk gơp)có nhiệm vụ đi thông báo đến các thành viên tộc họ và góp tiền của để thực hiện lễ cúng. Khi đã đủ điều kiện về vật chất và tài chính thì ông trưởng tộc đem lễ vật (trầu, rượu) đến nhà thầy Kadhar Gru - thầy tế lễ Puis để xem ngày lành thàng tốt cúng lễ. Thông thường thì lễ Puis thực hiện được bất cứ tháng nào trong năm và phải là ngày chẳn trong tháng 3, 4, 5 trừ tháng 11 và 12 (bilan Puis, mak). Vì hai tháng này người Chăm thường cử hành lễ đăng quan, tiến chức cho các vị vua chúa cho nên phải kiêng cữ.
Sau khi được thầy Kadhar ấn định ngày tháng tổ chức lễ thì lễ Puis được diễn ra trong một nhà lễ (Kajang) trong lễ Puis có hai loại: Loại nhà lễ không có lợp mái (Kajang mưtưh danah buah) và nhà lễ lợp mái (kajang bah bauh). Tuỳ theo tộc họ có tục cúng nhà lễ nào thì dựng theo nhà lễ kiểu ấy. Ở hai nhà lễ này mặc dù hình thức khác nhau nhưng nội dung hành lễ, lễ vật hiến tế đều giống nhau. Ở đây chỉ khảo tả lại lễ Puis có hình thức nhà lễ một mái.
Trong ngày làm lễ, từ sáng sớm tộc họ tập trung đông đủ tại nhà được tổ chức lễ. Phụ nữ được phân công nhau chuẩn bị lễ vật như gói bánh, trầu cau, bánh trái… Còn đàn ông thì làm heo, gà… và dựng nhà lễ. Nhà lễ không rộng lắm (4m x 5m), chủ yếu làm bằng tre, và mái thì lợp tranh hoặc tấm bạt và mở một lối ra vào ở hướng đông - tây.
Lễ vật cúng lễ Puis bao gồm:
- 1 bộ y phục đàn ông (1 cái váy trắng, 1 dây thắt lưng, 1 cái áo sah, 1 cái khăn đội đầu) và 1 bộ trang phục đàn bà (1 cái váy trắng, 1 dây thắt lưng, 1 cái áo, 1 cái khăn đội đầu). Hai bộ trang phục này được treo lên trước bàn tổ trong nhà lễ (Kajang).
- Ngoài trang phục lễ, lễ vật dâng cúng còn có cơm canh, rượu trứng, cá khô, bánh chakun (bánh hấp bằng bột gạo), cơm rượu (tapai thanh) và 3 chén rượu cần (ia tapay) và hoa quả…
Tất cả những lễ vật được sắp xếp theo mâm lễ. Tùy theo lễ cúng vị thần nào mà mâm lễ vật được xếp trên mâm 5 tầng, 7 tầng, 8 tầng hoặc 9 tầng. Mỗi tầng lễ vật được sắp xếp xen kẽ nhau bao gồm: bánh tét (pay nung), bánh chakun (kur), bánh tráng (pay Chăm), cá khô (rik), chuối (patey)… Tổng cộng tất cả 16 mâm lễ, trong đó hai mâm xếp 9 tầng (kaya salipan), 2 mâm xếp 7 tầng (kaya tajuh), 4 mâm xếp 8 tầng (kaya dalipan), 3 mâm xếp 5 tầng (kaya limư) và với 5 mâm cơm (cơm, canh, cá khô, thịt gà luộc…) Tất cả mâm lễ vật được đặt hai bàn tổ (sanai) chính bên trong nhà lễ.
Ngoài những mâm lễ như trên thì ở chính giữa nhà lễ còn có bàn tổ của Muk Pajau (bà bóng) - bàn tổ chính của nhà lễ. Ở bàn tổ này có đặt một “thôn hala”, 1 khay trầu le, khay rượu, gạo lễ (brah kran) tô nước lã và chén lửa đốt trầm. Ở bên trái bàn tổ bà bóng còn có bàn tổ thầy kéo đàn Rabap và bàn tổ của chủ nhà (Po sang). Ở hai bàn tổ này, mỗi bàn có đặt một khay trầu, khay rượu, bình trà, chén lửa đốt trầm.
Lễ Puis do thầy kéo đàn Rabap (Kadhar) và bà bóng (Muk pajau) là chủ tế lễ chính. Sau khi vật đã chuẩn bị xong thì trong buổi sáng hôm đó chủ nhà đem lễ vật trầu rượu đến làm lễ đón rước đàn Rabap và gạo lễ - vật tổ của thầy Kadhar và Muk pajau. Sau đó lễ được tiến hành, bà bóng khấn vái mời thần linh, tổ tiên trong nhà trình lễ. Sau đó là làm lễ cúng cá khô (ngak yang tachauk rik) và cúng 5 mâm cơm (ieu tamư salao lithey).
Sau lễ cúng các vị thần tổ tiên trong nhà (Po truak patra) thì thầy Kadhar và Muk pajau bắt đầu cúng mời đãi các vị thần linh sau: Thần Siva (Po Ginôr mưtri), Thần trong nhà (Yang di sang), Thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar taha), Thần mẹ xứ sở Hamu Mưrâu (Po Inư Nưgar hamu Mưrâu), Thần mẹ xứ sở Hamu Ram (po Inư Nưgar Hamu Ram), Quan văn (Po Par), Vua Chăm thế kỷ XVII (Po Rame), Vua Chăm thế kỷ XIV (Po Thun Garai), Quan phó vương miền núi (Po Garai phauk), Po Klaung Kasat, Cey Thuơr (biệt hiệu thần Po Klaung Garai), Thần Yang in (Po Yang In), Thần rừng trầm, rừng quế (po Tang, Po Galau), Thần sóng biển (Po Riyak), Chàng trai trẻ (Po Dam), Tổ tiên (Po Trauk, Po Patra).
Mỗi vị thần trên khi được mời về dự thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, ca ngợi công lao tiểu sử của các vị thần. Trong lúc thầy Kadhar hát bài thánh ca thì bà bóng (Muk pajau) rót rượu cầu khấn và dâng lễ vật. Bà con dự lễ cũng cầu khấn cho các vị thần linh vui lòng hưởng lễ vật của tộc họ dâng cúng mà phù hộ độ trì cho tộc họ. Nghi thức hành lễ cúng thần linh và nội dung hát ở lễ Puis này tương tự như nghi lễ cầu cúng ở các lễ liên quan đến đền tháp Chăm như lễ mở cửa tháp (pơh băng yang), lễ hội Katê…
Tiếp theo lễ đãi thần linh thì bà bóng (Muk pajau) còn múa dâng lễ. Múa dâng lễ chỉ được thực hiện ở phần tế lễ đãi thần Siva (Po Ginôr Mưtri), Po Inư Nưgar, Po Rame. Nghi thức múa cúng lễ 3 vị thần vừa nêu trên đều như nhau. Thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát mời, bà bóng múa và dâng lễ vật mỗi vị thần một khay trầu và một ché rượu cần. Chỉ có múa dâng lễ ở vị thần mẹ xứ sở thì bà bóng còn có tục múa dâng gạo, lúa bằng động tác múa đi xung quanh 3 mũng gạo và múa đạp vào đống lúa đổ sẵn trên chiếu lễ ở bàn tổ. Nghi thức múa lễ này người Chăm còn gọi là “múa đạp lúa”. Lễ múa này người Chăm nhằm tưởng nhớ vị thần mẹ Po Inư Nưgar - Nữ thần hiện thân cho mẹ lúa, hồn lúa và họ cầu mong cho được mùa màng, đời sống ấm no, sung túc.
Những điệu múa hát theo lễ như trên được hòa vào tiếng đàn Rabap, trống Basanưng, Chiêng, nhạc gõ bằng gỗ (người Chăm gọi là tăm gek). Tất cả những lời ca điệu múa ấy mang một âm hưởng trầm hùng cùng với tiếng vỗ tay nhiệt thành của những người tham gia lễ tạo nên một nhạc lễ riêng biệt đặc sắc của lễ Puis, Payak mà người Chăm gọi nhạc lễ này là điệu nhạc “Chiêng jăp”

Sau lễ múa hát kết thúc thì họ tổ chức lễ tiễn đưa các vị thần hưởng lễ về thiên giới. Lễ này ông thầy kéo đàn Rabap và bà bóng cúng tâu trình với các thần linh là lễ tế đãi thần của tộc họ đến đây kết thúc. Bà bóng ngồi rót rượu, tay cầm những hạt lúa nổ (kaman) rãi khắp bàn tổ trong nhà lễ rồi rót rượu xuống đất miệng cầu khấn: Nghi lễ cúng thần đã kết thúc, cầu mong các vị thần trong đền tháp (yang bimôn kalan), các vị thần trong nhà (yang di sang) và tổ tiên… phù hộ độ trì cho tộc họ sức khỏe, được mùa, đoàn kết sum họp, thương yêu lẫn nhau… Sau lời khấn thì nghi lễ chấm dứt. Nhà lễ lập tức được dỡ bỏ, nghi lễ tế thần linh - Puis kết thúc trong ngày.
Lễ Payak:
là lễ của tộc họ chủ yếu là cúng vị thần tổ tiên (yang di sang) và thần Po Klaung Garai. Lễ payak do các tộc thuộc các làng Chăm thờ tháp Po Klaung Garai thực hiện như: làng Phước Đồng, Chất Thường, Hiếu Lễ, Hoài Trung (Ninh Phước - Ninh Thuận)…
Hành lễ Payak cũng tương tự như lễ Puis là do thầy Kadhar và bà bóng thực hiện.
Lễ này chỉ khác ở chỗ là khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát mời vị thần Siva thì bà bóng thực hiện nghi lễ “thả ba hạt gạo trôi trong lọ nước”, rồi bà bóng đợi cho đến khi 3 hạt gạo trôi đến gần nhau thì dùng lá trầu vớt 3 hạt gạo lên. Đó là điềm báo tộc họ này sum họp, làm ăn thịnh vượng, may mắn. Sau đó họ làm lễ thết đãi cơm, rượu cần như lễ Puis vừa nêu trên.
Trong lễ tế các vị thần linh trong lễ Payak, khi cúng đến thần Po Klaung Garai - đối tượng cúng chính của lễ này thì thầy Kadhar có một nghi lễ riêng. Khi cúng thần Po Klaung Garai thì thầy Kadhar kéo vạt áo lên trùm đầu và hát những bài thánh ca, bà bóng dâng lễ vật cơm canh, ché rượu cần cho thần, rồi bà bóng múa lễ mừng.
Múa trong lễ Payak phong phú hơn lễ Puis. Ngoài lễ múa mừng (tamia ôn), dâng đạp lúa (tammia jaup paday) còn có múa ngậm lửa (tamia jauk apaui), múa thoát y (tamia halang halaup), múa mừng hạt lúa (tamia ôn kaman), múa cho con ăn (tamia crauk lithey ka anưk), múa ru con (tamia dai anưk)…
- Nghi thức múa mừng và múa đạp lúa tương tự như lễ Puis.
- Múa ngậm lửa: là một điệu múa của bà bóng, tay cầm 3 cây nến thắp sáng rồi ngậm lửa vào miệng. Khi bà bóng ngậm lửa vào miệng mà nhún nhảy thì thầy Kadhar kéo đàn Rabap và nghệ nhân khác vỗ trống Basanưng, đánh chiêng dồn dập… Khi bà bóng múa và ngậm tắt 3 nén lửa thắp sáng thì múa lễ này kết thúc.
- Múa thoát y:
Để thực hiện điệu múa lễ này ngoài bộ y phục màu trắng mà bà bóng mặc đang hành lễ, thì bà bóng còn mặc chồng lên thêm một cái váy màu đen. Khi tiếng nhạc lễ cất lên thì điệu múa bắt đầu. Bà bóng tay cầm hai đầu váy đen vừa mặc, vừa làm động tác mở váy ra. Bà bóng cứ làm động tác cầm hai đầu váy múa nửa kín nửa hở; nhảy múa trước bàn tổ để dâng cúng thần linh. Nghi thức múa mặc váy nửa kín, nửa hở như trên người Chăm gọi là múa thoát y (tamin lang halaup).
- Nghi lễ múa mừng hạt lúa nổ:
Bắt đầu điệu múa “Mừng hạt lúa nổ”. Bà bóng nằm dài trên chiếc chiếu cổ (ciew ang) đặt ở chính giữa nhà lễ, đầu hướng về hướng đông. Bên cạnh bà bóng nằm có đặt một chén nước lễ, trong đó có 3 hạt lúa nổ và một chén rượu cần. Khi vào lễ múa thì bà bóng ngậm nước phun vào bàn tổ 3 lần rồi múa mừng theo tiếng đàn Rabap, tiếng trống Basanưng và tiếng Chiêng lễ.
- Nghi lễ múa cho con ăn:
Lễ múa này do bà bóng và vũ sư của tộc họ thực hiện. Chuẩn bị lễ vật múa cho con ăn bao gồm: mâm cơm, canh, cá, gà luộc, chuối. Sau khi lễ vật chuẩn bị xong thì bà bóng và vũ sư ngồi vào bàn tổ. Trên vai bà vũ sư có đeo một chiếc váy trắng ngang ngực - tượng trưng cho tục “điệu con”. Lúc vào lễ thì bà con dự lễ rót rượu khấn vái tổ tiên thần linh cho tộc họ con đàn cháu đống. Thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát bài lễ “cho con ăn”. Trong lúc Kadhar hát lễ thì bà bóng làm động tác cho con ăn. Đầu tiên bà bóng múa cho con uống nước, tiếp đó là xúc miệng cho con bằng nước muối. Sau đó là cho con ăn cơm với cá, đùi gà và cuối cùng là trái chuối. Tất cả lễ vật đó bà bóng bỏ vào chiếc váy trắng mà vũ sư đang đeo trước ngực. Vì chiếc váy đeo tượng trưng cho con. Sau lễ cho ăn thì bà bóng múa mừng.
- Múa lễ ru con:
Múa lễ ru con do vũ sư (Muk Rija) thực hiện. Bắt đầu vào lễ này thì nhà lễ được tháo gỡ để trống ở đầu nhà lễ. Ở phần trống này họ treo một tấm váy trắng làm võng ru con. Khi vào lễ bà bóng ngồi vào bàn tổ rót rượu khấn vái và vũ sư đứng bên cạnh chiếc võng và treo bằng váy trắng làm động tác ru con theo tiếng hát bài ru con (duah dai anưk) về nữ thần mẹ Po Inư Nưgar do thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát… Đây là điệu múa lễ cuối cùng trong hệ thống múa đãi tế thần linh Payak của tộc họ. Cũng tương tự như lễ cúng đãi thần linh - Puis đã trình bày ở trên, lễ Payak này cũng kết thúc lễ bằng nghi thức lễ tiễn đưa các vị thần linh về lại thiên giới (palau yang).
Lễ tế trâu tộc họ tại tháp Po Klaung Garai:
Từ xa xưa người Chăm còn có tục lễ tế trâu, tục gọi là “Kabaw akadang khun salao” để tế đãi thần linh. Lễ này do một họ tộc thực hiện. Hiện nay họ còn cúng tế trâu 7 năm một lần. Lễ này tương tự như lễ cúng đãi thần linh Payak. Chỉ khác là cúng trâu nướng nguyên con và phải cúng tại một rạp lễ gần chân núi tháp Po Klaung Garai. Hành lễ tế trâu ngoài nội dung múa hát, nó còn có nghi thức lễ nướng trâu nguyên con khiêng lên dâng cúng tại tháp Po Klaung Garai theo nghi thức lễ cúng như lễ mở cửa tháp, lễ hội Katê… Lễ này cũng do thầy Kadhar và bà bóng thực hiện.
Tóm lại: Lễ tế trâu này cũng nằm trong loại nghi lễ cúng thần linh của tộc họ như lễ Puis, Payak. Nhưng lễ nghi Puis, Payak là loại nghi lễ của tộc họ phổ biến hơn. Lễ Puis và Payak là ngày hội của tộc họ - Ngày lễ hội mừng được mùa, mừng con cháu đầy đàn, no ấm, biểu hiện sự giàu sang phú quý của tộc họ mà làm lễ tạ ơn và thết đãi thần linh. Loại hình lễ hội của tộc họ này còn chứa đựng nhiều dấu ấn về văn hóa, tín ngưỡng bản địa cổ sơ có trước khi người Chăm tiếp nhận, ảnh hưởng loại hình tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo. Chính lễ nghi này là tiền đề để hình thành nên nghi thức lễ cúng tế ở đền tháp Chăm. Tín ngưỡng ấy thể hiện ở hình thức tế lễ, nội dung tế lễ. Lễ Puis, Payak do thầy cúng lễ Kadhar và Muk Pajau thực hiện, không có tu sĩ Paseh và Acar tham gia. Văn hóa, tín ngưỡng bản địa ấy còn thể hiện dấu ấn cổ sơ như tục thờ cúng tổ tiên, tục làm nhà một mái, tục ăn lúa nổ, lúa rang, uống rượu cần… Đó là biểu hiện lối sống của cư dân tiền nông nghiệp mới thoát thai từ nghề săn bắn và hái lượm. Đặc biệt ở hệ thống lễ này, có nghệ thuật múa dân gian Chăm như múa mừng, múa đạp lúa, múa ngậm lửa, múa hát ru con… Tất cả những điệu múa này chỉ mới dừng lại ở những động tác đơn giản của múa cổ điển như động tác nhún nhảy cổ tay, bàn chân, đi, đứng, ngồi… Cùng với múa là nhạc lễ Puis, Payak cũng vậy. Nhạc ở đây chỉ là nhạc cụ đơn giản như đàn Rabap, chiêng, nhạc gõ bằng gỗ (tăm gek), có cả tiếng vỗ tay… với khúc thức đơn giản mang tính cổ điển. Tuy vậy, cả múa và nhạc ở lễ Puis, Payak chính là tiền đề, là con đường manh nha để hình thành và nâng cao loại hình múa quạt Chăm và nhạc lễ trống Ginăng, Basanưng và kèn Saranai Chăm sau này. Đây chính là loại hình nghệ thuật múa nhạc cổ điển mang tính bản địa của dân tộc Chăm rất quý giá có trước loại hình múa quạt Chăm và nhạc lễ trống Ginăng, kèn Saranai hiện nay. Chính nó là cội rễ, là nền tảng, là phần hồn góp phần quan trọng để hình thành nên kho tàng nghệ thuật múa hát đặc sắc, tô thêm những sắc màu rực rỡ cho lễ hội Chăm.

Lễ hội của người Chăm ở các Đền - Tháp

Hệ thống lễ hội ở đền tháp Chăm bao gồm có 4 lễ như sau: Lễ mở cửa tháp (pơh bang yang) được tổ chức vào tháng giêng; lễ cầu đảo (yuơr yang) được tổ chức vào tháng 4; lễ hội Katê được tổ chức vào tháng 7 và lễ hội cúng Nữ thần (Chabun) được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm. Tất cả 4 lễ nêu trên, xét về nghi thức hành lễ, lễ vật cúng tế đều có điểm chung như nhau, chỉ khác nhau về tên gọi, mục đích, ý nghĩa, quy mô và một số tiểu tiết nghi lễ.
I. Lễ mở cửa tháp Chăm (Pơh băng yang):
Thời gian, địa điểm và mục đích của lễ mở cửa tháp:
Lễ mở cửa tháp (pơh bang yang) là lễ mở đầu năm cho lễ cúng tế đền tháp Chăm vào thượng tuần trăng tháng 11 (bilan piuc) lịch Chăm. Lễ được diễn ra ở 3 đền tháp (Bi môn, kalan) như đền Po Inư Nưgar - Hữu Đức (Ninh Phước – Ninh Thuận), Tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Tháp Chàm) và tháp Po Rame (Hậu Sanh – Ninh Thuận). Mục đích của lễ này là nhằm dâng lễ vật cầu xin các vị thần đền tháp cho mưa thuận gió hoà, dân làng khoẻ mạnh, được phép khai trương, đắp đập, chuẩn bị cho việc cày gieo...
Hành lễ mở cửa tháp: Lễ hội ở đền tháp nói chung, cũng như lễ mở cửa tháp (Pơh bang yang) là được điều hành bởi ban tế lễ chức sắc đạo Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) bao gồm:
- Thầy cả sư (Po Dhia) trù trì đền tháp làn chủ lễ.
- Thầy kéo đàn Rabap (Ôn Kadhar) hát thánh ca.
- Bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ lên các vị thần.
- Ông Từ (camưnay) chủ trì lễ tắm tượng.
Và cùng một số tu sĩ Paseh phụ lễ.
Lễ vật dâng cúng lễ đền tháp bao gồm:
- 01 con dê
- 03 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp
- 05 mâm cơm, canh cúng với thịt dê
- 01 mâm cơm với muối vừng (lithey thap)
- 03 cỗ bánh gạo và hoa quả
Ngoài ra còn có rượu trứng, trầu cau, xôi chè...
Hệ thống thần linh: Hệ thống thần linh cúng tế ở đền tháp Chăm chủ yếu là các vị anh hùng, các vị văn hoá được người Chăm suy tôn thành thần thánh. Ngoài ra họ còn cầu cúng các vị thần đất thần sông, thần mây, mưa, sấm chớp, thần lửa... Cụ thể là các vị thần sau đây:
Po Ginôr Mưtri (thần Siva)
Po Inư Nưgar (thần mẹ xứ sở)
Po Klaung Garai (vua Chăm thế kỷ XIV)
Po Bin Thuôr (vua Chăm thế kỉ XIV)
Po Rame (vua Chăm thế kỉ XVII)
Po Par (tướng quan văn)
Po Sah (thần Po sah)
Po Klaung Kasat (thần Po Kasat)
Po Dam (Chàng trai trẻ)
Po Bia Sôi (Hoàng Hậu)
Po Bia Binưn (Hoàng Hậu)
Po Bia Than Cih (Hoàng hậu vua Po Rame)
Po Bia Than Can (Hoàng hậu vua Po Rame)
Po Bia Than Yang (Hoàng hậu vua Po Rame)
....
Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ban tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành lễ. Hành lễ mở cửa tháp bao gồm lễ mở cửa tháp (pơh bang yang), lễ tắm tượng thần (mưney yang), lễ mặc y phục (angui khan aw), đại lễ (mưliêng yang)..., đặc biệt là phần đại lễ có dâng lễ vật, mỗi vị thần mời về dự đều được ông thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần... Các bước nghi lễ này tương tự như lễ hội Katê và lễ hội cúng Nữ thần (lễ Chabur) sẽ trình bày ở lễ hội Katê. Nhưng chỉ có điều là lễ mở cửa tháp có quy mô tổ chức nhỏ hơn lễ hội Katê. Lễ chưa qui tụ được cộng đồng mà chỉ dừng lại ở phạm vi lễ, không có phần hội.

II. Lễ cầu đảo (Yuơr - Yang) ở các đền tháp Chăm:
Thời gian, địa điểm, mục đích và ý nghĩa của lễ
: Lễ cầu đảo (yuơr yang) là một trong những lễ chính nằm trong hệ thống lễ hội ở đền tháp Chăm. Lễ diễn ra ở 3 đền tháp: Tháp Po Inư Nưgar, Po Klaung Garai và Po Rame. Lễ được diễn ra vào thượng tuần trăng tháng 4 lịch Chăm. Đây là thời điểm nắng nóng khô hạn nên người Chăm tổ chức lễ nhằm để cầu mưa cho mùa màng tốt tươi; con người, vật nuôi khoẻ mạnh.
Hành lễ cầu đảo (yuơr - yang): Lễ này chủ yếu là do tu sĩ Paseh mà đứng đầu là cả sư (Po Dhia) hướng dẫn thực hiện. Trong lễ này, lễ chính là lễ “cúng thần lửa” (cuh yang apui) tại tháp lửa (sang yang apui) trong cụm kiến trúc tháp Chăm. Lễ được thực hiện trong thời gian 2 ngày 1 đêm.

- Lễ tẩy uế đền tháp (talih tamưh): nghi lễ bắt đầu bằng việc “tẩy uế đền tháp” (talih tamưk) ở xung quanh đất tháp theo 8 hướng: Hướng đông - hướng chính (pur), đông nam (akrik), tây nam (nairati), hướng tây (pay), hướng bắc (êsan), tây bắc (pay yop), đông bắc (esan). Lễ bắt đầu khởi hành từ hướng đông vòng quanh đất tháp theo chiều kim đồng hồ và kết thúc ở hướng đông bắc (êsan). Mỗi hướng khi hành lễ thì tu sĩ đọc kinh và thổi tù và bằng loại ốc biển và đặt lên mỗi hướng một nắm cơm vo tròn đặt tên những chiếc lá. Nội dung hành lễ nhằm tẩy sạch sự ô uế ở đất tháp - nơi ngự trị của thần linh trước khi hành lễ.
- Lễ đọc kinh (bac gar pruang):
Sau khi kết thúc lễ tẩy uế đền tháp, thì các tu sĩ (Paseh) tổ chức lễ đọc kinh vào buổi tối tại tháp chính. Lễ vật cho lễ đọc kinh gồm có: Rượu trứng, chè, xôi, 01 trái dừa và 12 cây nến (dài khoảng 0,6m-0,8m). hành lễ đọc kinh (Gar praung) gồm có 4 bài tên là: Lok Katê, Ekamap, Inư, Gru taha. Tất cả nội dung bài kinh được viết bằng chữ Chăm (akhar thrah) trên 400 quẻ lá buông. Những bài kinh đó được các tu sĩ thay phiên nhau đọc. Mỗi bài kinh khi đọc được thắp sáng 3 cây nến. Ánh sáng của nến vừa dùng để đọc kinh trong đêm tối vừa là nghi thức lễ không thể thiếu được trong tục cúng tế của người Chăm. Lễ đọc kinh cứ liên tục, các tu sĩ Paseh cứ lần lượt thay phiên nhau đọc từ bài thứ nhất đến bài thứ tư, kéo dài đến tận sáng hôm sau thì mới kết thúc. Nội dung của bài “Đại kinh” (Gar praung) theo các vị tu sĩ cho biết là: Bài kinh về tiểu sử, công lao của các vị thần lửa (yang apui), thần mặt trời (yang Aditiak), thần đất (yang tanưh)... Những vị thần ấy từ thuởa hoang sơ đã ban sự sống cho muôn loài. Nội dung “Đại kinh” (Gar pruang) còn là lời cầu khấn trang nghiêm của con người nhằm đánh thức các vị thần linh và những sinh linh của vũ trụ về chứng giám tế lễ.

Lễ đốt thần lửa (cuh yang apui): Sau khi kết thúc lễ đọc kinh thì diễn ra lễ đốt thần lửa. Lễ vật cúng lễ đốt thần lửa gồm có một con dê luộc, rượu trứng, chuối, trầu cau... Ngoài ra ở bàn tổ cúng lễ còn có lễ vật “Brah man” được cấu tạo như sau: “Brah man là một hình thể của vũ trụ thu nhỏ được tạo thành bằng một tấm vải trắng” (dài 0,5x rộng 0,3m). Ở trên tấm vải được đổ một lớp gạo mỏng, có vẽ hình Homkar (Hình vẽ âm dương Chăm) và trên lớp gạo có đặt 8 cục cơm vo tròn trên 8 chiếc lá cây đặt ở 8 hướng. Trên lớp gạo còn có hình nhân, hình thú, các hạt ngũ cốc và có cả đất, nước, lửa... Ngoài ra trên bàn tổ lễ này còn có các vật lễ khác:
- 01 đĩa gạo, và trên đĩa gạo có đặt 3 vỏ sò biển (Brah kran)
- Một hình bò thần Nandin bằng gỗ (vật tổ của đạo Bàlamôn)
- 01 bó củi nhỏ bằng nắm tay đặt ở giữa bàn tổ để làm lễ đốt thần lửa.
- 01 bó rạ tượng trưng cho cây lúa.
- 01 chén dầu dừa có tim thắp sáng bằng vải dùng để hành lễ.
Khi các vật lễ trên được chuẩn bị xong thì cả sư (Po Dhia) bắt đầu hành lễ. khởi đầu cho nghi lễ đốt thần lửa (cuh yang apui) thì thầy cả sư (Po Dhia) đứng quay mặt về phía mặt trời mọc đọc kinh cầu các vị thần như sau: “Hỡi vị thần lửa, thần đất, thần trời... hãy về đây chứng giám lễ đốt thần lửa với chúng con” (Tahah di yang apui, tatah di tanưh riya, tatah di akal...)
Sau lời cầu khấn các vị thần thì cả sư vào ngồi bàn tổ (sanai) để thực hiện lễ trong tiếng cầu kinh của các vị tu sĩ Paseh. Khi cả sư (Po dhia) cúng lễ thì chén dầu dừa được thắp sáng, bó củi ở bàn tổ (sanai) cũng được đốt cháy bốc khói (chỉ đốt tượng trưng). Khi lửa cháy bốc khói thì cả sư (Po Dhia) cấm bó rạ, những vật lễ như hình người, hình nhân, ngũ cốc... lần lượt hơ lên lửa. Cuộc hành lễ diễn ra trong lời kinh cầu nguyện của các tu sĩ Paseh và những bài thánh ca của ông Kadhar (thầy đàn Rabap) ca ngợi các vị thần Chăm có công trong việc tạo ra lửa, nước, trồng lúa, làm thủy lợi, đắp đập, ngăn sông như Po Inư Nưgar, Po Klong Garai, Po Rame... Khi các bài kinh, bài thánh ca kết thúc thì các lễ vật được cả sư (Po dhia) làm phép hơ lên ngọn lửa vừa đốt để những lễ vật ấy hấp thụ sức nóng của lửa, của mặt trời và cuối cùng đem những vật lễ ấy đến thả trôi ở dòng sông, kết thúc nghi lễ đốt thần lửa (cuh yang apui).
Lễ đắp đập (taleh jamưng tăm): Sau khi lễ đốt thần lửa xong thì vào sáng hôm sau người Chăm làm lễ đắp đập khai mương tại một khúc sông thuộc Sông Dinh. Lễ này do ông Binưk (ông cai đập) phụ trách tế lễ. Nhưng trước khi cúng lễ này thì phải có thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap), bà bóng (Muk pajau) cúng lễ tại tháp Po Klaung Garai - vị thần được người Chăm suy tôn thành thần thủy lợi. Nghi thức lễ diễn ra trong tháp tương tự như lễ mở cửa đền (pơh bang yang). Sau khi kết thúc lễ cúng thần Po Klaung Garai ở đền tháp thì ông Binưk (cai đập) và thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) làm lễ cúng 01 cặp gà, 5 mâm cơm, rượu trứng, trầu cau... để cúng các vị thần Po Inư Nưgar, Po Klaung Garai, Po Rame... và ông Binưk (cai đập) mời các vị thần Po Tang, Po Galau, Po Klaung Kasat, Po Sah, On Pasa, Muk Caklaing... xin được phép đắp đập ngăn sông đưa nước về đồng ruộng. Sau khi cúng hết các thần yang thì ông Binưk (cai đập) cầm cây nọc gỗ và các nhánh cây khô đã chuẩn bị trước đem xuống sông để làm nghi thức khởi công đắp đập, chặn nguồn nước. Lễ đắp đập được kết thúc bằng lễ thả 01 gà con xuống sông trước sự chứng kiến dân làng. Lễ này nhằm mục đích nhắc nhở, giáo dục muôn dân trong việc đắp đập, ngăn sông, nạo vét kênh mương hàng năm để dẫn nước về đồng ruộng cho dân làng cày cấy.
Tóm lại: Toàn bộ nghi lễ cầu đảo (yuơr yang) ở các đền tháp Chăm diễn ra nhiều nghi lễ khác nhau như lễ tẩy uế đền tháp (talik tanưk), lễ đốt thần lửa (cuh yang apui), (lễ cúng thần đền tháp (mưliêng yang bimôn), lễ đắp đập (taleh jamưng tăm). Trong đó, nghi lễ và chủ đề chính là lễ đốt thần lửa. Đây là sự tái tạo, thu nhỏ của các lễ nghi cộng đồng Chăm liên quan đến tục thờ thần lửa, thần mặt trời, thần nông, thần thủy lợi... của một cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Lễ này còn nhằm hướng tới sự cân bằng âm – dương (nước - lửa) của vũ trụ với nhiều tên gọi dân gian khác nhau như lễ đốt thần lửa (cuh yang apui), lễ cầu đảo (yuơr yang) hoặc có một loại lễ cầu đảo ở cửa biển gọi là “yuơr yang palau sah”. Lễ này vì gắn liền với nghề nông, gắn liền với cầu mưa, gắn liền với thủy lợi, đắp đập ngăn sông cho nên đây là một loại lễ, một sự kiện rất quan trọng trong năm đối với người Chăm - một cư nông nghiệp trồng lúa nước. Vì vậy xưa kia, trong dịp lễ này là ngày hội của nông dân ở đồng ruộng, cho công việc đồng áng, khai mương đắp đập. Ngày nay, do sự phát triển về thủy lợi, về khoa học kĩ thuật nên lễ này chỉ dừng lại ở phạm vi lễ, phần hội đã biến mất và người Chăm chỉ xem đây là công việc của các vị chức sắc. Dầu vậy hiện nay, lễ cầu đảo (Yuơr yang) đã là một bộ phận cấu thành trong hệ thống lễ hội ở đền tháp và góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội người Chăm.
III. Lễ hội Katê:

Mục đích của lễ hội Katê: Lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm. Đây là lễ hội của người Chăm nhằm tưởng nhớ các vị nam thần như Po Klaung Garai, Po Rame... và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.
Không gian của lễ hội Katê: Katê là lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm, được diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp (Bi mon, kalan) – làng (palei) - đến gia đình (mưngawôm). Lễ hội được lần lượt tổ chức theo thứ tự trước sau tạo thành một dòng chảy của lễ hội Chăm phong phú, đa dang.
* Lễ hội Katê ở Tháp Chăm:
Tháp Chăm là nơi diễn ra lễ hội chính thức và long trọng. Lễ hội Katê được diễn ra ở cả 3 đền tháp Chăm như tháp Po Inư Nưgar (Hữu Đức - Ninh Thuận), tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh - Ninh Thuận) và tháp Po Rame (Hậu Sanh - Ninh Thuận)...
Tất cả đền tháp Chăm đều diễn ra lễ hội Katê cùng ngày cùng giờ với nhau và kể cả bước hành lễ như lễ rước trang phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm thần, lễ mặc trang phục, đại lễ, hội và kể cả thành phần ban tế lễ ở các tháp đếu khác nhau. Ở đây chúng tôi xin mô tả lại lễ hội Katê ở tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh - Ninh Thuận).
Ban tế lễ và lễ vật cúng Katê: Lễ hội Katê ở đền tháp được điều hành bởi ban tế lễ chức sắc nhóm Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) bao gồm:
- Thầy cả sư (Po Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ.
- Thầy kéo đàn Rabap (On Kadhar) hát thánh ca.
- Bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ vật lên các vị thần.
- Ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng.
- Và cùng một số tu sĩ Paseh phụ lễ.

Lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm:
- 01 con dê
- 03 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp
- 05 mâm cơm, canh cúng với thịt dê
- 01 mâm cơm với muối vừng (lithey thap)
- 03 cỗ bánh gạo và hoa quả
Ngoài ra còn có rượu trứng, trầu cau, xôi chè...
Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ban tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành theo các bước sau:

Lễ rước trang phục (Rauk aw khan Po yang):
Tất cả các trang phục của vua chúa thờ ở đền tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ. Do vậy khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển trang phục về lại các đền tháp Chăm. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể.
Lễ rước trang phục diễn ra ở 3 đền tháp: Đền Po Nưgar (Hữu Đức), Tháp Po Rame (Hậu Sanh) và tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh, Tháp Chàm).

Trong ngày lễ rước trang phục Po Klaung Garai vào buổi sáng tại đền thờ Po Klaung Garai ở Phước Đồng (Ninh Phước - Ninh Thuận), đoàn người Raglai đã tập trung đầy đủ, ông Camưway (Ông từ giữ đền) dâng cúng lễ vật rượu trứng xin phép thần linh cho rước trang phục về tháp Po Klaung Garai cúng lễ. Khi lễ đón rước kết thúc thì trang phục vua Po Klaung Garai được đưa lên kiệu để đưa về tháp. Đoàn rước đi trên con đường dài 4km từ đền thờ làng đến tháp Po Klaung Garai. Đoàn rước lễ có đội múa hơn 100 người quạt tập thể trong tiếng trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn rước kiệu vua Po Klaung Garai về đền tháp thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Đây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ của người Chăm.
Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang):
Sau khi kết thúc lễ rước trang phục thì các tu sĩ xin phép thần Siva (Po Ginôr Mưtri) làm lễ mở cửa tháp. Lễ này được diễn ra trước cửa tháp, được sự điều hành bởi cả sư (Po Dhia) và ông từ giữ tháp (Camưney). Lễ vật cúng xin mở cửa tháp gồm có: rượu trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương và các hương vị khác. Trong không khí trang nghiêm thầy cúng tế (Kadhar) hát cầu lễ thần linh như sau:

Chúng con lấy nước từ sông lớn,
Chúng con đội về tháp tắm thần
Chúng con lấy những tấm khăn dệt đẹp nhất,
Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần
...
(Jauk ia di kraung,
klak ba mai la ai ngak di yang Po
Mưk jiep ba mai ka Po nhjam takai,
Ni ngak yau nan klau băng...)


Sau khi đọc xong lời cầu nguyện ông Camưnay cầm lọ nước tắm thần tạc lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp. Tiếp đó, thầy kéo đàn Kadhar kéo đàn Rabap và Bà bóng (Pajau) tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng bò thần Nadin để hát lễ xin mở cửa tháp. Lời hát lễ có đoạn sau:
Hãy xông hương trầm bằng lửa thiêng,
Hương trầm của người trần dâng lễ
Hương trầm bay toả ngát không gian,
Chúng con xin mở cửa tháp cúng thần
(Cuk dhuk pahol tangin),
Pơh băng yang bitau yang Po Klaung Garai la ayơt
Cuh dhuk klaung ba kabah kada,
Pơh băng yang Po Klaung Garai la a yơt)
Khi đoạn hát lễ kết thúc, thì đoàn lễ tiến vào tháp, bà bóng (Pajau) và ông Từ (Camưnay) bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Lễ mở cửa tháp kết thúc.
Lễ tắm tượng thần (Mưney yang):
Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này gồm có thầy cả sư (Po Dhia), thầy Kadhar kéo đàn Rabap, bà bóng (Pajau), ông Từ (Camưnay) và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn Rabap bắt đầu hát lễ theo. Bài hát lễ tắm thần có đoạn:

Chúng con mang nước này từ sông thiêng
xin tắm, gội đầu, rửa tay chân cho thần
Chúng con lấy nước từ sông thiêng,
Xin tắm và lấy khăn lau mình thần
thần đã về trời lâu ngày,
Hôm nay mới đến phù hộ độ trì chúng con.
(Jhauh ia di kraung,
đwa mai mưney Po Klaung Garai
Jhauh ia di kruang,
Klak ba mai mưway Po Klaung Garai
Mưk jiep nhjam ka Po Klaung Garai
Mưk jiep nhjam ka Po nhjam trik,
Po nau li wik di sap trik dauk la a yơt)


Trong tháp thầy kéo Kabap đang hát thì ông từ cầm lọ nước tắm lên pho tượng đá, mọi người bắt tay cùng nhau tắm thần. Lúc này những tín đồ nhiệt thành lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu sức khoẻ, tài lộc, may mắn.
Lễ mặc trang phục cho tượng thần (Angui khan aw Po yang): Sau khi lễ tắm thần kết thúc thì đến nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ thức được tiến hành theo lời hát thánh ca của thầy Rabap. Lời thầy hát lễ đến đâu thi trang phục thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy, áo, khăn đội, thắt dây lưng, rồi mang giầy, đội mão... Lời thầy hát lễ như sau:
Nghe tiếng thác đổ trên núi cao,
Thần Po Klaung Garai mặc váy viền hoa về dự lễ
Tiếng thác đổ xuống rì rào,
Thần Po Klaung Garai mặc áo bào về dự lễ
Tiếng thác đổ xuống vịnh sâu,
Thần Po Klaung Garai đội mão vàng về dự lễ.
(Danưi ia lek di cơk,
Po Klaung krưn jih tamun di ia tagok mưney
Danưi ia lek di tul,
Yang Po Klaung Garai krưn taley kain jih tamun di
Ia tagok mưney
Danưi ia lek di sa,
Yang Po Klaung Garai krưn cuk aw lita di ia lagok la mưney...)

Khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thì ông (Camưney), bà bóng (Pajau) mặc váy, áo cho tượng thần, cứ tuần tự như vậy đến đội vương miệng thì kết thúc bài hát.

Đại lễ (mưliêng yang): Sau khi lễ mặc trang phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bàn thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này cả sư (Po Phia) làm chủ điều khiển nghi lễ, bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Rabap hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần được mời là các vị thần có công với dân với nước được dân làng ngưỡng mộ suy tôn như thần Po Nưgar (Thần mẹ xứ sở) , thần Po Klaung Garai, Po Par (tướng quan văn)... Mỗi vị thần được mời về dự thì bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, bà con dự lễ chấp tay cầu thần phù hộ độ trì cho họ sức khoẻ, mùa màng. Lời hát lễ của thầy kéo đàn Rabap có đoạn như sau:


- Hát về Nữ thần Po Nưgar:

Thần là Nữ thần xứ sở vĩ đại,
thần sinh ra đất nước con người
Thần mẹ cho trần gian cuộc sống,
thần cho cây cối tốt tươi con người nảy nở
Thần mẹ sinh ra cây lúa, đất đai, ruộng vườn,
Sinh ra thần Po Inư Nưgar
..
(Mưng kal ka jương tanưh jương likau,
mưng jương likau yang Po Inư Nưgar
Mưng kal ka jương tanưk jương twai,
Mưng jương paday yang Po Nưgar
Mưng kal ka jương tnưh jương drey,
Mưng jương yang Po Inư Nưgar)


- Hát về thần Po Klaung Garai:

Vào canh một, canh hai
Po Klaung Gara hiện về hưởng lễ vật
Vào canh hai, canh ba
Po Klaung Garai hiện về hưởng lễ vật
(Tuk sa tuk dwa,
Po Klaung mưdơh paliêng kaya ayơt
Tuk dwa tuk klau,
Po Klaung mưdơh paliêng kaya ayơt)

Ngài Po Klaung Garai dựng lên tảng đá,
Ngài đem ngăn sông đắp đập giữa núi
Dân làng phủ phục, tôn vinh ngài làm vua,
Xây tháp, tạc tượng thờ thần Po Klaung Garai

(Po Klaung trun nau ngak jadang,
Jương thak keung Jương bitau
U bih boh jơk ô ka pabơk kraung sa di krưk cơk
Jương di krưk năn mưng bhap bini poh jương patau
Dauk ngauk paban)

- Hát về thần Po Par:

Thần Po Par hoá phép tài ban đêm,
miệng vừa nói vừa cười
Từ ngọn núi cao xa,
hiện về hưởng lễ vật dâng cúng Katê
(Po par dauk pahuol mưng klam,
dang đom khim klao
Yang Po par dauk pak bah kapuak,
Pahuop thak paliêng di thak)
...
- Hát về Po Bia:
Ban đêm sương rơi trắng xoá,
Bao quanh phép thần thông của thần
Sương rơi trắng xáo trên đường,
dính vào chân hoàng hậu Bia Binưm,
(Klăm saung liteh lâu lâu,
Găm di canâu Bia Binưn
Klăm saung liteh way way,
Găm di takay bia binưn)

- Hát về thần Po Sah:
Thần Po Sah có hai tượng rắn,
vắt ngang qua đền thờ
Thần Po Sah có hai chim bồ câu,
Bay đậu hai bên cửa đền thần
(Po sah nưpal dwa,
dwa drey anưk ala sah dwa buah libang
Po sah nưpal klau dwa,
Dwa drey anưk katrau dam dwa libang)
...
- Hát mời thần Po Rame:
Nước tràn về đập vỡ ra,
Po Rame hiện về đắp đập giữ nước,
Thần Po Rame dẫn nước về cày cấy
(Pabơk karah ia pagah harơh,
Po Rame pabơk
Papơk binưk ia krưn tamư
Ka bhap bini ngak hamu...)

Nước về đập vỡ ào ra,
Trai làng chất đá đắp đập ngăn sông
Nước chảy thành hai nhánh sông,
Trai làng bơi thuyền trên sông nước
Hoàng hậu tắm mình trong dòng nước mát,
Đêm lạnh hoàng hậu ngủ ôm chồng
(Ia rauk talơh binưk,
kau păng hamit dam plơk bitau
Ia ragar kraung dwa ghah,
Dam plơh drey di gilai
Po Bia tok ia mưney li an
Dik drey klăm rawơk pasang)
...
Ba hoàng hậu Than Cih, Than can, Than yang,
Làm náo động sân đình chỉ vì thần Po Rame đẹp trai
Ba hoàng hậu Than Cih, Than Can, Than Yang,
Sắc đẹp toả sáng như thần mặt trời mọc lên
(Ni Po bia Than Can, Than Cih, Than Yang,
klau Po bia pauh gơp di blang ywa Po Ra me siam likei
Ni Po bia Than Can, Than Cih, Than Yang
Klau Po bia klak drey di blang ghơk yau yang harey
)...

Cứ như thế thầy kéo đàn Rabap hát mời trên 20 vị thần về dự, mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy cả sư thì làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Phần đại lễ kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của bà bóng.

Trong lúc bà bóng đang xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng vang lên, đánh nhịp say xưa với những điệu múa, những dòng dân ca Chăm làm hấp dẫn, say mê lòng người. Không khí hội cứ thế mà náo nhiệt, rộn ràng cho đến lúc mặt trời ngả về chiều thì lễ hội Katê trên các tháp Chăm kết thúc

* Lễ hội Katê ở làng:
Sau khi lễ Katê ở tháp kết thúc, thì không khí hội lại bùng lên ở làng Chăm. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, nhà làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi... Làng xóm như thay da đổi thịt. Cùng với việc trên, một bộ phận khác chuẩn bị lễ vật cúng thần. Các cô thợ dệt làng Mỹ Nghiệp (Ninh Phước – Ninh Thuận) xem xét kỹ lưỡng khung dệt, tơ sợi, một số khác chuẩn bị chum (Buk) để dự thi đội nước, thi dệt (thi tay nghề) do dân làng tổ chức.
Buối sáng ngày lễ, mọi người làm lễ cúng Katê ở “nhà làng” để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Tương tự như người Việt, mỗi làng Chăm đều thờ một vị thần riêng... Chẳng hạn làng Mỹ Nghiệp thờ thần Po Riyak, làng Hữu Đức thờ Po Klaung Halâu (Ninh Phước – Ninh Thuận). Lễ vật cúng tế Katê làng gốm có: 01 cặp gà (có làng cúng 1 con dê), 5 mâm cơm, bánh tét, hoa quả, rượu trứng... Trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường là chủ làng (Po palei) hoặc già làng có uy tín và tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phong tục tập quán. Ông thay mặt dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần phù hộ độ trì dân làng.
Lễ Katê ở làng palei là dịp tụ họp các vị bô lão, chức sắc, trí thức, nhân hào nhân sĩ Chăm. Ở lễ này không có sự tham gia cúng tế của hộ gia đình. Tất cả người dự lễ đều cầu nguyện với thần làng phù hộ độ trì cho dân làng sức khoẻ bình an, được mùa màng, thịnh vượng. Lễ Katê làng chỉ diễn ra trong buổi sáng. Khi kết thúc lễ, mọi người ăn uống cộng cảm với nhau, chia tay chuẩn bị về họp mặt với Katê gia đình.

Nếu như Katê ở đền tháp nặng về phần lễ, thì Katê ở làng phần lễ rất đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi như thi dệt, đội nước, đá bóng, văn nghệ... Chẳng hạn như làng Mỹ Nghiệp (Ninh Phước - Ninh Thuận), nhiều trờ chơi và những cuộc thi diễn ra trên một sân bãi rộng. Khi cuộc khi dệt bắt đầu thì các khung cửi đã được xếp thành hàng. Các cô gái dự thi đã chuẩn bị sẵn tơ sợi, trong hơn một giờ đồng hồ nếu cô nào dệt được một tấm vải dài nhất, đẹp nhất thì sẽ thắng cuộc. Những chiếc thoi đưa hối hả, những sợi chỉ giăng mắc đủ màu tạo nên nền vải Chăm muôn màu, muôn sắc. Ở một địa điểm khác, cuộc thi đội nước diễn ra sôi động. Các cô gái Chăm duyên dáng khéo léo đội chum nước thi nhau về đích với một nét văn hoá độc đáo. Các chàng trai đấu bóng và đặc biệt chương trình hát văn nghệ đua tài với những dòng dân ca, dân vũ của những chàng trai, cô gái Chăm kéo dài đến tận đêm khuya mới kết thúc. Hội làng tan dần. Mọi người hân hoan trở về mái ấm gia đình để họp mặt gia tiên.
* Katê ở gia đình:

Khi lễ Katê ở làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được tổ chức. Xưa kia ngày hội Katê kéo dài đến một tháng. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, chứ không nhất thiết gia đình nào cũng làm. Ngày nay Katê gia đình đã được rút ngắn trong thời gian 01 tuần.
Cũng như lễ cúng thần làng, lễ vật cúng Katê ở gia đình cũng là 01 cặp gà 05 mâm cơm, bánh tét, hoa quả, trầu cau, rượu trứng... Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị, bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau. Làng Chăm chìm trong niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Họ thực sự quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những giây phút thăng hoa ngắn ngủi trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bề bộn...


IV. Lễ hội Chabun - Lễ hội cúng nữ thần mẹ xứ sở:
Mục đích và ý nghĩa của lễ hội
: Lễ hội Chabun là lễ lớn nhất cúng tế các vị nữ thần Chăm mà đứng đầu là thần mẹ xứ sở của người Chăm – Po Inư Nưgar Taha. Lễ hội được diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm ở các đền tháp Chăm như đền Po Nưgar Hữu Đức (Ninh Phước – Ninh Thuận), tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Tháp Chàm), tháp Po Rame (Hậu Sanh – Ninh Thuận)... Nhưng lễ hội này diễn ra tập trung nhất, qui mô nhất vẫn là lễ ở đền tháp Po Inư Nưgar Hữu Đức.
Lễ hội này là nhằm tưởng nhớ các vị Nữ thần và cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hoà, thóc lúa đầy bồ, con đàn cháu đống. Trong dịp lễ này, ngoài thành phần ban tế lễ, lễ vật dâng cúng, hệ thống thần linh cầu cúng, lễ rước trang phục, lễ mở cửa đền, lễ tắm tượng, đại lễ (cúng cơm, dâng rượu, hoa quả) tương tự như lễ hội Katê đã trình bày thì lễ còn có tục rước trầm hương, múa phồn thực, tục dâng gạo và nhiều lễ cầu xin con cái, cầu lộc, cầu tài, may mắn...

Hành lễ Chabun: Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ba tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành theo các bước sau:
- Lễ đón rước trang phục của nữ thần Po Inư Nưgar:

Như trên đã trình bày y trang của nữ thần Po Inư Nưgar do nguời Raglai nắm giữ. Đến ngày lễ thì đoàn người Raglai chuyển xuống cho người Chăm. Người Chăm làm lễ đón rước và cùng người Raglai tham gia cúng lễ, múa đánh mã la tại đền Po Nưgar Hữu Đức trước ngày lễ một đêm.

Lễ mở cửa đền (Pơh băng yang): Sau khi lễ rước trang phục kết thúc thì sáng ngày hôm sau các tu sĩ xin phép thần Siva (Po Ginôr Mưtri) làm lễ mở cửa đền. Lễ này được sự điều hành bởi cả sư (Po Dhia) và ông từ giữ tháp (Camưnay) và nghi thức hành lễ giống lễ mở cửa tháp trong lễ hội Katê.
Lễ tắm tượng Po Inư Nưgar (Mưney yang): Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong đền. Lễ này gồm có thầy cả sư, thầy kéo đàn Rabap, bà bóng, ông từ và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn Rabap bắt đầu hát lễ theo. Bài hát lễ tắm Nữ thần có đoạn:

Chúng con lấy nước từ sông lớn,
Chúng con đội về tháp tắm thần
Chúng con lấy những tấm khăn dệt đẹp nhất,
Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần
(Jhuak ia di kraung praung,
klak ba mai la ai ngak di yang Po
Mưk jiêp ka Po nhjam ia huơp di trey,
Ka Po nhjam takay)

Trong tháp thầy kéo đàn Kabap đang hát thì ông từ (Camưney) cầm lọ nước tắm lên tượng đá, mọi người bắt tay cùng nhau tắm thần. Lúc này những tín đồ nhiệt thành lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu sức khoẻ, tài lộc, may mắn, cầu con đàn cháu đống.
Lễ mặc trang phục cho tượng thần (Angui khan aw Po yang): Sau lễ tắm thần thì đến nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ thức được tiến hành tuần tự theo lời hát lễ của thầy Rabap (Kadhar). Lời thầy hát lễ đến đâu thì trang phục thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy. Lời thầy hát lễ như sau:

Lấy nước từ con sông thiêng tắm thần e, e, e
lấy áo của thần bày ra mặc cho thần
Po Inư Nưgar đã hiện hình,
bước xuống trần gian dự lễ e, e, e, ha, ha... Po Inư Nưgar

(Ha mưney cha kraung blang aw mưney e, e, e
satak kraung blang aw Po Inư nưgar
Bi blang aw bi Po bi Po,
Yang Po Inư Nưgar tamư khin wơk drey bi Po...)

Lấy nước từ con sông thiêng tắm thần e, e, e,
nữ thần giáng trần đạp chân xuống trần gian
Nữ thần hiện ra từ đền tháp Chăm - Việt,
từ đất Phan Rang, Phan Rí, lòng sông
(Ha mưney yang Po Inư Nư gar e, e, e
trun di nan mai talek takay trun bal ala
Trun di kanưng trun bimuôn yuơh Chăm birou,
Trun di karaung, Parik)
...
Vàng bạc của cải dâng hiến thần,
nữ thần biến mình thành vàng lấp lánh
Lá vàng trầu cau để trên khay,
Lá vàng đây chúng con dâng cúng cho thần

(Mưh sa lilang la um rilo ai um,
Bicey luak jai di mưh)
Mưh siam lamư hala guơc ayơt,
Brah kak paliêng hala kanư suk siam
Mưda payak tok jiư payak)
....

Khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thì Camưney (ông từ), Muk Pajau (bà bóng) mặc váy, áo cho tượng thần. Cứ như vậy cho đến kết thúc bài hát.

Đại lễ (mưliêng yang): Sau khi lễ mặc trang phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình áo màu lộng lẫy, thì cũng là lúc lễ vật dâng cúng được bày ra trước tượng thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này cả sư (Po hia) làm chủ điều khiển nghi lễ, bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Rabap hát mời nữ thần về dự lễ. Bài hát có đoạn như sau:

- Hát về nữ thần Po Nưgar Taha (dauh kanư yang):

Sinh ra đất đai sinh ra con người,
Sinh ra gỗ trầm hương là thần Po Inư nưgar
Sinh vạn vật trên đời,
Dựng lên làng xóm ruộng vườn là thần Po Inư Nưgar
(Jương tanưh hư pajương li kau,
mưng jương galau yang Po Inư Nưgar
Mưng jương tanưh jương drey,
Mưng jương palei yang Po Inư Nưgar)
....
Từ thiên đường thần hiện về,
Mang theo mùi hương múa mới
Bay khắp cõi dân gian hạt lúa mầm,
Thần biến mình vào lại cây to
(Po par mưng thuơr mưrai,
bâu huơp padai apuh bi njaung
Biđong siam Po đong di jrai...)

Khay trầu lễ dâng thần thoả thích,
Têm trầu bay phảng phất mùi thơm,
Trầu cau vị thần sinh ra,
thần lại biến phép thần thông về hưởng lễ trầu cau
Lỡ chân bước xuống trần,
thần đạp đổ tung khay trầu câu làm bằng phép
Chân giáng trần trượt ngã phù hộ, độ trì chúng con

(Hala chabak tal Inư krư,
urak gar ngan ginuk
Mưrai Po pathiêng hala,
Kagun canâu mưng da Po paliêng hala
Tablat takai jwak jalơh,
Kagun canâu takai Inamư Po pinưng hala
Takai jwak talơh takay ala ayơt)
...

- Hát về thần mẹ xứ sở Hamu Ram
Ai thấy tháp cao đẹp,
Xa đằng kí là tháp Po Inư Nưgar
Bà bóng ngồi dâng hạt lúa trắng (lúa nổ)
Tay cầm lộng che mát cho thần

(They boh bimôn praung klong,
bimôn rah kruang yang Po Inư Nưgar
Pajau grơn gar kaman,


Bà bóng ngồi cầu khấn,
Kính dâng lễ vật mời thần Po Inư
Xứ sở Nữ thần ở Phan Rang,
thần mẹ theo chồng đi xứ người ta
(Pajau grơn gar payak,
payak da a yang Po Inư Nưgar
Bhum dauk di ngauk parang,
Nai tui pasang nau bhum mi...)

Từ xứ rừng sinh ra em
Lá lúa dệt nên tắm chiếu nằm
Anh sinh ra từ xứ rừng
Lá lúa dệt nên áo mặc cho ta
(Tabiak di ram jương adey,
hala patay jương cieu Ita
Tabiak di ram jương sa ai
Hala paday jương aw Ita...)

- Hát về Nữ thần xứ Lòng sông (Pajai - Bình Thuận):
Ai đi xứ lòng sông cho ta nhắn gửi
nhấn gửi lời đến Nữ thần Bia Atakal
Ai đi xứ lòng sông, đường đi không khó,
Có em ta là Bia Atakal
(They nau pajai lac hai,
lac thong nau Bia Atakal
They nau pajai lac hai,
Gilac di adey Bia Atakal...)

Cứ như thế thầy kéo đàn Rabap hát mời Nữ thần và cùng mời các vị thần khác như Po Klaung Garai, Po Rame, Po Sah, Po Klaung kasat Po Par... về dự lễ. Mỗi vị thần đều có một bài hát lễ riêng như ở lễ hội Katê vừa trình bày. Tuy nhiên vì đây là lễ cúng Nữ thần nên phần hát và cúng lễ về nữ thần là lễ chính. Còn các vị thần khác trong lễ cúng nữ thần vừa nêu trên chỉ là vị thần ăn theo trong hệ thống đa thần của thần linh Chăm. Trong lúc kéo đàn Rabap hát lễ thì thầy cả sư (Po Adhia) làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hướng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Lễ cúng Po Inư Nưgar được kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của bà bóng và những người dự lễ cùng tham gia múa mừng tạo nên không khí lễ hội sôi động ở các đền tháp Chăm.
Trong lễ cúng tế Po Inư Nưgar còn có tục hát ru, tục dâng gạo lễ (tuh brah) do thầy Kadhar kéo đàn Rabap thực hiện. Bà con dự lễ còn đem lễ vật đến dâng cúng. Những người hiếm muộn con cái thì cầu sinh được con đàn cháu đống; những người ốm đau thì cầu sức khoẻ và nông dân thì cầu được tài lộc, mùa màng tốt tươi.
Trong lễ cúng Nữ thần Po Inư Nưgar Hamu Kut Bính Nghĩa (Ninh Hải - Ninh Thuận) còn diễn ra tục hát đối đáp, múa phồn thực. Những bài múa hát phồn thực là những câu ca, điệu múa mang chủ đề về thiên nhiên, đất nước, về tình yêu nam nữ. Tất cả nội dung đều hướng đến một ý niệm phồn thực để cầu xin cho con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi nảy nở; ruộng được mùa, tôm cá đầy khoang... Tất cả đều gợi lên một cuộc sống sung mãm, thanh bình, thịnh vượng và êm ả. Chính tục hát đối đáp, múa phồn thực Chăm, cùng với điệu múa quạt truyền thống mang tính tập thể với tiếng trống Ginăng, kèn Saranai...đã tạo nên một ngày hội cúng nữ thần ở các đền tháp Chăm.

Lễ hội Chabun là lễ hội cúng Nữ thần quan trọng trong đời sồng tâm linh Chăm. Chính vì vậy mỗi năm người Chăm đều tổ chức lễ hội để cúng thần mà đại diện là Thần mẹ xứ sở vĩ đại Po Inư Nưgar. Trong tâm thức người Chăm, mẹ là thiêng liêng mẹ là tất cả, cho nên mỗi vùng, mỗi nơi, người Chăm đều xây dựng nhiều đền tháp đẹp để thờ thần mẹ. Qua một số bi kí, những lời ca, tục cúng chúng ta không chỉ thấy người Chăm dâng lên lễ vật, vàng bạc châu báu, áo quần, lộng che, kiệu kiêng với nhiều hoa văn đẹp cho thần mà người Chăm còn có những bài thánh ca cầu cúng thần với những lời văn đẹp, bóng bảy, những từ mỹ lệ như gỗ trầm hương, hoa trái, hát lúa trắng, ruộng đất, vườn cây... để hát kể về nữ thần. Do đó lễ hội cúng Nữ thần - Chabun trở thành điểm hội tụ về nghi thức cúng nữ thần Chăm mà hình tượng Po Inư Nưgar là hình tượng chung điển hình và đẹp nhất. Hình tượng ấy, đã trở thành một biểu tượng chung của tục thờ mẫu (mẹ) trong đời sống mẫu hệ của người Chăm mà hàng năm họ vẫn còn cầu cúng, suy tôn. Lễ hội Chabun, chính là lễ hội đặc trưng của dân tộc có tín ngưỡng thờ mẫu (Mẹ) mà cụ thể là Nữ thần mẹ xứ sở vĩ đại – Po Inư Nưgar. Nữ thần mẹ xứ sở đã thực sự ăn sâu vào tâm trí mọi người Chăm suốt bao thế hệ. Ở diện hẹp nữ thần ấy chính là thành, là thần hoàng của một làng và ở diện rộng nữ thần là thánh chúng của cả nước, của cả dân tộc.
Nói chung, hệ thống lễ hội của người Chăm ở các tháp Chăm như lễ Mở cửa tháp, lễ Cầu đảo, lễ Katê, lễ Chabun mặc dù các lễ có một số đặc điểm giống nhau trong các bước hành lễ như lễ rước trang phục, mở cửa tháp, đại lễ, nhưng mỗi lễ lại mạng một ý nghĩa, quy mô khác nhau và có nét độc đáo riêng. Trong đó phải nói là lễ hội Katê Chăm là nơi hội tụ, qui mô nhất trong hệ thống các lễ hội liên quan đến đền tháp Chăm. Lễ hội Katê chính là nơi hội tụ sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn xướng dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá Chăm. Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng lớn, từ đền tháp (Bimôn, Kalan) – Làng (Palei) đến gia đình (Mưngawôm). Lễ hội thực sự cuốn hút tất cả mọi thành viên trong cộng đồng - ở tất cả các cấp độ, khiến cho không một người nào bị bỏ quên mà liên kết họ lại trong một môi trường văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc. Lễ hội Katê nói riêng hệ thống lễ hội ở đền tháp Chăm nói chung chính là dịp cho người Chăm phô bày sắc thái văn hoá của dân tộc mình. Chính vì vậy mà lễ hội không chỉ đem đến cho người dự hội những vẻ đẹp của tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng mà nó còn trình diễn trước công chúng một nền ca – múa - nhạc dân gian giàu bản sắc riêng. Lễ hội Katê thực sự là ngày hội lớn trong toàn bộ hệ thống lễ hội của người Chăm.

Nghề dệt thỏ cẩm và hoa văn thổ cẩm Chăm

Vài nét về lịch sử
Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nghề dệt thổ cẩm Chăm hình thành và phát triển như thế nào trong quá trình lịch sử. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ kể rằng: Po Inư Nưgar từ Trung Quốc trở về, đã đặt kinh đô Champa ở Nha Trang và dạy người Chăm - lúc đó còn trong thời kỳ mông muội - cày cấy, dệt vải, xây tháp, tổ chức hành chánh...
Theo Lê Quí Đôn ( Vân Đài Loại Ngữ ) : “ Ở Lâm Ấp có trồng cây cát bối, khi chín hoa cây giống như lông ngỗ, kéo sợi làm chỉ dệt khăn không khác gì loại gai”. Còn theo G. Maspero thì dưới thời các vương triều Champa, người Chăm đã biết trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Trông suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XVIII, người ta tìm thấy các nét hoa văn được chạm trổ thật tinh vi trên các tượng đá ( Shi va, Apsara...), vương mão ( Po Mưh Taha - đầu thế kỷ thứ XVII ) hiện vẫn còn được lưu giữ ở một làng Raglai tỉnh Ninh Thuận.
Từ các cứ liệu này, chúng ta khẳng định rằng nghề dệt thổ cẩm Chăm đã hình thành từ rất sớm và đã phát triển đến mức tinh xảo.
Nghề dệt thổ cẩm
Nguyên liệu:

Ngày nay, tất cả các nguồn nguyên liệu từ sợi cho đến sản phẩm nhuộm đều được mua trên thị trường. Nhưng trước kia, khoảng thập niên 50 trở về trước, người Chăm thường trồng bông để lấy sợi. Kỷ thuật lấy sợi và mắc thành cuộn sợi dọc ( nuh papan ) theo các qui trình sau (thể hiện qua vật liệu):
- Giá tách hạt: Vak ywơk kapah
- Cung bật bông: Ganuk pataik
- Xa quấn tơ: Vak mưk kabwak
- Xa bắt chỉ: Ssia livei
- Xa đánh ống: Ssia trauw
- Giá mắc sợi: Haniel linguh
- Khung xỏ go: Danauk pachakauw
Đây là cả một qui trình khá phức tạp và công phu. Trước tiên người thợ tách hạt bông trên giá tách hạt, rồi lấy cây cung bắn cho các thớ bông bung ra. Sau khi bông được trải thành thớ mỏng, họ dùng thanh tre có một đầu nhọn cuộn chúng lại thành từng con bông để rút và se sợi. Tiếp đến là những công đoạn như: Quay thành cuộn, ngâm đập, nhuộm, hồ, chải và đánh óng. Khâu sau cùng mắc thành cuộn sợi dọc và bắt go để lên hoa văn chuẩn bị đưa vào khung dệt.
Phẩm nhuộm:
Nguyên liệu và kỷ thuật nhuộm ngày xưa hầu như đã thất truyền và không còn sử dụng nữa. Người ta chỉ nhớ mang máng truyền khẩu là:
- Màu đen được nhuộm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm với bùn non từ ba đến bảy ngày đêm liên tục.
- Màu nâu hoặc màu đỏ sậm lấy từ các loại vỏ cây.
- Màu xanh từ cây chàm...

Kỹ thuật dệt:
Có 2 loại khung: Loại dệt dạng tấm và loại dệt dạng dải.
- Loại dệt dạng tấm: Danưng mưnhim ban khan. Là loại dệt ra các sản phẩm như: Khăn bàn, xà rông, khăn quàng, mền, drap... với kích thước tối đa là 95cm - 240cm.
- Loại dệt dạng dải: Danưng mưnhim jih dalah. Dệt ra các sản phẩm như: Jih, dalah, dây lưng... với kích thước 2cm, 24cm - 100cm.
Hai loại khung này gồm nhiều bộ phận rời được lắp ghép lại với nhau. Tuy nhiên tuỳ theo đặc điểm cấu tạo mỗi loại khung mà kỷ thuật dệt có khác nhau. Ở khung dệt dải, thợ dệt ngồi trên ghế, sử dụng đôi chân đạp con ngựa (athaih) tách mặt sợi nền, tay phải kéo go bắt bông và chặt sợi (nếu sản phẩm phải lên nhiều go (8 - 13 go), cần thêm một thợ phụ để giúp kéo go), tay trái luồn thoi chỉ qua lại. Trong khi ở khung dệt tấm, người thợ ngồi bẹp xuống nền nhà, vận dụng cả thân người với sợi dây giăng thật căng ở đằng sau lưng để giữ mặt nuh papan căng hay chùng tuỳ trường hợp; sau đó người thợ cầm, ấn, xách các dụng cụ phụ như bbar bingu, bbar chakauw... để tách mặt sợi, làm thao tác bắt bông, luồn dao dệt, đưa thoi và dập sợi.

Hoa văn thổ cẩm Chăm
Trên nền vải thường được ưa thích là màu đen hay đỏ, các đồ án trang trí phần lớn theo kiểu hoa văn hình học. Có loại hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như: Bingu tamun (bông mặt võng), Cham birow (Chàm mới), tuk hop, bingu jal...
Ngoài các dạng hoa văn hình học, người ta còn nhận ra các loại hoa văn động vật được cách điệu rất linh hoạt như: Rồng (garai,makara), phụng (arut, garuda), chim trão (hơng), công (amrak)...
Hoa văn thổ cẩm Chăm rất phong phú và đa dạng. Ngoài ra các hoa văn đã thất truyền (chỉ được biết qua hình ảnh được chụp từ đầu thế kỷ, nay còn lưu giữ bảo tàng bên Pháp), nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã sưu tầm được hơn 30 hoa văn nền. Từ đó chị đã cách điệu ra khoảng 50 hoa văn khác.
Trong sinh hoạt xã hội Chăm, người ta có thể phân biệt giai cấp hoặc mức độ sang hèn chỉ qua hoa văn trên y phục của đối tượng được quan sát. Như người đàn bà Chăm thuộc tầng lớp trên thì mặc chăn biywon haraik...

Dệt thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp

Một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (Bà Tổ Quê Hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Nên có thể nói nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các plây Chăm: Từ Hữu Đức, Chung Mỹ, Văn Lâm... ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận. Nhưng Mỹ Nghiệp là trung tâm dệt sản xuất đa dạng và nhiều mặt hàng nên được biết đến nhiều hơn cả.
Làng Mỹ Nghiệp (tên Chăm là Chakleng) thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm về phía nam thị xã Phan Rang gần 9 cây số. Đây là đất văn vật của vương quốc Champa cổ mà tên còn được thấy trên bi kí. Tương truyền rằng ông bà nuôi của Po Klaung Garai (thế kỷ XII) đã sinh ra ở đất này, nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử giá trị.
Mỹ Nghiệp có 2.900 khẩu với khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Trước năm 1975, chị em tận dụng giờ nông nhân để sản xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được mang lên bán đồng bào Tây Nguyên như: Êđê, Churu,Kơho, Raglai... một số ít dùng phục vụ cho phong tục tập quán địa phương.

Sau 1975, nghề dệt Mỹ Nghiệp hình như ngưng hoạt động bởi thiếu nguyên liệu. Từ 1985 nó mới được hồi phục trở lại do nhu cầu của phong tục. Nhưng nhìn chung, việc tổ chức sản xuất còn mang tính gia đình, tự sản tự cấp. Chỉ từ khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời, hàng dệt thổ cẩm của dân tộc này mới phát triển và được nhiều người biết đến.
Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani
Đây là cơ sở đầu tiên được thành lập ở Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận. Ra đời năm 1992 với 10 thợ dệt, cơ sở đã kết hợp với các công ty may mặc thành phố Hồ Chí Minh tìm đầu ra cho hàng thổ cẩm Chăm. Không dừng lại ở sản phẩm thô, cơ sở đã chế tác ra nhiều mẫu mã như túi xách, ví, ba lô... các loại hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. Từ đó, cơ sở liên tục phát triển. Sau 4 năm hoạt động, cơ sở đã đạt được một số thành tựu như sau:* Xây dựng được xưởng dệt ở Mỹ Nghiệp và một tổ may ở thành phố Hồ Chí Minh.
* Có ba cửa hàng bán lẻ, 5 điểm nhận hàng bán sỉ và 8 điểm nhận bán lẻ ở các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội..
* Giải quyết việc làm cho 180 thợ dệt (với tiền lương từ 10.000 – 15.000 đồng/ngày), 20 thợ may, 10 nhân viên quản lý và bán hàng. Có thời điểm, cơ sở huy động đến 250 lao động dệt gia công.
* Sản phẩm cơ sở đạt 4 huy chương vàng Hội chợ cấp Quốc gia, và chủ cơ sở được cấp huy hiệu Bàn tay vàng của Trung ương Hội đồng liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Các cơ sở khác:
Ngoài Inrahani, các tổ chức dệt có tính chất gia đình như của bà Phú Thị Mở, Thọ Khổ, Quảng Phố... hoặc của hợp tác xã Mai Anh vừa mới ra đời năm 1998, mặc dù tầm hoạt động nhỏ hơn nhưng cũng đã gặt hái một số thành tựu đáng kể, góp phần đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm đến khắp các tỉnh thành trong cả nước, và một phần ra nước ngoài.

Kiến trúc - Điêu khắc


Trong di sản văn hoá người Chăm hiện nay nổi bật nhất là hệ thống đền tháp, điêu khắc, tượng thờ, thành quách, bia kí…Hầu hết từ Miền Trung cho đến Tây Nguyên, nơi nào có người Chăm sinh sống thì họ đều xây dựng đền tháp để thờ thần. Điều đó cho ta thấy tầm quan trọng đền tháp đối với người Chăm. Thế nhưng hiện nay, trong tổng số khoảng 250 di tích đã được người Pháp thống kê, chỉ còn 20 nhóm đền tháp với 40 công trình còn tạm đứng vững.
Theo bi kí cho biết, ngay vào thế kỉ thứ V – VII người Chăm đã xây dựng đền tháp để thờ thần. Trước đó, tại thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam – Đà Nẵng) người ta đã tìm được dấu vết một ngôi đền bằng gỗ thờ thần Siva – Bhadravarman. Tiếp sau đó và kéo dài cho đến thế kỷ XVII các đền tháp Champa tiếp tục ra đời mang nhiều phong cách khác nhau như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bằng An, Chiên Đàng (Khánh Hoà), Po Kluang Garai, Po Rame (Ninh Thuận), tháp Po Sah Inư, Po Dam (Bình Thuận), Tháp Yang Pruang (Tây Nguyên)… Tất cả đền tháp Chăm được xây dựng để thờ ba vị thần chính: Siva, Vishnu, Brahma. Về sau tháp Chăm ngoài thờ thần Ấn giáo họ còn thờ các vị vua Chăm như tháp Po Kluang Garai, Po Rame (Ninh Thuận).
Những đền tháp Chăm đều có đặc điểm chung là một cụm kiến trúc bao gồm một tháp trung tâm hình vuông, mái thôn nhọn “tượng trưng cho ngọn núi Mêru - Ấn Độ, trung tâm vũ trụ nơi ngự trị của thánh thần”. Xung quanh tháp chính là những tháp chính là những tháp nhỏ nằm theo vị trí 4 hướng tượng trưng cho các lục địa và ngoài cùng là hào rãnh, biểu tượng của đại dương. Sơ đồ kiến trúc đó được xây dựng theo khái niệm vũ trụ luận của Ấn Độ.
Tháp còn có một đặc điểm chung là xây bằng gạch, có 4 mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông có cửa ra vào còn 3 mặt còn lại ở 3 hướng (tây, nam, bắc) có ba cửa giả. Tháp Chăm thường có 3 tầng được cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Kĩ thuật xây dựng và chất kết dính tháp Chăm như thế nào đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa giải mã được đối với những nhà nghiên cứu. Gần một thế kỷ trôi qua, ngày trong những năm đầu thế kỉ XX các nhà nghiên cứu người Pháp như G. Maspero (1928), J. Clayes, H. Pamertier (1948), Wawrenersk và Skibinski (1937)… đã đưa ra nhiều giải thiết, thể nghiệm về chất kết dính của các viên gạch trong kĩ thuật xây tháp người Chăm. Các ý kiến của tác giả nêu trên tựu trung lại thành 4 giả thuyết như sau:
- Trong kĩ thuật xây tháp, người Chăm nung gạch toàn khối hoặc nhiều lần để các viên gạch tự kết dính với nhau.
- Sử dụng chất kết dính (chất keo, phụ gia) trong việc xây gạch.
- Mài gạch với mặt tiếp xúc để gạch tự kết dính với nhau.
- Dùng kĩ thuật xếp gạch nung sẵn.
Tất cả những giả thuyết trên, mặc dù hiện nay được hỗ trợ bằng phương pháp phân tích khoa học thực nghiệm hiện đại, tiên tiến nhưng kết quả về chất kết dính, về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tiếp tục công việc nghiên cứu của các tác giả đi trước, sau năm 1975 các tác giả Việt Nam như Cao Xuân Phổ, Trần Kỹ Phương, Ngô Văn Doanh… cũng đã mất khá nhiều công sức nghiên cứu tháp Chăm nhưng chưa có gì mới hơn. “Hầu hết các giả thuyết” nghiên cứu sau năm 1975 gần như lặp lại các giả thuyết trước 1975 của các nhà nghiên cứu người Pháp”. Tháp Chăm vẫn đang còn bí ẩn, chưa được khám phá.
Cùng với kiến trúc, điêu khắc Champa cũng thể hiện được vẻ đa dạng, độc đáo. Những đề tài điêu khắc Chăm là những tượng thờ Siva, Vishnu, Brahma. Ngoài những vị thần trên, vật thờ ở tháp Chăm phổ biến vẫn là cặp Linga-Yoni. Ngoài tượng thờ các vị thần chính, điêu khắc ở đền tháp Chăm còn trang trí bằng tượng thờ Vũ nữ (apsara), người cưỡi ngựa đánh cầu; những con vật huyền thoại như Garuda, Kala, bò thần Nandin. Những cảnh chạm khắc trang trí ở các bệ thờ, điêu khắc Chăm phần lớn ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ. Chẳng hạn bệ thờ Trà Kiệu chạm khắc 4 cảnh quanh đài thờ kể chuyện trường ca Ramayana (chủ đề lễ cưới công chúa Sita). Bệ thờ Mỹ Sơn E1 diễn tả cảnh sinh hoạt lễ nghi tôn giáo của đạo sĩ Ấn và những cảnh trầm tư, giảng đạo múa hát, luyện thuốc chữa bệnh. Điêu khắc Chăm đã thể hiện nhiều đề tài phong phú, đa dạng. Một số tác phẩm đã trở thành kiệt tác mà tiêu biểu là tượng Vũ nữ Trà Kiệu (Apsara) được đánh giá là “đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng Champa và của cả miền Đông Nam Á”.
Nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc Chăm tuy có những nét ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, Indonesia, Khơme nhưng họ không tiếp thu, sao chép một cách nguyên vẹn mà luôn cải biên sáng tạo trên cơ sở văn hoá bản địa. Người Chăm một thời tôn thờ, đề cao Siva Ấn Độ nhưng Siva của người Chăm không giống Siva Ấn Độ, Siva Chăm vẫn hướng về nữ tính, gần gũi với tín ngưỡng thờ mẫu (Inư) của người Chăm và luôn kết hợp với Linga – Yoni (tín ngưỡng phồn thực). Về sau tục thờ Siva được gắn với tục thờ Vua - Thần (Mukhalinga). Điều đó thể hiện được tính bản địa - một cá tính riêng trong tục thờ thần của người Chăm. Cũng như các mẫu đề điêu khắc, kiến trúc Chăm luôn dựa vào môtíp của Ấn giáo để rồi biến hoá thành cái riêng mình. Chẳng hạn tháp Chăm chỉ xây bằng gạch, chứ không xây bằng đá như tháp Ấn Độ. Các tháp Chăm hướng về hình khối đơn giản, không qui mô bề thế như các tháp ở Ấn Độ, đền tháp Ăngko (Campuchia), tháp Borobudur (Indonesia). Tháp Chăm luôn hướng về tiểu phẩm cân xứng, đẹp mắt, vừa độc đáo vừa có cá tính, kĩ thuật, bí quyết riêng mà đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Đó là thành tựu rực rỡ, là nét bản sắc riêng biệt, “thể hiện sự sáng tạo, tài ba độc đáo của những nhà kiến trúc, điêu khắc Chăm thời xa xưa”.

Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận còn tồn tại 3 ngôi tháp, mang 3 phong cách và niên đại khác nhau.
- Tháp Hoà Lai (Ba Tháp - Ninh Thuận)
xây dựng vào thế kỷ IX được xếp vào phong cách Hoà Lai. Cụm tháp Hoà Lai gồm có 3 ngôi và được xây dựng vòng thành bao quanh. Hiện nay tháp trung tâm và vòng thành đã bị sụp đổ hoàn toàn chỉ còn 2 ngôi tháp ở phía bắc và phía nam nhưng vẫn đang trong tình trạng hư hại trầm trọng. Hiện nay nhà nước đang tiến hành trùng tu, chống xuống cấp.
nằm trên ngọn đồi trầu (cơk hala) thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc. Tháp Po Kluang Garai là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật bao gồm 3 ngôi tháp: Tháp chính (Kalan Po) cao 20,5m bên trong thờ một tượng vua Po Kluang Garai bằng đá dưới hình thể Mukhalinga (Linga có gắn mặt vua) và một tượng bò thần Nandin bằng đá đặt ở lối ra vào;
tháp cổng (Kalan tahah libang) cao khoảng 8,56m; tháp lửa (Sang cuh yang apui) cao 9,31m. Ngoài ra ở phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ một phiến đá. Xung quanh tháp được bao bằng một vòng thành. Tháp được người Chăm xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII để thờ vị vua Po kluang Garai (1151-1205) - một vì vua có công với dân, với nước, được người Chăm suy tôn thành thần thánh. Tháp Po Kluang Garai là một cụm tháp hoàn mỹ, đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa. Tháp được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1979.

Tháp Po Rame
nằm trên một ngọn đồi “Bôn acho” thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm 15 km về phía tây nam. Tháp Po Rame được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vị vua Po rame, Tháp Po Rame là tổng thể kiến trúc gồm có 3 ngôi thấp:
Tháp chính, tháp cổng và tháp lửa. Nhưng hiện tại chỉ còn lại một ngôi tháp chính cao 19m bên trong có thờ một tượng vua Po Rame bằng đá dưới hình thể Mukhalinga và một tượng thờ hoàng hậu Bia Than Chan bằng đá - người Êđê. Phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ tượng Hoàng hậu Bia Than Cih bằng đá - người Chăm. Còn hai ngôi tháp: Tháp cổng và tháp lửa đã sụp đổ. Tháp Po Rame không cao to bề thế như tháp Po Kluang Garai nhưng tháp có một phong cách nghệ thuật kiến trúc riêng biệt – phong cách Po Rame. Tháp Po Rame được xem là ngôi tháp cuối cùng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đền tháp của người Chăm ở Việt Nam. Tháp Po Rame được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.
Ngoài 3 ngôi tháp trên người Chăm ở Ninh Thuận còn có 7 thánh đường Hồi giáo Bàni rải rác ở 7 thôn như: Văn Lâm, Tuần Tú, Thành Tín, Lương Tri, Phú Nhuận, Phước Nhơn, An Nhơn. Bên cạnh các thánh đường ở các làng Chăm còn có khoảng 15 ngôi đền làng (danok) thờ thần làng. Đặc điểm phần kiến trúc các thánh đường (sang mưghik), đền làng (danok) Chăm đều tương tự như nhau nó khác hẳn kiến trúc tháp Chăm, tương tự như kiến trúc nhà cửa của người Chăm truyền thống hiện nay. Các Thánh đường và đền thờ thường kết cấu bằng các bộ vị kèo, mái lợp ngói, tường xây hàng xi măng. Riêng chỉ có một số ngôi đền làng Chăm được xây vào những năm 50,60 trở về đây có ảnh hưởng kiến trúc Đình làng người Việt. Chẳng hạn một số đền thờ làng Chăm như Bỉnh Nghĩa, Bầu Trúc, Hữu Đức… thường xây đền thờ theo kiểu chữ nhất, chữ đinh, đền có tiền đền và hậu đền, mái lợp ngói âm dương, trên nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Ngược lại các thánh đường Chăm lại không trang trí, điêu khắc, không có tượng thờ. Còn các thờ thần làng Chăm, một số ít có thơ tượng. Chẳng hạn như đền Po Inư Nưgar (Hữu Đức), đền Po Kluang Chanh (Bầu Trúc). Còn một số đền còn lại chỉ thờ phiến đá trơn tru. Nói chung giai đoạn về sau, từ khi xây tháp Po Rame, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm đã không còn được những ngôi tháp qui mô, bề thế và những tượng thờ say đắm, đẹp mắt như xưa mà đã đi vào thời kỳ suy thoái, lùi vào đời sống dân dã ở làng Chăm.
Hiện nay, tất cả đền, tháp, thánh đường của người Chăm Ninh Thuận, ngoài tháp Hoà Lai thì người Chăm vẫn còn bảo tồn khá tốt. Hàng năm họ vẫn còn thực hiện nhiều nghi lễ, hội hè liên quan đền tháp và thánh đường trong các làng palei Chăm.

Gốm Bàu Trúc


Làng Bầu Trúc là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á nằm cách thị xã Phan Rang -Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Đây là một làng nhỏ có hơn 400 hộ trong đó 85% hộ làm nghề gốm truyền thống. Người trong làng kể rằng chính Pô klong Chan là người đã truyền nghề, ông là một trong những vị tổ sư của nghề gốm từ thời xa.
Người dân ở Bầu Trúc đã dùng đôi bàn tay khéo léo của mình, những vòng tre và những vỏ sò để tạo ra những tác phẩm vô giá. Thật đáng ngạc nhiên trong khi những làng nghề gốm khác đã đổi sang dùng bàn xoay như một công cụ thiết yếu, thì trái lại các nghệ nhân Chăm vẫn dựa vào đôi bàn tay tài năng của mình và những công cụ thô sơ. Để tạo ra một sản phẩm gốm, một nghệ nhân Chăm chỉ cần dùng một cái đe ( không phải vòng xoay ) và các công cụ thô sơ khác cùng với đất tơi; sau đó dùng tay để nặn những mẫu đất sét thành những tác phẩm mà họ muốn. Bằng những thao tác khéo léo và các tuyệt phẩm đã được hình thành.
Vật liệu dùng để tạo ra một sản phẩm gốm thật sự ở Bầu Trúc là một loại đất sét đặc biệt. Loại đất sét này được lấy từ bờ sông Quao, khi nung rất dẻo và bền. Kỹ năng trộn cát với đất sét cũng rất khác biệt. Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm.
Vì thế nên gốm Bầu Trúc hoàn toàn khác so với những nơi khác. Chẳng hạn, lu đựng nước được làm ở Bầu Trúc luôn được người dân ở những vùng khô và nắng ưa chuộng bởi vì nhiệt độ của nước trong lu luôn luôn thấp hơn so với bên ngoài nên nước bao giờ cũng mát hơn.
Những năm gần đây bước vào nền kinh tế thị trường, nhiều làng gốm truyền thống bị chao đảo, có làng không còn giữ được nghề này nữa, nhưng ở làng Bầu Trúc đa số các hộ Chăm vẫn còn làm nghề gốm, họ xem đó là nhu cầu sản xuất chính của gia đình, mặc dù giá của sản phẩm làm ra rất thấp. Để khuyến khích làng nghề cũng như ngành gốm truyền thống lâu đời của nó, mong rằng chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa để làng nghề này được lưu truyền mãi và ngày càng phát triển.
Các công đoạn tạo ra sản phẩm gốm:
Đất sét được lấy từ ruộng, đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước trong cái hố đất đã đào sẵn.Cát cũng được sàn lọc kỹ và lượng cát pha cũng phải tuỳ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm gốm định làm.
Chuẩn bị đất làm gốm:
Đầu tiên dùng chân để nhồi đất và cát mịn, sau đó cuộn thành từng lọn hình trụ và được phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm.
Người thợ gốm còn phải nhồi và lăn lại đất bằng tay nhiều lần, rồi vo tròn thành các cục đặt lên hòn kê để nặn thành sản phẩm.
Kỹ thuật tạo dáng gốm: Có 4 công đoạn sau:
Nặn hình: Tạo dáng gốm cơ bản ban đầu, sau đó nối những “lọn đất” vào miệng gốm, dùng “vòng quơ” chải quanh thanh gốm.
Chà láng gốm:
dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng.
Trang trí hoa văn:
Dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật... để tạo hoa văn trên gốm. Hoa văn chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò... họ còn dùng màu thực vật để nhuộm áo gốm.
Tu sửa gốm: Gốm nặn đem phơi nơi râm mát, hơi khô dùng “vòng quơ ” nhỏ để cạo mỏng thân và nông đáy gốm.
Nung gốm:
Gốm Bầu Trúc được nung ngoài trời (lộ thiên) và trước khi nung phải phơi khô một ngày.
Vật liệu dùng để nung gốm là củi, phân trâu bò khô, rơm rạ, trấu...
Củi được xếp thành hình chữ nhật (4mx3m) dày khoảng 0,2m-0,3m và trên đó người ta xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm lớn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0,2m và trên là một lớp trấu mỏng.
Người thợ gốm Bầu Trúc chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ và đốt theo chiều ngược gió. Thời gian nung khoảng 2-3 giờ đồng hồ.

 Các lễ nghi của gia đình người Chăm Bàlamôn

Nghi lễ sinh đẻ:
Theo quan niệm của người Chăm, mục đích của cuộc hôn nhân là sinh đẻ con cái đặc biệt là con gái, để có người nối dõi dòng họ. Ngược lại không có con là điều bất hạnh lớn nhất cho các cặp vợ chồng. Những người đàn bà lập gia đình mà không có con thường xin con hoặc cháu của chị em mình nuôi, để nối dõi và trông coi gia đình.
Trước năm 1975, ở hầu hết các vùng người Chăm sinh sống không có trạm y tế, nhiều bệnh tật, dịch tả đã xảy ra dẫn đến tử vong rất cao, điều đó càng khuyến khích ước muốn có nhiều con. Ngày nay do phương tiện khoa học phát triển, nhiều cơ sở y tế đã mở ra ở các địa phương làm giảm dần tỷ lệ tử vong.
Ở người Chăm trước đây cũng như hiện nay, phụ nữ có thai phải kiêng cữ nhiều thứ, không được ăn đu đủ bởi sợ hài nhi mai kia có khuôn mặt na ná dạng hình trái đu đủ không ai ưa. Họ không ăn chuối hột, đặc biệt không ngồi ở lối cửa ra vào bởi sợ tà ma làm cho đau yếu, ngoài ra không dùng bát đĩa để ăn cơm vì họ sợ rằng thai nhi lớn giống như cái bát, đĩa, sẽ đẻ khó.
Phụ nữ Chăm thường đẻ ngồi ở trong buồng được che kín, hai tay vịn chặt vào cột nhà hoặc nắm chặt vào người thân. Trong thời gian sinh nở, theo phong tục không cho phép người khác tới gần trừ bà mẹ và bà mụ. Sau khi đứa trẻ sinh ra bà mụ cắt rốn bằng một vật bén như dao hay bằng một mảnh tre hoặc cây giang (nôi), đồ cắt rốn chỉ dùng một lần rồi bỏ. Nhau được đem chôn ở trong khuôn viên nhà, có khi chôn ở trước cổng nhà để đứa trẻ lớn lên sẽ giỏi và khôn ngoan. Người ta phải lựa những giờ vắng để chôn nhau chẳng hạn vào lúc xế trưa, khi chôn phải lặng thinh, không được nói chuyện.
Theo cụ Thập Thị Cua ở làng Văn Lâm, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận kể: Trước đây sản phụ Chăm nằm sinh trong một cái chòi riêng. Sản phụ nằm ở đây trong một tuần lễ, xông hơ bằng lửa ngọn nên gọi là “nằm lửa lớn”. Thời gian này việc kiêng cữ rất được chú ý, cấm các phụ nữ đến thăm trừ người thân, vì sợ sản phụ lây chứng bệnh do người khác mang tới vì “máu còn non”. Qua một tuần bà mụ làm lễ vái tổ và đưa sản phụ vào nằm trong nhà, xông hơ bằng lửa than, và từ đó hết kiêng cữ. Đứa trẻ, sau khi cắt rốn thì cho tắm rửa bằng nước nấu với lá có mùi thơm để nguội và quấn tã bằng quần áo cũ của bố mẹ để đứa trẻ quen hơi bố mẹ nó.
Thông thường khi trong gia đình có người sinh đẻ, người ta đốt một đám lửa ở giữa sân để mọi người biết. Trước sân nhà người ta còn đóng một cây cọc, chẻ đầu cọc ra, lấy một cây lửa đã tắt dắt lên. Sinh con gái thì đầu lửa quay vô, sinh con trai thì đầu lửa quay ra với ý nghĩa là con gái thì ở với mình, con trai lớn lên theo vợ về nhà khác. Sau đó người ta treo nhánh xương rồng trước cổng ra vào, 7 ngày cho con trai và 9 ngày cho con gái. Đủ ngày thì hốt bếp nhổ cọc, có nơi không có định ngày, mà treo cho đến khi hết kiêng cữ thì thôi.
Để giữ gìn cho đứa trẻ khỏi tác động có hại của các lực lượng siêu nhiên, người ta áp dụng các biện pháp như đeo bùa chú, đeo vòng (làm bằng dây).
Lễ Khan Prók (Trình tổ tiên):
Nghi lễ này rất đơn giản, với ý nghĩa công nhận đứa trẻ mới ra đời này là một thành viên mới của gia đình, để được gia tiên “prók” phù hộ được khỏe mạnh. Lễ thường làm vào buổi xế chiều, thầy được mời tới, lễ vật bao gồm một chai rượu, ba trứng gà. Thầy khấn các thần chú và tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ. Ngoài ra trong lễ này đều phải có bông điệp mà theo người Chăm cho là lễ cúng thần người Việt. Sau khi khấn vái thần linh xong lễ chấm dứt.
Lễ Plau Yang (lễ cúng đầy tháng):
Lễ cúng đầy tháng cũng đơn giản như lễ trình tổ tiên. Gia đình của đứa bé coi ngày nào tốt thì mời thầy tới làm lễ. Lễ vật gồm gà, chuối, dừa, xôi. Lễ vật này được dâng lên cho một vị thần khuất mặt “ôn próh” trong dòng họ, do đó khi một đứa trẻ ra đời, gia đình phải tổ chức cúng để báo cho “próh” biết sự có mặt của một thành viên mới, vì người Chăm quan niệm vong hồn gia tiên luôn luôn ở gần mình, người sống luôn luôn tiếp xúc với giới vô hình qua việc cúng tế, lễ vái. Trong gia đình nếu có biến cố xảy ra, gia chủ khấn bái gia tiên rồi trình bày sự kiện để xin phù hộ. Ngoài việc cúng, trong lễ này thân nhân và người quen được mời đến dự và mang quà đến tặng đứa bé.
Lễ Đam cúh (Lễ hỏa táng):
Trong suốt chiều dài của lịch sử xã hội loài người chúng ta đã biết sự tồn tại của nhiều hình thức mai táng mà mỗi vùng có những đặc điểm riêng vì nó thuộc phạm trù xã hội, dân tộc và truyền thống địa phương. Ở Việt Nam các nhà dân tộc cho rằng có 4 hình thức mai táng: thổ táng, thủy táng, hỏa táng và thiên táng. Trong thiên táng lại có “điểu táng” tức đặt người chết lên dàn cây để ngoài trời cho chim đến rỉa thịt.
Theo quan niêm của người Chăm Ninh Thuận cái chết không hề làm đứt quãng các mối quan hệ giữa người chết với họ hàng thân thuộc của người đó. Họ cho rằng ngoài cuộc sống trần gian còn có các cuộc sống ở bên kia thế giới, do vậy người chết, theo họ chỉ là sự chuyển đổi chỗ từ thế giới này sang một thế giới khác, ở đó linh hồn người chết cũng tham gia vào những công việc hàng ngày, có tác động ảnh hưởng tốt, giúp đỡ, che chở những người họ hàng thân thuộc hoặc ngược lại, mang đến những tai vạ cho những người này. Những quan niệm trên, ở mức độ đáng kể, đã xác định được mối quan hệ tới cái chết của con người và những hành động, cách thức chôn cất.
Để tiễn biệt người quá cố về thế giới bên kia, người ta phải thực hiện rất nhiều lễ nghi khá phức tạp.
Hoả táng của người Chăm Bàlamôn đóng một vai trò rất quan trọng trong lễ nghi tôn giáo của họ. Người Chăm Bàlamôn quan niệm rằng khi người ta chết phải làm lễ hỏa táng để linh hồn người chết được siêu thoát lên thiên đàng. Ngược lại nếu người chết không được thiêu thì linh hồn người chết sẽ không siêu thoát, đưa đến việc linh hồn người quá cố sẽ bắt tất cả người thân trong dòng tộc của họ, cho nên người Chăm Bàlamôn rất coi trọng tục hỏa táng. Trong đạo Bàlamôn chia làm hai phái: phái thiêu và phái chôn, nhưng người theo phái chôn rất ít, không đáng kể.
Trong lễ hỏa táng có rất nhiều lễ nghi phức tạp và có sự khác nhau giữa đám tang của các tầng lớp trong xã hội do ảnh hưởng chế độ đẳng cấp của Ấn Độ. Người Chăm đã chia xã hội thành nhiều tầng lớp khác nhau: tầng lớp tu sĩ, tầng lớp người giàu và cuối cùng là người nghèo. Ngoài ra tục hoả táng còn quy định nghiêm ngặt như đối với đứa trẻ dưới 15 tuổi chết thì chỉ chôn không được thiêu. Đối với người lớn chết cũng chia ra làm 2 trường hợp: chết bình thường và chết không bình thường.

+ Loại chết bình thường: chết vì bệnh, chết do già.
+ Loại chết không bình thường: chết tai nạn xe cộ, chết vì thú dữ, chết trận, chết vì sông suối… và chết ngày đại kỵ (ngày hết trăng mùng một).
Tục còn quy định khi người bệnh hấp hối, sắp chết, tất cả những người trong gia đình và dòng họ phải đến canh chừng ngày đêm, vì họ quan niệm rằng khi người chết tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là “chết tốt”, nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, “chết xấu” (ha mưtai phào). Vì vậy họ chuẩn bị tất cả lễ nghi liên quan đến tục hỏa táng rất cẩn thận và chu đáo. Nghi lễ tang ma của người Chăm theo đạo Bàlamôn có hai giai đoạn: hoả táng và nhập Kút.
- Những người thuộc tầng lớp tu sĩ và quý tộc cử hành đám tang lớn, có thầy pasế làm lễ.
- Những người thuộc hạng bình dân, nghèo khổ, lao động chân tay thì chỉ được cử hành đám tang nhỏ, và chỉ có hai thầy làm lễ.
Trong đám thiêu cũng chia ra làm hai loại thiêu tươi và thiêu khô.
- Thiêu tươi là hình thức hỏa táng thông thường đối với một người chết bình thường, chết lành và không vào dịp kiêng kỵ hay vào thứ năm hàng tuần.
- Thiêu khô: tiến hành đối với người chết xấu, gặp thời gian kiêng kỵ, sát sinh của đạo Hồi giáo Bà Ni (plàn clék ớ) hoặc (tháng ăn chay), hay chết khi gia đình không đủ tiền bạc để làm hoả táng luôn… Người chết được chôn tạm, cho đến khi có điều kiện, chọn thời điểm tốt sẽ bốc mộ lấy hài cốt để thiêu.
Lễ Đam Dak (Đám chôn)
Những người chết được chôn trong các trường hợp sau:
- Trẻ em dưới 14 tuổi, không phân biệt gia đình tu sĩ hay thứ dân, trai hay gái đều phải chôn. Người Chăm quan niệm, trẻ khi chưa đến tuổi trưởng thành nếu chết thì phải chôn để chúng trở về cát bụi.
- Những người được coi là dòng dõi thấp hèn trong xã hội cũng phải chôn.
- Có những dòng họ khá giả, nhưng theo tập tục của dòng họ cũng phải đem chôn. Người ta gọi những dòng họ này là dòng chôn. Đó là dòng Yali - Yanguk ở Phước Lập, xã Phước Nam, Ninh Phước, Ninh Thuận và dòng họ ở làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình Thuận.
Lễ Thi Mư Tai (Lúc tắt thở):
Sau khi người bệnh tắt thở, tang chủ mời thầy pôsà, pasế về để lo việc hỏa táng. Theo quy định của người Chăm đạo Bàlamôn, nếu người chết bình thường thì làm lễ rửa tội tại nhà, chết không bình thường, bất đắc kỳ tử thì phải mang ra đồng ruộng hoặc một cái lán nào đó. Người ta đặt người chết theo hướng đầu quay về phía Bắc, thi hài được đắp một khăn trắng. Thầy pasế bắt đầu mang một cái bình nước, trầu cau, tay cầm mộc trượng (cây để vẽ bùa chú) đi đến bờ sông đọc vài câu bùa chú, làm lễ xong ông thầy nhét trầu cau xuống dưới cát, sau đó múc nước sông đem về để kề bên đầu thi hài và chuẩn bị cho lễ kế tiếp là lễ cho nước.
Lễ Plày Ya (Kak dhong) (Lễ cho nước):
Trong lễ cho nước có các hiện vật như cây mác, 1 cây nến lớn, 1 cây nến nhỏ, một cái nhẫn “mưta” (nhẫn có gắn hột màu đen), và một cái lư hương. Ông thầy pasế lấy ba cọng tranh thắt hình ngũ trảo (loại chim săn, loại rồng cách điệu). Thầy ngồi bên hướng Tây của thi hài, gắn cây nến và chiếc nhẫn vào cây mác, rót nước trong ấm (bình) vào một cái vò gốm (hũ), đốt trầm lên, hương tỏa khói, vỗ tay ba lần. Sau đó dùng một bó bùa nhúng nước hương trầm rảy lên chăn phủ thi hài, tiếp tục đọc kinh chú triệu hồn người chết và xoay đầu người chết về phía Nam. Cuối cùng thi hài được đưa ra ngoài đồng ruộng hay một cái lán cách nhà từ 100-200m. Cùng lúc đó, họ hàng làng xóm đã được tin kéo đến làm giúp. Họ trồng cột, phạt tre, chẻ nứa, kết tranh, để vội vã dựng lên khu đất trống bên cạnh làng, một căn nhà lợp tranh đúng theo kiểu cổ truyền với bao nhiêu cột gỗ, xà, kèo đã định, trực tiếp được các thầy cả chỉ dẫn, để sẵn sàng đưa thi hài ra quàn ở đó, chờ ngày lên dàn hỏa.
Lễ Yang Mnay (Lễ tắm rửa):
Người Chăm quan niệm trước khi đưa người chết lên dàn hỏa, thi hài phải được tắm rửa sạch sẽ và kỹ lưỡng. Tử thi sạch sẽ rồi, người ta mặc vào những bộ quần áo đắt tiền, những bộ này thường kết ví ở cổ và gấu nên ngày thường không ai mặc tới, mà những người già cả đều lo may sẵn chờ lúc lâm chung. Lễ tiểu liệm xong đầu quay về hướng Nam.
Lễ Pó Kahnh ao (Lễ khâm liệm):

Người chết được thân nhân mặc 1 cái áo, 1 cái quần lót, 1 cái váy nếu là nữ và 1 cái sà rông đối với đàn ông, 1 cái khăn trắng (đính tua 2 bên đầu). Tuy nhiên số lượng mặc áo, quần nhiều hay ít tùy thuộc vào tuổi tác và dòng tộc.
- Người chết thuộc dòng dõi quý tộc, giàu có, có chức sắc tôn giáo được liệm 9 cái chăn, 9 cái áo và 11 cái khăn bar cil (loại khăn truyền thống dân tộc có viền tua ở hai đầu).
- Người chết thuộc loại trung nông và người có tuổi được liệm 5 cái chăn (váy), 5 cái áo và 9 cái khăn “bar cil” (năm nữ đều giống nhau).
- Người chết thuộc tầng lớp nghèo liệm 3 cái chăn, 3 cái áo và 5 cái khăn “mrai” (loại khăn thường không có hoa văn). Đặc biệt trong nghi thức tắm rửa thi hài của họ hàng vua chúa, hoàng tộc, lễ tắm rửa xong phải có nước dừa rửa chân người chết thay cho nước lã. Nhà (rạp lợp bằng tranh) được trang trí bên trong rất lộng lẫy, các nghệ nhân được mời đến để vẽ muôn loài thú, chim phượng, vì họ quan niệm là các con thú sẽ đưa tiễn linh hồn người chết.
- Trong lễ hoả táng của người Chăm Bàlamôn đã ấn định đám tang là 4 ngày: 1 ngày cho ăn, 1 ngày nghỉ (để chuẩn bị lễ nghi), 1 ngày chém cây (ngày lấy gỗ làm đòn) và cuối cùng là ngày hoả táng.

Lễ Plày Băn (Lễ cho ăn):
Người Chăm quan niệm rằng muốn cho người chết qua thế giới bên kia khỏi khổ, thì phải làm thế nào để lúc chết, người ấy không bị đói khát. Bởi thế nên công việc đầu tiên của thầy Pôsà (thầy Cả), là phải lo cho người chết ăn uống, vì ra đi no đủ thì qua bên kia được sung sướng, linh hồn người chết không về quấy phá họ hàng. Lễ cho ăn được bắt đầu với 4 thầy pasế được mời đến làm lễ, thầy cả và một thầy khác nữa sửa soạn một khây gỗ tròn (tlao kai) có chân đựng lễ vật gồm mấy chén nẻ rang, vài bát nước, 2 chén gạo trịnh trọng đem đến đầu người chết. Trong 4 thầy pasế mỗi thầy đều có một nhiệm vụ riêng. Lúc hành lễ, “pôsà” là người điều hành toàn bộ nghi lễ. Thầy Cả hô vài lời thần chú, vừa vạch miệng thi hài, lấy lá cây xúc nẻ, gạo đổ vào 3 lần, sau đó bỏ vào tai, mắt và mũi. Sau đó, lại lấy một cành lá nhỏ, vẩy theo những giọt nước đựng trong bát. Tiếp đến thầy “pasế” khác lấy những cọng tranh, buộc vào bông điệp đặt lên thây ma và tạo hình hài bằng mảnh tranh do thầy kết lại tượng trưng cho lục phủ ngũ tạng của người quá cố.
Sau những nghi lễ trên, ông pôsà chấp vấn sự thành tâm cúng kiến của người thân để trình lên thây ma. Xong cuộc lễ, các thầy pasế được ăn uống, nhạc kanhi được nổi lên. Riêng thi hài có một mâm cơm gồm 1 trứng gà, 1 chén cơm và muối, sau đó một thầy “pasế” đem mâm cơm ra trước rạp lấy một ít cơm ở mỗi mâm đem ra ngã ba hoặc ngã tư đường yểm tà.
Thường thường đêm làm lễ cho hồn ma ăn thì tất cả họ hàng nội, ngoại kéo nhau đến ngã ba hoặc ngã tư đường, đào một cái lỗ vuông sâu một tấc. Trong lỗ cắm một cây đèn sáp, một chum rượu, 1 miếng trầu cau để nhử hồn ma. Một ông thầy cao tay ấn (chao lơng) được thỉnh tới để bắt hồn ma ở địa điểm trên. Ông thầy làm phép bắt hồn ma đựng trên một cái mâm (bàn tổ) trên mâm gồm 2 chai rượu, trầu cau và một cây đèn sáp, thầy quỳ gối trước mâm lễ vật, mặt hướng về phía đông, miệng khấn thần linh. Khấn xong, đứng dậy, tay phải cầm cây gậy dài bằng mây, bước ra khỏi mâm lễ vài bước, rồi kêu to tên người quá cố, vừa kêu vừa hú và tự trả lời lấy: “Dạ tôi là H… xin đến trình diện thầy”. Ông thầy bảo: “À, nếu mày là H… xin hãy đến ngay lỗ ta để sẵn miếng trầu và ly rượu, có cả thân nhân, họ hàng nội ngoại của mày đang đợi ở đó”. Thầy vừa nói vừa đi đến chỗ lỗ đã đào, ngồi xuống và cầm ly rượu bảo: “Này mày hãy uống đi, rượu ngon lắm đừng ngại gì cả”. Khi ấy mọi người đều im lặng để tâm về hồn người chết và hồi hộp chờ xem. Bỗng thầy la to: “Tao sẽ giết mày, vì mày nghe lời xúi giục, không tưởng nhớ đến họ hàng con cháu, định làm chuyện xấu xa”. Vừa nói thầy vừa lấp miệng hố lại rồi đặt một hòn đá lên trên, thêm một lá bùa trấn tà.
Xong, thầy lấy một cái chày giã gạo đặt ngang nơi miệng hố. Mọi người có tuổi trùng với tuổi người chết và một số người khác ngồi quanh thầy, thầy vừa đi quanh mọi người, miệng đọc bài trừ ma, đọc hết một đoạn thì hô to: “Phèn phèn tằm đối” (lời hô xua đuổi tà ma). Tất cả đều hô theo, rồi lại tiếp tục. Thầy đọc như vậy gần một tiếng đồng hồ mới dẫn đoàn người tới nhà lễ để dự bữa chè, cháo gà. Lễ cho ăn “plày băn” chấm dứt vào nửa đêm.
Lễ Tak Yâu (Lễ chém cây):
Lễ nghi này do một ông pôsà và một ông pasế đảm nhiệm, lễ vật gồm 3 chai rượu, trầu cau, 2 cái ly và một cái hũ nước làm phép. Hai thầy “pasế” mỗi thầy cầm một cây chà gạt, 1 cây mộc trượng bước ra đứng ở giữa rạp đọc vài câu thần chú, rồi mỗi ông cầm một cây, đẽo tượng trưng 3 lần rồi giao cho thợ làm đòn khiêng. Sau đó ông hăng (thợ làm nhà) cất một cái nhà mồ gọi là minh khí (dùng để khiêng ngưới chết đem đi hỏa táng). Mỗi góc nhà mồ có dán 4 con hăng (rồng Chăm được cách điệu) và cuối cùng hai thầy đến ngã ba đường đào một cái lỗ, họa hình người chết trong đó, đặt 3 đoạn tre rồi lắp lại.
Lễ Pa Plao (Lễ tiễn đưa người chết):
Sau khi lễ chém cây chấm dứt, bà con dân làng bỏ cả việc làm ăn để tới giúp, và cũng trong thời gian ấy tang chủ giết dê, hoặc trâu để thết đãi. Người ta làm một chiếc nhà táng bằng tre, lợp vải, có dán giấy cắt hình con hăng bay lên trời, ngụ ý khi thiêu thì những con hăng ấy sẽ đưa hồn người chết lên cõi thiên đường.
Đêm đến các thầy pasế phân công nhau, thầy cả lo việc làm phép mặc đồ trang phục tăng lữ Bàlamôn, cổ quàng chiếc khăn đỏ, tay cầm gậy trúc có gắn thỏi sáp. Mỗi thầy pasế cầm một cái “chà gạt” (loại rựa dùng chặt cây).
Đêm đến nhạc kanhi (đàn nhị) được nổi lên với giai điệu buồn bã như xót thương người quá cố do một ông thầy pasế đảm nhiệm. Đặc biệt lễ tiễn đưa chỉ có một cây đàn kanhi được sử dụng trong tang ma. Đàn kanhi được kéo cho đến 4-5 giờ sáng thì chấm dứt để chuẩn bị cho ngày đưa tử thi lên giàn hỏa.
Lễ Cuh (Lễ hỏa thiêu):
Các nhạc cụ được mang theo, đối với nhà nghèo thường là 1 cái đàn kanhi. Nhà giàu người ta mang theo 2 cái đàn kanhi, 1 cái kèn “sarinai”, một bộ trống “ghinăng”, và 1 cái trống vỗ “paranưng”. Dân làng hôm ấy cũng bỏ cả công việc làm ăn, để vừa giúp đỡ gia chủ mọi việc lặt vặt, vừa lễ vong linh người đã khuất một lần cuối. Khi lễ, mọi thân nhân, dòng họ đàn ông cũng như đàn bà dùng khăn đội đầu quấn ngang lưng, rồi quỳ xuống trước linh cửu, chắp tay lên đầu rồi nhoài mình về phía trước, cứ làm như thế 3 lần. Sau đó, tất cả được mời ăn uống một lần nữa, ngay ở trước cửa nơi để quan tài, để rồi cùng tang gia đưa linh cửu lên giàn hỏa.
Trước khi hành lễ, các thầy pasế đều xuống sông hoặc đến giếng nước tắm sạch sẽ, chỉ có một ông thầy pasế ở nhà lo sắp xếp thi hài. Sau khi tắm xong, 4 ông thầy mang chà gạt đi ra chỗ đòn khiêng (khi ấy đã dán bùa chú) và cắm 4 ngọn nến tượng trưng cho 4 vị thần ở hai vai và 2 đồi gối, đoạn khiêng đòn vào để cạnh thi hài. Trong lúc thầy cả đọc thần chú và các thầy khác tụng niệm theo, thì 4 thầy pasế đặt dưới lưỡi chà gạt chụm vào nhau vào giữa đòn khiêng, ngụ ý muốn diệt trừ cho hết hồn ma còn nằm ở đó.
Thầy posà dẫn thầy pasế đi vòng phía đông đến một cái rạp điểm lại mọi vật phẩm lễ nghi, rồi vòng qua hướng tây để vào rạp (cái nhà lợp bằng tranh). Nhạc “kanhi” nổi lên, mỗi thầy đều có một mâm cơm đem ra xếp trước rạp làm phép rồi lấy một ít cơm đem tống yểm bùa ở ngã ba đường. Trong lúc này dân làng xúm vào, miệng hô những câu thần chú. Sau quan tài là người thân thuộc, dân làng, mang theo gia tài của người quá cố. Tục lệ Chăm là người chết cũng được hưởng gia tài, như người sống. Phần chia của họ phải đem thiêu cùng lúc với thi hài. Ra khỏi làng, tới một cái gò khá rộng, thầy cả đứng lại, ra lệnh cho những người khiêng đổi đầu thi hài, ý muốn là cho hồn người chết không nhận được lối về làng, để khỏi tìm ám những người mà hồn không ưa. Đến điểm hỏa táng ở một khu đất kế đó, thầy cả miệng hô thần chú, tay cầm mồi lửa cháy to, châm vào các mồi sáp đã đặt lúc trước, để ngọn lửa bừng lên. Khi đám cháy đã khá lớn, các thầy mới rút gậy ra. Những cục sáp vướng lại càng cháy mạnh. Lửa bén cháy hết áo, quần, chăn màn, nồi, chén… rồi đến thi hài. Nửa giờ sau, trên đống củi, một thầy pasế cùng với người con cả cầm một cây rựa cán dài, một cây cuốc và một cái hộp đựng dầu, lấy rựa chặt đầu người chết rời khỏi cổ rồi móc ra.
Cạnh đó người ta đào sẵn một cái lỗ đặt vừa cái sọ nằm ngang, rồi chính người con cả cầm cuốc bổ sọ ra làm hai, người ta dóc cho óc long ra hết, chỉ còn lại mảnh sọ. Lửa vẫn cháy hết đám xương tàn. Người ta lấy cái sọ đập ra từng mảnh lấy dao gọt lại cho tròn như đồng tiền, rồi đem mài cho nhẵn. Đàn ông phải lấy 7 miếng, đàn bà thì lấy 9 miếng. Nhìn xương có cứng rắn hay không, tròn nhẵn nhụi hay không, người ta có thể đoán được số kiếp của người chết ở thế giới bên kia. Hiện nay người Chăm Bàlamôn chỉ lấy 9 miếng xương trán cho cả nam lẫn nữ. Những mảnh xương trán này được rửa sạch, lau khô và để vào những hộp nhỏ bằng đồng, bạc hay vàng tùy theo gia đình giàu hay nghèo, sau đó đem về nhà chôn chờ ngày nhập kút.
Sau lễ hỏa thiêu các thầy pasế được gia chủ biếu một số hiện vật có giá trị lớn như 1 con trâu, nhẫn vàng, lọ bằng bạc, quần áo quý giá…

Tiếp lễ hỏa thiêu là đến các đám tuần: tuần 3 ngày, tuần 7 ngày cho người quá cố. Hai tuần này đều được làm một lúc tại địa điểm hoả thiêu. Lễ vật làm tuần gồm có: gà luộc, năm nắm cơm, canh và 5 cái bánh, một mâm có đặt hộp “klong” đựng xương trán người chết, dưới có một lớp gạo, trên phủ 1 bộ y phục.
Sau đám tuần 7 ngày, còn các đám tuần tháng, tuần năm. Nghi thức giống như đám tuần 3, 7 ngày nhưng đám tuần tháng, tuần năm thì làm tại nhà người quá cố. Lễ tuần của người Chăm Bàlamôn giống như đám tuần của người Hồi giáo Bàni nhưng cách làm và lễ nghi khác nhau.
Lễ nhập Kút:
Khi một người thường dân chết, tang lễ cử hành ngay ngày hôm sau; nếu là người quý tộc hay quan lại đại thần thì ba ngày sau, nếu là vua thì 7 ngày sau mới làm lễ tang. Thi hài được bỏ vào quan tài và đặt vào một chiếc xe có phường kèn đi theo và theo sau là người trong gia đình, dù là đàn ông hay đàn bà đều cạo trọc đầu để tỏ “lòng hiếu” vừa đi vừa khóc. Khi đến gần một con sông thì họ thôi khóc, đặt xác lên đống củi rồi đốt, sau đó nhặt lấy tro than cho vào một cái lọ bằng đất, đem ném xuống giữa sông. Mọi người về nhà, hết sức trầm ngâm, tránh không làm một tiếng động, không nói một lời nào, có lẽ để linh hồn người chết không tìm được đường về làm động dân làng. Nếu người chết thuộc dòng quý tộc hay giữ một chức vụ quan trong vương quốc, tang lễ phải cử hành ở cửa sông, tại đó tro than đựng trong lọ làm bằng đồng được vứt xuống nước. Đối với vua thì dùng lọ bằng vàng và được ném xuống biển.

Bảy ngày sau người ta đem hương trầm đến khóc ở quanh đống tro củi của dàn thiêu, và cứ như thế làm bảy lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau bảy ngày. Đến trăm ngày và đến năm thứ ba người ta lại cúng người chết.
Những quả phụ không ba giờ tái giá và để cho tóc mọc dài đến khi già. Tuy nhiên theo phong tục Ấn Độ thì người vợ nên tự thiêu ở ngay trong dàn thiêu của người chồng, tục đó đã được coi trọng ở người Chăm, ít ra là đối với những người có phẩm cách tốt.
Ngày nay nghi lễ hỏa táng người Chăm Bàlamôn không còn làm giống như ngày xưa nữa. Họ thiêu người chết, lấy 9 xương trán (sọ) bỏ vào klong, tro thiêu thi hài đem bỏ xuống ao, gom hộp klong của nhiều người lại làm lễ nhập kút.
Kút giống như nghĩa địa, kút là một tượng đá thường lấy ở sông hoặc biển, xưa kia được các nghệ nhân làm giống như “linh ga” biểu tượng của thần Civa. Theo quan niệm của Bàlamôn Ấn Độ, khi người chết phải thiêu hủy xác, linh hồn sẽ được lên thiên đàng, các xương cốt và tro đổ xuống ao hay sông suối. Người Chăm theo đạo Bàlamôn Việt Nam quan niệm giống như Bàlamôn Ấn Độ, tuy nhiên có sự khác nhau về kút. Sau khi hỏa táng, thân nhân của người chết lưu lại các mảnh xương trán (nữ 9 mảnh, nam 7 mảnh) để đưa vào kút, hầu tưởng nhớ người quá cố.
Đầu tiên họ tạm chôn klong ở những nơi kín đáo thường là ở dưới những cây cổ thụ, về sau phòng ngừa nạn trộm cắp họ đem chôn ở gần nhà vì hộp klong dùng để đựng xương trán của người quá cố là vua chúa hay nhà giàu, thường làm bằng vàng hay bằng bạc, người nghèo làm bằng đồng. Một tháng sau khi hỏa táng họ làm lễ thay trầu cau trong hộp klong, xong họ chôn lại và phải chờ có nhiều hộp klong (tức 5-10 người chết) mới tổ chức làm lễ nhập kút. Thời gian nhập kút lâu hay mau tuỳ theo dòng họ có người chết. Nhưng không phải tất cả những người chết đều được nhập kút. Muốn vào kút người chết bắt buộc phải có một số điều kiện sau đây:
- Chết bình thường như chết già, chết bệnh có sự chứng kiến của thân nhân.
- Thể xác phải toàn vẹn không đui, què, tàn tật.
- Không phải chết tai nạn, chết đuối, chết trận.
- Không lai về dân tộc và tôn giáo.
Xương cốt của những người không hội đủ điều kiện trên thì phải lập kút khác ở ngoài hàng rào của kút dòng họ gồm những người chết trong sạch (Hội đủ điều kiện đã quy định về lễ nhập kút).
Ở làng Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước trong một kút phân chia ra làm hai khu vực: khu vực chính và khu vực phụ.
- Khu vực chính (kút chính) được cất trên một gò đất cao, có một cái nhà nhỏ lợp bằng tranh rất đơn sơ, không có vách ngăn, rộng trung bình 8m, dài 12m.
- Khu vực phụ (kút phụ): những người chết không hội đủ điều kiện trên người ta lập kút chôn ở ngoài vòng khu vực chính. Trong vòng rào đặc biệt có một kút đứng riêng lẻ đó là kút của những chàng rể mà dòng họ đã điêu tàn, không còn ai nương tựa.
Các kút được xếp hàng ngang hướng về phía Bắc. Kút ở giữa là tượng kút “pô thì” (vị sáng lập ra dòng họ). Kút này chỉ tượng trưng không chôn xương cốt ở phía dưới. Kế tiếp tượng pô thì, ở tay phải là tượng kút của nữ giới, phía bên trái tượng kút pô thì là tượng kút đàn ông. Ngoài ra trong dòng họ có chức sắc sẽ lập kút riêng gần bên tượng kút của đàn ông. Cấu trúc của kút bao giờ cũng có 3-4 kút. Đôi khi lên đến 5-9 kút, đây là loại kút có nhiều người làm thầy pasế, làm quan trong triều đình trước kia.
Người Chăm thường lập kút vào tháng 1,2,3 và tháng 6 dương lịch (tức plàn tha, chòa, clâu và plàn năm). Và làm vào các ngày thứ ba, thứ tư và thứ bảy, chủ nhật. Thường tổ chức lễ nhập kút vào buổi chiều, sáng ngày hôm sau đưa hộp klong, đến kút (nghĩa địa).

Đầu tiên họ làm lễ mở kút để trình báo với “pô thì” xin phép cho nhập kút mới, giới nào, hạng người nào thì đặt theo vị trí theo luật nhập kút đã quy định. Lễ này có sự hiện diện của pôsà, một số thầy pasế, ông katha và bà bóng. Khi làm lễ, người ta mặc áo cho kút, tùy theo địa vị của từng loại, kút pô thì mặc y phục giống như hoàng hậu (công chúa Chăm), các kút thầy pasế được mặc trang phục giống như giáo sĩ Bàlamôn… Sau đó các thân quyến gia đình đều khấn vái linh hồn người chết phù hộ và che chở cho họ. Việc cúng tế xong tất cả họ hàng và người thân trở về nhà, chỉ còn một số người giúp việc cùng với thầy pasế ở lại cho đến 12 giờ đêm mới bắt đầu làm lễ nhập kút.
Lễ nhập kút bắt đầu do thầy pasế đảm nhận. Ông gom tất cả các hộp kong lại, lấy xương trán trong từng hộp klong ra, xếp theo thứ tự nam riêng, nữ riêng và người có chức sắc pasế riêng, sau đó cho vào một cái hộp bằng vỏ cây (người Chăm gọi là “clàm” loại vỏ cây lấy ở biển). Tiếp đến thầy pasế dùng cuốc đào sâu xuống ở phía dưới tượng kút khoảng 48-50cm, đặt hộp đựng xương xuống theo thứ tự như đã quy định, lắp lại và cuối cùng làm lễ kết thúc.

Lễ hỏa táng của người Chăm Bàlamôn được coi là một nghĩa vụ của người sống đối với người chết. Họ quan niệm người sống muốn tỏ lòng kính trọng người quá cố chỉ thông qua lễ nghi hỏa táng.
Tục lệ hỏa táng người Chăm Bàlamôn mang nét đặc trưng riêng, họ coi ngọn lửa hỏa thiêu chỉ làm cháy đi một phần xác. Con người rời bỏ kiếp sống thực tại để chuyển sang kiếp khác, ở dạng siêu hình (linh hồn) nên cái chết chỉ thoảng qua còn linh hồn vẫn còn tồn tại mãi mãi mà sự chuyển hóa đó nhờ vào ngọn lửa.

Lễ nghi đám cưới của người Chăm Bàlamôn
Bước đầu của lễ thành hôn là một giai đoạn khó khăn, giai đoạn này thường được gọi bằng một danh từ có nghĩa rộng kín đáo, cần nhiều tài xã giao, hùng biện, đó là danh từ “pa luak panoih”.
Theo chế độ mẫu hệ, người con gái thuộc nội tộc, có bổn phận nội trợ, quản thủ tài sản, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng con và thờ cúng tổ tiên v.v...
Một vài trường hợp cần ghi nhận:
Trường hợp cô nàng không thích anh chàng, anh chàng lại mê cô nàng, sự quyết định do cha mẹ đằng gái. Trường hợp trên có hai cách giải quyết thường thấy:
+ Cha mẹ đằng gái cũng không đồng ý, hôn nhân chắc chắn sẽ không thành.
+ Cha mẹ đằng gái đồng ý. Hôn nhân có thể thành vì chinh phục con gái cũng thường không khó lắm. Vì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó là quan niệm xuyên suốt chiều dài lịch sử của xã hội Champa từ xưa đến nay. Nếu cha mẹ không thuyết phục được con cái, thường xảy ra trường hợp ép duyên con gái với những câu thông thường:
Tình yêu sẽ đến sau hôn nhân.
“ Tao có yêu ba mày hồi nào đâu? Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Như vậy mới có hiếu. Áo mặc sao qua khỏi đầu. Bây giờ trời cho làm ăn nên nổi, con cháu đùm đề, đời sống vững vàng như ai, thấy không”. Sau đó cha mẹ tiến hành hôn nhân theo ý mình.
-Trường hợp hai người xa lạ, không hề yêu nhau. Hai bên cha mẹ tự kén chọn, lựa tuổi cùng tốt, môn đăng hộ đối, xứng đôi, tiến hành công việc cậy người làm mai mối dạm hỏi. Trong trường hợp này duyên nợ hoàn toàn do cha mẹ đặt để. Phương thức này rất phổ biến ở xã hội Chăm xưa, sau ngày giải phóng tuy còn nhưng giảm nhiều.
-Trường hợp khác, con trai đã để ý người con gái nhưng cha mẹ người con trai khước từ. Cha mẹ bên đàng gái tán đồng. Hôn nhân có thể thành dưới hình thức không có đám cưới linh đình, mà theo hình thức tự ý, tức đi lén (người Chăm gọi là “nao klek”). Sau đó ít lâu, chờ thời gian thuận tiện, cha mẹ đàng gái nhờ người có uy tín dẫn hai vợ chồng qua bên đàng trai để thú tội (người Chăm gọi là “nao thú”) với cha mẹ và họ hàng thân tộc bên nhà trai. Đặc biệt người Chăm nếu có chuyện phật ý, không vừa lòng hay để bụng. Tuy nhiên nếu có sự xin lỗi “nao thú”, họ sẳn sàng tha thứ.
Trong xã hội Chăm cũng như người Chăm nhất là bên nhà gái ít thích hình thức đám cưới thiếu danh dự (bok mưta) này. Chỉ thường xảy ra với các gia đình nghèo khổ hay những trường hợp cậu con trai nhà giàu gặp cô gái nhà nghèo cha mẹ đàng trai không tán thành cuộc hôn nhân do quan niệm môn đăng hộ đối (trường hợp này ít xảy ra).
Trường hợp hai bên cha mẹ đều không tán thành hôn nhân, có thể đòi trai gái sẽ thoát ly gia đình để tự lập, nhưng thực ra trường hợp này rất hiếm có trong người Chăm.
Lễ Paluak Panôih (Dạm hỏi)

Đây là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình con gái, bởi nó luôn diễn ra trong bí mật âm thầm, càng kín đáo càng tốt. Vì ngại rằng câu chuyện mai mối không thành khi đổ bể ra, cả làng, cả vùng đều nghe tin thì tai tiếng không mấy tốt cho gia đình bên nhà gái và ngay thân phận cô gái nữa. Điều này được giải thích bởi những lý do sau:
- Về phương diện gia đình: Người Chăm quan niệm rằng khi đàng trai khước từ lời cầu hôn của mai mối khác gì họ chê bai gia đình đàng gái. Vấn đề thể diện và danh dự gia đình thật to tát biết bao. Xã hội Chăm rất quí và tôn trọng danh dự. Khi bị xúc phạm là nỗi nhục của họ. Có câu ca dao sau đây thường lưu truyền trong dân gian đã chứng minh quan niệm danh dự gia đình rất lớn và hệ trọng.
“Dăk lihik kubao yâu,
Hơn di mư lâu abok”
Tạm dịch là:
“Thà mất đôi trâu
Còn hơn xấu mặt”.
Câu tục ngữ trên có ý nghĩa thể diện và danh dự gia đình trọng hơn vật chất. Nhiều trường hợp cũng do vấn đề hôn nhân không thành đã sinh ra mâu thuẩn và thậm chí thù giữa gia đình này với gia đình khác và có khi giữa họ này với họ khác.
- Về phương diện thân phận người con gái
:
Việc dọn đường mai mối luôn luôn đặt trong kế hoạch thầm kín và bí mật tối đa. Công việc được thành đạt thì tốt cho con cái. E rằng câu chuyện lứa đôi không thành thì không thể tránh được lời gièm pha của láng giềng hàng xóm chê bai cô gái là “bị ế, bị chê”. Ngay cả việc mai mối cho lần tiếp theo trong tương lai cũng có nhiều trở ngại và ảnh hưởng rất lớn đến thân phận của người con gái.
Cho nên con đường mai mối ngầm thật là quan trọng. Vị sứ giả hôn nhân (ôn binhuk) mà gia đình nhà gái muốn nhờ cậy phải được đắn đo chọn lựa không phải ai cũng được.
Người mai mối (ôn binhuk) thường là bô lão có uy tín trong xóm làng, có tài ăn nói, lợi khẩu, khéo léo và kiên trì, có quen nhiều hay thân thuộc với bên đàng trai càng có lợi. Đặc biệt, người mai mối phải có gia đình, có vợ, con cái nhiều và cuộc sống gia đình ông ta phải khá giả và hạnh phúc. Thời gian thăm dò ý kiến cha mẹ đàng trai, lui tới kéo dài hàng tháng và có thể từ năm này qua năm khác.
Hiện nay để phụ vào công cuộc thăm dò ý kiến cha mẹ bên trai, cha mẹ bên gái đôi khi cũng có dịp hỏi thăm ý định của chàng trai trong những lúc anh ta lui tới bên nhà gái.
Ngày xưa, người lớn chỉ chú trọng sự thoả thuận của cha mẹ. Nói thế không phải đàng trai hoàn toàn thụ động. Cha mẹ và họ hàng bên trai có rất nhiều quyền đó là quyền tối hậu, quyền quyết định từ chối hay chấp nhận.
Hiện nay khi lựa chọn chú rể, cô dâu nhằm vào các “tiêu chuẩn” sau:

- Vấn đề giai cấp: Vấn đề giai cấp còn ảnh hưởng nặng nề trong hôn nhân như các thời kỳ cổ xưa của họ. Hai chiều hướng ngược nhau về quan niệm hôn nhân sau đây trong hiện tại đang làm cho bậc cha mẹ không ít bối rối.
Đa số luôn luôn thích có vợ giàu (giàu theo quan niệm của người Chăm) để được sang trọng, sung sướng khỏi khổ thân, nở mày nở mặt với thiên hạ. Người ta không cần học hành nên thân. Quan niệm này ở có cả hai bên trai và gái.
Thiểu số quan niệm hôn nhân phải bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn
- Dư luận của xã hội đối với gia đình: Tai tiếng không tốt của gia đình có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với vấn đề hôn nhân. Xã hội người Chăm sống rất nể vì nhau, nhưng khi trái ý họ để bụng lâu đời.
- Vấn đề lựa chọn dòng họ:
+ Tránh những dòng lai căng: cha hoặc mẹ khác giống (như khác dân tộc, khác tôn giáo).
+ Tránh họ Yang In mọi người cho rằng họ này không tốt.
+ Tránh giai cấp tôi tớ...

Đức tính của ngưới con gái: Đức tính của người con gái được coi trọng trong hôn nhân. Theo quan niệm xưa, người con gái không căn cứ vào sắc đẹp bề ngoài, mà chú trọng cái đẹp bên trong. Phương châm của người Chăm có câu:
“Siam binai hatai bau bruk,
Jhiak binai hatai yâu mưh”
Có nghĩa là:
“Nhan sắc đẹp, lòng thối tha
Nhan sắc xấu, lòng dạ như vàng”.
Mặt khác, tướng mạo cũng được đề cập rất nhiều:
+ Tướng xác phu
+ Tướng phá năng
+ Tướng lang chạ
+ Tướng dễ hay khó nuôi con chẳng hạn...
Qua bao nhiêu thời gian, bậc cha mẹ nhận thấy những khuôn khổ bó buộc khắt khe, hoặc quyết đoán một cách đơn phương hay quá cá nhân chỉ đem lại những thất bại đi kèm với sự đổ vỡ của gia đình. Đó là điều hiển nhiên không thể tránh được.
Con gái cần có đôi chút nhan sắc mới dễ kiếm chồng. Thứ đến tính nết nhu mì, nết na, ăn nói lễ phép điềm đạm và biết lo công việc gia đình.
- Ảnh hưởng bà con:
Điều kiện gần gũi thân thuộc cũng đem lại nhiều dễ dãi cho công việc mai mối.
- Về tuổi tác: Cung mạng rất quan trọng trong việc cưới hỏi. Xưa kia con trai con gái lớn lên 15 tuổi có quyền lập gia đình. Thường người Chăm lập gia đình rất sớm. Người Chăm theo đạo Hồi giáo Bà Ni, đến 15 tuổi phải làm lễ nhập đạo, con trai làm lễ Patal hay “kho tan” lễ cắt da qui đầu), con gái làm lễ ka rơh mới có thể lập gia đình.
Người Chăm Hồi Giáo IsIam thì làm lễ nhập đạo khi mới sinh.
Giai đoạn dạm hỏi sẽ đi đến kết quả như sau:
- Bị khước từ vì những lý do:
+ Kỵ tuổi xung khắc
+ Nghèo nàn
+ Tuổi ly biệt
+ Tướng không con
+ Tìm cách từ chối khéo.

- Hai bên cha mẹ thuận tình. Dấu hiệu có triển vọng tốt.
Cha mẹ đàng trai sẽ trả lời rất thông cảm, dễ dãi và định ngày cho phép bên gái cử một số đại diện lại gia đình bên trai để làm lễ hỏi, để đánh dấu sự thoả thuận của bên trai.
Giai đoạn mai mối dạm hỏi luôn luôn được tiến hành về đêm, trong âm thầm. Khi có kết quả tốt mới xuất hiện ban ngày bằng lễ hỏi.
Lễ Nao Pôih (Lễ hỏi)

Đây là giai đoạn hoạt động bán công khai, tế nhị, nhưng sáng tỏ và có nhiều triển vọng. Sau lễ dạm hỏi, nếu hai bên gia đình và hai dòng họ đồng ý thì nhà gái mang trầu cau đến nhà trai xin ấn định thời gian làm đám hỏi. Khi được nhà trai cho ngày chính thức để tiến hành đám hỏi, nhà gái thường hỏi ý kiến những người đứng đầu tôn giáo trong làng như ông pôsà là người độc quyền trong việc xem lịch và phán ra ngày tốt mới có thể làm đám hỏi được.
Theo cổ tục, tới ngày ấn định, nhà gái làm bánh trái gồm các loại như bánh Sacada hay thường gọi là pei saliya (theo tiếng Chăm (sa) nổi tiếng. Còn cada là bánh làm bằng trứng gà đánh với nước dừa, đậu phụng, đem chưng cách thuỷ, thường đựng trong một cái tô lớn).
Bánh peinung là một trong hai loại bánh không thể thiếu đựợc trong lễ hỏi và trong các lễ cưới (peinung giống như bánh tét). Đặc biệt còn có peimang (giống như cốm của người Việt) và một số trái cây như chuối, dừa... 2 quả trứng gà và một chai rượu. Cùng đi với ông bà mai chính mang bánh trái đựng trong một cái ”ciết” đến nhà đàng trai còn có hai ông bà mai phụ để hộ tống ông bà mai chính. Gia đình nhà trai mời họ thân tộc gần gũi với mình nhất để tiếp chuyện với đại diện nhà gái. Nếu không có gì trục trặc xảy ra thì họ cùng nhau ăn bánh, chuyện trò, bàn chuyện hôn nhân. Ngoài ra, đàng trai có thể tổ chức tiệc mặn hoặc tiệc ngọt, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà đón tiếp nhà gái. Cũng nhân dịp này nhà gái mời nhà trai sang nhà gái “làm khách”. Đến ngày nhà trai cùng người trong thân tộc và ông bà mai mối đến nhà gái được nhà gái tiếp đãi nồng hậu và ăn uống linh đình. Nếu trường hợp nhà nghèo quá, có thể làm bữa ăn đơn sơ hoặc làm tiệc ngọt. Sau đó hai bên cử đại diện mang một ít bánh trái đựng trong cái “ciết”, cùng nhau đến nhà Thầy Cả để xin làm đám cưới. Đặc biệt chỉ có Thầy Cả mới phán cho ngày lành tháng tốt để tổ chức thành hôn cho đôi trai gái.
Sự tiếp xúc đông đảo giữa hai họ trước hết có mục đích để hai họ tìm hiểu nhau và sau nữa chứng tỏ sự bằng lòng của họ hàng. Cũng trong lễ này nhà trai phải cho nhà gái biết số người sẽ đi đưa rể để nhà gái sửa soạn tiếp đón trong lễ cưới tới.
Ở phía Bà La Môn, sau đám hỏi không có lễ đính hôn như người Chăm Hồi Giáo Bà Ni.
Lễ Băng padih hay Băng mư nhum (Lễ cưới)
Lễ cưới thường được tiến hành sau lễ hỏi ít ngày, nhưng không được quá 4 tháng, vì để lâu nhiều kẻ dèm pha dẫn đến khó khăn cho hôn nhân, gây ảnh hưởng không tốt cho việc cưới. Hôn nhân của những người Chăm theo tôn giáo Bà La Môn và hồi giáo Bà Ni Trung Bộ, đều lấy ngày tháng thống nhất để tiến hành đám cưới, thường là vào buổi chiều thứ tư ngày chẳn, trong hạ tuần trăng từ 16 đến cuối tháng theo lịch Chăm của các tháng ba, sáu, tám, mười và tháng 11. Cách chọn tháng cưới này có lẽ ảnh hưởng của thuyết âm dương. Ở xã hội Chăm hạ tuần trăng và buổi chiều đều thuộc về âm.
Vì theo chế độ mẫu hệ việc tổ chức đám cưới do nhà gái tổ chức. Tới ngày cưới, nhà trai làm tiệc rượu cầu trời và tổ tiên, ông bà đã khuất chứng giám cho việc hôn nhân của con cái mình. Đầu tiên tất cả những người thân trong dòng họ kể cả bạn bè thân thiết được mời của phía đàn trai đến tập trung đông đủ. Những người đến dự đều không quên mang tiền gọi là “chền chúk”, tiền “gậup gàn”, (tức tiền họ hàng) để làm của hồi môn cho chú rể. Trước khi đưa chú rể qua nhà gái, bên nhà trai làm lễ rửa mình cho chú rể do một ông thầy pasế đảm nhiệm. Lễ được tiến hành ở ngoài sân. Thầy làm phép cho chú rể, cầm một hũ nước và một cây trượng (làm bằng cây mây) dài 2-3 mét, đọc lời bùa chú, nội dung báo cáo cho các “yang”, thần, thiên địa biết. Đọc xong lời bùa chú, ông thầy đưa hũ nước làm phép cho chú rể súc miệng 3 lần rồi đổ xuống sân. Sau đó chú rể bước vào nhà tục (thang yơ) làm lễ cúng xin, khấn vái tổ tiên để mặc đồ truyền thống như ao (áo) “khanh báy” (sà rông), xếu (khăn cột đầu). Lễ cúng sau này có thêm cha mẹ chú rể và ông bà mai (cùng chú rể và thầy pasế). Lễ cúng gồm một ít trái cây như chuối, bánh, trầu cau, rượu. Bộ áo truyền thống được ông mai mặc cho chú rể. Ông thầy pasế rót rượu, khấn vái thần linh và tổ tiên ông bà của chú rể.

Nhà gái phải cử ông mai đến nhà trai để đón rước họ hàng trai, ông mai nhà gái thường mang theo bình nước, trầu cau. Đi đầu và là người dẫn đường cho họ hàng chú rể là ông mai, kế đến chú rể, đàn ông, thanh niên, rồi sau cùng đến đàn bà và thanh nữ.
Hiện nay do thời đại phát triển, nhiều người đi giày nên tục lệ rửa tay chân không bắt buộc.
Đoàn đưa rể đến gần nhà gái mà chưa đến giờ tốt thì phải dừng nghỉ từ 10 - 15 phút tại một điểm đã được hẹn trước lúc đó nhà gái cử một đoàn do người đàn ông cao tuổi trong họ cô dâu mang chiếu, trầu cau ra thết đãi họ hàng chờ giờ tốt. Tất cả cùng nhau trò chuyện, uống nước. Khi đúng giờ lành đã định, một số người trong họ nhà gái quay trở vào nhà để thông báo biết là đoàn nhà trai đã tới, để tiếp đón chính thức. Đúng “giờ lành” đàng trai vào nhà theo thứ tự. Để tỏ lòng kính trọng đàn trai, nhà gái để một lu nước lớn, có một người đàn bà cầm gáo nước dội cho từng người của phía đàn trai rửa chân tay và mời họ đi theo hàng chiếu bước vào nhà. Họ được ông mai và họ hàng nhà gái tiếp đón nồng hậu, cởi mở, đặc biệt phải hết sức tôn trọng, không để mất lòng nhà trai. Trong nhà người ta trãi 3 chiếc chiếu dài thành 3 hàng dọc, hàng chiếu giữa dành cho ông mai, chú rể và người già cả, hàng chiếu bên phải dành cho họ đàng trai, hàng chiếu bên trái dành cho họ đàng gái. Hiện nay đám cưới ít khi ngồi dưới chiếu mà ngồi bàn ghế.
Đến giờ qui định, ông mai đàng trai đứng dậy dẫn chú rể tiến về hướng phòng the của cô dâu. Phòng của cô dâu là một gian ở phía trong của căn nhà, kiến trúc theo lối cổ truyền gọi là “thang yơ” (nhà tục). Ông mai của cô dâu từ phòng the đi ra đón nhận chàng rể do ông mai nhà trai dẫn vào. Trong phòng the được kê một tấm phản hoặc trải chiếu dưới nền đã được yểm bùa chú, cô dâu đã được trang điểm ngồi sẵn ở đó, chú rể ngồi đối diện với cô dâu. Ông mai nhà trai đứng ở phía Đông, ông mai nhà gái đứng ở phía Tây, cùng cầm chiếc chiếu đập xuống ba lần, khấn vái các thần linh rồi trải xuống tấm phản của cặp tân hôn, đầu chiếu quay về hướng Bắc, đuôi quay về hướng Nam, kế đó hai ông mai cầm hai chiếc gối để sẵn ở đó đẩy sát vào nhau và ra hiệu cho cô dâu chú rể ngồi vào cạnh ông mai của mình.
Trong lúc đó người nhà mang vào một mâm lễ tơ hồng, có trầu cau, bánh trái và rượu để giữa hai người. Thầy cả được mời đến để làm lễ, ông thắp nến để làm lễ bổn mạng cho hai người, rồi rót rượu khấn vái các vị thần yamư, pô i nư gar, pô pan cùng ông bà tổ tiên chứng giám cho hôn lễ này và trịnh trọng lấy một lá trầu to, đẹp từ trong hộp đựng trầu cau, xẻ đôi đưa cho cô dâu một nữa, cô dâu lại xẻ đôi miếng trầu ra làm hai phần đưa cho chú rể một phần. Cô dâu lấy ít vôi bôi vào trầu cau của chú rể và của mình rồi hai người cùng ăn những miếng trầu cay nồng ấy trong niềm hạnh phúc.
Ông mai rót rượu khấn vái một hồi rồi đưa ly rượu cho chú rể và cô dâu cùng uống, đoạn lấy nhẫn để cho hai người đeo nhẫn cho nhau, nhẫn cưới này có chạm vẩy cá ở giữa mặt nhẩn có hình con mắt mà người Chăm gọi là “kara mưta”. Sau đó chú rể cởi áo ngoài đưa cho cô dâu như trao thân gởi phận cho cô gái từ đây. Sau khi tiến hành lễ nghi xong, cô dâu phải ở lại trong phòng, chú rể chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà gái và ra ngoài tiếp đãi đàng trai, mời ông mai và mọi người chung vui tiệc cưới.
Về thức ăn trong lễ cưới, cũng tuỳ theo điều kiện mà tiếp đãi họ hàng và bạn bè. Các món ăn thường là gà, vịt, cá, món súp, bún. Đặc biệt là món cá là không thể thiếu được. Về đồ uống chỉ có rượu, nay có cả bia và đám cưới ở người Chăm hiện nay ít dùng cơm mà dùng bánh mì, bún để ăn với món cà ri, thịt gà xào với rau v.v... Trong lúc dự tiệc, họ hàng thân thuộc đều chúc mừng cô dâu chú rể “trăm năm hạnh phúc”. Từ đó chú rể được chính thức coi là người bên nhà gái, nên phải lo đãi họ hàng và lo dọn dẹp thay cho cô dâu. Theo tục lệ, cô dâu lúc này còn cấm phòng, không được đi ra ngoài. Sau lễ này cô dâu mới xuất hiện, họ đến chào ông mai nhà trai cùng với họ hàng thân tộc đàng trai, cùng vui tiệc cưới. Chú rể phải quì dâng rượu mời hai ông mai và cầm khay rượu đi mời tất cả mọi người.
Đám cưới người Chăm Bà La Môn ngày nay có khá hơn so với tục cưới cổ ngày xưa là không tổ chức kéo dài 2 đến 3 ngày để tiếp đãi họ hàng, làng xóm, mà đơn giản hơn, chỉ tổ chức trong một ngày, thường buổi sáng là nhà trai tổ chức, chiều đưa chú rể qua nhà gái tổ chức lễ cưới, sau đó thết đãi họ hàng và bạn bè đàng trai. Ngoài ra nếu có điều kiện họ còn tổ chức vui chơi văn nghệ và cũng là dịp các chàng trai, các cô thiếu nữ hai họ tiếp xúc với nhau tìm hiểu nhau. Qua dịp cưới này cũng có cặp nên vợ nên chồng.
Đám cưới theo tập tục xưa đúng ra cô dâu không được ra tiếp đãi khách và họ hàng mà chỉ một mình chú rể lo, ngày nay tục lệ đó không còn nữa. Sau khi làm lễ xong trong phòng cô dâu, cả hai người đều ra ngoài cho ông mai giới thiệu với bà con hai họ. Sau đó hai ông mai cùng với cha mẹ, đại diện cho họ hàng nhắn nhủ chúc tụng đôi vợ chồng mới. Họ khuyên hai vợ chồng trẻ phải sống hoà thuận với nhau, về cách cư xử, bổn phận người vợ, người chồng v.v... Cuối cùng nhà trai cũng trao quyền quản lý chú rể cho nhà gái.
Lễ cưới người Chăm Bà La Môn, dù trong một tôn giáo, nhưng giữa các khu vực Phan Rí và Phan Rang có những nét khác nhau.
Một số “paley” (làng) ở Phan Rí thuộc tỉnh Bình Thuận, trong lễ cưới cấm sát sinh và cấm không được ăn thịt, mà chỉ được ăn cá, cá duy nhất là cá “kan pàu” (cá đuối). Chúc tụng cô dâu, chú rể, tặng quà hoặc tiền đều phải vào phòng the, sau đó được cô dâu chú rể mời rượu.
Ngoài ra ở vùng Phan Rí (ở một vài làng ở Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận) có tục lệ người con trai đi hỏi vợ. Theo một số chức sắc tôn giáo và nhà trí thức thì: Nguyên nhân của sự khác nhau đó được giải thích trong truyện kể dân gian là, xưa kia ở vùng Phan Rí, con ông huyện “phủ” có thai với con ông cùng đinh mà người Chăm theo chế độ mẫu hệ, người con gái đi hỏi, đi cưới con trai về làm chồng. Nhưng địa vị xã hội không cho phép đi lại xuống tầng lớp dưới (ôn clum - hạng người cùng đinh) để hỏi chồng cho con mình nên để con trai nhà cùng đinh đi hỏi vợ có vẻ ổn hơn. Sau này do quan niệm bảo thủ của cộng đồng người Chăm nên điều đó biến thành tục lệ đã thâm nhập vào mỗi tín đồ đạo Bà La Môn ở một số xóm ở Phan Rí, và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên mặc dù trai đi hỏi vợ nhưng đám cưới vẫn tiến hành nhà gái và chàng rể vẫn cư trú bên nhà vợ như các trường hợp hôn nhân trong xã hội Chăm.

Lễ Talơh akhar ao (Lễ xã y hay lễ trình diện tông môn)
Sau lễ cưới được 3 ngày, cha mẹ cô dâu sửa soạn lễ gồm bánh sacad (là truyền thống của người Chăm làm bằng trứng với nước dừa), pinung (bánh tét), chuối, và một số ly rượu được đựng trong một cái ciết, trầu cau rồi cô dâu và cha mẹ cùng với bà con thân tộc gần gũi nhất như cậu, bác v.v... đến nhà trai làm lễ. Thường lễ này tổ chức vào buổi sáng. Mục đích của lễ là từ biệt cha mẹ đàng trai.
Khi cô dâu, cha mẹ cùng với họ hàng thân thuộc bên gái đến nhà đàng trai, cha mẹ và vài người thân trong họ hàng nhà trai ra đón tiếp rất trịnh trọng và ân cần. Đây là giai đoạn kết thúc lễ cưới cũng là dịp để hai bên có dịp trao đổi và gửi gắm chú rể. Sự ra đi của chú rể là một vinh dự và cũng là sự thiệt thòi của gia đình đàng trai vì mất đi một người lao động. Cho nên để bù lại, nhà gái trân trọng đối với đàng trai và làm món ăn ngon là món truyền thống để dâng lên cha mẹ và những người thân tộc đàng trai.
Qua vài câu chuyện ví von để cô dâu và chú rể thông cảm cho nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, cha mẹ chú rể cùng gửi gắm con mình ở cha mẹ cô dâu. Sau những lời dặn dò của cha mẹ đàng trai, hai bên đàng trai và đàng gái uống nước. Trong lễ này, đàng trai thường tổ chức một bữa cơm thân thiện thết đãi đàng gái. Sau khi cơm nước xong cha mẹ và những người thân tộc trong gia đình đàng trai trao cho chú rể và cô dâu những tặng phẩm như vải lụa, đồ trang sức bằng vàng, tiền bạc... Đặc biệt đối với những gia đình đàng trai khá giả hoặc giàu có thì cho chàng trai một vài con trâu hay con bò để mang về làm của hồi môn.
Việc có của hồi môn hay không cũng có vai trò quan trọng đối với chú rể, giúp cho chú rể có điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình.
Theo phong tục Chăm, sau khi đã làm xong các nghi lễ cưới hỏi, đôi vợ chồng trẻ được hoàn toàn hợp pháp hoá đối với xã hội Chăm. Sau này chấp hành luật hôn nhân và gia đình và hình thức giá thú của nhà nước nên mới thêm một bước thủ tục là đăng ký kết hôn và khai báo với chính quyền địa phương để làm giá thú nhằm hợp thức hoá cuộc sống vợ chồng về mặt pháp luật.
Người Chăm Bà La Môn thết đãi họ hàng đàng trai khác với người Chăm hồi giáo là qui định số lượng người, cặp nam, cặp nữ và bạn bè. Đối với người Chăm Hồi giáo Bà Ni việc thết đãi không qui định số lượng, cặp nam nữ. Tất cả họ hàng đàng trai đều được quyền dự lễ cưới không phân biệt lớn nhỏ.
Theo tập tục, khi lễ cưới kết thúc họ hàng ra về, chú rể mới được vào phòng cô dâu, mỗi người nằm một bên phản; mâm lễ tơ hồng với những ngọn sáp bổn mạng vẫn để ở giữa, không xê dịch đi. Họ chỉ được nói chuyện chứ không được gần nhau vì chiếu đã được yểm bùa, làm trái sẽ mang tội lớn.

Các loại trang phục Chăm


Người Chăm là một dân tộc sớm hình thànhnước và chịu ảnh hưởng nhiều loại hình tôn giáo, văn hoá khác nhau. Ngoài tôn giáo Bàlamôn. Hồi giáo người Chăm còn theo tín ngưỡng dân gian xã hội Chăm còn có nhiều giai cấp: vua chúa, quý tộc, bình dân. Do đó, mỗi giai cấp, tầng lớp; mỗi chức sắc tu sĩ tôn giáo người đều có mỗi trang phục riêng.
Trang phục vua chúa Chăm:
Trang phục vua chúa Chăm ngày xưa rất phong phú và đa dạng. Thế nhưng cho đến nay do biến động của lịch sử vua chúa Chăm đã mất đi, kéo theo sự biến mất về trang phục của họ. Cho đến nay, do chất liệu vải bị huỷ hoại theo thời gian, trang phục vua chúa Chăm không còn tìm ra được hiện vật nào còn nguyên vẹn. Hiện nay chúng ta chỉ tìm thấy trang phục Chăm thông qua tư liệu cổ, bia kí và những tượng thờ, phù điêu trên các đền tháp Chăm.
Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trang phục vua chúa Chăm được mô tả như sau: “Y phục vua Chúa Chăm gồm có áo bào bằng lụa, có hoa bằng vàng, trên nền đen hay xanh lá cây.Áo lót bằng vải trắng, nhỏ sợi mịn màng, đôi khi có thêu dệt hay viền tua bằng vàng; vua chỉ có mặc một áo này không có áo ngoài gì khác trong những buổi chầu, không phải đại lễ (Tân Đường Thư). Ở ngang lưng đeo bên ngoài lễ phục một cái đai vàng nạm ngọc và trang trí những vòng hoa (Nam Tề Thư, LVIII, 66a). Vua đi dép da đỏ (Tống Thư, CCCXXXIX), còn giầy và ủng thì thêu và nạm ngọc (Chư Phiên Chí), cổ, ngón tay, ngực vua thì mang rất nhiều đồ trang sức...”
Ngay từ thời nhà Đường, Thông điển cho chép đàn ông đàn bà Chiêm Thành đều quấn ngang một mảnh vải cổ bối. Đường thư cũng có nói đến “vua choàng một tấm vải trắng mịn”. Ngoài ra, các loại trang phục của vua (và kể cả quí tộc cung đình Chăm) như cái sampot hiện còn trong kho... được dệt chen vào đó các hoa chi tiết bằng lụa trắng và đen có điểm chỉ vàng trên nền chỉ đỏ thành những hình Gảuda trong các dáng điệu nhảy múa hay cầu nguyện, và những con vật kỳ dị khác đã làm tăng vẻ đẹp mượt mà, đa sắc của vải lụa Chăm.
Theo nhiều nguồn tư liệu cổ khác còn nhận xét: “Trang phục Chăm xưa và ngày nay, không khác trang phục của người Mãlai ”, nó là mảnh vải gọi là “Kama”(trích Lương thư, LIV, 54a) quấn quanh người từ phải sang trái và che từ ngang lưng đến chân. Ngoài miếng vải đó ra, cả đàn ông đàn bà không mặc gì thêm nữa, trừ mùa đông họ mặc áo dài (Tuỳ thư,LXXXII, 37a). Người thường dân thì đi chân đất (Cưu đường thư, CXCVII, 32a); và mặc theo một tác giả nói chỉ có vua chúa mới đi giầy (Durand, truyện Galathee, Befeo, v ,336), hình như những người quyền quí cũng đi giầy da thuộc (Lương thư, LIV,54, a). Họ bối tóc (Cựu đường thư,LIV,54a), đàn bà thì bối thành hình cái búa (Văn hiến thông khảo) và xâu lỗ tai để đeo những vòng nhỏ bằng kim loại (Lương thư, LIV,54a). Cũng như người Mãlai, họ rất sạch sẽ; mỗi ngày họ tắm nhiều lần, xoa mình bằng thứ dầu cao làm bằng lông não và xạ hương. Họ cũng dùng gỗ thơm để ướp quần áo (Tân đường thư, CXVII,32a).
Ngoài thư tịch cổ, trên bia kí còn miêu tả trang phục vua Chăm như sau: Vua Chăm Vikrantarman HI điểm trong những miếng vàng đeo lũng lẳng, có những chuỗi hạt ngọc xanh và ngọc trai lóng lánh như ánh trăng hôm rằm, vua được che bằng cái lộng trắng nó trùm lên vòng tròn cả bốn phương trời, Vua đeo vương miệng, đai vòng cổ, hoa tai bằng chuỗi hòn ngọc,bằngvàng, toả ra hào quang giống như những dây leo (Tống Sử, CCCIXXIX,22a).
Trên bia kí lai trung ở Huế, nội dung có phần mô tả về cách ăn mặc của Vua Champa Indravarman III (918) là áo Vua có thêu dính nhiều vàng bạc. Bia kí Pô Nưgar cũng đề cập đến Vua Chăm Wikratavarman III (854) mặc áo đen và xanh, có đính hoa văn và chỉ làm bằng vàng. Áo khác cũng làm bằng vải thô thêu chỉ bằng vàng rất đẹp.
Ngoài bia kí nói trên các nhà khoa học còn tìm thấy nhưng trang phục của người Chăm trên các phù điêu, trên các tượng thờ ở các đền tháp như các tượng thần Siva. Vũ nữ Chăm Apxara với những dãi áo mỏng được trang trí bằng những nét hoa văn thật đẹp mắt, tinh vi. Đi xa hơn nữa là các nhà khoa học còn tìm thấy các loại quần áo được trang bị cho binh lính Chămpa, chẳng hạn như bức phù điêu chạm khắc trên tường tháp Angkor wat, mô tả cảnh chiến đấu đội quân Chămpa tiến vào đánh Angkor vào thế kỷ XIII. Bức phù điêu này cho thấy binh lính Chămpa mặc quần áo ngắn có đeo dải Bàlamôn; mặc áo ngắn cụt tay có dệt hoa văn, đầu đội mũ.
Bên cạnh trang phục, người Chăm còn có nhiều loại đồ trang sức quí giá. Vì là nghề luyện Kim sớm phát triển cho nên, họ đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức đa dạng và độc đáo. Sử Trung Quốc còn chép lại, khi vào Chămpa tướng nhà Lương – Đàn Hoa Chi đã cướp được tượng vàng Chămpa “Nấu chảy tượng vàng ra mấy ngàn cân”. Tư liệu trong cuốn Tuỳ thư còn cho biết: Tướng Lưu Phương “cướp được 18 tượng thần đúc bằng vàng của Champa”. Do nghề luyện kim phát triển sớm cho nên người Chăm đã chế tạo ra nhiều hàng thủ công, đặc biệt là đồ trang sức khá tinh xảo. Sản phẩm thủ công đó là những đồ trang sức, vật dụng bằng vàng, bạc, đồng được họ sử dụng để dâng cúng cho thần thánh, phục vụ vua chúa, giai cấp quí tộc... trong đời sống hằng ngày. Những cổ vật Chămpa đáng chú ý được biết đến là các loại vương miện, khuyên tai hai đầu thú, hình vành khăn, bông tai, hạt chuỗi bằng đá, thuỷ tinh, vàng, bạc được tìm thấy ở các di chỉ Sa Huỳnh và các nhóm di tích khác ở dọc dải đất miểnTrung Việt Nam. Chẳng hạn như: Đồ trang sức hình cảnh hoa cở lớn (Đồng Dương- Thăng Bình – Quảng Nam- Đà Nẳng) là một loại vương miện đẹp ở đầu thế kỷ XII – XIII sau công nguyên. Ngoài ra còn có các loại bình bát, vòng tay bằng vàng, bạc... có niên đại ở thế kỷ XVII trở về sau đều là những cổ vật quí giá được trang trí, chạm khắc nhiều dáng vẻ tinh xảo và đẹp mắt, góp phần làm phong phú nền trang phục của người Chăm.
Như vậy, từ các nguồn tư liệu trên, tuy còn ít ỏi nhưng cũng giúp chúng ta hình dung được cách ăn mặc của các vua chúa, các vũ nữ, các tầng lớp trong xã hội Chăm ngày xưa. Với trình độ phát triển kinh tế xã hội thời đó, cách ăn mặc của người Chăm đã định hình và phát triển cao mang đặc trưng văn hoá và văn minh của riêng mình. Sau này với sự biến đổi của lịch sử, tuỳ theo mỗi thời đại của trang phục Chăm về sau có nhiều biến đổi và cho đến nay trên nền tảng đó, người Chăm vẫn còn lưu giữ được trang phục truyền thống của mình.
Trong bất cứ dân tộc nào, thời đại nào người phụ nữ là người lưu giữ một cách bền vững bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Áo truyền thống của phụ nữ Chăm ngày nay là biểu hiện sắc thái riêng ấy của dân tộc Chăm mà người ta dễ dàng nhận biết, không lẫn lộn được với bất cứ dân tộc nào khác.

Áo (aw):
Áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài bít tà, mặc chui đầu mà họ gọi là “Aw loah” (áo có 3 lỗ). Áo có một lỗ chui đầu và hai ống tay. Áo này xưa kia được cấu tạo bằng 7 mảnh vải may ghép với nhau, người Chăm gọi là “aw kauk kaung”. Nhóm áo này ở phần trên thân áo chạy dài từ vai xuống ngang bụng thì dừng lại. Vì khổ vải của khung dệt ngày xưa không cho phép vải rộng quá 1m; phần thứ hai từ ngang bụng đến quá đầu gối hoặc đến gót chân phần này cũng được may ghép hai phần, ở mặt trước và mặt sau: hai cánh tay được nối lại với hai phần vai và nách áo; và cuối cùng hai mảnh nhỏ đắp vào hai bên hông, người Chăm gọi bộ phận này là “dwa boong”. Cổ áo thường khoét lỗ hình tròn hoặc hình trái tim. Nhìn chung từng chiếc áo dài truyền thống Chăm ngày xưa chỉ là những tấm vải ghép lại mà người may quay tròn thành hình ống để bó thân người mặc. Áo có nhiều màu khác nhau như màu đỏ, vàng, đen, trắng... Nhưng mỗi cái áo đều luôn có hai màu (đen-đỏ-xanh-trắng hoặc tím ,vàng). Áo chỉ là những tấm vải thô, trơn không có trang trí hoa văn. Nhưng thay vào đó thì các phụ nữ trẻ khi mặc áo dài truyền thống đi hội họ thường choàng loại dây thắt lưng có thêu hoa văn trước ngực và buột xung quanh lưng gọi là “Taley kabak”.
Ngày nay áo dài truyền thống Chăm đã cải tiến. Do kỷ thuật dệt đã mở rộng được khổ vải cho nên áo dài Chăm không còn là những mảnh vải nối ghép (kauk kuang) nữa mà áo dài Chăm được may bằng 4 mảnh vải cùng màu nối nhau. Những phụ nữ Chăm trẻ thường mặc áo dài đến quá đầu gối phủ lên váy mặc, may hơi bó tay, thân hơi phình rộng, ở hai bên hông áo “dwa boong” họ cải tiến bằng cách mở một đường ngay eo hông, có may thêm hàng khuy bấm hoặc nút dính gọi là “aw eo”.
Ngày xưa phụ nữ Chăm, ngoài mặc áo dài thì bên trong còn có áo lót gọi là áo klăm, giống như yếm của người Kinh, gồm có mảnh vải nhỏ che ngực, và dãi vải nhỏ buột qua vai và lưng. Ngày nay áo này không được mặc phổ biến mà thay vào đó là “áo nhỏ” giống như áo lót bên trong của người Kinh.
Váy, Khăn (Aban, khan):
Váy người Chăm có hai loại: váy kín và váy mở (aban) là loại váy quấn bằng tấm vải, hai mép vải không may dính vào nhau, khi mặc cặp váy được xếp vào và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Còn váy kín (khan) thì hai mép đầu vải được may dính vào nhau hình ống. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc váy mở (aban) còn váy kín dành cho phụ nữ trẻ tuổi. Chỉ có váy mở (aban) có nhiều hoa văn trang trí và có may cạp váy, còn váy kín thì không có hoa văn trang trí.
Váy (aban) Chăm là loại sarong, đây là sản phẩm được mặc phổ biến phụ nữ của Chăm. Váy có kích thước (160cm x 90cm). Váy của người Chăm được trang trí nhiều loại hoa văn và màu sắc khác nhau. Váy Chăm có nhiều màu đen, đỏ, xanh... nhưng chủ yếu là nền đen, dệt nhiều hoa văn. Váy Chăm có nhiều loại, căn cứ vào kỷ thuật dệt, hoa văn trang trí mà họ có tên các loại váy khác nhau như sau:
- Váy dệt có đường viền (đường sọc đứng)
- Váy Chăm không có đường viền
- Váy có cạp (loại biyor)
Váy Chăm đa số được phủ kín hoa văn trên bề mặt. Hoa văn được kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau trên màu nền như đen, đỏ, xanh tạo nên nhiều kiểu dáng hoa văn phong phú như: hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn hình con thằn lằn (kachak), hoa văn 4 cánh (tuk riteh), hình ô vuông (bingu caor)... Váy Chăm thường may cạp ở rèm chân theo chiều ngang hoặc chiều dài của váy gọi là jih hoặc biyon. Đàn bà bình dân thường mặc váy có hình quả trám (bingu tamum), hoa văn hình dây leo (biyon hareh). Còn đàn bà quí tộc mặc váy có nhiều hoa văn mà phổ biến là hoa văn 4 cánh (bingu riteh) và vua chúa Chăm còn sử dụng việc dệt thêm những sợi chỉ bằng vàng, bạc vào váy của họ. Còn đàn bà lớn tuổi thì mặc váy có hoa văn hình hạt lúa nổ (bingu kamang). Loại váy này không phổ biến, người Chăm kiên cử khi dệt thì phải cúng cho vị tổ nghề Pô Nưgar một cặp gà.
Cùng với váy, phụ nữ Chăm còn mặc một loại “khan” (khăn mặc) có kích thước khoảng (142cm x 77cm). Khăn mặc đàn bà có nền màu trắng, đen, xanh, vàng... Hoa văn thường dệt phủ kín trên bề mặt như hoa văn quả trám, hoa cà dược, hoa văn mắc lưới, hoa văn caro (hình vuông). Tuy nhiên loại hoa văn này phụ nữ Chăm không mặc phổ biến bằng loại váy (aban) Chăm. Cũng như vậy, khăn mặc phụ nữ Chăm còn dùng để choàng, đắp ngủ trong mùa có thời tiết lạnh.
Khăn đội đầu (tanrak):

Khăn đội của phụ nữ Chăm thường dệt bằng vải thô màu trắng , xanh, đỏ,vàng... Khăn có kích thước (129cm x 32cm), có dệt loại hoa văn quả trám, cùng màu phủ kín lên mặt vải, khăn đội đầu của người Chăm hồi giáo Bà Ni thường màu trắng, có may thêm cạp vải hoa văn theo dọc đường biên của khăn gọi là “khăn mbram”. Còn phụ nữ Chăm Bàlamôn bình dân thường thích đội khăn màu trơn, không may cạp vải hoa văn. Ngoài ra phụ nữ Chăm còn có loại khăn choàng vai, và khăn cầm tay màu đỏ và hộp túi vải để đựng trầu cau.
Cách đội khăn của người Chăm là quấn lên đầu, vòng từ sau ra trước, một phần trùm xuống đỉnh đầu, rồi hai mép gặp lại, buông chùng xuống hai tai. Ngày nay việc đội khăn truyền thống chỉ còn lại ở phụ nữ lớn tuổi, còn giới trẻ thì đội nón, chỉ còn đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.

Trang phục nam giới:
Áo nam giới (aw likey):
Đây là loại áo ngắn (aw lah) truyền thống của người đàn ông Chăm. Áo được may bởi 6 mảnh vải với nhau: mặt thân sau có hai mảnh vải tách rời, rồi họ lại may dính vào nhau tạo thành một đường viền chạy dọc theo sóng lưng
(khổ vải khung dệt không cho phép khổ vải quá một mét nên họ phải dùng hai mảnh để may ghép lại): phía thân trước cũng gồm hai mảnh vải ghép lại; và hai bộ phận còn lại là hai vải ống tay may dính vào hai phần nách và phần vai. Áo ngắn chỉ mặt chùng xuống đến mông, xẻ hai bên hông khoảng 20cm. Áo ở phía trước có đường xẻ, đính khuy và hai bên vạt trước có hai cái túi. Cổ áo thường là cổ con, tròn đứng, ôm sát cổ. Áo thường có nhiều màu trắng: trắng, đỏ, xanh, vàng... nhưng không có trang trí hoa văn.

Áo nam giới Chăm còn có một loại áo khác gọi là “aw tah” (áo dài). Áo được dệt bằng vải thô màu trắng, được may ghép bằng nhiều mảnh vải. Áo tah không xẻ thân phía trước, không có hàng khuy mà chỉ xẻ một đường xiên trước ngực, dùng dây để buột thay nút. Áo mặt chui đầu (aw loah) và phủ dài đến đầu gối. Áo này hiện nay không được mặc phổ biến chỉ được mặc trong các nghi lễ.
Váy, khăn (aban, khan):
Theo truyền thống từ xa xưa, tất cả người Chăm đàn bà đàn ông đều mặc váy (sarông). Thông thường ngày nay thì người đàn ông mặc khăn. Khăn mặc của người đàn ông Chăm có nhiều loại. Khăn mặc của đàn ông bình dân được dệt bằng vải thô màu trắng; khăn mặc không có hoa văn trang trí. Còn đàn ông quí tộc là mặc khăn cũng màu trắng nhưng dệt bằng tơ, có hoa văn quả trám phủ kín bề mặt khăn. Cách mặc váy, khăn mặc của đàn ông cũng giống như cách mặc váy của phụ nữ Chăm.
Dây thắt lưng (taley ka-in)
Ngoài việc mặc váy đàn ông Chăm còn buột dây lưng: là loại dây thắt lưng có khổ vải rộng khoảng 10cm-25cm dài khoảng 180cm-250cm. Nó thường dùng cho người đàn ông và người đàn bà mặc váy, có ba loại:
- Loại thường: đây là loại dây thắt lưng trơn dệt bằng vải thô (cotton) màu trắng không có dệt hoa văn, loại dây thắt lưng này có khổ hẹp, thường dùng cho người đàn ông bình dân.
- Loại dây lưng dệt bằng tơ, có thêu nhiều hoa văn màu sắc sặc sỡ, có khổ rộng như loại hoa văn quả trám, hoa văn mắt gà, hoa văn hình neo thuyền... Những loại hoa văn này thường dùng cho giai cấp quí tộc.
- Loại dây thắt lưng có khổ rộng khoảng 10cm, được dệt hai mặt hoa văn nổi. Hoa văn thường bố trí thành một dải nhiều hình xen kẻ nhau với màu sắc sặc sỡ như hoa văn quả trám, hoa văn chân chó, hoa văn hình móc mỏ neo... Ngoài ra loại này còn có hoa văn hình rồng, hình người... Loại dây lưng này chỉ dùng cho vua chúa và chức sắc tôn giáo.
Cách buột dây thắt lưng của người Chăm là quấn một vòng qua lưng rồi buột gút lại,thả chùn hai đầu dây có tua ra phía trước.
Đồ đội đầu (tanrak):

Đồ đội đầu của đàn ông Chăm chủ yếu là khăn. Người đàn ông bình dân thì sử dụng khăn dệt trơn bằng vải thô trắng và đàn ông quí tộc thì đội khăn có dệt hoa văn hình quả trám cùng màu trắng phủ kín lên mặt vải. Ngoài khăn đội đầu người đàn ông Chăm còn có khăn vắt vai, túi nhỏ đeo vai và túi đựng thuốc hút.
Cách đội khăn của Chăm là quấn vòng lên đầu từ phía sau ra phía trước, rồi thả hai mép gập lại, buông chùn xuống ở gần hai tai. Đối với người đàn ông trẻ tuổi thì không đội khăn mà chỉ vắt khăn chéo qua vai. Cũng như phụ nữ Chăm, ngày nay việc đội khăn truyền thống chỉ có ở người đàn ông lớn tuổi, còn giới trẻ thì đội nón, chỉ còn đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.

Trang phục chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng Chăm:
Trang phục tu sĩ Bàlamôn Chăm:
Tu sĩ Chăm Bàlamôn gọi là paseh, họ chuyên phục vụ các lễ nghi cúng tế cho tín đồ Chăm theo Bàlamôn như các lễ nghi đền tháp, đám tang, lễ nhập kút... Hàng ngũ tu sĩ paseh có nhiều thứ bậc khác nhau như paseh đung akuak (tu sĩ mới tập sự), paseh lyah (cấp thứ hai), paseh luah (cấp thứ ba), pô bac (phó cả sư) và cuối cùng là pô Adhia (chức cả sư)- người giữ chức vụ cao nhất trong hàng ngũ paseh.
Tầng lớp paseh này có sắc phục riêng và mỗi cấp bậc của tu sĩ paseh đều thể hiện những chi tiết khác nhau trên bộ phận của trang phục. Pô Adhia (cả sư) mặc áo trắng, mặt váy, buột dây lưng và khăn đội đầu. Áo pô Adhia là loại vải màu trắng, mặc dài qua đầu gối, dệt bằng vải thô không có hoa văn, vải may thụng được ghép lại bởi 6 mảnh vải (hai mảnh vải thân trước, hai mảnh vải thân sau, hai mảnh vải ống tay): áo không xẻ tà, không mặc chui đầu mà khi mặc hai phần thân được xếp chồng lên nhau, rồi buột dây vải ở hông và gần phía ngực trái. Áo này người Chăm gọi là áo “Aw tikuak”.
Tu sĩ Adhia mặc áo váy hở màu trắng. Khăn mặc có may cạp váy là loại hoa văn hình rồng. Pô Adhia (cả sư) còn buộc dây thắt lưng dệt hoa văn hai mặt, như các loại hoa văn hình quả trám, hoa văn chân chó, hoa văn neo thuyền. Loại cạp váy dây lưng này để dành cho chức sắc pô Adhia, vua chúa tu sĩ cấp dưới và dân thường.
Pô Adhia đội đầu bằng khăn hai loại khăn: khăn “puah” và “khan mưham taibi”. Đây là loại khăn dài màu trắng có hai tua vải đỏ, có cạp vải, may viền ở hai đầu và dệt hoa văn. Đây là loại khăn chỉ dành riêng cho giới chức sắc và tu sĩ.
Cùng với áo, khăn đội đầu, váy, dây lưng, còn có đeo khăn đỏ, và bốn túi nhỏ hình âm vật trước ngực (tượng trưng cho âm) để đựng trầu cau, thuốc hút.
Cách mặc áo , váy buột lưng, quấn khăn của tu sĩ Bàlamôn cũng tương tự như cách mặc áo váy của người đàn ông bình dân đã trình bày trên.
Nói chung trang phục của pô Adhia (cả sư) là tiêu biểu cho tu sĩ đạo Bàlamôn. Các trang phục của tu sĩ cấp dưới Paseh cơ bản đều giống trang phục của Pô Adhia nhưng chỉ khác và phân biệt được với nhau ở chỗ là áo của Pô Adhia, ống tay được may hai lớp vải, còn tu sĩ bình thường chỉ được may một lớp vải. Pô Adhia thì mặc váy có cạp váy hình rồng, thắt dây lưng có hoa văn hai mặt nhiều hoa văn. Còn tu sĩ cấp bình thường, mặc váy trơn, không có cạp váy và thắt dây lưng có hoa văn thường như hoa văn quả trám, hoa văn con thằn lằn...
Trang phục tu sĩ chăm Hồi giáo- Bà Ni:
Tu sĩ Chăm Hồi giáo Bà Ni gọi là Pô Achar, họ chuyên phục vụ các lễ nghi cúng tế cho tín đồ theo đạo Hồi giáo – Bà Ni như các lễ nghi ở thánh đường, đám tang, lễ cưới... Cũng giống như tu sĩ Bà La Môn, hàng ngũ tu sĩ Achar có nhiều thứ bậc khác nhau như: cấp Achar-jăm ak (tu sĩ mới tập sự), khotip (cấp thứ hai), Imưm (phó cả sư) và cuối cùng là Pô Gru (cả sư) – người giữ chức vụ cao nhất trong hàng ngũ Achar.
ầng lớp Achar này có sắc phục riêng và mỗi cấp bậc của tu sĩ Achar đều thể hiện những chi tiết khác nhau trên bộ phận của trang phục. Pô gru Achar mặc áo dài phình rộng gọi là – Aw tah, được ghép lại bằng sáu miếng vải với nhau. Áo Pô Gru có xẻ ở trước thân áo, có may khuy cài trước ngực một đường ngắn khoảng 15cm, còn từ dưới ngực đến chân thì để hở. Áo Pô char có may ghép một mảnh vải màu trắng ở trước ngực và phần trên của thân sau một loại hoa văn bốn cánh hình cung nhọn, gợi nét hình vòm mái nhọn của thánh đường Hồi giáo.
Pô char cũng mặc váy, buột thắt lưng như cả sư Bà La Môn nhưng lại đội khăn loại khác. Pô Achar còn đeo một chùm khăn đỏ ở trước ngực (tượng trưng cho dương vật – yếu tố dương) và 4 túi nhỏ ở phía sau. Còn trang phục của các cấp bậc trong hàng ngũ tu sĩ Hồi giáo Bà Ni thì cơ bản giống nhau, chỉ có một số chi tiết khác nhau trên cạp váy, trên thắt lưng. Cách phân biệt các cấp bậc trong hàng ngũ tu sĩ Hồi giáo Bà Ni thì cơ bản giống nhau chỉ có một số chi tiết khác nhau trên cạp váy, trên dây lưng. Cách phân biệt các cấp bậc trong hàng ngũ tu sĩ Hồi giáo Bà Ni cũng tương tự như cách phân biệt trên trang phục của tu sĩ Bàlamôn.
Nói chung trang phục của tu sĩ Hồi giáo Bà Ni và tu sĩ Bàlamôn ngoài những nét cơ bản giống ở váy, khăn đội đầu, dây thắt lưng nó còn có một số chi tiết khác nhau mà dễ nhận thấy nhất là: trang phục tu sĩ Hồi giáo Bà Ni có may ghép hoa văn 4 cánh hình cung nhọn ở trước ngực, còn áo tu sĩ Bàlamôn không có hoa văn. Tu sĩ Pô Char Hồi giáo có đeo chùm khăn dài trước tượng trưng cho dương vật và tu sĩ Bàlamôn thì trước ngực có đeo cái túi nhỏ tượng trưng âm vật. Có thể nói trang phục của tu sĩ Hồi giáo Bà Ni là nữa phần của trang phục tu sĩ Chăm Bàlamôn và ngược lại. Và ngay trong bản thân trang phục của tu sĩ cũng có hai phần: Phần âm và phần dương. Trang phục của tu sĩ Hồi giáo Bà Ni là tượng trưng cho nữ , nhưng trước ngực lại có đeo chùm vải đỏ hình dương vật và đầu không để tóc tượng trưng cho nam. Còn ngược lại, trang phục tu sĩ Chăm Bàlamôn là tượng trưng cho nam, nhưng ở phía sau lại đeo túi hình âm vật và đầu búi tóc tượng trưng cho nữ. Điều này biểu hiện yếu tố lưỡng nghi trong trang phục Chăm là: trong âm có dương và trong dương có âm. Giữa Chăm Bàlamôn và Chăm Hồi giáo Bà Ni vừa là âm, vừa là dương, hội nhập chuyển hoá lẫn nhau. Vì vậy giữa Chăm Hồi giáo Bà Ni và Chăm Bàlamôn tuy hai nhưng vẫn là một.

Trang phục chức sắc tín ngưỡng Chăm:
Y phục Ong Kadhar (thầy kéo đàn Kanhi):
Thầy Kadhar là thhày kéo đàn kanhi (đàn dây giống như đàn nhị) hát những bài thánh ca để cúng lễ ở các đền tháp và lễ nghi tín ngưỡng khác của người Chăm như lễ cúng ruộng, lễ nhập kút... của người Chăm. Thầy kadhar có sắc phục tương tự như cả sư Chăm Bàlamôn. Thầy kadhar mặc áo dài trắng, mặc váy trắng viền hoa văn rồng, đầu đội khăn có tua đỏ, vai vắt khăn đỏ và đeo túi.
Trang phục On-Ka-In (thầy bóng)
Ong ka in là thầy cúng tín ngưỡng dân gian Chăm, thường múa phục vụ trong lễ cúng đầu năm Chăm... Trang phục ong ka in cũng tương tự như trang phục đàn ông bình dân Chăm là mặc áo “aw lah”, mặc khăn không có cạp váy và dây thắt lưng bằng vải trắng thô không có hoa văn, chỉ khác ở chỗ là ong ka in đội loại khăn có tua đỏ. Loại khăn đội giống chức sắc tu sĩ tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo.
Trang phục muk Pajau (bà bóng)
:
Muk pajau là thường đi đôi với ông Kadhar chuyên phục vụ lễ nghi tín ngưỡng Chăm. Muk pajau mặc loại “aw sah kamey” tương tự như áo Kadhar như áo Pajau chỉ mặc ngắn đến đầu gối. Áo được may bằng loại vải thô màu trắng có xẻ một đường dài tư dưới nách phải dọc xuống theo thân áo và một đường xẻ khác nằm xiên chồng lên phần thân áo trước ngực tiếp giáp với phần cổ áo, tạo cho cổ áo thành hình trái tim. Khi mặc áo, đường xẻ được kết dính lại với nhau bằng dây vải buột chặt dưới nách và hông. Mu pajau còn thường mặc áo dài phụ nữ Chăm trong nghi lễ nhưng áo đó phải là màu trắng, hoặc mặc váy trắng có cạp váy dệt hoa văn ở hai đầu váy gọi là “Biyor”, đầu đội khăn màu trắng có viền hoa văn gọi là khăn “khan puah” và hai bên tai có đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ gọi là “bruei”.
Trang phục On Mưduôn (thầy vỗ trống basanưng):
Ong Mưduôn thầy vỗ trống basanưng hát bài thánh ca và điều khiển lễ Rija (lễ múa) của người Chăm. Ong Mưduôn có sắc phục riêng. Mưduôn mặc áo dài màu trắng, cổ con, có xẻ vạy dọc từ dưới nách bên phải chạy đến phần chân người mặc. Từ nách áo bên phải lại xẻ một đường xiên ở ngực đến chính giữa cổ áo. Những đường xẻ này khi mặc áo vào được kết dính lại bằng hàng nút kết dính. Mưduôn mặc loại váy thường và buộc dây lưng như đàn ông Chăm bình dân. Khăn đội đầu là loại khăn trắng, có tua màu đỏ tương tự như khăn các tu sĩ Chăm và một loại nữa là khăn trắng tua trắng gọi là khăn “siep kabuak”.
Trang phục muk Rija (vũ sư):

Mu Rija là thường đi đôi với Ong Mưduôn chuyên phục vụ lễ múa người Chăm gọi là lễ Rija. Mu Rija mặc loại “aw tuak patih” được may bằng loại vải màu trắng tương tự như áo dài truyền thống của phụ nữ Chăm. Muk Rija mặc váy “ khan mbar jih”. Đây là loại váy màu đen, có cạp váy dệt hoa văn viền ở xung quanh bìa váy, đầu đội khăn màu trắng, không có hoa văn và hai bên có đeo hoa tai có đính tua màu đỏ.

Trang phục chức sắc tín ngưỡng Chăm, ngoài ông kadhar, On Mưduôn, thầy Ka in, Muk pajau, Muk Rija... thì còn có trang phục của thầy cúng (Gru tiap bhut, tiap kalơn) và trang phục của Muk buh (bà đơm cơm phục vụ lễ). Tuy nhiên trang của thầy cúng là giống như trang phục của đàn ông bình dân Chăm, nhưng chỉ khác là trang phục thầy cúng mặc màu trắng không được mặc áo màu. Tương tự như vậy trang phục của Muk buk cũng giống như Muk Payau bà bóng không khác nhau mấy, cũng là mặc áo Sah kamey hoặc áo dài Chăm màu trắng, mặc áo váy có cạp hoa văn Biyon, đội khăn tuak. Chỉ có Muk Buk đạo Hồi giáo Bà Ni thì trang phục giống như trang phục của phụ nữ bình dân Chăm nhưng chỉ được mặc một màu trắng và đội khăn “mbram” giống như phụ nữ Hồi giáo Bà Ni.

Các bộ phận khác của trang phục:
Trang sức:

Cùng với y phục, người Chăm kể cả đàn ông, đàn bà; giai cấp quí tộc, tầng lớp bình dân: Chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng đều sử dụng đồ trang sức. Ngày xưa, đàn bà, đàn ông Chăm đều để tóc dài búi tóc. Ngày nay, đàn ông Chăm chỉ có tu sĩ Bàlamôn và vị chức sắc tín ngưỡng dân gian thì để tóc dài còn đàn ông bình thường thì cắt tóc ngắn. Tu sĩ Hồi giáo Bà Ni thì không để tóc. Khi để tóc dài thì các cụ già thường hay búi tóc và dùng dây vải để cột tóc và đội khăn. Còn phụ nữ trẻ thường búi tóc và dùng trâm cài.
Người phụ nữ Chăm thường đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ hình nấm, hình tròn, hình vành khăn làm bằng vàng, đồng thau và có đính tua vải đỏ; cổ có đeo xâu chuỗi hột tròn hình bầu dục làm bằng vàng hoặc đồng thau, mặt nhẫn có đính hột đen được bao quanh bằng hoa 4 cánh. Người đàn ông Chăm thì dùng trang sức đơn giản hơn, họ chỉ đeo đơn giản chiếc nhẫn tròn, mặt nhẫn có đính hột đen và được bao quanh bằng hình hoa 8 cánh mà họ thường gọi là chiếc nhẫn Mưta. Chiếc nhẫn Mưta chính là biểu trưng là dấu hiệu để nhận biết đồng tộc Chăm. Vì vậy khi người Chăm chết đi, ngoài trừ y phục, họ còn mang theo chiếc nhẫn Mưta. Họ còn dùng chiếc nhẫn Mưta để thực hiện nghi lễ quan trọng trong đám tang để tiễn đưa linh hồn cho người chết về giới khác.
Đồ mang (guốc, dép):

Ngoài trang sức, người Chăm còn sử dụng guốc dép để mang. Theo tư liệu cổ ghi lại, ngay từ thời xa xưa vua chúa Chăm đã biết đi giầy, mang dép, bằng gỗ da. Cách đây không lâu, các cụ già Chăm vẫn thường mang guốc gỗ, da làm bằng vải hoặc da trâu để mang. Nhưng đó chỉ là một số, còn hầu hết người dân Chăm kể cả đàn ông, đàn bà đều đi chân đất. Ngày nay cũng giống như các dân tộc khác, người Chăm thường mang giầy dép công nghiệp.
Trang phục Chăm trong sinh hoạt lễ hội:
Những bộ trang phục vừa liệt kê, mô tả trên là những bộ trang phục cơ bản thường gặp trong đời sống bình thường và đời sống tôn giáo tín ngưỡng Chăm. Tuy nhiên, trang phục Chăm không phải lúc nào cũng thế mà tuỳ nơi, tuỳ lúc họ còn mặc những kiểu trang phục khác nhau nhưng không khác xa với nét trang phục truyền thống.
Trang phục lao động: trong điều kiện lao động trên ruộng nước, đất rẫy khô, người đàn ông, đàn bà Chăm vẫn mặc trang phục truyền thống của mình. Người đàn ông Chăm khi làm ruộng nước thì hay mặc quần ngắn hai ống tới đầu gối, không mặc váy. Họ không mặc trang phục màu trắng trong lao động mà chủ yếu là sử dụng vải màu, loại vải cũ trơn, không có thêu hoa văn.
-Trang phục trong tang lễ: Trong tang lễ, cũng như trang phục liệm cho người chết, người Chăm thường sử dụng màu trắng. Trang phục đem theo cho người chết thường được phân chia theo tuổi tác và giai cấp. Nếu người chết thuộc giai cấp quí tộc khi chết đi thì được làm đám tang “4 thầy paseh” thì quần áo được đem theo là 5 bộ hay 9 bộ. Nếu người chết thuộc tầng lớp bình dân thì chỉ được cử hành đám tang “2 thầy paseh” thì quần áo đem theo là 4 bộ. Mỗi bộ quần áo Chăm được qui định theo trang phục đàn ông và đàn bà. Một bộ trang phục đàn bà bao gồm: khăn đắp màu âm và khăn đắp màu dương: loại khăn khác mang màu âm và khăn đắp mang màu dương, khăn đội, áo dài Chăm, áo sah kamay; váy, khăn mặc có may cạp váy biyon: dây quấn người chết. Còn bộ trang phục cho đàn ông khi chết là áo sah likey: váy, chăn mặc là loại chăn “khan bar jih” hoặc “khan marang”; khăn đội đầu người chết đàn ông là khăn có may cạp vải đính tua đỏ hoặc loại khăn thường, dây thắt lưng và dây quấn người chết.
Trang phục trong ngày cưới: Trong ngày cưới kể cả cô dâu chú rể đều mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ. Nữ mặc áo dài, mặc váy đội khăn. Nam cũng vậy, mặc váy áo lah đàn ông, đội khăn che mặt. Áo váy cưới có dệt hoa văn đẹp. Áo cưới có nhiều màu khác nhau như trắng, xanh, đỏ, vàng... nhưng trong nghi lễ phải mặc áo trắng. Trong ngày cưới, cô dâu chú rể đeo nhiều đồ trang sức như nhẫn, vòng tay, xâu chuỗi.
Trang phục trong ngày hội: So như ngày cưới, trong ngày hội thì trang phục Chăm đa dạng và lộng lẫy hơn. Ngoài trang phục chức sắc, tu sĩ tín ngưỡng, tôn giáo với màu áo trắng khăn đỏ truyền thống không được thay đổi thì các chàng trai, cô gái Chăm lại mặc áo truyền thống với nhiều màu sặc sỡ, tinh nguyên (màu trắng, đỏ, xanh, vàng...) Trong ngày hội để tăng thêm nét đẹp cho bộ đồ truyền thống của mình, những thiếu nữ Chăm ngoài đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ, đeo nhiều còng tay, nhẫn vàng, họ còn choàng lên vai, vắt chéo qua ngang ngực và lưng một dãi băng ngang, trên đó có dệt hoa văn đẹp mắt góp phần tăng thêm vẻ đẹp độc đáo của áo dài Chăm. Ngày hội chính nơi hội tụ, là dịp để cho người Chăm phô ra tất cả những kiểu dáng và màu sắc của trang phục. Trang phục Chăm đến lượt mình cùng với nghệ thuật khác góp phần tô thêm cho ngày hội Chăm một sắc màu độc đáo, có bản sắc riêng.

Tóm lại: Ngày nay trang phục Chăm có nhiều biến đổi, trang phục truyền thống của vua chúa Chăm, giai cấp quí tộc đã biến mất, chỉ còn một số ít được sử dụng trong các lễ tục cúng tế nhưng nó đã lai căng nhiều kiểu trang phục của vua chúa phong kiến Trung Hoa và Việt Nam. Ngày nay trang phục truyền thống của người Chăm chỉ còn sử dụng ở các cụ già và các vị chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng. Trang phục giới trẻ người Chăm hiện nay đang hướng dần ảnh hưởng trang phục phương Tây. Thanh niên Chăm thường mặc quần tây, áo sơ mi: ngoài phần lớn phụ nữ Chăm còn giữ được trang phục truyền thống còn lại một số phụ nữ trẻ Chăm đã bắt đầu thay dần cái váy bằng cái quần tây, quần jean và áo sơ mi. Họ chỉ sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội.
Trang phục truyền thống Chăm đa dạng trong sắc thái biểu hiện. Nó đã trãi qua nhiều thời đại lịch sử khác nhau, cùng ảnh hưởng nhiều yếu tố văn hoá khác nhau. Cho đến nay, mặc dù có nhiều sự biến đổi, lai căng và có nhiều sự tác động, ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài nhưng trang phục Chăm vẫn còn lưu giữ một phong cách riêng, phong cách ấy đã góp phần quan trọng hình thành nên bản sắc văn hoá Chăm mà không lẫn lộn được với các dân tộc khác.
Đặc trưng của trang phục Chăm:
Trang phục Chăm rất phong phú đa dạng, mà ở đây không thể giới thiệu một cách đầy đủ. Tuy nhiên, qua một vài trang phục tiêu biểu của người Chăm đã trình bày trên cho thấy, trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng, hoa văn, màu sắc. Trang phục Chăm mang những đặc trưng như sau:
Trang phục Chăm chủ yếu là dùng chất liệu sẳn có trong thiên nhiên như bông, tơ tằm... dùng để dệt vải hầu như không dùng nguyên liệu từ da, lông của súc vật. Những nguyên liệu vừa sẳn có vừa nhẹ, mỏng mặc thoáng. Phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở miền Trung Việt Nam. Trong cách may cắt quần áo, thường là may áo xẻ ngực, không có cổ, váy áo may rộng, không bó sát người. Về loại hình y phục, các kiểu may, mặc của người Chăm cũng theo lối quấn, choàng là phổ biến hơn cả. Đó là cái váy mảnh, sà rông, tấm choàng, tấm trùm... thực chất đó là những mảnh vải có kích thước khác nhau, khi mặc có chung một cách là choàng, quấn quanh cơ thể, kể cả áo dài Chăm thực chất cũng là tấm vải may quay tròn thành hình ống bao quanh cơ thể con người. Kỷ thuật may mặc này không chỉ riêng có ở người Chăm mà nó còn phổ biến ở các cư dân ở vùng phía Nam Trường Sơn Tây Nguyên nước ta và mang cả đặc trưng chung của loại hình cư dân nông nghiệp làm nghề trồng trọt trong vùng nhiệt đới gió mùa Châu Á.
Đặc trưng trang phục truyền thống Chăm mà chúng ta dễ nhận thấy nhất là loại áo bít tà, kéo dài quá đầu gối, khoét cổ tròn, hình trái tim, được lắp ghép bằng nhiều mảnh vải mang nhiều màu sắc khác nhau. Do có đặc điểm như vậy nên người Chăm gọi áo dài truyền thống của họ là “Kuak kuang” (áo may ghép nhiều mảnh vải), hay “Aw dwa boong” (áo may ghép hai mảnh vải nhỏ ở eo hông) hoặc gọi là “Aw loah” (áo 3 lỗ mặc chui đầu). Loại áo này của người Chăm vừa có nét riêng, vừa có nét chung gần gũi với áo dài truyền thống của cư dân Nam Đảo như Êđê, Churu, Jarai, Raglai và các dân tộc người Mã Lai... mà các nhà nghiên cứu thường gọi chung kiểu áo này là áo “Phôncho”.
Đặc trưng của trang phục Chăm là không trang trí hoa văn trên nền vải áo. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu là được trang trí từng mảnh vải rồi may ghép vào các bộ phận của trang phục như loại cạp váy, dây thắt lưng. Loại này dùng để may dính vào cạp váy, vào khăn trùm đầu, khăn mặt, chỉ có váy phụ nữ Chăm, hoa văn được trang trí cả trên cạp váy và trên nền vải. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu là hoa văn quả trám, hột đậu ván, hạt lúa nổ, mắt gà, hoa văn neo thuyền, hoa văn mắc lưới, hoa văn nưgarit, Makala...
Trang phục Chăm có màu sắc phong phú. Trong trang trí người Chăm không pha trộn bất cứ màu nào khác với nhau nhưng họ có nghệ thuật phối màu riêng trên nền vải. Vì vậy màu thổ cẩm, cũng như màu trang phục Chăm, mặc dù sử dụng màu nguyên nhưng không chói chang như các màu áo dân tộc Tây Nguyên và một số dân tộc phía bắc nước ta, màu sắc Chăm vừa hài hoà, vừa sâu lắng.
Trang phục Chăm, chủ yếu là áo mặc thường ngày cũng như trong lễ hội họ thường mặc áo với gam màu nóng như màu đỏ, xanh, vàng... Còn trang phục của các chức sắc tôn giáo, thầy cúng, các cụ già thường là mặc áo trắng. Màu trắng còn tham gia vào trong tang lễ, kể cả trang phục người bị tang và đồ liệm cho người chết đều có mặc màu trắng. Nếu so sánh với màu khác tỉ lệ sử dụng trang phục màu trắng của người Chăm trong tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ hội hè, đám tang... có yếu tố trội hơn. Điều đó cho thấy người Chăm là dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-polinesien có nguồn gốc từ biển cả “màu trắng” nền trắng lại liên quan đến biển, trong chừng mực con người sống ở đấy phải đối phó, trong lao động hằng ngày, với nắng gắt trên cát, và khi cần thiết phải lẫn vào nền sáng của cát và sóng biển.
Màu sắc của trang phục Chăm, ngoài mục đích trang trí để diễn đạt cái đẹp của thiên nhiên, con người, thì màu sắc trên trang phục của người Chăm còn thể hiện tính phồn thực. Sự phồn thực ấy chính là hai mảng màu đối lập, trái ngược nhau giữa màu lạnh và màu nóng.
Trang phục Chăm không chỉ có nhu cầu để cho đẹp mà nó gắn liền với tín ngưỡng, những điều kiêng cữ và cấm kỵ. Ngoài việc cúng tổ vị tổ sư nghề dệt vải người Chăm còn có một số kiêng kỵ trong nghề dệt vải may mặc. Khi dệt “taley ssang”(dây buột liệm người chết), thì kiêng kỵ người đàn bà có kinh hoặc đang trong tuổi sinh đẻ không được dệt mà chỉ có thiếu nữ và phụ nữ lớn tuổi qua thời kỳ kinh nguyệt mới được dệt. Họ quan niệm chỉ có phụ nữ như vậy thì mới được tinh khiết, không ô uế, đem lại sự bình yên thanh thản cho người chết được siêu thoát nơi chốn thiên đường. Khi dệt các hoa văn phục vụ các chức sắc, tôn giáo như dalah bingun trun (hoa văn rồng cách điệu), talay ka in mankăm (dây lưng có dệt hoa văn nổi hai mặt) thì cũng kiêng cữ như trên. Riêng áo của các chức sắc kiêng kỵ không cho người thường chạm tay vào hoặc may cắt, chỉ có các chức sắc, tu sĩ và chính vợ ông ấy tự may cắt. Người Chăm có phong tục là thường may sẳn các loại quần áo chuẩn bị cho người chết để sẳn trong nhà. Loại trang phục này có nhiều kiêng cữ, không phải ngày nào cũng lấy ra được mà chỉ được lấy ra khỏi nhà vào ngày thứ bảy, hoặc trong gia đình có dịp cúng lễ. Nếu lấy ra tuỳ tiện không đúng ngày lành tháng tốt đó là dấu hiệu báo điềm xấu, trong gia đình sẽ có người chết hoặc của cải trong nhà sẽ ra đi.
Ngoài y phục, phải kể đến trang sức Chăm. Hầu hết các di chỉ nằm trên địa bàn cư trú người Chăm như văn hoá Sa Huỳnh đều tìm thấy nhiều đồ trang sức mà phổ biến là khuyên tai, xâu chuỗi, còng tay và nhẫn... Ngày nay một số đồ trang sức ấy đã biến mất, một số còn lại không khác xa mấy nhưng đơn giản hơn. Người Chăm ngày nay vẫn còn thích đeo khuyên tai có đính tua vải màu đỏ, cổ đeo xâu chuỗi, còng tay và ngón tay đeo nhẫn, đặc biệt là chiếc nhẫn Mưta đã trở thành biểu tượng mang đặc trưng riêng của cộng đồng, phản ánh linh hồn và bản sắc của dân tộc Chăm. Như vậy, trang sức người Chăm hiện nay tuy đơn giản nhưng cùng với y phục, đến lượt mình trang sức góp phần đáng kể trong việc hình thành trang phục Chăm phong phú đa dạng

Là dạng thức văn hoá vật chất, trang phục Chăm không chỉ là đáp ứng nhu cầu che thân, mặc đẹp và biểu hiện cảm xúc thẩm mỹ, mà trang phục Chăm còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội. Thông qua trang phục của người Chăm, có thể phân biệt tầng lớp xã hội, đẳng cấp của các chức sắc tôn giáo, phân biệt người giàu sang, kẻ nghèo hèn, đàn ông và đàn bà. Chẳng hạn, chức sắc tu sĩ mới được mặc váy, trùm khăn bằng loại hoa văn hình rồng và buộc dây lưng có dệt hoa văn hai mặt, còn tu sĩ bình thường chỉ mặc váy, khăn không dệt hoa văn. Đàn ông quí tộc thì mặc khăn, dây lưng, khăn trùm đầu có dệt hoa văn hình quả trám, chân chó, đeo nhẫn vàng... Còn đàn ông bình dân chỉ mặc váy bình thường, vắt khăn chéo không trang trí hoa văn, đeo nhẫn bằng đồng. Phụ nữ quí tộc mặc váy dệt hoa văn hình rồng cách điệu, váy của họ có dệt những sợi chỉ tơ và thêu những sợi chỉ bằng vàng. Còn phụ nữ bình thường thì mặc váy có hoa văn dây leo, đeo đồ trang sức bằng đồng... Các loại hoa văn và cách thức thể hiện hoa văn trên trang phục của người Chăm đều theo qui tắc nhất định, thể hiện đựợc thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội Chăm.
Không chỉ dừng lại ở đó, trang phục Chăm còn hàm chứa trong đó một số nội dung, giá trị phong phú. Nội dung ấy, ghi nhiều dấu ấn văn hoá trên nhiều bình diện khác nhau. Đó là dấu ấn của người Chăm-chủ nhân của nền văn hoá sinh sống ở dãy đất miền Trung có khí hậu nóng, ẩm, với địa hình môi sinh giữa núi, đồng bằng, biển cả. Qua trang phục, từ cách may mặc, cho đến hoa văn là một bộ phận cấu thành, mang tín hiệu đặc trưng của trang phục cho thấy, người Chăm sinh sống bằng nghề trồng lúa nước được biểu hiện bằng những hoa văn trên trang phục như hoa văn quả trám, hoa văn hạt lúa, hoa văn hình dích dắt, răng cưa tượng trưng cho núi, cho sông nước và nghề đi biển như trang phục màu trắng có hoa văn mỏ neo, hoa văn mắc lưới. Họ là cư dân nông nghiệp với tín ngưỡng đa thần, thờ thần mặt trời (hoa văn 8 cánh trên trang phục, chiếc nhẫn Mưta là hình mặt trời), thần núi, thần sông. Hoa văn trên trang phục còn in dấu ấn chủ nhân của nền văn hoá này theo tôn giáo Bàlamôn thờ những con vật linh như các loại chim thần Garuđa, Makala có nguồn gốc Ấn Độ. Chủ nhân của nền văn hoá này không những đã sớm bước vào một xã hội phân chia giai cấp (qua các trang phục của các tầng lớp bình dân, quí tộc, vua chúa) mà đã sớm hình thành một đất nước.
Nói chung trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng và đa dạng về sắc thái biểu hiện. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của con người (ăn, mặc,ở...), thể hiện được thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội Chăm mà nó còn in dấu ấn văn hoá, phản ánh đầy đủ về sắc thái, diện mạo một nền văn hoá Chăm. Trang phục Chăm chính là kho tàng tư liệu phong phú, kho tàng ấy không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất đơn thuần mà nó còn mang một giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật... của người Chăm-một dân tộc đã có một thời phát triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á.

Thành Hoàng đế - Dấu tích một vương triều

Nằm trên đất An Nhơn (Bình Ðịnh) thành Hoàng đế là một tòa thành cổ, nơi từng đặt đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, và trở thành kinh đô của vương triều Thái Ðức của Hoàng đế Nguyễn Nhạc trong 16 năm trời.
Cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn đã ghi một dấu mốc sâu đậm trong lịch sử dân tộc, hình thành một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng lẫy lừng, với bao chiến công dẹp giặc ngoại xâm hiển hách và những kế sách, chiến lược dựng xây đất nước đầy tính đột phá, táo bạo.
Chính từ đây, năm 1785 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã vượt biển vào Gia Ðịnh đánh tan năm vạn quân Xiêm, lập nên chiến thắng lẫy lừng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Ðến giữa năm 1786, quân Tây Sơn với danh nghĩa "Phò Lê, diệt Trịnh" cũng xuất phát từ đây tiến ra bắc đánh đổ chính quyền của Chúa Trịnh. Sau khi Nguyễn Nhạc mất, năm 1793, thành Hoàng đế được đổi tên thành Quy Nhơn. Năm 1799, nhà Nguyễn tiến đánh Quy Nhơn, đổi tên là Bình Ðịnh. Thành trở về với nhà Tây Sơn năm 1801. Khi nhà Tây Sơn tan vỡ, thành Bình Ðịnh trở thành lỵ sở của quan trấn thủ địa phương, rồi bị phá dỡ để xây thành mới ở địa điểm khác. Dấu thành cũ, trải thêm mưa nắng, gió sương suốt mấy trăm năm, vì thế, phần nhiều là phế tích.
Tuy không còn sừng sững, nguy nga để người đời sau chiêm ngưỡng, có thể hình dung phần nào về tầm vóc, dáng vẻ của tòa thành cổ qua nhiều sử liệu được ghi chép lại khá chi tiết, cụ thể.
Vùng đất nơi thành Hoàng đế đứng chân vốn là kinh thành Ðồ Bàn của vương quốc Chăm-pa, được khởi dựng từ thế kỷ thứ 10, trên một dãy đồi gò, có núi sông quanh co, trùng điệp bao quanh tạo nên địa thế hiểm yếu, thuận lợi cho việc chống trả ngoại xâm.
Nhờ vị trí đắc địa của Ðồ Bàn mà vương quốc Chăm-pa đã vững vàng vượt bao sóng gió, ngăn chặn ngoại bang xâm lấn, phát triển rực rỡ. Có rất nhiều sử liệu ghi chép về tòa thành cổ này trong giai đoạn từ thế kỷ 10-15, tuy có nhiều điểm chưa nhất quán, nhưng nhìn chung đều ghi nhận tòa thành có hình vuông, chu vi hơn 10 dặm, có bốn cửa, được xây bằng gạch đắp đất. Sau khi vương quốc Chăm-pa tan rã, thành Ðồ Bàn mất vai trò, dần trở nên đìu hiu, hoang phế suốt hơn 300 năm.
Ðến đời Tây Sơn, nhận thấy vị trí hiểm yếu của thành Ðồ Bàn, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại làm nơi đặt đại bản doanh của quân khởi nghĩa và sau này trở thành kinh đô của vương triều mới. Quy mô, hình thức của tòa thành mới chỉ có thể hình dung dựa trên những dấu tích còn sót lại đến ngày nay và qua một số ghi chép của giai đoạn trước.
Theo Ghi chép về thành Chà Bàn của Tổng đốc Bình Phú quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối- triều Thành Thái (Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng đế - Nxb KHXH, 2004), có tả về thành Hoàng đế: "Thành sửa đắp mở rộng về phía đông, dáng thẳng đứng, chu vi 25 dặm (hơn thành Chà Bàn - tức Ðồ Bàn - 15 dặm), tôn cao tường thành, xây bằng đá ong, cao 1 trượng 4 thước, dày 2 trượng. Thành có năm cửa tầng (ngoài bốn cửa cũ, mở thêm cửa Tân Khai)...".
Có thể nhận thấy Nguyễn Nhạc chỉ chọn địa điểm và tận dụng một số nguyên vật liệu, nền móng cũ cùng một số trang trí mang dấu tích Chăm như voi đá, ngựa đá..., và đã cho mở rộng thành Hoàng đế hơn nhiều so với quy mô cũ của thành Ðồ Bàn.
Những phế tích còn lưu lại đến ngày nay, đối chiếu với các ghi chép cũ, đều là của thành Hoàng đế, song đã có sự chồng lấn của các kiến trúc thời Nguyễn. Ðặc biệt, trong khu vực được coi là Tử Cấm Thành, nhà Nguyễn đã cho xây một khu lăng mộ thờ hai viên quan nhà Nguyễn đã tử tiết để giữ thành khi bị quân Tây Sơn tấn công là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, được gọi là "Lăng Võ Tánh" hay "Ðền Song trung", "Ðền Chiêu trung".
Trong cuộc trả thù đẫm máu của nhà Gia Long, thành Hoàng đế cũng gần như bị san phẳng, bị phá dỡ lấy nguyên vật liệu chuyển về xây lại tòa thành mới trên đất của thị trấn Bình Ðịnh ngày nay.
Tuy chỉ còn là những phế tích, những kiến trúc còn lưu lại trên đất của thành Hoàng đế vẫn cho phép hình dung về một tổng thể gồm ba vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử Cấm Thành.
Khu vực thành ngoại và thành nội bị phá hủy khá nặng, chỉ còn dấu tích một số đoạn tường thành được kè đá ong và đắp đất, cao từ 3 đến 6 m, chân rộng từ 10-15 m, mặt tường thành rộng từ 4-5 m, cho thấy một quy mô thành ốc khá kiên cố và đồ sộ. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ còn có vậy, cùng với một số phù điêu bằng đá còn sót lại từ thời thành cũ Ðồ Bàn được tận dụng để trang trí trong thành Hoàng đế nằm rải rác như nghê đá, voi đá...
Ðể hiểu rõ về công trình kiến trúc đặc sắc này, các nhà khoa học trông chờ vào những bí ẩn còn đang được lưu giữ trong lòng đất. Chính vì vậy, liên tiếp trong hai năm 2004, 2005, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Ðịnh, kết hợp với Viện Khảo cổ đã tiến hành hai cuộc khai quật, tập trung vào khu vực trung tâm của thành Hoàng đế là Tử Cấm Thành. Do kinh phí tự trang trải của Sở còn hạn hẹp, nên cả hai cuộc khai quật đều ở mức quy mô nhỏ, mang tính chất thăm dò, bước đầu khẳng định những nghi vấn của các nhà khoa học về cấu trúc của khu vực hoàng cung.

Ở cuộc khai quật năm 2004, mở hai hố thăm dò, các nhà khoa học đã thu được hàng nghìn hiện vật là gạch ngói, sành sứ, vũ khí của cả thời Tây Sơn và Nguyễn và đã làm phát lộ dấu tích một kiến trúc mà theo phỏng đoán của các nhà khoa học là một thủy hồ hình trăng lưỡi liềm trong nội cung, và dấu móng của một công trình ở vào vị trí vốn được coi là nhà thờ tổ Nguyễn Nhạc.
Dựa trên những kết quả thu thập được, cuộc khai quật năm nay vừa được tiến hành vào tháng 6, mở ba điểm thăm dò: Một điểm tại vị trí đối xứng với thủy hồ đã phát lộ trong cuộc khai quật năm 2004, một điểm tại vị trí được dân gian cho rằng là dấu tích của một giếng nước cổ và điểm thứ ba tại chân khu lăng Võ Tánh, nơi theo tài liệu cổ cho là điện bát giác (nơi thiết triều và gặp gỡ quan lại) của nhà Tây Sơn.
Tại các vị trí này, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ thêm dấu vết của ba công trình kiến trúc mà dựa theo địa tầng thì có thể phán đoán là đều thuộc về thời Tây Sơn, cùng hàng nghìn hiện vật gốm, sành sứ, vũ khí...
Bước đầu, với việc xuất lộ thêm dấu tích thủy hồ thứ hai, có thể khẳng định về một trục đối xứng trong kiến trúc của khu vực trung tâm thành Hoàng đế. Riêng về nền móng phát lộ ở khu vực được coi là nền điện bát giác, ý kiến của các nhà khoa học vẫn chưa thật thống nhất, bởi đây là khu vực bị phá hủy khá nghiêm trọng, có sự chồng lấn, đan xen của kiến trúc nhiều thời kỳ, trong khi, quy mô khảo cổ, do kinh phí và hiện trạng khu di tích, lại chưa thể mở rộng để thu thập thêm tư liệu.
Trong những nghiên cứu liên quan đến thành Hoàng đế, các nhà khoa học đều hết sức thận trọng khi đưa ra các nhận định, bởi tính chất phức tạp do những tác động của thời đại lên khu di tích có vị trí hết sức đặc biệt này dễ gây ra những nhầm lẫn, ngộ nhận.
Thành Hoàng đế đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1982. Trong lòng đất thành cổ còn ôm chứa rất nhiều ẩn số về kiến trúc lịch sử độc đáo này.
Ðể có thể tìm hiểu và hình dung đầy đủ về tòa thành cổ, cần phải tiến hành những cuộc khai quật quy mô lớn hơn, quy tụ những nhà khoa học hàng đầu cùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Sau mỗi cuộc khai quật, cần tiến hành hội thảo khoa học để phân tích các kết quả thu thập được.
Trong khi các biện pháp khoa học triệt để chưa được tiến hành, cần giữ gìn nguyên trạng khu di tích, hạn chế tối đa những tác động của khí hậu và con người.Cả một triều đại, dường như, cũng chỉ "còn một chút này". Suy cổ, cập kim, những phế tích của thành Hoàng đế lừng lẫy một thời vẫn còn có thể nói được nhiều điều với mai sau.

Quá trình Đại Việt xâm lược Chiêm Thành

Theo Việt Nam Sử Lược, nước Chiêm Thành nằm ‘từ quận Nhật Nam vào cho đến Chân Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến đất Nam Việt bây giờ’. Đời Hán, người Trung Hoa gọi nước này là huyện Tượng Lâm. Cuối đời Hán, đổi thành nước Lâm Ấp. Lâm Ấp ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Họ là giống dân quật cường. Trong suốt một ngàn năm ta bị Tầu chia thành các quận để đô hộ thì Lâm Ấp cũng chịu chung số phận nhưng họ đã nhiều lần khởi nghĩa chống ách đô hộ Tầu. Chẳng những thế, theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, ngay từ Đông Hán (năm 102) trở đi, người Lâm Ấp cứ năm ba năm lại vào đánh phá, cướp của và giết dân Việt. Đến đời nhà Đường bên Tầu, nước Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương quốc và lại sang đánh phá phía Bắc, rồi chiếm giữ luôn châu Hoan, châu Ái (nhà Đường đổi nước ta thành 12 châu: Thanh Hóa là Ái châu; Nghệ An là Hoan Châu và Diễn Châu). Do đó, năm 808, nhà Đường đem quân chinh phạt Hoàn Vương quốc. Hoàn Vương phải chạy lui xuống phía Nam và lấy quốc hiệu là Chiêm Thành. Bởi vì nước ta bị Tầu đô hộ một ngàn năm cho nên trong suốt thời gian này hầu hết mọi việc đối phó với Chiêm quốc đều do lực lượng bảo hộ Tầu đảm trách.
Đến năm 938, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một ngàn năm bị Tầu đô hộ mở ra thời tự chủ cho nước ta. Một khi nước Việt giành được quyền tự chủ đã mau chóng trở thành một nước có văn hiến, có tổ chức chính quyền và quân đội vững mạnh. Nếu như nước Chiêm hiểu được tại sao giống Việt bị đô hộ chính trị một ngàn năm mà không hề bị đồng hóa thì phải mau chấm dứt tính hiếu chiến và theo đường lối chính trị ngoại giao khôn khéo thì hai nước Việt - Chiêm đã có thể vẫn cùng tồn tại. Trên thực tế nước Chiêm vẫn tiếp tục gây hấn, cho nên bắt buộc nước Việt sẽ thế chân nước Tầu tranh hùng với nước Chiêm và cuối cùng đã xóa tên Chiêm quốc trên bản đồ. Thật vậy, theo Việt Nam Sử Lược: ‘Vua Đại Hành phá được quân nhà Tống rồi, định sang đánh Chiêm Thành, vì lúc vua Đại Hành lên ngôi, có sai sứ sang Chiêm Thành, bị vua nước ấy bắt giam sứ lại. Đến khi việc phía Bắc đã yên, vua Đại Hành đem binh sang đánh báo thù (982)’ (trang 97). Song có lẽ mối hiềm thù dân tộc sâu xa nhất đối với dân tộc Việt là việc quân Chiêm, dưới quyền chỉ huy của vị vua anh dũng là Chế Bồng Nga, đã phục kích giết chết vua Dụ Tông của Đại Việt (1377), rồi sau đó 3 lần tàn phá kinh thành Thăng Long. Có thể nói lúc ấy, quân Chiêm ra vào nước ta như vào chỗ không người! May sao trong chiến dịch đánh ra Đại Việt năm 1389-1390, do bị chỉ điểm nên chiến thuyền của Chế Bồng Nga đã bị quân Đại Việt tập trung bắn phá và đã giết được ông. Từ đây bắt đầu thời tàn lụi của Chiêm quốc.
Sơ lược tiến trình thôn tính Chiêm Thành:
1. Năm 1069, vua Lí Thánh Tông đánh chiếm 3 châu Địa Lí, Ma Linh và Bố Chính (đất Quảng Bình, Quảng Trị). Sau đó Chiêm Thành chịu triều cống nhưng vẫn nhiều lần khởi binh đòi lại đất.
2. Năm 1301, vua Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân dâng 2 châu Ô, Lí làm sính lễ. Năm 1307, vua Anh Tông thu nhận 2 châu Ô, Lí và đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu (vùng đất Huế).

3. Năm 1402, Hồ Hán Thương đánh chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi)
4. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh, hạ kinh đô Chà Bàn, bắt vua Chiêm, lấy đất tới Thạch Bi Sơn (Tuy Hòa).
5. Năm 1653, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) tiến sâu vào Nam và lập thêm 2 phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh).
6. Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận. Tới năm 1697, lấy nốt Phan Rí, Phan Rang, đổi thành Yên Phúc và Hòa Đa. Từ nay, kể như nước Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ.
Điểm có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình Nam tiến thôn tính Chiêm Thành đó là: thời gian gần 4 thế kỉ đầu, kể từ thời nhà Lí tới nhà Hồ, tuy bờ cõi nước ta có mở rộng về phương Nam, nhưng chưa chú trọng việc di dân khai khẩn, mới chỉ đóng quân bảo hộ, thu thuế và bắt phải triều cống, còn hạ tầng nội trị vẫn để cho người bản xứ phụ trách.
Có lẽ âm mưu thực dân thôn tính đất đai đúng nghĩa chỉ được triệt để thi hành từ thời nhà Hồ. Hồ Quý Li lên ngôi năm 1400. Bắt chước nhà Trần, ngay cuối năm đó ông truyền ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên làm thái thượng hoàng, nhưng ông vẫn đóng vai tích cực trong việc trị nước. Triều nhà Hồ có những cải cách tiến bộ về nhiều phương diện. Riêng về công cuộc Nam tiến, vào năm 1402, sau khi chiếm được đất Chiêm Động, Cổ Lũy, nhà Hồ cho làm con đường thiên lí từ Tây đô Thanh Hóa vào tới Hoá Châu. Chia đất Chiêm Động, Cổ Lũy ra làm 4 châu, đặt các chức quan cai trị và di dân vào chiếm ngụ, thời bình thì cầy cấy làm ăn, khi hữu sự thì sung quân ngũ đánh giặc.
Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư thì chính sách mộ dân Việt vào khai khẩn Của nhà Hồ rất ưu đãi song cũng rất nghiêm khắc, buộc phải thích tên nơi đến ở vào tay, coi như không có thể trở về được nữa. Đối với nguời Chiêm (tầng lớp ưu tú trong xã hội), ai muốn đi thì cho đi, ai ở lại cho làm quan. Người Chiêm không có tên họ, Hồ Qúy Li ban họ Đinh cho những người chịu hàng phục (đến thời Lê Thánh Tông còn bắt người Chiêm nào không có họ phải lấy một họ trong số các họ của người Việt để làm sổ hộ tịch). Ngoài việc mở mang đường xá, họ Hồ còn cho đào sông rạch để tiện việc vận chuyển. Nhờ vậy, đất Thuận Hóa đã trở nên một vùng đất phú thịnh, bắt đầu đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử nước Việt. Đối với vận mệnh Chiêm Thành, để mất đất Hóa Châu dân Hời khó lòng giữ được nước. Không may nhà Hồ sớm để mất nước vào tay quân Minh xâm lược cho nên hậu thế dễ quên đi công nghiệp di dân, khai khẩn đất đai rất quan trọng của triều đại ngắn ngủi này.

Huyền Trân công chúa và vương quốc Chiêm Thành

Công chúa Trần Huyền Trân ra lệnh dừng kiệu. Trên đỉnh đèo Hải Vân, gió mây lồng lộng. Nàng vén tấm màn gấm, nhẩn ra xa, mây trắng vẫn hồn nhiên bay ngang qua lưng đèo... Lệ Liễu , người hầu thân tín, đưa Huyền Trân ra khỏi kiệu hoạ Gót sen bước xuống, dáng mai lả lướt, vóc liễu thướt tha. Bóng chiều bảng lảng ánh tà. Não nùng tự hỏi quê nhà nơi đâu ? Công chúa dõi mắt nhẩn về phương Bắc, cõi lòng bồi hồi, con tim thổn thức. Hỡi ôi, có ai thấu được nỗi lòng nàng !
Chiều chiều gió thổi Hải Vân,
Chim kêu gành đá gẫm thân em buồn .
Ngắm non nước bã la gấm vóc, Huyền Trân nhẩn lại mảnh hồng nhan yếu ớt là nàng mà trên đôi vai đeo nặng trách nhiệm nặng nề với tổ quốc.
Ngoảnh lui cố quốc, ngập ngừng gót ngọc,
Mây phủ kín trời thương, ngơ ngẩn bâng khuâng.
Hoa đang độ thanh xuân, dập vùi, cứu nển muôn dân,
Không sánh đặng Chiêu Quân, cho trọn đạo thần quân thần.
Vẻ chi một đóa yêu kiều, diễm lệ,
Vàng thau trộn bùn nhơ, xót phận hổ lang.
Gẫm thân bẽ bàng, kiếp hồng nhan,
Duyên nợ dở dang, ôi Phụ Hoàng !
Vì nghĩa giã bang, hiếu trung đôi đàng ;
Thân ngọc vàng đem vùi cát bụi,
Cho rảnh nợ Ô Ly, ngậm ngùi, kẻ ở người đi.
Cơn nước lửa phò nguy, nát thân xá gì !

Nàng sẽ đi về một nơi chốn xa lạ, ở bên kia đèo Hải Vân, trã thân vào vùng đất Chàm xa xôi ấy... Huyền Trân ngoảnh lại một lần, sau lưng quê đã mấy tầng cách xa, nàng bồi hồi tương nhớ, gần một trăm năm về trước...
... Vào triều Lý, Huệ Tông có bệnh mãi không khỏi mà lại không có con trai, nên tháng 10 năm Giáp thân (1224) truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa (tên là Phật Kim), sau đó vào tu ở chùa Chân Giáọ Chiêu Thánh lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Được một năm, vào tháng 12 năm Ất dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (lúc ấy mới có 8 tuổi, là cháu của Trần Thủ Độ), sau đó truyền ngôi lại cho chồng.
Từ đấy giang sơn nhà Lý vào tay nhà Trần. Ba đời sau truyền đến Trần Nhân Tông. Nhân Tông thành hôn với Khâm Từ hoàng hậu, có được hai hoàng tử là Thuyên và Quốc Chân, một công chúa là Huyền Trân.
Huyền Trân càng lớn, nhan sắc thêm đậm đà. Tiếng cười nói hay giọng ngâm thơ đọc sách như giọng oanh vàng của nàng vẫn vang lên đây đó ở vườn Ngự Uyển trong Tử Cấm thành. Một hôm, Khâm Từ hoàng hậu cho phép Huyền Trân được cùng bà đi dâng hương lễ Phật nơi chùa Trấn Quốc.
Đoàn xa giá rời hoàng cung trong tiếng lễ nhạc. Lần đầu tiên được rời Cấm thành, công chúa Huyền Trân say sưa chìm đếm trong sắc nước hương trời, nàng không để ý đến cái nhẩn sâu kín thầm lặng thỉnh thoảng lại gieo xuống vóc liễu dáng mai của nàng một niềm đam mê không thể nào bày tỏ của vị tướng trẻ tuổi, Trần Khắc Chung.
Từ ngày ấy, mối tình thầm lặng như ngàn cân đeo nặng trong lòng Trần Khắc Chung, nhưng Tử Cấm thành gần gũi mà ôi muôn trùng cách trở...
Sau khi đi đánh Ai Lao trở về, vào năm Quí tị (1293), Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Thuyên tức là vua Trần Anh Tông. Nhân Tông trị vì được 14 năm, về làm Thái Thượng hoàng, đầu tiên đi tu tại chùa Võ Lâm (phủ Yên Khánh, Ninh Bình), sau về tu tại núi Yên Tử (huyện Yên Hưng, Quảng Yên).
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục : "Tháng ba năm Tân sửu (1301), hiệu Hưng Long thứ 9, đời vua Trần Anh Tông, lúc bấy giờ đức Thượng hoàng là Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con, đi tu ở núi Yên Tử, thường muốn lịch lãm núi sông trong thiên hạ, nên mới du phương, rồi sang Chiêm Thành".
Thái Thượng hoàng ngã du sơn thủy, gót chân viễn du đến phía Nam, ngài dừng bước tại vương quốc Chiêm Thành hoang sơ, hoa ngàn cỏ nội nhưng không kém phần tráng lệ hùng vĩ. Trong nét uy dũng của đền đài ảnh hương nền văn minh Ấn độ, Thượng hoàng không khỏi bồi hồi nghĩ đến trang quốc sắc thiên hương đất Chàm, nàng Vương phi Mỵ Ê.
Mỵ Ê là Hoàng hậu Chiêm quốc vào thời vua Sạ Đẩu (Hari Varman III), kinh đô là Phật Thệ (Vijaya) . Vào đời nhà Lý, Chiêm thành và Đại Việt thường dấy loạn can quạ Năm 1044, vua Lý Thái Tông (1028 1054) ngự giá đánh Chiêm, thúc quân tràn vào Phật Thệ, chiếm kinh đô Chàm, bắt được hơn 5000 người và 30 con voi . Tướng Chiêm là Quách Gia Gi chém đầu vua Sạ Đẩu xin hàng . Lý Thái Tông ca khúc khải hoàn, bắt Vương phi Mỵ Ê và các cung n" đem về. Khi vương thuyền xuôi theo sông Đáy đến sông Lý Nhân, Thái Tông cho lệnh đòi Mỵ Ê sang hầụ Mỵ Ê than rằng "Vợ mọi quê mùa, khôn sánh những bậc Cơ Khương, nay nước mất nhà tan, chi? còn một thác mà thôị.." Nàng tếm rửa, xông xạ hương rồi quấn chăn gieo mình xuống sông mà chết. Lý Thái Tông cảm kích lòng trinh tiết, phong nàng Mỵ Ê là "Hiệp chánh hộ thiện phu nhân", nay ở phủ Lý Nhân (Phủ Lý, Hà nam) còn có đền thờ .
Từ khi nhà Trần lên ngôi, giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã có phần yên ổn. Tại kinh đô Phật Thệ, Hoàng tử Hari Jit lúc ấy đang ở ngôi, tức là vua Chế Mân (Jaya Simha Varman III ). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Chế Mân là người ở Tượng Lâm,thành Điễn Xung, đất Việt Thườg.

Biết được người khách viễn phương mang tấm áo cà sa vẫn thường ngày đây đó thương lãm nét hùng vĩ của các ngọn Tháp Đồng hay Tháp Bạc ấy là Thượng hoàng nước Đại Việt, Chế Mân bèn tiếp đại nồng hậu trong lễ địa chủ và tình bang giã, ngoài ra còn đưa Thượng Hoàng đi thương lãm các Tháp Vàng hay Tháp Ngà ... Cảm kích tấm lòng vị vua trẻ, Thượng hoàng ước gả Huyền Trân cho Chế Mân.
Tiếng đồn về nhan sắc của Huyền Trân làm bồi hồi trái tim người vua Chiêm quốc. Dù Mân Quân đã lập gia thất với nàng con gái xứ Java, Hoàng hậu Tapasi, nhưng vẫn sai bầy tôi là Chế Bồ Đài dẫn theo bộ hạ hơn 100 người, tiến về Thăng Long cống dâng đồ trân quí làm lễ cầu hôn, những mong được người ngọc.
Cả triều đình Đại Việt đều hoang mang, hoàng thân quốc thích lên tiếng phản đốị Làm sã có thể gả nàng công chúa yêu quí nước Việt về xứ Chàm man rợ ? Nhưng Thái thượng hoàng đã trẩnh bày rõ ràng ý định của mình với Trần Anh Tông. Việc gả
Huyền Trân về đất Chiêm là một đường lối chính trị có tầm vóc quan trọng ảnh hương đến sự tồn vong của Đại Việt.
Quả nhiên, từ khi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tại Vạn Kiếp và trên sông Bạch Đằng đã hai lần, năm 1285 và 1287, đánh tan 800.000 quân Mông cổ của Hốt Tất Liệt (Qoubilai Khan) do con trai là Trấn Nam vương Thoát Hoan (Toghan) cầm đầu , thì Trung quốc vẫn dòm dõ Đại Việt, chỉ chờ khi Đại Việt và Chiêm Thành dấy loạn can qua, sẽ thúc quân tràn sang giữ thế ngư ông thủ lợị Trong khi Huyền Trân về nước Chiêm, hai nước sẽ có tình hòa hiếu, không còn lo ngại trước cường lực của Trung quốc.
Trước lời khuyên của Thái Thượng hoàng và sự phản đối của triều thần, Trần Anh Tông vẫn còn do dự chưa quyết ý.
Chờ đợi 5 năm trời mà vẫn không thấy tin vui, đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) niên hiệu Hưng Long thứ 14, vị vua trẻ đa tình Chiêm quốc dâng sính lễ bằng hai châu Ô và Lý. Lúc bấy giờ Trần Anh Tông mới quyết định gả em gái là Huyền Trân công chúa
cho Chế Mân.
Huyền Trân công chúa thấy cõi lòng tan nát. Riêng về Trần Khắc Chung nghe tin như sét đánh ngang màỵ Hỡi ôi, giữa con tim của nàng công chúa và vị tướng trẻ đất Đại Việt, ai buồn hơn ai ?...
Trên đèo Hải Vân, một lần nữa Huyền Trân đứng ngẩn trông về Bắc, nhưng nàng chỉ thấy mây trôi chứ có thấy gì đâu !
Từ trong con tim dâng lên một nỗi niềm riêng khôn tả, nàng thổn thức cất lên giọng hát điệu Nam Bình buồn áo não :
Nước non ngàn dặm ra đi.


Cái tình chi !
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô Ly,
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì,
Độ xuân thì,
Số long đong, hay là duyên nợ gì ?
Má hồng da tuyết,
Quyết liều như hoa tàn, trăng khuyết.
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca,
Sã còn mường tượng nghe gì ?
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng,
Hướng dương hoa Quì.
Dặn một lời Mân Quân :
Như chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đếng cay trăm phần...

Nợ nước nặng hơn tình nhà, Huyền Trân cúi đầu, gạt nước mắt, nén lòng sầu oán, quay mình bước lên kiệu hoa, ôm phận lưu lạc đến một nơi chốn muôn trùng không đường về...
Theo nhà cổ học Ẹ Aymonier trong quyển "L''Inscription chàme de Po Sah", công chúa Huyền Trân khi về Chiêm quốc được phong mỹ hiệu Paramecvari.
Chúng ta chỉ biết một cách không rõ ràng về đất nước Chiêm Thành dù vương quốc này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trẩnh hẩnh thành lịch sử Việt Nam. Các sử liệu trung hoa và việt nam, cùng những cuộc khai quật của các nhà khảo cô?
thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã rọi nhiều chùm tia sáng rực rở vào vùng quá khứ xa xăm quên lãng ấy, giúp chúng ta biết được đôi điều quí giá về lịch sử của dân tộc Chàm.
Sau khi Hai Bà Trưng gieo mình tự trầm ở sông Hát, Giã Chỉ trơ? thành phủ quận của nhà Đông Hán (25 220) thì theo Khâm định Việt sử : "Năm Nhâm Dần (102), đời vua Hòa Đế nhà Đông Hán, ơ? phía nam quận Nhật Nam ( Đại Việt tương lai ) có huyện Tượng Lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai trị. Cuối đời nhà Hán ( khoảng năm 192 ) có người huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên, giết huyện lệnh, nổi lên chống quân Trung Hoa, dựng ra một nước độc lập, tự xưng làm vua".

Theo nhà cổ học L. Aurousseau , người Tàu gọi Tượng Lâm là Siang Lin (nôm na là Rừng Voi), là chữ viết tết của Siang Lin Yi (Tượng Lâm Ấp). Trong vòng 6 thế kỷ (192 758), biên niên sử Trung Hoa gọi tên nước ấy là Lin Yi (Lâm Ấp, Chiêm Thành tương lai), tả người Lâm Ấp "da ngâm đen, mắt sâu, mũi lớn và tẹt, môi dày, tóc quăn, xỏ lổ tai... Họ ăn ở rất sạch sẽ, tếm rửa một ngày nhiều lần rồi chà sát lên người hương liệu long não hoặc dầu cẩm quì mùi xạ hương (musc). Đàn ông cũng như đàn bà mặc
một loại khăn dệt bằng bông vải (coton) được xông bằng khói các loại gỗ hương, quấn từ trái qua phải phủ từ eo đến chân. Người cã quí mang giày da, thường dân đi chân đất ".
Theo nhà khảo cổ học Jean Yves Claèys, vương quốc Lâm Ấp trải dài từ Đèo Ngang đến Thuận Hải, chia làm bốn vùng : Amarâvatỵ, từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãị Vijaya, từ Bình Định đến Phú Yên. Kauthàra, Khánh Hòa và Panduranga, Phan Rang, Ninh Thuận. Hai vùng phía trên là miền Bắc nước Chiêm (septentrionale), thuộc thi. tộc Cau (Kramukavamsa), tiếng Chàm là Pi năng, hậu duệ người miền núi (atâu Chơk). Hai vùng dưới là miền Nam (méridionale), thuộc thị tộc Dừa (Narikelavamsa), tiếng Chàm là Li u, hậu duê. người miền biển (atâu Thik) .
Các nhà ngôn ngữ và dân tộc học xếp người Chàm vào nhóm ngôn ngữ vùng Châu đại dương (Malaỹ Polynésien), thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronésien). Nước Lâm Ấp ảnh hương sâu nặng văn minh và tôn giáo Ấn Độ, chính vì vậy mà tên các triều đại Lâm Ấp vừa là tiếng Phạn (sancrit) vừa là tiếng Chàm, và chữ viết đến nay vẫn còn sử dụng .
Sưu tìm từ nhiều nguồn tài liệu, những dữ kiện lịch sử mà chúng tôi nêu ra sau đây được sắp xếp theo thời gian để việc nghiên cứu về lịch sử Chiêm Quốc có phần dễ dàng hơn, hầu xin cống hiến quí độc giả một cái nhẩn sơ khởi về vương quốc Chiêm Thành. Do giới hạn của một bài báo, chúng tôi không đi sâu vào chi tiết và luôn mong đón nhận ý kiến xây dựng.

Khu Liên không có con trai, truyền ngôi cho cháu ngoại là Phạm Hùng. Trong đời Tam quốc (220 265) tại Trung Hoa, con Phạm Hùng là Phạm Dật nối ngôi, hay sang quấy phá quận Nhật Nam và quận Cửu Chân. Theo J.Y Claèys, phải công nhận rằng người Chàm không được khôn khéo trong cách sử thế, họ có một thói quen là hay giam sứ và không chịu triều cống. Chính vì vậy mà dân tộc Chàm thường hay bị trừng phạt và không được bảo trợ bởi sự hùng mạnh của Trung quốc. Người Chàm còn nổi tiếng về nghề hải khấu trong khếtp vùng biển Đông Nam Á, đã lừng danh trong các trận cướp các tàu buôn ngọc, ngà, gỗ quí hay đồi mồi .
Phạm Dật mất, người gia nô là Phạm Văn cướp ngôi, sau đó truyền cho con là Phạm Phật.
Khoảng năm 400, vị vương Lâm Ấp çri Bhadra Varman (Phạm Hồ Đạt, con trai của Phạm Phật ?), dựng kinh đô ở Trà Kiệu (Simhapura), đã xây tại thung lũng Mĩ Sơn (Quảng Nam) những tháp đền bằng gạch đỏ hùng vĩ, vinh danh thần Siva Bhadreçvara, với lối kiến trúc Chàm đặc biệt. Tiếng Chàm gọi những tháp này là kalan. Theo sử liệu, người Trung Hoa cho rằng người Chàm từ thời ấy đã là
bậc thầy trong nghệ thuật xây dựng và điêu khếtc với kiến trúc bằng gạch đỏ.
Khoảng năm 446, đời vua Phạm Dương Mại (con trai Phạm Chư Nông), kinh đô Trà Kiệu và đền đài tại đất thánh Mĩ Sơn bị thiêu hủy hoàn toàn bởi tướng Tàu là Đàn Hòa Chi (Tán Hézhi). Cùng thiêu hủy với đền đài là muôn ngàn tài liệu viết về lịch sử Chiêm quốc. Đàn Hòa Chi còn cướp đi một tượng bằng vàng (đem nấu đúc được hơn mười vạn cân), và vô số những đồ vật quí hiếm. Từ đấy người Tàu biết đất Chàm giàu có nên hay sang cướp phá.
Cho đến cuối thế kỷ thứ VI, chúng ta không biết gì hơn về lịch sử Lâm Ấp ngoại trừ những cuộc chiến tranh triền miên với Trung quốc.
Vua çambhu Varman (Phạm Phạm Chí, khoảng 572 692, con trai Rudra Varman , 530 570) lại tiếp tục xây những ngôi tháp tại vùng đất thánh Mĩ Sơn, nhưng những ngôi tháp của çambhu Varman cũng không để lại vết tích gì vì vào năm 605, vị tướng tàu Lưu Phương (Liu Fang) tấn công Lâm Ấp, đã tiêu hủy hoàn toàn những đền đài tại Mĩ Sơn. Mãi đến đời vua Prakasadharman (khoảng 653 686), những tháp đền tại Mĩ Sơn còn tồn tại cho đến ngày nay , dù chỉ là những phế tích, đã là những biểu tượng hùng hồn chứng minh cho chúng ta thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc điêu luyện của người Chàm.
Vẫn theo " Khâm định Việt sử ", vào thế kỷ thứ VII, vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê qua đời, con trai là Phạm Trấn Long bị giết nên dân trong nước lập người bên họ ngoại tên là Chư Cát Địa lên làm vua. Chư Cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương.
Vào đời vua Indra Varman II (875 898), dưới sức tấn công của người Trung quốc, dân nước Hoàn Vương phải dời đô từ Trà Kiệu về Đồng Dương (Indrapura, Quảng Nam ). Năm 875, xuất hiện lần đầu tiên trong biên niên sử Trung Hoa cái tên Chiêm Thành, viết theo tiếng phạn là Champapura, nôm na là "Thành của người Chàm".
Tại đây, cho đến đời Indra Varman III (918 960), dân tộc bất hạnh Chàm luôn bị sự tấn công của người Java, người Khmers và người Trung quốc từ mọi phía.
Vào cuối thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ thứ XIII là khoảng thời gian đen tối trong lịch sử vương quốc Chiêm Thành. những cuộc chiến tranh triền miên với Đại Việt và Khmers đã đưa đất nước Chàm vào những đổ nát hoang tàn.

Châu Á vào thế kỷ thứ IV .
Tại An Nam phủ, vào năm 939, Ngô Quyền (897 944) dành được độc lập từ tay người Tàu, xưng vương và dựng đô ở Cổ Loạ Năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn Nhị Thập Sứ quân, dựng nước tự chủ, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Mãi đến đời nhà Lý (1010 1225) mới đổi tên là Đại Việt và nhà Tống bên Tàu mới công nhận là An Nam quốc.
Năm 982, vì vua nước Chiêm là Parameçvara Varman I đã giam sứ nước Đại Việt nên Lê Đại Hành tiến quân chiếm Đồng Dương, bắt Chiêm quốc phải triều cống. Hari Varman II (988 998) lên ngôi, dời kinh đô về Phật Thệ (Chà Bàn).
Bắt đầu từ thời ấy, vương quốc Chiêm Thành không ngừng thối lui trước những tấn công (Nam tiến) liên tiếp của người Việt. Sự hã mòn tổn thất của Chiêm quốc không phải do đất nước kém văn minh mà do thiếu một nền móng kinh tế vững chắtc, trong khi Đại Việt có một đồng bằng sông Hồng phì nhiêu.
Sau chuyện bi thảm của nàng vương phi Mỵ Ê trong thời vua Sạ Đẩu (Hari Varman III ), thấy quan quân chém giết người Chàm, máu chảy thành suối, vua Lý Thái Tông ra lệnh cấm không được giết người Chiêm Thành.
Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054 1072), người Chàm lại sang quấy phá. Năm 1069, Thánh Tông tiến ra Ô Long hải khẩu (cửa Tư Hiền), sáu ngày sau đến Thị Nại (Thị Lị Bì Nại, Cri Banoy, Qui Nhơn), tiến vào đánh tiêu hủy hoàn toàn Phật Thệ, bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Rudra Varman III ). Chế Củ dâng ba châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh để chuộc tội.
Vua Hari Varman IV (1074 1080) lên ngôi đã đem lại cho đất Chàm một khoảng thời gian yên bẩnh.
Năm 1103, vua Chế Ma Na (Jaya Indra Varman II, 1081 1113) sang đánh Đại Việt đòi lại ba châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh. Năm 1104, vua Lý Nhân Tông (1072 1127) sai Lý Thường Kiệt đi dẹp loạn Chiêm Thành. Chế Ma Na thua trận, trả lại ba châu và xin triều cống như xưa.
Tiếp theo đó là cuộc chiến tranh đẫm máu với người Khmers trong vòng hơn một thế kỷ (1112 1220) đã làm Chiêm quốc yếu dần
trong mòn mỏi.
Năm 1145, vào đời vua Jaya Indra Varman III (1139 1145), nước Chiêm Thành sa vào quyền đô hộ của người Khmers.
Jaya Hari Varman I dành được độc lập từ tay người Khmers, đã xây dựng tháp Po Nagar nổi tiếng tại Nha Trang.
Năm 1177, Jaya Indra Varman IV (1167 1190) tiến quân đánh Khmers để trả thù, hỏa thiêu Angkor. những cuộc chiến triền miên gi"a hai nước chỉ đem lại những tiêu hủy và tàn phá.
Vào đầu đời nhà Trần, tuy chịu triều cống nhưng quân Chiêm vẫn sang quấy nhiễu để đòi lại đất xưạ Năm 1252, Thái Tông
ngự giá đánh Chiêm, thếng vua Chàm là Jaya Parameçvara Varman II, bắt vương phi Bố Gia La và rất nhiều dân quân.
Đến thời Huyền Trân công chúa sang đất Chàm thì Chiêm Thành không còn là một cường quốc.
Huyền Trân ở tại đất Chàm chưa được một năm thì Chế Mân qua đời, Chế Chí (Chế Đa Đa, tức là hoàng tử Hari Jilat Maja) lên nối ngôị Các biến cố lịch sử dồn dập xảy đến. Năm 1311, vì Chế Chí không giữ những điều giã ước với Đại Việt nên Trần Anh Tông (1293 1314) sang đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Chí và phong cho em là Chế Đà A Bà lên ngôi.
Đến đời vua Trần Dụ Tông (1372 1377), vua nước Chiêm là Chế A Na từ trần, con trai là Chế Mộ và con rể là Bồ Đề tranh ngôi.
Chế Mộ sang cầu cứu Đại Việt. Dụ Tông sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành. Tại Quảng Nam, phục quân Chiêm
quốc đã chiến thếng vẻ vang.
Từ đó, người Chiêm thấy binh thế quân Nam suy nhược, nước Chiêm lại có vị vua trẻ tuổi anh hùng là Chế Bồng Nga (1360 1390), muốn trả những thù xưa với người Nam. Chế Bồng Nga dời đô về Đồ Bàn (huyện Tuy Viễn, Khánh Hòa).
Tháng giêng năm 1377, Trần Duệ Tông (1372 1377) ngự giá cùng Lê Quí Ly kéo quân đánh thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga vẫn nuôi hận trả thù nên ngày đêm luyện tập binh hùng tướng mạnh. Trước cường binh của Chiêm quốc, Duệ Tông tử trận. Tháng sau Chế Bồng Nga kéo quân vào cửa Thần Phù, tiến lên cướp phá Thăng Long.
Vào đời Trần Hiễn (Trần Phế Đế, 1377 1388), Chế Bồng Nga bốn lần tiến đánh Thăng Long vào những năm 1378, 1380, 1383 và 1389, đốt cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy đồ châu ngọc, làm cho người Nam vô cùng khiếp sợ. Có thể nói rằng trong khoảng thời gian này, Đại Việt hoàn toàn nằm dưới sức mạnh của Chiêm quốc.
Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh, vua Trần Thuận Tông (1388 1398) sai Đô tướng là Trần Khát Chân đem binh chống giữ tại sông Hải Triều (sông Luộc, địa phận tỉnh Thái Bình và Hưng Yên). Một biến cố lịch sử mà trong vòng một ngày đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Chàm : Trong khi giã chiến, được báo trước bởi một kẻ bội phản, Trần Khát Chân dùng súng dồn quân lực bắn đích thuyền của Chế Bồng Nga, vị vua anh hùng nước Chàm tử trận bởi một viên đãn vô tình.

Quân Nam chặt đầu Chế Bồng Nga mang về Thăng Long trẩnh với Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Được đánh thức giữa đêm khuya, Thượng hoàng hoảng sợ, tương rằng một lần nữa Chiêm Thành lại tiến đánh kinh độ Khi nhẩn thấy chiếc đầu của kẻ thù, Nghệ Tông nói rằng "Ta và Chế Bồng Nga đã trông chừng dòm dõ nhau từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau ", rồi tự ví mình như Hán Cao tổ lấy đầu Hạng Vũ.
Từ khi Chế Bồng Nga qua đời thì Chiêm quốc càng ngày càng lâm vào sự suy nhược. Tướng La Khải chiếm lấy ngôi vua. Hai người con của Chế Bồng Nga chạy sang đầu hàng An nam, được phong tước Hầu.
Vào đời nhà Hồ (1400 1407), Hồ Hán Thương (con Hồ Quí Ly) sai tướng là Đỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành vào năm 1402. Vua Chiêm là La Đích Lại (con La Khải) dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, Quảng Nam) và Cổ Lụy (Quảng Ngãi) cầu hòa.
Dưới đời vua Lê Nhân Tông (1443 1459), vua Chiêm là Bí Cai (Maha Vijaya) hai lần cướp phá Hóa Châu vào năm 1444 và 1445 nhưng đều thất bạị Năm 1446, triều đình nước Nam sai Lê Thụ và Lê Kha? sang đánh Chiêm quốc, lấy thành Đồ Bàn, bắt Bí Cai và các phi tần, lập cháu vua Bồ Đề là Mã Kha Qui Lai lên làm vua.
Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn cầu viện nhà Minh, sang đánh phá đất Hóa Châụ Năm 1471, vua Lê Thánh Tông (1460 1497) tiến chiếm Đồ Bàn, giết 60.000 người, bắt Trà Toàn và hơn 30.000 tù nhân. Tướng Chiêm là Bô Trì Trì sai sứ vào cống xin xưng thần. Thánh Tông muốn cho Chiêm quốc yếu đi, mới chia đất Chàm ra làm ba nước là Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan, rồi đặt quan cai trị.
Từ từ, những phần đất nhỏ bé còn lại của Chiêm quốc lần lượt rơi vào tay người Nam. Năm 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tiến chiếm Phú Yên rồi chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòạ Năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh vua Chiêm là Bà Thấm, lấy phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) làm biên giới và đặt dinh Thái khang cho tướng là Hùng Lộc làm thái thú. Năm 1693, vua Chiêm là Bà Tranh không tiến cống, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tổng binh Nguyễn Hữu Trấn sang đánh tan Chiêm quốc, bắt dân chúng thay đổi y phục như người Nam. Từ đó, vương quốc Chiêm Thành vĩnh viễn biến mất trong lịch sử nhân loạị..
Về số phận nàng công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt, một năm sau khi về đất chàm, Mân Quân dựng xong tháp Po Kloong Girai tại Phan Rang thì qua đời vào mùa hạ, tháng 5 năm 1307. Theo Khâm định Việt sử, tháng 9, thế tử là Chế Đa Đa sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng để cáo việc tang.
Theo tục lệ Chiêm quốc, vua mất thì các cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Trần Anh Tông sai quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khếtc Chung cùng An phủ sứ Đặng Vân đi điếu tang.
Khi thấy Trần Khắc Chung tới, các cung nữ của Huyền Trân hát rằng :
Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.

Ngụ ý công chúa sẽ phải lên hỏa đàn. Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng : "Sở dĩ bản triều gả công chúa cho quốc vương vì hai nước cõi đất liền nhau, nên yên phận đê? cùng hương thái bẩnh hạnh phúc, cũng vì thương dân, chứ không
phải mượn má phấn để giữ trường thành. Nay Quốc vương từ trần, nếu đem công chúa tuẫn táng ngay thì việc tu trai không người lo liệụ Theo tục lệ bản quốc, trước hãy đưa công chúa ra bãi bể chiêu đón linh hồn, rồi mới vào hỏa đàn sau".
Người Chiêm Thành nghe theo lờị Khi thuyền công chúa ra giữa bể, Trần Khắc Chung đem thuyền cướp Huyền Trân. Theo Khâm định Việt sử, Trần Khắc Chung cùng Huyền Trân tư thông quanh quất trên bể hơn một năm mới về đến kinh sự Hưng Nhượng vương Quốc Tăng rất ghét chuyện ấy, hễ trông thấy Khếtc Chung thì mắng rằng "Họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì hếtn chăng !" Bởi vậy Khếtc Chung khi trông thấy Quốc Tăng thì tránh mất.
Huyền Trân công chúa về đến Thăng Long ngày 18, mùa thu năm Hưng Long 16 (Mậu Thân 1308), từ đấy sống trọn đời trong hiu quạnh bẽ bàng.
Riêng về mối tình giữa Huyền Trân và Khếtc Chung, theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi Chế Mân dâng lễ cầu hôn thì "...triều thần nước ta đều nói là không nên, duy một mình Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương việc gả ấỵ Trần Khắc Chung thì tán thành". Theo đó, mối tình lãng mạn giữa nàng công chúa và vi. tướng quân nước Đại Việt phải chăng chỉ là những gấm thêu huyền thoại ?
Chúng tôi xin trích bài thơ của Hoàng Cao Khải để kết thúc bài biên khảo về Huyền Trân công chúa và vương quốc Chiêm Thành :
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời,
Hai châu Ô Lý vuông nghẩn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi !
Lòng đỏ khá khen lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn nhẩn nhau mấy đứa Hời.

Chế Bồng Nga

Chế Bồng Nga, lẽn về thăm nước cũ, lúc ấy, mải miết theo con đường núi phủ rêu cằn… Chàng đổ bộ từ xa, xa lắm, từ cái làng con Bản Mê Thuật, mất tăm trong vùng biên giới Ai Lao.
Hành lý của Bồng Nga là một gói nhỏ, y phục của chàng là tấm áo lông chiên ngắn, cái quần chẽn ống, đôi hài sảo với con dao lưng to bản vỏ đồng.
Khuôn mặt chàng – khuôn mặt ngót ba chục tuổi, hơi gày- đã rám mầu sương nắng; nhưng, cái trán cao, đôi mắt sắc và cặp môi vắng hẳn nụ cười vẫn giữ cho dung mạo ông Hoàng vong quốc Chiêm Thành ấy một vẻ khác thường.
Bồng Nga, hơn một tháng trời lặn lội qua những rừng hoang vắng nối giẫy Trường Sơn với bờ Nam Hải, đã giày xéo lên bao nỗi gian nguy.
Mười lăm năm ẩn lánh quê người, chàng, lần ấy, mới có dịp đem linh hồn đáp tiếng gọi của Non sông.
Chàng bước nhanh, mềm mại và lẹ làng trong cái dáng đi của dân sơn cước. Vừa đi, chàng vừa nhìn cảnh vật rỡ ràng dưới ánh nắng, ánh nắng muộn tàn thu vùng bể thường có gió Nam ấm áp thổi đều.
Ðã trải những ngày u ám trong rừng, nay, tới đây, bỗng thấy vẻ sáng suốt của không khí, vẻ lộng lẫy của mặt trời, Bồng Nga có cái cảm tưởng dịu dàng và đột ngột như lạc vào một thế giới xuân. Nhưng, qua phút đầu bỡ ngỡ, chàng nhận ngay thấy nỗi buồn thu ẩn trong vẻ gượng tươi của sự vật: sắc mây trong đã vẫn mầu sương trắng, rừng hoang tàn cỗi âm thầm tiếc vẻ xanh phai và, dọc đường, trên nệm cỏ gà ngùn ngụt lửa chiều hôm, những khớm hoa nhầm tiết thẹn với sắc hương lỗi mùa.
Xa xa trong ngàn cây, những túp nhà chàm rụt dè, ẩn hiện, nhắc Bồng Nga nhớ tới bọn con dân ngu muội, sống vùi trong cảnh an tĩnh đáng thương.
Chàng thở dài…
Theo mãi con đường lửng lơ ngang núi, con đường với chàng đầy kỷ niệm, Bồng Nga, càng vào sâu cảnh cũ, càng thấy bồi hồi…
Mùa gặt bắt đầu. Ðồng ruộng dưới thung phơi mầu lúa chín. Trên nền vàng thẫm, bóng cò lấp lánh đưa thoi.
Bồng Nga, buồn trước cảnh chiều buồn, khẽ ngâm một khúc hát xưa bằng cổ ngữ Chiêm Thành và kéo dài một điệu, tả những nỗi nhớ mong dằng dặc của khách xa nhà.
Thỉnh thoảng, gặp cái xe trâu tải thóc về một cô thôn khuất nẻo. Bồng Nga dừng bước trông theo.
Vững vàng trên đôi bánh gỗ, những xe ấy lăn đều trong dịp mõ trâu rời rạc, để lại khúc đường sau một vệt thương thơm.
Bọn đánh xe, người nào cũng chân buộc hài sảo, lưng thắt đao ngắn, áo chàm phanh trước ngực, da đỏ thẫm như xành…
Nhìn lũ nông dân ấy, Bồng Nga thất vọng vì thái độ chúng thờ ơ. Hoạ hoằn, có kẻ liếc trông khách lạ, trông cho thoả sự tò mò giây lát để quên ngay, để còn về kịp trước khi trời tối hẳn.
Thế rồi, người và xe vụt khuất sau chòm cây rậm; con đường rêu phong lại vắng tanh dưói nắng chiều hôm…
Trơ một mình với cảnh, Bồng Nga như chiếc nhạn lạc ven trời. Chàng lại ngâm khúc hát xưa, ngâm bằng cả nỗi buồn chất nặng trong lòng.
Bồng Nga hát, trên ngàn sương lạnh, chiếc nhạn về Nam hoạ theo mấy tiếng bi thu.
Ánh vàng dần úa; rừng cây xào xạc hơi may.
Chỉ một thôi nữa, chàng sẽ được nhìn thành quách Ðồ Bàn; chỉ một thôi nữa… nhưng, hình ảnh cố đô, chàng đã thấy vẽ ra trước mặt, cố đô giờ có lẽ đã điêu tàn.
Quãng đường ngày càng dốc, đường càng dốc, Bồng Nga càng cặm cụi đi nhanh…
Bỗng, chàng đứng sững bên một gốc cây to, khoanh hai tay trước ngực, vẩn vơ nhìn.
Ðồ Bàn!… thì kia, như cái ảo tượng bất thần trong vùng lủua đỏ, kinh thành nước cũ, xa xa hiện trước mắt chàng, buồn rầu dưói bóng cờ Ðại Việt.
Mười lăm năm qua, từ phụ vương chàng, Chế Chí, phải vua anh Tôn nhà Trần lừa bắt, tông quốc chàng bị diệt vong… Mười lăm năm, một vực thời gian thăm thẳm, mười lăm năm ấy bây giờ là đây!
Trơ như một khối đá, Bồng Nga lặng yên nhìn… Chàng lặng yên nhìn trong cái yên lặng chiều thu; nhưng lông mày chàng dần nhíu lại, hai mắt chàng dần đẫm lệ, vành ngực chàng mỗi lúc một phập phồng.
Ánh tà phai, chung quanh người lữ hành đơn độc sự vật lùi xa, mờ nhạt, chìm khuất trong sương. Duy, chót vót đầu non, lửa chiều gần tắt hẳn, vẫn ngấm ngầm hun đốt cỏ cây vàng.
Chế Bồng Nga, bân gkhuâng, nhìn tổ quốc chập chờn qua ngấn lệ.
Một trận gió hắt hiu, một cái rùng mình chạy lướt trên người và cảnh. Cũng như vạn vật, cảm thấy hơi thu, Bồng Nga băn khoăn đến những ngày mưa gió lạnh lùng.
Cái thiên tính gia đình giục chàng nhớ lại bao điều tơ tóc, bao truyện xảy ra về những thu xưa: nào những buổi chiều u ám tiếp theo ngày sáng sủa. Bồng Nga, đứng tựa lầu cao, ngắm dải Cù Mông lẩn sau sương lạnh hay in một vết lờ mờ tím trên nền mây rực rỡ vàng; nào cảnh hoa rừng muộn nở quanh thành, đẹp như những nụ cười nhớ được trong giấc chiêm bao; nào những đêm mong đợi phụ vương săn bắn về khuya – ôi, phụ vương giờ đã vùi thân bên đất nước thù! – chàng lắng nghe mỗi khi tiếng lá chạy trên sân lạt sạt, những cuộc yến diên mừng chiến thắng, những phút mơ màng theo điệu hát cung nga.
Giờ thì thôi rồi! Hết thẩy đã tan theo xã tắc, đã chỉ còn là những ghi nhớ của một kiếp nào. Ngay đến thân chàng cũng vậy, cũng đã ba chìm bẩy nổi tháng ngày đi, đi mãi như lá thu theo gió vật vờ.

Mặt trời lặn, bóng đen, như một vết dầu, xoá nhoà sự vật, hơi lạnh thấu xương…
Một tiếng ngựa phi thốt khiến Bồng Nga tỉnh giấc mộng buồn. Chàng nhìn lại phía sau thì thấy, tự khúc đường xuyên sơn bên trái, một con bạch mã loán tới như giông.
Người ngồi trên yên, cố dàn mình xuống lưng con vật hoảng sợ, tay nắm bờm, vế quắp chặt vì đã dứt rơi đâu hết dây cương, bàn đạp.
Mặc dải lưng điều với mớ tóc bay tung, vị thanh niên mã thượng hết sức giữ mình cho khỏi ngã. Nhưng sườn núi cao, lòng dộc thẳm, sự rủi may của người lạ chỉ sai nhau chừng một đường tơ.
Bồng Nga không đành chớp mắt trước cái tai nạn lớn lao nhường ấy. Chàng sắn tay áo, chờ khi ngựa đến, thốt văng mình ra cản. người lạ, nhảy xuống đất, vỗ về con ngựa đoạn cười và bảo Bồng Nga:
- May quá! nếu chẳng nhờ tay hiệp sĩ, tôi ắt đã mạng vong rồi.
Giọng người tuổi trẻ êm như hơi xuân, Bồng Nga giật mình nhìn kỹ mới hay ai đó là một thiếu nữ trượng phu.
Trời, lúc ấy, đã tối sẩm, nhưng Bồng Nga vẫn còn được ngẩn ngơ trước gương mặt ngọc và đôi mắt long lanh như sao buổi êm trời.
Thiếu nữ, quen thói nhà quyền quý, cởi thanh gươm bên mình, trao tận tay Bồng Nga:
- Túc hạ làm ơn nhận cho thanh bảo kiếm, vì tôi trót có lời nguyền suốt đời chẳng chịu ân ai.
Bồng Nga, mích lòng vì cử động của cô gái lạ, vội ngắt lời nàng:
- Xin tiểu thư chớ coi làm một ân trọng, cái cử động rất thưòng của nam nhi ấy.
Giật mình, thiếu nữ hỏi:
- Người quê ở đâu ta? Sao nói tiếng bản quốc thông thạo như vậy?
- Bẩm, tôi là người của bốn phương trời.
Câu nói bí mật của người thanh niên bí mật càng khiến thiếu nữ ngạc nhiên.
Chàng mỉm cười. Nàng chữa thẹn:
- Hiếp sĩ dù chẳng kể là ơn cũng xin nhận lấy một vật làm ghi.
Bồng Nga, nể lòng, đành nhận.
Thiếu nữ tươi cười:
- Tôi phải về kẻo phụ thân tôi mong. Nhưng, kíp chầy thể nào tôi cũng tìm đến bái yết tận quý ngụ, vì tôi chắc người còn lưu lại trong thành.
Dứt lời, nàng cúi chào, đoạn nhẩy lên yên. Khi bóng giai nhân đã mất vào đêm tối, Bồng Nga, nhoẻn nụ cười lãng mạn, nói một mình:
- Ta về nước chuyến này, tình cờ gặp cô gái Ðại Nam tặng thanh gươm báu, phải chăng là ý Xanh Xanh muốn vì ta báo trước sự thành công.
*
* *
Bồng Nga dằn rọc mãi trên nệm rơm khô…
Cõi lòng chàng có thể ví là một cảnh giông gió tơi bời. Sau, chừng không thể nằm yên được với trăm mối sầu thương nung nấu, vả còn muốn nghe sự vật rỉ thầm, Bồng Nga vùng dậy, mở cửa nhà trọ, lẻn ra.
Trống lầu vừa điểm canh hai.
Mấy tiếng đột ngột giữa đêm thanh gieo vào tâm trí Bồng Nga những âm hưởng rất buồn. Quanh mình chàng, đìu hiu, man mác… cuộc sống trên thế gian như đọng lại, như nín hơi trước giờ xuất hiện của Tử thần.
Bồng Nga rùng mình, cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Mà cảnh đêm có lẽ chẳng bao giờ sáng nọ như bắt chàng phải nghĩ đến cuộc đời chàng, cũng mịt mù u ám, cuộc đời không chắc ở mai sau.
Buông tiếng thở dài, chàng thất vọng. Nhưng, chàng vội gượng ngay, gượng thu hết nghị lực cuối cùng để rồi còn chống nhau với số mệnh.
Sự quả quyết giục chàng đi: Phải hoạt động khuây buồn. Chàng đi, không chọn lối, nhưng vẫn cố tìm dấu vết xưa.
Thì đây, cái khối đén lù lù hoang vắng nọ, hẳn điện cũ vua Chàm. chốn thâm nghiêm giờ bỏ mặc sự tàn phá của thời gian! Với kẻ vô tình, chẳng qua là một mớ đá vôi lổng chổng; với Bồng Nga, thương ôi! Nó là hết thảy những cái mất rồi!
Lại kia!… Mấy ngọn tháp buồn rầu, còn nhớ chăng ngày đắc thắng, hay cũng mềm gan đá với tang thương?
Cả khoảng đất thênh thang này nữa! Bãi tha ma ấy vốn xưa là một cảnh võ trường!
Nước non thay mặt cũ rồi, tấn tuồng đào thải cợt người hồi hương…
Bồng Nga nắm chặt hai bàn tay, đầu choáng váng, tai ù, trước mặt thoáng qua màng máu đỏ. Chàng cảm giác như bị mũi dao đâm trúng ngực, hơi thép còn lạnh thấu tim.
Những ý nghĩ não nùng về định phận loài người, về sự nổi chìm của phú quý, về nỗi hưng vong các quốc gia dồn dập nhau trong tâm trí ông hoàng tuổi trẻ.
Hai mắt trừng trừng, Bồng Nga nhìn bới móc cảnh hoang tàn…
Dưới tầng lá kín, bóng đêm dầy, những thân cành trơ trụi in lên nền trắng đục loang loáng mây đen; cỏ cây, rũ hạt sương đêm như khóc ngày linh lạc…
Bồng Nga, chợt nhớ sự rắp định mang theo, bỗng giơ tay, trợn mắt:
- Hỡi Nam Man kiêu hãnh! Ta thề quét sạch chúng bay.
Một tiếng xì xào tiếp theo câu phát nguyện, hình như tàn hồn cố quốc đã chứng nhận cho nhời chàng phát nguyện.
Chàng lại đi…

Một tiếng đờn ca văng vẳng khiến Bồng Nga vô tình cứ lững thững tiến đến một khu vườn đầy ánh sáng đèn lồng đỏ. Cửa vườn sẵn mở, chàng lùi lũi tiến vào. Một tiếng reo:
- Ô kìa tráng sĩ!
Bồng Nga giật mình ngẩng mặt: thiếu nữ ban chiều.
Nàng vui vẻ quay lại nói với một ông già đạo mạo:
- Thưa cha, đây là tráng sĩ đã cứu con lúc ban chiều!
Và, quay lại phía Bồng Nga, nàng giới thiệu:
- Thưa tráng sĩ, còn đây là Ðỗ Tử Bình Tướng Công, phụ thân của thiếp.
Vị quan lớn liền tươi vẻ mặt, hớn hở bảo chàng:
- Lại có duyên kỳ ngộ ấy ư? Ðỗ Tử Bình này xin kính chào túc hạ. Thực, người đã cho lão phu chịu một cái ân nặng tầy non vậy.
Vừa nói, Ðỗ công vừa trỏ ghế bảo chàng ngồi.
Hôm đó là ngày sinh nhật của Ðỗ công, nên trong tướng phủ mới có hội hè khuya thế.
Chủ khách vừa yên vị, trên án đã bầy tiệc hoa. Ðỗ công ân cần mời mọc lại hỏi thăm Bồng Nga về thân thế chàng.
Bồng Nga lựa lời đối đáp khiến Ðỗ công rất vui lòng. Không những vậy, chàng còn khéo ranh mãnh dò biết tên vị tiểu thư là Nam Trân, con gái một rất nuông chiều của Ðỗ công.
Bồng Nga lấy làm sung sướng biết được điều cần biết, chàng coi là một sự đắc thắng êm đềm.
Trong lúc ấy thì, rượu ngà ngà say, Ðỗ công truyền tiểu thư dạo đờn.
Nàng, không e lệ, tức khắc vâng theo phụ mệnh.
Bổng trầm vừa mấy tiếng thoảng qua, chàng tuổi trẻ đã bâng khuâng như lạc vào cõi mộng. Thả linh hồn theo dịp sóng thanh âm, chàng vơ vẩn nhìn Nam Trân…
Dưới ánh sáng lung linh, Nam Trân thực là một vẻ đẹp tuyệt vời. Tuổi chừng 19 đôi mươi, nàng tuy mềm mại yêu kiều, nhưng thân thể rất tròn trặn, in những nét hữu tình trong nếp áo là xanh; vẻ mặt ngây thơ mà dạn dĩ; hai bàn tay xinh xắn, nhẩy nhót trên lớp tơ đồng như đôi bướm trắng rờn hoa.
Nàng hát théo đờn, hát bằng một giọng ngậm ngùi dìu dặt, khiến người trong tiệc ngẩn ngơ lòng. Âm nhạc ấy thế là định hẳn cuộc mai sau của đời chàng vậy.
Trôi giạt đã nhiều, đau khổ đã nhiều, Bồng Nga như chiếc thuyền bạt gió cần nghỉ ngơi trong cái hải cảng bình tĩnh. Vả, bấy lâu đơn độc, ngoài tấm lòng thờ nước, chàng chẳng từng yêu; trái tim vẫn như một thứ bảo vật chưa dùng.
Nay, trước mặt nàng, Bồng Nga thốt có cái cảm giác êm đềm, thư thái lạ; tấm lòng chàng, lần thứ nhất, rung động vì tình.
Chàng yêu Nam Trâm, yeu một cách ngẫu nhiên, yêu một cách say đắm, yêu như con chim yêu cái ánh sáng đầu tiên của mặt trời xuân. Chàng nẩy ra cái ý muốn được cùng nàng sống chung một cuộc đời yên lặng an nhàn trong một cõi thế giới riêng thơ mộng. Chàng tự hỏi có nên lánh xa sự thế, mặc quách biển dâu, gác bỏ mối hoài bão trong lòng?
Tiếng đờn ca vẫn lên bổng xuống trầm; Bồng Nga vẫn tơi bời trăm mối nghĩ…
Nhưng, sau khúc não nùng, Nam Trân lại chuyển sang bài hát Chiêm thành. Những điệu hùng tráng bỗng như trận gió xuân ấm áp đánh ta hết mộ khí của lòng chàng.
Tỉnh cơn say, Bồng Nga lại thấy hăng hái, lại thấy cái tàn hồn của tổ phụ lởn vởn quanh mìh.
Chàng hổ thẹn, nghe trong lòng như có tiếng ai trách mắng:
- Hỡi đứa con hư đốn của dòng giống anh hùng! Ngươi vừa nghĩ gì có còn nhớ lời thề của nghĩa vụ của ngươi? Ngươi có còn nhớ lời thề của ngươi khi về thăm phần mộ tiền nhân? Ngươi có biết đời ngươi đã hẹn với một nhiệm vụ thiêng liêng, đã không thuộc quyền ngươi nữa? Cớ sao ngươi dám ngôn gcuồng, toan đem tình lụy buộc mình? Ngươi há không biết rằng đời ngươi là cái đời cần phải hy sinh? Hãy để cho bọn dung thường ích kỷ tìm kiếm những thú vui mà hiện nay ngươi phải lánh xa. Mơ mộng đi, vì đó là cái bệnh của ngươi; nhưng hãy mơ mộng những sự nghiệp đáng với mặt anh tài.
Mệnh lệnh của lương tâm đến đây thì bài anh hùng ca vừa dứt tiếng. Trăng mờ sương toả, tiếng gà giục giã cuộc vui tàn…
Bồng Nga đứng dậy, cáo từ. Ðỗ tướng công yêu chàng vì nết, lại cảm chàng vì ân, tỏ lòng quyến luyến:
- Sự gặp gỡ của chúng ta là một điều hạnh ngộ, túc hạ vội chi về? VẢ, đêm đã khuya rồi, chi bằng túc hạ nghĩ luôn trong phủ là hơn.
- Tướng công sẵn lòng đoái tưởng, vãn sinh vô cùng cảm ta. Nhưng vãn sinh còn chút việc riêng nên…
- Túc hạ về bây giờ, lão hu áy náy, vị tất ngũ được yên. Hay túc hạ cho biết quý ngụ để mai sớm, lão phu sai người lại đón.
- Ðiều ấy, xin tướng công chớ ngại, vãn sinh còn mong được thỉnh giáo tướng công nhiều.
- Nếu vậy, hay! Cửa hầu tuy thăm thẳm mà lúc nào cũng rộng mở đớn khách anh tài vậy.
… Trên con đường vắng dưới trăng mờ, Bồng Nga cúi đầu lủi thủi…
Tiếng gọi của lương tâm, chàng còn văng vẳng nhớ, song, than ôi! Lòng chàng vẫn có nhiều lẽ phải không ngờ!
*
* *
Nam Trân, ngả mình trên kỷ trầm hương, vơ vẩn nghĩ…
Cảnh phòng khuê trong ánh rèm châu xanh phớt, cũng đượm vẻ mơ màng.

Nam Trân buồn, nỗi buồn không duyên cớ, thắm thía tựa mưa xuân.
Với nét hoa cau có, hai mắt đăm đăm, làn tóc đen buông xoã, vóc mai lả lướt trong những nếp áo thướt tha, Nam Trân bâng khuâng giữa cảnh mơ hồ, phảng phất như một nàng tiên.
Cửa phòng mở ra khoảng rừng cây trùng điệp, mầu lá xanh hoen ố sắc thu vàng. Cái phong vị hoang giã, thiên nhiên thêm vào cảnh khuê môn sang quý một cảm giác thần linh, mộng ảo.
Tự rừng sâu, thỉnh thoảng, rúc lên một hồi tù và, âm thầm đứt nối, buồn như những tiếng gọi xa xa. Tiếng gọi xa khiến nàng hồi hộp, ước mong những cõi lạ phương trời, những cảnh tượng đẹp như Bồng lai, ghê như Ðịa ngục, những cảnh ngoài cuộc đời nàng mà thanh niên kỳ dị kia chắc đã trải qua.
Nam Trân cũng không rõ tại sao nàng mơ tưởng lạ lùng đến thế. Nhưng, nếu được phiêu lưu, nếu được chia sẻ cùng chàng nỗi cầu sương dặm tyết, nàng, lúc ấy, có lẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng.
Phải, nàng sẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng vì, từ ngày khi gặp gỡ, chàng tuổi trẻ kia đã in sâu trong trí nhớ Nam Trân một ảnh tượng rất buồn; cái ảnh tượng kiếp giang hồ luân lạc với hết thẩy những sự cực khổ trên đường đời, những nỗi lạnh lùng trong quán khách, những bữ no đói không thường, những cảnh gió mưa bất nhât, những khổ biệt li, những sầu tưởng nhớ, những ngày tuyệt vọng rất dài, những đềm dằn rọc thâu canh…
Ðể anh hùng đến bước lầm than, không gia đình, không tổ quốc, tội ác đó là thuộc về chủng tộc nàng tham tàn, ỷ mạnh.
Nam Trân vùng đứng dậy, buông tiếng thở dài…
Vùua lúc ấy, thị nữ đưa vào một mảnh hoa tiên:
- Thưa tiểu thư, người khách lạ hôm qua, vì thấy tiểu thư ưa điệu Chiêm Thành, gửi tặng tiểu thư khúc hát này.
Nam Trân, xúc động, tiếp lấy tờ hoa, nhưng nàng đành chịu không xem nổi thứ chữ ngoằn ngoèo đó.
Nàng truyền gọi nữ nhạc sư, một cung nhân của Chiêm vương hồi nọ và sai dạo thử nàng nghe.
Vâng lời, cung nhân tiến lại trước cầm đài, xo dây, khẽ nắn…
Nam Trân, thổn thức, lắng tai chờ….
Dưới ngán tài hoa, thanh âm bắt đầu tỉnh thức não nùng…
Nữ nhạc sư, theo đờn, cất tiếng hát sang Nam âm để tiểu thư dễ hiểu.;
Nam Trân, chừng nhận thấy ngụ ý bài ca, tê mê như người lỡ nhắp phải me nồng. Thỉnh thoảng, một tiếng thở dài khiến cho ngực nàgn thổn thức, chuỗi ngọc trai rung động như nước loáng tầu sen. Có khi một tia sáng lập lòe trong cặp thu ba đắm đuối, Nam Trân vội cắn chặt vành môi, cố giữ sự xúc cảm.
…. Tiếng đờn ca thốt im bặt… tiếng nức nở tiếp theo sau. Nam Trân tỉnh cơn mơ màng, nhìn cung nhân lúc ấy đang hạt lệ vắn dài.
Ngạc nhiên nàng hỏi:
- Cớ sao già khóc?
- Xin tiểu thư bỏ qua cho, ngu hèn này thực muôn phần đắc tội. Nhưng, tiểu thư ơi, mười lăm năm chợt nghe khúc cũ, tôi như thấy sống lại cả đoạn sử vong quốc Chiêm Thành. Nỗi nước, tình vua, nói sao cho xiết.
Nam Trân cảm động:
- Thế khúc hát kia, già co biết ai đặt ra chăng?
- Bẩm, khúc này ý mới nhưng là điệu cũ của Hoàng tử Chế Bồng Nga.
- Của Hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Vâng, nguyên khi quốc vương tôi phải Hoàng đế nhà Trần bắt đi, vương hậu tôi tử tiết trong cung cấm, Hoàng tử Chế Bồng Nga vội giả dạng tìm nơi ẩn lánh chờ dịp phục thù. Lúc giấn thân vào bước phong trần Hoàng tử hát điệu ấy để tả mối sầu khứ quốc ly hương.
… Trời ôi! Thương thay cho Ðông cung!….
- Làm sao?
- … Chẳng biết Ðông cung trôi giạt nơi nào, vẫn còn hay đã mất, dung quang phỏng được như ngày bước ra?
Nam Trân cau đôi mày liễu, nhìn xa làn khói toả ngọn rừng. Một sự ngờ vực bỗng thoáng qua trí nàng như ánh chớp.
Ừ, có thế chẳng? Có lẽ thanh niên bí mật kia đích thị Hoàng tử Chế Bồng Nga? Cái chứng cớ hiển nhiên là, ngay buổi đầu gặp gỡ nàng đã cảm thấy ai có vẻ khôi vĩ khác thường. Nam Trân thở dài… Ái tình từ trước vẫn núp náu trong lòng nàng bây giờ xuất lộ, rực rỡ như ánh nắng xuân. Tấm yêu nồng cháy vì, bên trong, có lẩn sự ái ngại sâu xa. Nàng cho rằng một người có cái thân thế như thân thế Bồng Nga cần phải được mối tình yêu nhưtình yêu đang rung động trái tim nàng. Nếu không thì, với chàng, cuộc đời chẳng hoá xấu xa lạnh lẽo biết chừng nào!
Nam Trân cũng thừa hiêủ rằng yêu một người thù đệ nhất của nước Ðại Nam, một người mà, nếu biết rõ tung tích, phụ thân nàng sẽ trừ khử ngay, là không thể được. Nhưng, chính sự không thể ấy càng khiến cho tình yêu kia thêm mạnh. Những ngỗi hiểm nguy, những niềm đau khổ mai sau, Nam Trân coi lấy làm thường. Hi sinh cả hạnh phúc, cả sự yên ổ, cả tuổi xuân tươi để bù lại cho Bồng Nga những nỗi thiệt thòi bấy nay, theo ý nàng, chẳng có chi là quá đáng.
Nam Trân nhận ra ý nghĩa sâu xa của sự hi sinh, lấy làm vui vẻ.
Nàng quay lại, hỏi cung nhân:
- Người tuổi trẻ, hôm qua ngồi uống rượu với tướng công , già thấy thế nào?
- Vì là quý khách nên ngu hèn này không dám đường đột.
- Bây giờ phỏng gặp Hoàng tử Chế Bồng Nga già có nhận được chăng?
Cung nhân rụt dè, không đáp.

Nam Trân hiểu ý:
- Già còn ngờ vực là vì chưa rõ lòng tôi…
Gương mặt ngọc bỗng nhuộm mầu hồng.
Cung nhân, nắm lấy tay nàng, khẽ hỏi:
- Tiểu thư ý định nói gì?…
- Người khách lạ ấy, theo ý tôi, chính là Bồng Nga Hoàng tử. Tôi tin chắc như vậy nên đang tìm cách giúp đỡ. Người thoát khỏi những tai nạn bất thường.
Cung nhân, ứa nước mắt, tạ ân nàng:
- Tiểu thư có ý tốt như vậy, thực may mắn cho dòng giống Quốc vương tôi! Vâng, tôi có thể nhận được, nếu tôi gặp mặt Ðông cung.
Nam Trân mừng rỡ, hẹn có dịp sẽ cho nữ nhạc sư ngầm ra nhận mặt Bồng Nga.
Lính hầu, vừa lúc ấy, dắt ngựa vào chực dưới thềm. Nam Trân tiểu thư vội thay áo chẽn, đeo cung tên, thắt bảo kiếm ra thành rạo chơi săn bắn.
Lúc nhìn con ngựa bạch, nàng cảm động than thầm:
- Bồng Nga chàng hỡi! Ðôi ta cớ sao lại là hai giống địch thù?
*
* *
Bồng Nga, như chiếc bóng lẻ loi buồn, thẩn thơ trên dấu vết lâu đài của tổ phụ…
Mỗi viên gạch nát, mỗi phiến đá long đối với chàng, là một mảnh đời dĩ vãng tan tành.
Ngậm ngùi, chàng nhìn lớp cổ thụ đồng thời với các tiên vương hào hoa phong nhã, những voi ngựa đá rêu phong, những tháp cao nghiêng lệch, ủ e như bọn người già cả, yếu đau.
Qua sân rộng vắng tanh, lau chờm cỏ mọc, chàng bước lên thềm điện chính, tìm những ảnh tượng thân yêu trong khoảng mái long, tường sập, sau vẻ son nhạt vàng phai.
Mối cảm hoài nung nấu lòng chàng như lửa cháy ngầm trong đống trấu. Chàng ngồi xuống một đoạn cột đá to, khuỷu tay chống gối, bàn tay đỡ cằm, tia mắt xa xôi mơ mộng…
Không khí quanh mình chàng nặng nề cái cảm giác chết, cái chết âm thầm dưới những nụ cười hoa muộn, nắng thu.
Một tiếng rẵng hắng sau lưng; Bồng Nga quay lại…
Nam Trân – vì chính nàng – giơ tay trỏ vòng quanh trước mặt, đoạn hỏi Bồng Nga:
- Lớp tuồng thành bại phải chăng đã làm nát ruột anh hùng?
- Vâng, buồn lắm thực! Cảnh này, ai dám bảo là di tích một kinh thành lớn lao, thủ phủ một quốc gia hùng mạnh? Ai dám ngờ rằng, đã một thời, một dân tộc đô hội sống hở đây? Những bức tường xiêu đổ, năm tháng gặm hầu mòn, đã ủ ấp, che đậy bao vẻ sa hoa tráng lệ, đã chứng kiến bao sự đắc ý kiêu căng, đã lắng nghe bao tiếng cười ròn chen lẫn cung dờn giọng hát! Những gạch đá bộn bề nọ trước kia là lầu các thâm nghiêm. Những cây bùm tum đã che mát cho bao nhiêu sắc nước hương trời…
Mà nay, cả một đế kinh, chỉ còn trơ lại thế thôi, cả một nền uy vọng hiển hách chỉ còn lưu được một chút ghi nhớ lờ mờ…. Ðiện chúa, cung vua làm nơi hò hẹn của thằn lằn, các kẹ!
Nam Trân nhìn Bồng Nga một cách ý tứ:
- Bọn ta là người thường, đối cảnh hoang tàn, còn có những ý nghĩ man mác như vậy. Chẳng rõ những bậc hoàng thân quốc thích Chiêm Thành, mỗi khi tới đây, tấm lòng bi kim tích cổ nung nấu biết chừng nào?
- Tiểu thư nói rất phải! Với các bậc ấy, cảnh này có thể gọi là cái mả lớn chôn vùi hy vọng…
- Lại như ông hoàng vong quốc Chế Bồng Nga, nếu đứng vào địa vị hiệp khách lúc này, người sẽ cảm tưởng ra sao?
Bồng Nga, làm bộ điềm nhiên hỏi:
- Tiểu thư có biết hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Không, tôi không được biết người, nhưng nghe nói đến người nhiều lắm.
- Ý kiến tiểu thư đối với ông hoàng xấu số ấy ra sao?
Cúi đầu, Nam Trân nín lặng. Dưới nắng thu, sắc mặt nàng phơn phớt vẻ hoa đào…
- Hiệp khách hãy cùng tôi thử vào trong cấm điện này xem…
Nói đoạn, Nam Trân thướt tha lên trước, Bồng Nga đủng đỉnh theo sau..
Mỗi bước chân giày xéo lớp tro tàn là một mối thương đau cho người tuổi trẻ.
Khi tới thâm cung, nơi mẫu hậu chàng tử tiết, mười lăm năm về trước, Bồng Nga đành chịu, không ngăn nổi thương tâm.
Nam Trân nhìn lại… bốn mắt gặp nhau… yên lặng.
Trên ngọn tường rêu , đôi chim gâu cất tiếng khúc ái ân đột ngột giữa vùng hiu quạnh.
Nam Trân, gượng một nụ cười, hỏi riễu:
- Tôi tưởng anh hùng không nước mắt?
- Tiểu thư bỏ lỗi, tiểu thư nghĩ vậy là lầm, anh hùng nào phải giống vô tình.
- À ra thế! Nhưng này, người anh hùng, người có nhớ tôi là ai chăng?
Bồng Nga khảng khái:
- Có, tôi nhớ lắm! Tôi nhó tiểu thư là con gái Ðỗ tướng công, một thù nhân của nước tôi. Dầu vậy, dầu tiểu thư với tôi là hai kẻ địch, nhưng mối sầu chánh đáng của người lưu li, vong quốc này tưởng chẳng khi nào để cho một vị giai nhân có lượng như tiểu thư phải mếch lòng….

Không những tôi không thù ghét mà, trái lại, tôi còn muốn giúp đỡ người tránh khỏi những sự nguy hiểm nó chờ người ở đây.
- Tiểu thư nói gì, tôi không hiểu…
- Người chóo giấu tôi. Ta đối với nhau cần chi phải dùng nhữngmánh khoé tầm thường. Vả, người giấu cũng không kịp nữa. Bài hát kia đủ cho tôi biết rõ lý lịch của người rồi.
- Thưa tiểu thư, đó chỉ là một bài hát….
- Phải, chỉ là một bài hát, tôi có cãi đâu, nhưng là bài trường hận của người, của hoàng tử Chế Bồng Nga.
Chàng ngạc nhiên, kinh hãi.
Nam Trân ôn tồn:
- Hoàng tử ơi, xin chớ bận lòng. Tôi chưa rõ tung tích của người mà rằng, một khi tôi đã biết, người có thể tin ở sự tận tâm của tôi.
Bồng Nga cảm động:
- Tiểu thư sẵn lòng thương xót kẻ bất hạnh này đến thế ru?
- Tôi không dám ngạo mạn thế. Nhưng, thực tình, tôi không muốn để cho hoàng tử phải lâm bước khốn cùng…
Nắm lấy tay Nam Trân, Bồng Nga thổn thức:
- Nam Trân! Những lời nàng vừa nói đó khiến tôi nhẹ hẳn nỗi lòng. Nam Trân hãy lắng nghe chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ dưới nắng thu, hãy trông mặt trời tà lấp loáng bên kia rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người nhu Nam Trân… Nước đại nam nêú là thù địch của tôi, vì đã sinh ra Nam Trân, một nàng tiên rất an ủi, rất nhân từ…
Nam Trân nghe những lời nói ấy như nghe một khúc đờn. Ái tình thấm thía tim nàng như những giọt sương tưới bông hoa phơi dưới nắng chiều.
- Hoàng tử ơi, người có thể cho tôi biết rằng từ sau khi lìa bỏ quê hương, người đã phiêu lưu những chốn nào chăng?
- Phong trần lắm rồi, nàng ạ. Phàm chốn nào tấm thân phóng trục có thể ẩn núp lần hồi được, tôi đều qua cả. Tháng ngày tha mối hận trường lênh đênh thêm một bước đường một đau!
Nam Trân ngậm ngùi. Nàng cảm thấy một sự thương xót vô cùng. Nàng chỉ muốn bảo chàng: “Ðồng bào em đã khiến chàng vong gia thất thổ, em xin đem cuộc đời em bù lại cho chàng những nỗi thiệt thòi. Từ nay, trên đường mai sau, chàng sẽ không phải như chiếc nhạn lạc đàn; em sẽ theo chàng, sẽ cùng chàng ca khúc ái ân để quên hết nỗi nhọc nhằn, mưa nắng. Chàng vui đi…”
Hai người im lặng trong khung cảnh rực rỡ buồn. Hai trái tim, xa hẳn sự cạnh tranh, sự thù oán, thổn thức vì những cảm tình cao thượng sâu xa.
Mặt trời lặn. Giải núi tây, như con rồng biếc vẫy vùng trong đám lửa hào quang. Những cánh rừng xa thăm thẳm mờ mịt sương chiều. trên mặt đồng phẳng lặng, tuyệt mù không một bóng vang; có chăng từng quãng lâu lâu, một trận gió đưa, ngàn lau rào rạt như lũ oan hồn than tiếc một ngày sáng sủa đã tàn.
Bồng Nga thốt hỏi Nam Trân:
- Thời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng? Hay, rút cục, chỉ là một giấc chiêm bao…
- Dù chỉ là một giấc chiêm bao, tôi tưởng cũng đủ lắm rồi!
Bồng Nga thở dài.
Nam Trân tiếp:
- Hoàng tử lại không biết đó sao? Hai chúng ta chẳng qua là hai mối đau khổ do sự thù oán của hai dân tộc gây nên.
Bồng Nga nhìn nàng, hai gương mặt cùng thiểu não…
…Bóng đêm trộn lẫn cả vật sắc chung quanh.
Mặt trăng nhẹ nhàng lên cao, toả ánh mờ xanh xuống những tường trơ, cột gẫy. Con chim từ quy bắt đầu ráo rác gọi đàn…
Nam Trân nói:
- Hoàng tử ơi, hai ta nên ra khỏi nơi này. Số phận của đời Nam Trân, từ đây, thế là quyết định.
Trái tim như thắt lại, Bồng Nga sẽ ép Nam Trân vào lòng hỏi:
- Nam Trân không thể là vợ tôi?
Nàng ngậm ngùi:
- Nhưng, chàng có thể là người dân của nước Ðại Nam chăng?
Nói dứt câu, nàng bỗng vùng chạy ra sân cỏ rậm, tháo cương ngựa, nhảy lên yên, xuống núi.
Trơ lại với muôn nghìn cảm giác, chàng ngơ ngẩn trông theo…
Dưới ánh trăng, bóng Nam Trân mỗi lúc một mờ, xa…
*
* *
Ra khỏi nơi tàn phá đã xa rồi, Bồng Nga vẫn thấy trái tim rung động. Chàng như còn trông rõ cặp mắt của Nam Trân, cặp mắt trong sáng, tinh đời lại chan chứa mơ màng, thương xót. Tai chàng còn văng vẳng giọng nói du dương, nâng giấc và an ủi của thiếu nữ nhân từ . Bao nhiêu niềm đau, nỗi khổ trong lòng chàng, lúc ấy, tan đi như âm khí chốn hang sâu hé chút ánh dương. Những sự thù oán cũng dịu dần. Sau cái hình ảnh Nam Trân êm đềm, mỹ lệ, dân Ðại Nam không phải là một cừu địch tham tàn, hung ác nữa, chỉ là một dân kiêu dũng đã phạm vào sự tự do của người Chiêm Thành, đã làm mất cái quyền thiên liêng tuyệt đối của dân chàng, mà nay, chàng cần phải đời lại cho kỳ được, thế thôi. Việc khu trục dân Nam ra ngoài bờ cõi Chiêm Thành cũng chỉ còn là việc gây dựng lại sư thăng bằng giữa hai quốc gia hùng mạnh. Quan niệm của Bồng Nga đã thay đổi và lên cao được một tầng thì tâm linh chàng cũng theo đó mà bình tĩnh sáng suốt hơn.

Con đường chàng đi cứ chạy thẳng băng trước mặt, giãi ánh trăng trong. Giữa đêm trường yên tĩnh, chim từ qui ra rả, ve cuối mùa nỉ non, gió thoảng ngàn cây, run kêu nội cỏ, vạn vật như thiết tha cầu khẩn chút tình yêu…
Tâm hồn chàng là một bài thơ ân ái, thiên nhiên cũng là một bài thơ ân ái, hai bên cùng hoà theo một điệu say sưa…
Bồng Nga đi dưới ánh trăng, yên lặng cho linh hồn cảm thông với sự vật. Trong đời chàng, có lẽ Bồng Nga được biết lần này là một cái hạnh phúc tuyệt vời.
Nhưng, chàng bỗng giật mình…
Một người từ bụi rậm bên lề đường nhảy ra, gọi:
- Hoàng tử hãy thong thả!
Người lạ gọi bằng tiếng Chiêm Thành, có vẻ khác thường bí mật. Bồng Nga dừng bước, một tay nắm sẵn lấy chuôi gươm.
Phục xuống lạy xong, người lạ mặt hỏi chàng:
- Ðức ông quên tiện tốt rồi chăng?
- Không, nhưng hình như ta đã gặp nhau ở đâu một lần thì phải…
- Bẩm hai lần.
- Ðâu nhỉ?
- Lần thứ nhất, cách đây mười lăm năm, khi hoàng tử xuất bôn lánh nạn, chính tiện tốt đã theo hầu bên ngựa khỏi ngoài mưòi dặm tràng đình…
Bồng Nga cau lông mày, thờ dài:
- Ta nhớ rồi, thế còn lần sau?
- Lần sau, khi đức ông sai thượng tướng Bố Gia Luân từ làng Bản về đây chiêu mộ dũng sĩ, tiện tốt được theo hầu Bố tướng quân.
- À phải!… Nhưng, sao ít lâu nay ta không được tin tức gì về Bố Gia Luân cả?
- Thượng tướng Gia Luân đã chiêu mộ được hơn một vạn người, cho tản ra các miền quanh đây phá hoang cấy lúa. Hiện nay lương thảo sẵn, voi ngựa đủ, lại có mẹ tên Dương Nhật Lễ tự Thăng Long vào báo tin nội biến của triều đình nước Nam, chủ súy con, cho là cơ hội đã đến, vội sai con về Bản rước xa giá chúa công.
- Vậy, cớ sao ngươi đón ta chỗ này?
- Về đến làn Bản, tiện tốt nghe nói Ðức ông đi chiêm ngưỡng cố kinh nên vội trở lại đây. Lúc chiều, tiện tốt đã gặp Ðức ông qua con đường này…
- Bố Gia Luânb hiện ở đâu?
- Xin Ðức ông theo con.
- Nào đi?
Hai người lần vào dưới bóng cây to, viên tì tướng đi trước dẫn đường vì Bồng Nga không thuộc lối.
Hai người đi như thế một lúc lâu thì đến một con suối chảy thầm kín giữa rừng.
Một cái mảng nứa buộc sẵn bên gốc cơi to.
Vua tôi đều xuống rồi, chỉ ba mái khoát, mảng đã sang bờ bên kia.
Một con đường mạch chạy men theo bờ suối, thẳng vào rừng. Tới nơi, hai người dừng lại, vì từ nãy đã hết sức đi nhanh, không kịp thở, không kịp cùng nhau nói một câu nào.
Bồng Nga hỏi:
- Gần tới chưa?
- Bẩm đã.
- Sao không vào ngay?
- Vì ở gốc xồi kia còn một tên lính chờ sẵn để báo tin…
viên tì tướng chưa dứt lời, quả nhiên một cái bóng đên đã chạy đến bẫm:
- Xin ngài cứ tiến.
Tì tướng hỏi:
- Không trở ngại gì chứ?
- Bẩm không.
Cả ba vua tôi lại đi… Chỗ này cây cối rậm rạp, Bồng Nga nhìn chung quanh chỉ thấy là một cảnh hỗn độn mịt mù. Chàng luôn luôn vấp phải những vật đen trùi trũi, những cành khô, cây đổ, mắt nhìn lẫn với bóng đêm dầy. Cũng có khi giẫm ph3i hòn đá rêu trơn, Bồng Nga trượt ngã, vùng dậy rồi lại đi ngay, đi liều giũua cảnh vô cùng hắc ám. Ngực chàng lúc ấy thở mạnh, bao nhiêu gân thịt đều hoạt động, bao nhiêu năng lực phấn đấu xung lên, chàng tưỏng như trên đời không còn trở lực gì ngăn nổi sức tiến thủ của chàng.
Qua khỏi rừng, qua khỏi con đường hươu chạy,k lởm chởm gập ghềnh dưới bóng tối nặng nề u uất, ba người nhô ra mặt bãi cỏ tranh.
Hơi thở đẵ dễ, tầm mắt đã rộng, ánh trăng sao đã trả lại cái cảm giác thư thái của tâm hồn.
Nhưng, tiếng chó sủa dữ dội, văng vẳng từ xa, bỗng khiến chang cùng hai tên lính nín hơi. Một khắc dài, mấy thầy trò không nói, không động, lắng tai nghe.
Sự chuyên chú ấy say sưa lạ, nó nhắc lại những cảm giác của ngưòi ta khi còn lạc lõng trong những rừng hoang rậm cổ thời….
Tiếng chó im, sự đìu hiu lại bát ngát, ba thầy trò lại hăng hái vượt đường.
Ði một quãng xa, tên lính mới dừng chân, hú lên một tiếng. Một bóng đen khác nhảy ra.
Mấy tiếng xì xào, đám đông, chừng đã mười phẫn vững dạ, tiến thực nhanh. Con đường lên dốc, quằn quại dưới trăng mờ…

Tới đỉnh cao, bốn ngưòi đứng đợi.
An, hiện dưới ánh trăng lấp ló sau những giải mây đen, cảnh vật lạnh lùng thảm đạm. Ðó đây, một vài gốc thông gày guộc xoã đầu rên rỉ. Xa xa, mấy khóm cây lẩn trong sương lạnh như đàn ma quái chực gieo nỗi sợ hãi cho kẻ yếu linh hồn. Những con rơi rơi to lớn nặng nề bay thấp thoáng như những ý nghĩ tối tăm hiện ra rồi biến mất.
Viên tì tướng để hai ngón tay lên miệng thổi rít ba tiếng đều nhau, ba tiếng gọi lạ lùng…
Tức thời, trong rừng sâu, nổi lên một tiếng rì rầm như sóng biển. Cả một dân tộc đứng dậy, hăm hở phục thù. Họ vậy lấy chân đồi trong khi Bố Gia Luân hấp tấp chạy lên ra mắt hoàng tử Chế Bồng Nga.
Quân sĩ vẫn im lặng.
Gia Luân, chào vua xong, quay lại, giõng giạc bảo mọi người:
- Hỡi binh sĩ! Từ khi vua ta, đức vua nhân từ, minh ch ính, phải Trần Anh Tôn lập mưu lừa bắt, chúng ta thành một bọn yếu hèn vô chủ mà non nước Chiêm Thành trở nên đất phiên thuộc của Nam Man. Ở vào cảnh ngộ ấy, ai có chút nhân tính mà chẳng đau lòng?
“Các ngươi thử ngẫm xem, chúng ta sinh gặp lúc nhiễu nhương, non sông tan nát, ngụy tặc hoành hành, thân tự do biến ra đời nô lệ, kiếp sống thừa còn đâu hy vọng ở mai sau.
“Ta đây, phụng mệnh đức trừ quân, chiêu mộ dũng sĩ, mong gây dựng lại cơ đồ cũ, tạo lại cuộc thái bình hạnh phúc năm xưa, may được các người sẵn lòng khẳng khái, ta xiết bao cảm độnbg. Nhưng nuôi quân ba năm để dùng trong một ngày, các ngươi bấy lâu chắc cũng ngứa gan, muốn cùng ngoại tặc so tài cao thấp, hòng phơi mặt anh hùng dưới đôi vầng Nhật Nguyệt. Cái ngày mong đợi ấy nay đã tới. Cái ngày ta rửa nhục ấy tới nơi rồi. Triều đình nước Nam hiện đang nội biến, cơ hội trời cho ta không nên phí mà rồi ân hận mai sau.
“Chúng ta gắng lên, mạnh mẽ lên, lấy gươm sắc chém ta quốc hận, rỏ máu đào rửa sạch nhục nghìn đời.”
Sĩ tốt nức lòng, tiếng hoan hô vang động cả khu rừng.
Chờ sự kích thích qua, Bố Gia Luân lại nói:
- Hỡi binh sĩ! Quân mà không tướng chẳng qua như hổ không đầu. Vị chủ tướng can đảm, tài năng, nhân từ độ lưỡng sẽ dát các ngươi lên đường vinh quang hiện đã có mặt ở đây! Các ngươi hẳn đang khao khát lắm!
Hết thảy đều một lời:
- Vâng, khao khát lắm.
Gia Luân, trỏ Bồng Nga tiếp rằng:
- Hỡi ba quân, Chúa thượng của ta đâ. Mặt trời của ta đây!
- Vạn tuế!… Hoàng tử Chế Bồng Nga vạn tuế! Ðức Quân thượng vạn tuế!…
Bồng Nga tiến lên mấy bước, nhìn khắp mấy ngàn binh sĩ, hai giọt lệ bỗng từ từ lăn xuống má.
*
* *
Dinh quan trấn thủ Hoá Châu Ðỗ Tử Bình, sớm hôm ấy, có vẻ tấp nập khác thường.
Hình như vừa xảy ra một việc gì nghiêm trọng lắm.
Các hàng văn, võ quan liêu được lệnh vời khẩn cấp tụ cả trước phủ đường.
Ai nấy xì xào hỏi nhau:
- Lạ quá, không biết chuyện gì?
- Giặc Tầu tràn sang chăng?
- Trong triều nội biến chăng?
- Hay có bọn Hời (Chiêm Thành) nào định quấy rối?…
- Có lẽ chỉ quan Ðô tướng biết rõ việc bí mật này.
Trần Thế Hưng lắc đầu:
- Tôi cũng như các ngài vậy thôi… Ta hãy chờ xem.
Thế Hưng vừa dứt lời, cửa phủ đã rộng mở. Ðỗ Tử Bình tiến ra. Trên khuôn mặt cương quyết, đôi mắt sáng long lanh. bộ râu hùm điểm bạc lởm chởm quanh cặp môi dầy.
- Chào các quan.
Văn, võ cúi đầu, kính cẩn.
Ðỗ công nói tiếp:
- Các ngài hãy theo bản chức vào mật thất bàn việc.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Sự gì đã phải bàn trong mật thất thì không những đáng cho ai nấy ngạc nhiên mà còn nên e ngại nữa.
Qua mấy dẫy hành lang vắng ngắt, đám đông tới trước một cánh cửa lim to.
Ðỗ Công thân mở khoá:
- Mời các ngài vào đây.
Gian phòng bí mật mới trơ trụi làm sao! Chính giữa, một chiếc bàn vuông rộng khuất dưới lần nỉ tím buông sát đất. Hai bên song song hai lớp ghế bành. Tất cả đồ trang tiết chỉ có một cái giá cắm chừng mươi đạo binh phù.
Ðỗ Công nhắc lại một lần nữa, giọng thấp hẳn xuống:
- Các ngài vào đây.
Khi văn, võ ngồi yên. Ðỗ công nói:
- Thấy lệnh triệu, các ngài chắc đã đoán có việc chi khẩn cấp và quan trọng lắm. Các ngài quả thực không nhầm…

Ngừng một lát, Ðỗ công tiếp theo:
- Dụ Tôn Hoàng đế gia băng rồi. Nước Ðại nam nhà hiện nay vô chủ!
Các quan thất sắc.
- A!…
- Triều đình muốn tôn Cung Ðịnh Vương, nhưng ý Thái hậu lại muốn lập người con nuôi Cung Túc Vương…
- Lập Dương Nhật Lễ làm vua?
- Phải.
- Nước ta loạn đến nơi rồi! Ðem con một đứa ả đào tôn làm chủ một nước lớn. Ngai rồng còn chi là thể thống tôn nghiêm!
- Các thân thần cũng nghĩ thế nên đồng lòng phản đối và quyết trừ Dương Nhật Lễ, rước Cung Ðịnh Vương lên ngôi.
Ai nấy hớn hở:
- Có thế chăng!
Ðỗ Công vẫy tay:
- Các ngài chóo vội mừng. Việc trong Triều chưa định xong thì ngoài biên trấn này đã bắt đầu hữu sự.
Các quan kinh ngạc.
- Nhật Lễ chưa hẳn nguy, mẹ nó lại trốn vào đây, có ý kết liên và xui giục Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn.
Thế Hưng mỉm cười:
- Xui Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn?…
Ðỗ Công vội ngắt:
- Tướng quân chớ coi thường. Binh pháp có câu: “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng” Hoàng tử Chế Bồng Nga là bậc thiếu niên anh dũng, dân Chiêm Thành lại là dân yêu chuộng tự do. Nay, nếu vua tôi đồng lòng, quyết cùng ta liều chết để thu lại giang sơn cũ, các ngài tưởng là việc chơi đó sao?
Thế Hưng ngờ vực:
- Nếu quả như lời Tướng công nói thì kể cũng đáng lo. Chỉ e là câu chuyện hoảng báo của lũ thám tử gà mờ….
Ðỗ Công nghiêm sắc mặt:
- Tướng quân nên tin lời lão phu nói mới được. bọn thám tử dẫu chưa biết đích chỗ ẩn núp của con đàn bà phản quốc, dẫu chưa tìm ra tung tích Chế Bồng Nga nhưng có thể quả quyết sự hội kiến hai bên là đích thực rồi. Bản chức không những yêu cầu tướng quân tin chắc sự đó., lại còn muốn phiền tướng quân một việc khó khăn…
Thế Hưng khẳng khái:
- Ðược tướng công sai bảo, tiểu tướng dù chết cũng vinh.
- Biết coi việc quốc gia làm trọng, tướng quân thực là người trung nghĩa đáng khen, cứ như hiện tình, việc bắt con ả đào kia là việc cần nhất, có thể nói là việc sinh tử của nền đô hộ ta mới gây dựng trên di tích Chiêm Thành. Vậy, tướng quân nên tức khắc cùng mươi tên dũng sĩ tìm xem nó lẩn lút chỗ nào. Nhận được giấu vết của con đàn bà ấy, ta có thể mưu bắt cả Chế Bồng Nga.
- Xin vâng lệnh.
- Hãy thong thả. Tướng quân nên thận trọng lắm mới khỏi lỡ việc. Như khi dò biết mụ kia ở đâu rồi, tướng quân nên ập vào bắt cho kỳ hết bọn nó, đừng để thoát đứa nào. Tướng quân sẽ ép nó viết thư mời Bồng Nga lại bàn việc. Nếu Bồng Nga đến, ta bắt luôn. Nếu hắn không đến thì, ít nhất, ta cũng biết rõ nơi tìm.
Mọi người gật đầu, khen diệu kế.
Ðỗ công kết luận:
- Còn nhu các ngài đây, xin hãy sẵn sàng chơ đối phó với hết thảy mọi việc bất thưòng. Tôi sẽ hạ lệnh giới nghiêm và truyền đóng cổng thành ngay từ bây giờ.
Văn, võ cúi đầu vâng theo.
Ðỗ Công ra hiệu giải tán hội đồng.
Các quan vừa đi khỏi, một cái bóng đen bỗng từ dưới gầm bàn đứng dậy. Người bí mật lắng tai nghe đoạn lấy chiếc thìa khoá riêng mở cửa lẻn ra…
Trong phòng khuê, Nam Trân bồi hồi lo sợ.
Nàng, tuy chưa hiểu rõ truyện gì, tự nhiên, có cái linh cảm chắc chắn là cuộc tụ họp bất thường kia liên lạc một cách nguy hiểm tới Bồng Nga.
Phải, nguy hiểm lắm!… Một người thành thực như chàng làm sao tránh khỏi những mưu gian kế độc quanh mình.
Nàng tưởng tượng lúc Bồng Nga bị bắt, bị gông đóng tróng mang, bị thảm hình, lăng nhục chán chường rồi bị ném vào xó tù lạnh lẽo. Tấm thân hồ hảicòn mong chi đạp gió tung mây; đành ngồi trơ lại đấ, ngồi trơ lại với muỗi, với rệp, với trăm nghìn mối thất vọng giết ngưòi, chờ ngày phó thác mảnh hình hài cho lưỡi gươm chuyên chế.
Trên đời, đến nông nỗi ấy là cùng cực.
Nam Trân thở dài…
Trí tưỏng tượng lại đưa nàng về cuộc gặp gỡ dưới nắng thu, trong cảnh hoàng tàn lặng lẽ…
…Nam Trân hãy lắng nghe tiếng chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ chiều hôm, hãy trông mặt trời tà lấp loáng sau rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người như Nam Trân. Trời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng hay rút cục chỉ là một giấc mơ chiêm bao?…
Mấy câu chàng nói, Nam Trân tự nhiên nhắc lại rồi hai hàng lệ nóng bỗng tràn ướt cặp má đào…

Giữa lúc ấy, nữ nhạc sư hấp tấp chạy đến bên cạnh nàng, thở chẳng ra hơi.
Trái tim ngừng hẳn lại, Nam Trân đứng phắt dậy, hỏi dồn:
- Cái gì thế?
- Nguy to rồi, tiểu thự ạ!
- Nguy làm sao?
Người cung nữ thuật đầu đuôi câu truyện đã lỏm nghe trong mật thất, đoạn vừa khóc vừa kết luận:
- Tiểu thư nghĩ cách nào cứu vớt lấy tính mệnh hoàng tử Bồng Nga, chứ nếu không….
- Trời ơi, nếu không thì…
- Chiếc thân lưu lạc sẽ bị tan tành…
Nam Trân, mặt tái ngắt, luống cuống hỏi mụ già:
- Làm thế nào…
- Vâng, biết là thế nào bây giờ?… Quan Ðô tướng đã kéo quân đi truy nã. Khắp thành trì đã có lệnh giới nghiêm…
Nam Trân để tay lên ngực như muốn giữ lấy trái tim. Nàng rền rĩ:
- Trời ơi! Xin trời thưong lấy khách anh hùng!…
Một phút lặng yên thảm đạm.
Tấm lòng nàng thơ ngây đa cảm, lúc ấy, lã bãi chiến trường của hai mối tình trái ngược cùng mạnh mẽ và cùng thâm thiết như nhau…
Nàng chu toàn cho Bồng Nga ư? Thì phụ thân, thì tổ quốc, thì cả cái quyền lợi của dân tộc Ðại Nam, nàng tính sao? bỏ mặc Bồng Nga với số phận hẩm hiu. Thì… thì….
Bồng Nga chàng hỡi!… Chàng có thấu tình?….
*
* *
Giữa gò đất sỏi, cách phía tây thành Ðồ Bàn chừng bốn dặm xa, một ngọn tháp cao nổi đột ngột trên đám lau vàng.
Gặp những buổi chiều đông u ám, cảnh vật đìu hiu, cái buồn tiêu diệt thấm thía linh hồn, ngọn tháp chơ vơ kia thực là hình ảnh sự tín ngưỡng thiết tha của loài người đau khổ, muốn bay thấu đấng Từ bi.
Xây nên và bỏ hoang lâu ngày, tháp nọ, cũng như hết thẩy mọi công nghiệp của người ta, đã bị Thời Gian, và Thiên Nhiên ngấm ngầm hủy hoại.
Những dây truờng xuân, những dây đinh cấy, bám vào kẽ mạch, leo lên tặn nóc, cố đem cái mau xanh thiên cổ che lấp nét tài hoa của nhân loại in trên mặt đá vô tình. Chỗ nào không bị phủ kín thì gió mưa làm cho đến mòn mõi, phôi pha. Những đầu rui chạm trổ, những bức phá phong hoa mỹ lở gẫy dần, bừa bãi trên sân cỏ rậm.
Trong các khung cửa, các hốc chạm, những loài bồ các, rơi rơi kéo nhau đến làm tổ ở, mừng thầm được chốn an thân.
Nhưng đêm hôm ấy, ánh lửa mập mờ, và những tiếng xì xào dưới hầm đưa lên, khiến chim, thú, khiến cho cả sự lặng lẽ mọi khi phải kinh ngạc.
Hầm không rộng lắm, thêm ẩm ướt tanh hôi. Dưới ánh lửa rễ thông chập chờn bốn ngưòi dị dạng, ngồi sát cánh nhau, đang bàn tán một truyện gì bí mật.
Người ngồi phía trong, nhìn ra cửa hầm, ăn vận một cách quái gở. Cả khuôn mặt bị che lấp dưới chiếc khăn quàng đỏ thẫm, chỉ hở một đôi mắt long lanh. Bên tả người ấy, một thanh niên tráng sĩ da đen, râu rậm; còn bên hữu, một tướng già gầy guộc khô khan. Người thứ tư, vì quay lưng trở ra, dung mạo khuất hẵn.
Cả bốn người rì rầm bàn tán, thỉnh thoảng yên lặng giờ lâu…
Viên tướng già nhìn khắp cử toạ rồi, giọng thấp hẳn xuống, như ai nói bên giường bệnh, hỏi người phía trong:
- Bà đã viết thư cho Dương Công rồi?
- Phải.
- Ngộ thư không tới nơi?
- Nếu thư không chắc tới, sao tội lại mời các ngài đến đây bàn việc?
- Bà lấy gì làm chắc?
- Bức thư ấy do một người thân tín của tôi mang về. Ngưòi ấy, trừ phi có bị giết chết ngang đường mới để lỡ việc của ta.
- Còn đại sự thì cứ nhất định như thế chứ?
- Nhất định.
- Bàn tính kỹ chưa?
- Kỹ lắm. Triều đình nước tôi có ý tôn Cung Ðịnh Vương lên ngôi, nhưng ông ta là nguời nhu nhược, không phải tay đối thủ của Ðúc ông đây. Vả, hiện giờ, Hồ Quý Ly chuyên quyền, văn võ trăm quan chia bè kết đảng họ nghi kỵ ganh ghét nhau là rất hay cho ta.
- Nghĩa là chúng tôi cứ việc lặng yên đem chiến thuyền ra Bắc, vào cửa Ðại An rồi, bất thần, kéo lên đánh phá Thăng Long?
- Chính thế. Vua tôi nhà Trần sẽ giở tay không kịp, sự thắng bại ta có thể nắm chắc mười phần.
- Kế ấy đã đành rất hay, nhưng tôi vẫn ngại sự nội ứng.
- Chắc chắn lắm rồi.
- Còn mặt bộ?…
- … chỉ cần một toán quân mai phục chặn đường, không cho Ðỗ Tử Bình về Bắc là đủ. Thăng Long mà vỡ, Ðồ Bàn, sau một trận nhỏ, có thể khôi phục được ngay.

Viên tướng già quay lại hỏi người phía ngoài:
- Chúa công nghĩ sao?
- Bồng Nga (vì đích chàng) chưa kịp đáp thì, tự cửa hang, thốt vọng vào một tiếng ống lệnh nổ.
Như bị điện giật, ai nấy đứng phắt lên.
Một tiếng lệnh thú hai.
Rồi, trong hầm sâu, mấy tiếng báo hiệu vang lên, thảm đạm:
- Có giặc!…
Với bọn võ tướng, hằng trải gian nguy, một phút ngồi yên không phải là sự nghĩ ngơi.
Gươm, nỏ lúc nào cũng sẵn bên mình.
Vừa nghe quân canh báo giặc, hết thẩy đứng dậy, nhu đàn mãnh hổ, mắt sáng quắc, tai lắng nghe.
Giữa khoảng yên lặng, tiếng chân ai chạy gấp trên mặt sân.
Phút chốc, trong khung cửa lờ mờ sáng, một người hiện ra:
- Có giặc!… Ta bị vây rồi!…
Hai tiếng ống lệnh vừa nổ là của tên lính canh ấy.
Bồng Nga thét:
- Tắt lửa đi! Sĩ tốt bên ngoài vào cả đây. Chớ xung đột vô ích, vì đổ máu lúc này là thừa.
Mọi người răm rắp, tỏ ra sự nguy biến rất quan trọng.
Quân sĩ chen nhau vào hầm.
Bồng Nga, hiểu rõ đưòng lối trong hầm, dẫn quân chạy trốn.
Nhưng, về phía trước, bỗng có tiếng thì thào và tiếng gươm giáo va nhau.
Vội giang hai tay cản bọn theo sau, Bồng Nga khẽ nói: “Ðứng lại!”
Cùng lúc ấy, tiếng hô: “Bắn!”
Một lượt hoả hổ bùng lên.
Nhìn thoáng quân sắc đại Nam, Bồng Nga cũng hô: “Bắn1”.
Một trận mưa bấc, một tia chớp loè. Ba tên quân Chiêm Thành chết ngay.
- Ðường tụy đạo nghẽn rồi. Muốn thoát chết phải ra rừng. Quay lại!
Quân Nam lại bắn.
Ðằng này, theo lệnh của Bồng Nga, chạy lộn ra phía cửa hang.
- Sẳn sàng cả đấy chứ?
- Bẩm, sẳn sàng cả.
- Quái, không hiểu sao chúng nó biết ta ở đây!
- Chắc có nội phản!
- Mặc lòng. Ðã đến nước này, không liều không được. Các ngươi nên nhớ rằng nếu ta bị bắt, kẻ thù sẽ không để sống một người nào. Cũng là chết, ta nên trọn cái chết của người chiến sĩ.
- Xin tuân mệnh.
- Tiến! Tiến lên và cho quân thù biết mặt anh hùng!…
Quân sĩ đồng thanh:
- Tiến!
Ðang chạy, Bồng Nga giật mình, vì chàng thoáng ngửi mùi khói toả:
- À!… Quân này dễ nó hun bọn ta!
- Thì ta phải cho nó biết ta là hùm thiêng!…
Khói mỗi lúc một dầy đặc; ngoài cửa hang, lửa cháy tưng bừng.
Chỉ còn mươi bước.
Bồng Nga đã nhìn thấy gươm dáo của bên địch lập loè.
Chàng nghiến răng, trợn mắt, hăm hở muốn xông ra. Bỗng có người nắm áo chàng lôi lại.
- Kìa! Bố Gia Luân! Sao cản ta?
- Chúa công đừng mạo hiểm…
Bồng Nga gắt:
- Thế ngươi muốn ta hàng giặc à?
- Không phải thế?
- Hay trốn?
- Chúa công nên nguôi giận. Anh hùng phải nên rõ chữ quyền biến. Chúa công hiện nay là hy vọng của một dân tộc, là linh hồn của ba quân, tấm thân nghìn vàng ấy, há nên quăng vào nơi miệng hùm nọc rắn hay sao? Giặc đến đây, chủ ý bắt Chúa công. Nhân nó chưa tường mặt, tôi xin bắt chước Kỷ Tín khi xưa, chết thay vua Cao Ðế…
Bồng Nga cảm động:
- Tướng quân trung nghĩa như vậy, ta xin ghi nhớ bên lòng. Nhưng…
Tiếng reo ngoài cửa hang như sóng cồn đất động…
Bố Gia Luân hăng hái:
- Việc gấp lắm rồi! Chúa công hãy tìm lối thoát thân, đừng để tôi phải chết uổng.
Dứt lời, viên tướng già nhẩy xổ ra ngoài sân, thét:
- Lũ giặc kia!… Muốn xem mặt Chế Bồng Nga thì lại đây!….
Vùua nói vừa sấn vào giữa loạn quân, tung hoành chém giết.

Cảnh xung xát không sao tả được. Tiếng quát mắng, tiếng rên la, tiếng đao, thương, tiếng cung, nỏ vang động một vùng hiu quạnh.
Hai quân áp lá cà trong bầu không khí xặc mùi khói lửa ngã, dậy, lại ngã; thấp thoáng giữa muôn nghìn ánh gươm lia…
Tráng sĩ, đứng cạnh Bồng Nga, nói:
- Nhân lúc này, Chúa công nên tháo mau.
- La Khải! Ta nở nào bỏ Gia Luân, một vị lão anh hùng!…
- Chúa c6ng nếu nghĩ vậy, giang sơn Chiêm Thành không mong gì tái tạo được nữa đâu! Phải đi, đi ngay mới kịp….
- Thế còn lão phu nhân đây?
La Khải cau mày ngẫm nghĩ…
Mụ già hoảng hốt, níu lấy tay áo Bồng Nga:
- Chúa công ơi!… Chúa công… cho già này theo… Ðỗ tử Bình mà bắt được già này thì!…
La Khải trợn mắt, hẩy mụ già xuống đất … một nhát gươm… Một tiếng thở dài…
- La Khải! Sao ngươi tự tiện…
- Bẩm chúa công, lúc này không thể bìu dín được. Ốc chưa mang nổi mình ốc, còn hơi sức đâu mang rêu. Chúa công cho mụ theo đi, tôi e lỡ đến mình rồng; bỏ mặc lại với quân Nam cẩu, việc lớn của ta còn gì!
Nói đoạn, tráng sĩ nắm tay Bồng Nga, cùng chạy lẩn vào đêm tối…
Trên mặt sân, cuộc chém giết vẫn hăng…
*
* *
Chế Bồng Nga băn khoăn hết đứng lại ngồi. Lắm lúc chàng lo ngại, không biết sứ giả có trót lọt chăng. Lắm lúc chàng vui sướng tưởng đến vẻ mặt của Nam Trân khi nhận được thư chàng, vẻ mặt cô gái Ðại Nam mà chàng đã đoán rõ tấm lòng thương xót hâm mộ đối với khách anh hùng luân lạc. Cũng có lúc chàng buồn rầu mơ mộng, vì cuộc gặp gỡ êm đềm của Nam Trân với chàng không hi vọng gì có một sự kết liễu tốt tươi.
Chàng thở dài, ngẫm nghĩ:
- Bỗng không vưóng phải lưới tình rồi ra, vớ mối sầu vong gia thất thổ biết đâu lòng ta chẳng đeo thêm một sự tuyệt vọng chua cay!
Như đáp lại cái bối rối của chàng, một mụ già gánh đôi bồ lớn từ dưới chân gò đi lên bỗng cất tiếng hát…
Trái tim của Bồng Nga nhẩy lên thình thịch; chàng nhìn chăm chú người đàn bà gày ốm có lẽ đã được giáp mặt Nam Trân và sắp kể truyện nàng.
Mọi việc đã trôi chảy đứng như dự tưởng của Bồng Nga. Chế Bun, tên mụ già, lợi dụng sự tin cẩn mà từ quan Trấn Thủ đến anh lính quèn vẫn gửi ơ mụ, một người vẫn cung những món hàng vặt cho tiểu thư Nam Trân, đã len lỏi vào tận trong nội phủ giữa lúc toàn thành đang có lệnh giới nghiêm.
Trong các thứ hàng vặt Chế Bun bày la liệt trên bàn. Nam Trân để ý đến một cái hộp ngà chạm chổ rất tỉ mỉ. nàng cầm lấy chiếc hộp, vân vê xem từng nét chạm. Ðường soi, và, sau khi đã ngắm chán chê, nàng hỏi Chế Bun lấy thìa khoá để xem bên trong hộp ngăn nắp ra sao. Chế Bun giả cách tìm một lát, sau cùng mụ nói trót để quên thìa khoá ở nhà và xin phép về tìm. Nam Trân ưng thuận. Mụ già xếp các vật vào bồ, quảy gánh bước ra.
Một lúc sau, Nam Trân đang nóng xem bên trong chiếc hộp ngà thì tên thị nữ cầm chiếc thìa khoá bằng bạc vào trình, nói rằng mụ Chế Bun gửi lính canh đem dâng tiểu thư vì mụ còn giở chút việc cần nên không vào hầu ngay được.
Nam Trân không để ý tới sự nhỏ mọn đó. Nàng tức khắc mở hộp. Tên thị nữ biết tính Nam Trân không thích có người đúng quanh mình những khi nàng không có lệnh gọi, khẽ khẽ lẻn ra.
Trong hộp ngà, Nam Trân thấy chỉ có một mảnh hoa tiên gấp nhỏ.
Nam Trân cảm động và đoán ngay ra sự gì bí mật. Nàng thổn thức, cất lấy tờ giấy mở ra xem:
Nam Trân tiểu thư.
Ðang khi mắc cạm trong hầm tháp cổ, tôi có ngờ đâu còn được viết bức thư này.
Tiểu thư ơi, từ hôm gặp nhau trong cảnh hoang tàn miếu điện của tổ phụ tôi, tôi đã nhận thấy, tuy tiểu thư chẳng nói ra, tấm lòng thương xót của tiểu thư đối với kẻ xấu số này. Tôi thực cảm động vì mối tình thâm thiết ấy của tiểu thư. Nhưng ở đời, con đường tình ái cổ lai vẫn là con đường gai góc. Tôi, lúc này, cần phải lo trả nợ Non Sông, cùng với người Ðại Nam một phen sống chết. Thế thì, với tiểu thư, ngoài tấm lòng thờ kính riêng để tronglòng, tôi công nhiên là một kẻ thù vậy. Ðó thực là một sự đau lòng, nhưng biết làm thế nào!
Có một điều này, một cái ân lớn tôi muốn cầu xin tiểu thư, nhưng chẳng biết tiểu thư có vui lòng ban cho: đêm nay, tôi muốn được gặp tiểu thư để nói mấy lời cảm tạ, và, trước khi đem thân dâng cho xã tắc, để cùng tiểu thư vĩnh biệt lần cuối cùng.
Cuối canh hai tôi đến. Tiểu thư an tâm, không phải lo cho tính mệnh của tôi, vì đường lối trong thành tôi đã thuộc cả.
Chế Bồng Nga.
Nam Trân liếc mắt nhìn quanh, hoảng hốt. Nàng tưởng chừng hể quay đầu lại thì Bồng Nga đã ở sau lưng!
Trong lúc Nam Trân hồi hộp với phong thư ấy, thì Bồng Nga đang lắng tai nghe mụ già kể lể.

Khi đã hỏi đi hỏi lại về Nam Trân, Bồng Nga mỉm cười cho mụ già lui rồi trở vào trong lều tranh gọi các tướng ta lại bàn việc.
Mọi người vừa hội họp đông đủ, Bồng Nga cất đặt phận sự ai nấy xong lập tức truyền thắng ngựa. La Khải giật mình vội hỏi:
- Chúa công đi đâu?
- Ta phải về Ðồ Bàn có việc khẩn cấp.
- Chết chửa! Chúa công đi sao được? Ðồ Bàn hiện nay canh phòng nghiêm ngặt lắm. Trời lại sắp mưa bão to, chúa công mạo hiểm như vậy e có sự không hay.
Bồng Nga nhìn xa phía chân trời thì quả nhiên cơn giông sắp tới thực. Mặt bể gầm thét và dềnh lên rất nhanh tuy chưa đến giờ thủy triều. Trên cao, mây đen chạy vùn vụt, nối nhau vô cùng vô tận. Gió mỗi lúc một nhanh, một mạnh, tàn bạo, hung hăng như muốn cuốn lôi hết thảy vào trong cơn lốc.
Bồng Nga điềm nhiên nói:
- Mặc! Ta phải đi!
*
* *
Từ lúc xem thư của Bồng Nga, Nam Trân ngồi đứng không yên.
Yêu, thương, lo, sợ, bấy nhiêu tình cảm xôn xao, ray rứt tâm hồn nàng.
Giữa những phút bồi hồi ấy, nữ nhạc sư bỗng tự ngoài vào, băng khoăn lo ngại.
- Thưa tiểu thư, chẳng hay những chậu hoa có cần phải cất vào không ạ?
Nam Trân hỏi:
- Tại sao phải cất?
- Thế tiểu thư không xem chiều trời đó ư? Sắp có cơn bão to lắm, có lẽ đổ cây nước cũng nên.
Nam Trân, nghĩ đến Bồng Nga, hoảng hốt.
- Trời ơi, thực vậy sao? Nguy lắm đấy nhỉ?
- Với tiểu thư ngồi tốt trong dinh thì chẳng việc gì; nhưng, với những dân sự ngoài thành hoặc những kẽ bận công việc phải đi ra đường, cơn bão này nguy hiểm lắm.
- Già tin chắc như vậy chứ?
- Bẩm chắc lắm. Tiểu thư có nghe đấy không?
- Cái gì?
- Rặng phi lao ngoài bờ biển.
- À nhỉ, nó rền rĩ ghê gớm lắm, mà đó chính là cái dấu hiệu báo trước một trận đổ đất nghiêng trời.
Quả vậy, trời tối sập xuống rất nhanh vì mây đen mỗi lúc một nhiều, thỉnh thoảng, một vệt gió qua, lay chuyển nhà cửa; rồi đâu đó lại im lặng như không, cái im lặng tựa hồ sự hấp hối của vạn vật. Nam Trân nhìn ra ngoài, những cây to rùng mình như cảm thấy sự xung đột gớm ghê của gió, của đất, của trời. Nàng kinh sợ, chắp hai tay lại, lẩm nhẩm:
- Lạy Trời, lạy đức Quan Thế Âm bồ tát, xin người che chở cho Hoàng tử.
Lúc ấy, bên ngoài đã tối đen như mực, nhưngmổi làn chớp lại soi sáng cả một vùng cảnh vật bằng cái ánh xanh le thảm đạm. Mỗi làn chớp tắt phụt đi thì tiếng sấm lại nổ ù ù, từ sau giải Trường Sơn chuyển xuống kinh thành Ðồ Bàn rồi mất tăm trên mặt biển sóng cồn. Theo với sấm gió chạy như điên cuồng, vặn cành nhổ cây, tốc mái nhà lên giữa không trung u ám.
Nam Trân, tâm thần mê loạn, nhắc luôn câu nói thiết tha:
- Ví phỏng dọc đường chàng được vô sự thì qua năm vọng gác, tính mệnh của chàng biết có được nguyên lành? Thương ôi, ta là thế nào được bây giờ?
Trái lại với Nam Trân, Bồng Nga càng gần sự nguy hiểm, càng như lẩm liệt thêm lên. Mỗi tiếng sét đánh, chàng lại ngẩng trông trời; mỗi làn chớp lóe chàng lạihé môi cưòi nụ; chàng đã từng phen tranh cạnh cùng người, nay chàng tựa hồ khoan khoái được tranh thắng cùng tạo vật.
Lính hầu đã dắt ngụa chực sẵn ngoài thềm. Bồng Nga vỗ về cô ô chuy đoạn nhảy phắt lên yên. Ô chuy hét một tiếng to, vụt chạy như làn chớp.
Cái cảnh một chàng thanh niên phóng ngựa qua trời giông tố là một cảnh tượng hùng vĩ lạ lùng.
Quanh mình chàng, Bồng Nga chỉ nghe những tiếng cây to gẫy răng rắc, những đám lá vàng, những búi cây nhỏ bị gió cuốn theo rào rạt. Những con hươu, con cày hoảng sợ vớt ngang đường như tên bắn.
Bồng Nga cảm thấy một sự say sưa, một sự kiêu hãnh, nguyên do có lẽ vì chàng thấy trong cảnh xô bồ, hỗn độn của vạn vật, chỉ mình chàng là đang đi tới một mục đích, không chịu tùy theo một sức mạnh nào khác sự quyết định của lòng.
Bồng Nga cứ phóng tràn như thế giờ lâu, nhảy qua những tân cây đổ, vượt những con suối lũ, những tảng đá, lăn từ trên cao xuống, chặn mất lối đi.
Cũng có lúc Bồng Nga thoáng trông thấy bể xanh lờ mờ đang gầm gào xùi bọt, tựa con quái vật không ai cai quản, điên cuồng làm cái việc húc tan cõi đất liền.
Bồng Nga cho ngựa chạy vòng qua chân ngọn Ðồi Tháp, qua cầu đá, vào cửa Chính Nam. Chàng nhảy xuống đất, kéo ngựa vào một khoảnh vườn hoang bỏ đấy rồi theo đường cái chính, giày séo lên những tường long, mái xụp, cây gẫy, nhà đổ tiến về phía Tây.
Chàng đi đưọc rất nhanh là vì giữa lúc phong vũ tơi bời, toàn thành tán loạn, sự canh phòng tra xét, theo sự dự tưỏng của chàng, không đáng sợ nữa.
Bồng Nga mải miết đi, không ai ngờ vực gì cả, nhưng chàng vẫn hết sức giữ gìn.
rồi sau chàng cũng vượt nốt được dải tường hoa bao quanh dinh trấn thủ, lần về lối khuê phòng của Nam Trân.
Trong bóng tối, Bồng Nga lúc này, mới thấy hồi hộp. Trăm nghìn cảm giác sôi nổi, khiến cho tim chàng đập mạnh, máu chạy rất nhanh. Chàng mừng vui, chàng lo sợ, chàng đắc chí khinh nguy hiểm, tuy sự nguy hiểm vẫn luôn luôn rình đợi bên mình.

Trong lúc ấy, Nam Trân ngồi trong phòng, lo sợ, cầu cho bão táp bội lên, nhưng sau, chợt nhó ra rằng một người như Bồng Nga mà đã hẹn làm việc gì thì dù cho trời nghiêng đất lệch cũng không ngăn cản được, Nam Trân lại vội cầu cho bão táp ngớt cơn. Nàng tưởng tượng Bồng Nga bị đè bẹp dưói một bức tưòong xụt, dưới một thân cây đổ hay bị giòng suối lũ cuốn lôi đi. Có khi tưởng tượng bày cho nàng những cảnh thảm thê hơn, cái cảnh Bồng Nga bị quân canh thành vớ được, tấm thân hồ hải tan nát dưới trâm vạn lưỡi gươm thù….
Dần dần giờ hẹn càng gần, sự hồi hộp của Nam Trân càng mạnh. Mắt hãi hùng luôn luôn nhìn ra phía cửa, nàng lắng nghe tiếng sấm sét đừng đùng mà tâm hồn càng thêm mê loạn. Mỗi thời khắc qua đi một nhắc cho nàng biết Bồng Nga đã gần nàng thêm một khúc đường. Trống lầu đánh hết canh một, rồi canh hai, cơn phong ba không những chẳng dẹp được phần nào, lại còn tăng thêm gấp bội. Ngay gian phòng nàng ở, xây đắp kiên cố là thế, vậy mà mỗi cơn gió thốc, nàng tưởng chừng bị cuốn phăng đi. Thỉnh thoảng trong những tiếng ồn ào của sự vật, Nam Trân thoảng nghe có tiếng người kêu cứu, nhưng bị át đi ngay. Ðó là những dân bị đổ nhà, chết người, hoảng sợ kêu rầm lên, nhưng có lẽ cũng biết là vô ích, vì lúc ấy thì còn ai nghĩ đến ai.
Nam Trân không thể ngồi yên được nữa. Nàng lại trước bàn thờ Quan Thế Âm bồ tát, đốt hương, khêu đèn để cầu nguyện cho chàng. Là vì lúc ấy cõi lòng nàng rối loạn quá, nàng cần phải tựa nương vào một sức từ bi nào để khỏi thành mê hoảng.
Nàng cầu cho Bồng Nga thoát được cái tai nạn ở dọc đường. Có lúc cơn giông dữ quá, nếu chàng lại thì không sao khỏi nguy được, Nam Trân vội khấn trời phật giun giủi cho Bồng Nga đừng lại. Nàng khấn vậy nhưng, thực ra, nếu chàng không lại, nàng chẳng khỏi buồn rầu.
giữa lúc ai nấy dù bạo tới đâu cũng đành chúi ở xó nhà mà run sợ, mà có một người dám cợt phong ba lại thăm nàng chỉ để nói với nàng một nhời ân ái, người ấy quả thực là một người xứng đáng với nàng vậy.
- Trời ơi! Xin trời thưong phù hộ cho chàng tai qua nạn khỏi…
Nam Trân thổn thức kêu chửa hết lời, bỗng sau lưng nàng, một câu đáp lại:
- Cảm ân tiểu thư lắm!
Nam Trân rùng mình đứng phắt dậy.
- Nam Trân tiểu thư ơi, tôi quả thực không nhầm, tiểu thư quả thực yêu tôi!
Cùng một lúc, Nam Trân thấy một bàn tay nắm lấy tay nàng, một trái tim đập mạnh trước ngực nàng, cái cảm giác say sưa nàng chưa từng biết tràn ngập khắp linh hồn Nam Trân. Nàng, từ nãy đã đem hết nghị lực chống với cơn bão trong lòng, bấy giờ rời rạc cả tứ chi, không còn sức mà đứng được nữa. nàng tựa vào Bồng Nga, thổn thức:
- Hoàng tử ơi, ai xui cho thiếp gặp chàng?
Bồng Nga ôm chặt Nam Trân vào lòng:
- Phải, ai xui cho ta gặp nhau để ta cùng phải ôm mối khổ tình? Nam Trân ơi, em có thể không quên tôi.
- Không, thiếp không khi nào quên chàng được!
- Nàng yêu tôi cho đến khi nào tôi chết nhé?
Nam Trân khẽ bịt tay lên miệng chàng:
- Sao Hoàng tử nói gở vậy?
Một tiếng sét cực to bỗng nổ ngoài vườn rậm, Bồng Nga buông Nam Trân, vội nhảy ra khỏi cửa biến mất. Nàng ngã gục truớc bàn thờ. Cũng ngay lúc ấy, cánh cửa mở toang, một luồng gió đưa Ðỗ tướng công vào.
- Kìa con, sao vậy?
Nàng nói chẳng , nên lời:
- Thưa cha… tiếng sét ghê gớm quá!
Tiếp với câu nói của Nam Trân, bọn lính canh bên ngoài bỗng kêu rầm lên:
- Có gian tế! Nó lẩn vào trong huê viên rồí
Ðỗ tướng công vội chạy ra, thét quân đốt đuốc. Chỉ nháy mắt, ánh lửa sáng rực, sĩ tốt bạt ngàn chặn hết các lối, rồi một toán đông xục xạo kiếm tìm.
Nam Trân không cònhồn vía nào nữa. nàng cố lê đến bên giường, nằm úp mặp xuống như để giấu nỗi kinh hoàng vào đống chăn gối. Những tiếng quát tháo gần xa, những hiệu lệnh uy nghiêm rắn rỏi của Ðỗ tướng công vọng vào cõi lòng nàng một cách đau đớn.
Trước cái cảnh người cha thờ kính hằn học giết tình lang của nàng, Nam Trân thấy linh hồn tan nát tê mê. Nàng khi không bị hãm vào giữa cuộc tàn sát, đem trái tim non hứng lấy nghìn vạn mũi tên.
Nam Trân đang quằn quại với đau thương, lo sợ thì Bồng Nga vụt nhảy vào phòng nàng, đóng chặt cửa lại.
- Tiểu thư cứu tôi với! Khắp thành bây giờ nhan nhản những sĩ tốt của Ðỗ tướng c6ng, tôi chẳng còn một lối sống nào nữa!
Bồng Nga vừa dứt lời, bên ngoài đã có tiếng đập cửa ầm ầm:
- Mở cửa! tiểu thư mở cửa.
Nam Trân nắm lấy tay Bồng Nga, mặt cắt không còn giọt máu.
- Nguy to rồi, làm thế nào bây giờ?
Bồng Nga cười một cách đau đớn.
- Ðành vậy, tiểu thưạ! Nhưng dù chết tôi cũng còn được một chút thoả lòng là chết ngay trước mặt Nam Trân của tôi.
Nam Trân đau đớn:
- Nếu chàng có mệnh nào, em cũng không sống nữa.
- Chúng ta cùng chết càng hay!
Ðỗ công chừng xốt ruột, thét:
- Nam Trân! mở cửa mau!
Nàng vội đáp:
- Thưa cha, có việc gì vậy?

Vừa nói, nàng vừa mở nắp chiếc hòm gian đựng các đồ tế nhuyễn của nàng đẩy Bồng Nga vào đấy rồi xập nấp lại.
Dưới sức nặng, cánh cửa sắp bật tung ra. Nam Trânrun dsợ, vội rút then. Ðỗ công nhảy xổ vào.
- Sao cha gọi, con không chịu mở cửa ngay?
Nàng cố gượng:
- Thưa cha, con không rõ việc gì nên kinh hãi lắm.
Ðỗ công chẳng để ý đến câu trả lời, đưa mắt nhìn khắp phòng tỏ ý nghi ngại.
Ánh nến vẫn sáng rực. Các đồ trần thiết vẫn nguyên chỗ, không có gì khác thường.
Ðỗ tướng công ngập ngừng hỏi:
- Con có thấy gì lạ không?
Nàng nhìn cha một cách thẳng thắn.
- Thưa cha không.
- Vậy mà sĩ tốt nhiều người thấy rõ hắn chạy vào đây.
- Con không nghe động tĩnh gì cả.
- Con chưa đi nghỉ còn thức làm gì?
- Gió bão to quá, con lo sợ nên không ngũ được.
Ðỗ công tần ngần một lát đoạn lui ra. Tới cửa ngài còn dặn với:
- Con tắt đèn đi nghỉ, hễ thấy gì khác chỉ việc gọi. Bên ngoài binh lính lúc nào cũng sẵn sàng đợi lệnh.
*
* *
Cửa bể Ðại an, sớm tinh sương hôm ấy, âm thầm mà bí hiểm biết chừng nào.
Mây mù bao phủ khắp trời càng lâu càng tu thành những đám đen ghê sợ, xếp đống trên đường chân trời. Ánh sáng nhạt nhẽo, không khí sặc mùi muối và lạnh buốt. Gió thổi mạnh như lùa vào cửa hang. Những lớp sóng màu mực loãng rập rờn, xô đẩy nhau tung bọt trắng lên bờ. Thỉnh thoảng, một con hải âu lượn lờ trên sóng như muốn đo những sức mạnh vô cùng. Những sức mạnh vô cùng, tự nghìn vạn năm Hoá công để thừa thãi phí phạn như thế, đối với trí não loài người, thực là một cảnh tượng hãi hùng vì khó hiểu.
Ðần dần những đám mây đen xé ra từng quãng, để lọt xuống những bó ánh nắng vàng hoe in loang lổ trên mặt sóng tơi bời.
Trên chòi canh dựng ngay trong lợi nước, một tên lính canh bỗng ngồi nhỏm dậy, vươn vai, ngáp, giụi mắt, vớ chiếc điếu cày rít một hơi thẳng cánh. Choáng váng say, tên lính khoan khoái đứng lên nhìn vơ vẩn ngoài khơi.
Bỗng hắn vịn hai tay vào bao lan tre, vươn hẳn nửa mình ra ngoài, mắt giương to, chăm chú.
Xa xa, chỗ mà nước bể như nối mây trời, cái gì như một con rắn dài nổi lềnh bềnh trên sóng.
Tên lính giụi lại hai mắt, nhìn kỹ rồi vẻ hoảng hốt bỗng hiện trên nét mặt ngăm đen.
Hắn quay lại phía sau, vớ chiếc dùi trống đánh gấp ba hồi chín tiếng, đoạn, quăn dùi, hắn vớ chiếc tù và rúc một thôi dài thảm đạm.
Tiếng trống và tiếng tù và đột ngột nổi lên giũa cảnh trời nước mịt mù ấy như có một luồng điện mạnh chạy khắp đoàn thuyền chiến đang nằm im trong thủy trại.
Thoạt đầu là các tưóong tá rồi đến binh sĩ tự trong khoang nhảy lên mui. Những hiệu lệnh ngắn ngủi, ráo riết như quật mạnh lên cái xôn xao của ngót hai vạn người, lúc ấy, đã bạt ngàn trên các thuyền to nhỏ. Rồi, chỉ nháy mắt, kẻ ra mũi thuyền, người về lái, toán này lắp mái chèo, toán kia sắp cung nỏ, súng đồng, toán khác dụ bị giáo trường, gươm sắc, việc ai việc nấy sẵn sàng chờ đợi sự phi thưòong.
Theo dấu hiệu của quân canh, các đại tướng nhìn ra khơi thì con rắn bể lúc ấy đã gần lắm. Ðó là một đoàn thuyền chiến, sắc cờ trắng toát, biểu hiệu của Chiêm Thành.
Chín tiếng súng đồng nối nhau nổ, át cả tiếng ầm ào của sóng nước. Cửa thủy trại mở toang, đoàn thuyền khổng lồ từ từ ra khơi nghênh địch.
Ðứng trên thuyền chủ soái, dưới lá cờ đại sắc hồng, Ðỗ Tử Bình, giáp trụ gọn gàng, trông uy nghi như một tướng thần.
Một trăm con thủy quái bằng gỗ theo dịp chèo đều đặn lướt trên muôn nghìn lớp sóng mà ánh chiêu dương đã nhuộm mầu máu đỏ.
Ðằng kia, thuận chiều gió, bao nhiêu cánh buồm căng thẳng, xa nom như một toán cò bay.
Hoàng tử Chế Bồng Nga, mình vận nhung trang, đứng ngay mũi chiếc thuyền lớn hình rắn chín đầu mặt hơi lộ vẻ băn khoăn. Là vì Bồng Nga, như mưu kế đã sắp sẵn, không ngờ quân Ðại nam lại biết trước và sẵn sàng nghênh địch. Tuy vậy, Bồng Nga vẫn tin ở cái tài thủy chiến của quân Chiêm Thành, tin ở cái lòng hy sinh cảm tử của hết thảy những kẻ dưới quyền sai bảo của mình và nhất là ở sự có thể toàn thắng do cái tình thế rối loạn của Trần triều mà ra.
Chàng thét bảo quân sĩ:
- Hỡi các người, số phận của Chiêm Thành là tùy theo ở trận này. Các ngươi nên tỏ cho Nam cẩu biết rằng các ngươi là dòng giống thần minh oanh liệt. Các ngươi nên tin rằng trên cao kia, vong hồn tiên tổ chúng ta đang theo dõi để nhìn chúng ta đền nợ nước….

Ba quân nức lòng reo như bão táp. Hàng vạn mái chèo mõi lúc một cử động nhanh hơn, làm cho sóng cồn nổi bọt. sự hăng hái không lấy thước đâu mà lường được.
Bên Nam quân nghe tiếng hò reo, cũng gào thét vang trời. Ai nấy như điên như cuồng, vì trong không khí, ngoài mùi muối biển, người ta như phảng phất thấy có mùi máu tươi.
Trên cao, mây đen dần tản mạn bị làn gió cuốn đâumất cả, sắc trời lộ vẻ xanh trong. Vầng thái đưong sáng chói giọi ánh nắng xuống mặt bể màu lam biếc. Cả thiên nhiên điềm tĩnh chờ xem cuộc chém giết của ngưòi với người.
Sự cách biệt của hai đoàn quân mỗi lúc một co ngắn lại. Tự thuyền bên này đã trông rõ người thuyền bên kia. Ðiều ấy càng khiến mọi người hăng hái, xoa tay chờ sự xung đột cuối cùng.
Tiếng trống trận nổi lên, tiếng quát tháo ầm ào, sự nóng nẩy của hai cánh quân thù như truyền xuống những chiếc thuyền gỗ nặng nề to lớn.
Một tiếng loa thét. Quân Nam bắt đầu khai pháo. Súng đồng nổ, dây cung bật, tên đạn bay như mưa. Bên này, Chiêm Thành cũng bắn. Sĩ ttốt đã nhiều người lăn xuống nước.
Sau trận mưa tên đạn, quân Nam được lệnh khai hoả pháo. Tên lửa rạch ngang không khí bắn sang phía Chiêm Thành, những cánh buồm bén lửa cháy bùng bùng.
Lúc này, hai đối phương đã gần áp mạn. Cung nỏ dẹp xuống, đến lượt gươm giáo vung lên. Trong đám xô bồ, những làn chớp lập loè hoa mắt vung máu như mưa.
Các tướng tá, sĩ tốt tranh nhau công đầu nhảy vọt cả sang thuyền địch. Những bộ áo chiến loè loẹt xoắn lấy nhau, những tiếng gầm hét, những tiếng rền rĩ, những tiếng kim khí lích kích, những tiến sóng cồn, những cái đầu lăn long lóc trên sạp thuyền, những cái ngực vỡ toang, những thân người cụt rơi xuống nước bày ra một cảnh tượng thê thảm, hãi hùng tàn khốc.
Giữa khi trận đánh đang hăng, sự thắng bại còn như treo lơ lửng ngang trời, thì, xa xa đằng chân sóng, buồm trắng lại hiện ra xan xát. Quân Chiêm Thành thấy có trợ lực reo ầm lên. đỗ Tử Bình ngảnh lại nhìn Thế Hưng bằng cặp mắt lo ngại,k nhưng chỉ thoáng qua.
Trần Thế Hưng nói:
- Tướng công nên phân chiến thuyền làm hai đội vây bọc lấy giặc và đánh gấp cho tan đi để tránh số đông.
Ðổ Tử Bình nghiến răng, hằn học:
- Quái! Không biết Chế Bồng Nga ở thuyền nào?
Tử Bình vừa nói dứt lời, một chiếc thuyền con bên giặc bỗng chạy xộc lại như chắn đường.
Thế Hưng múa gươm định thét quân nhảy sang. Viên tướng chàm chỉ huy chiếc thuyền nhỏ bỗng khao tay khoa chân như muốn nói chuyện chi khẩn cấp.
Tử Bình tuy ngờ là mưu phản, cũng sai sĩ tốt dừng chèo th6i bắn, chờ xem. Hai thuyền vừa giáp nhau, tướng chàm nhảy sang thuyền Tử Bình, quỳ xuống làm lễ.
Tử Bình thét hỏi:
- Bay muốn gì?
Tướng chàm khép nép:
- Bẩm đại soái, chúng tôi tuy mặc quân phục Chiêm Thành mà thục là giống người Ðại Nam. Chúng tôi chỉ mong ước được trở về nước tổ nên muốn nhân dịp này…
Tử Bình hỏi luôn:
- Ðã vậy thì Ché Bồng Nga ở thuyền nào?
Chỉ chiếc thuyền rắn chín đầu, tên tướng chàm nói:
- Bẩm đại suý, Bồng Nga hoàng tử là người mặc áo chiến đen kia kìa…
tử bình lập tức thét võ sĩ trói hàng tướng lại để phòng việc bất trắc, đoạn truyền cho súng đồng cứ chõ cả sang thuyền Bồng Nga mà bắn.
Một loạt thần công nổ nhu sấm sét. Bồng Nga đang mãi điều khiển sĩ tốt bỗng kêu lên một tiếng, ngã gục xuống.
Trần Thế Hưng vẫy tay cho quân thôi bắn, đoạn cắp gươm cùng với mươi dũng sĩ nhảy vọt sang thuyền Bồng Nga. Quân chàm hoảng sợ đâm nhào cả xuống biển.
Trần Thế Hưng vung kiếm, đầu Bồng Nga lăn lóc trên sạp thuyền.
Thế Hưng nắm tóc, nhắc thủ cấp Bồng Nga giơ lên:
- Chém được Bồng Nga rồi!
Hơn vạn quân tiếp theo:
- Bồng Nga chết rồi! Ðại nam tổ quốc vạn tuế!
Mất chủ tướng, quân chàm không còn hồn vía nào nữa, kêu khóc như gi rồi mạnh ai nấy tìm đường thoát chết. Cả một đoàn quân tì hổ phút chốc tan tành. Ðổ Tử Bình hô quân đuổi theo chém giết, máu người đỏ loang cả mặt bể.
Ðoàn viện binh Chiêm Thành chưa kịp đánh nhau đã quay mũi chạy. Nam quân đuổi rõ xa…
Cái tin giặc Chiêm Thành vừa mấy giờ về trước làm cho dân cư miền duyên hải sợ hết hồn thì, lúc ấy, sự thắng lợi của Nam quân lại làm cho ai nấy vui mừng nhảy nhót.
Tử Bình cho đuổi xa mươi hải lý mới hạ lệnh thu quân. Trên mặt bể Ðại Ana, tiếng ca khải hoàn của hơn mười ngàn binh sĩ như tung sự vui mừng lên tận mây xanh.
*
* *
Giữa khi, trên cửa bể Ðại an, cuộc xung xát đang gớm ghê tàn khốc thì, trong phủ Ðỗ Tướng công, ở về phía Bắc kinh thành, Nam Trân tiểu thư tựa bao lan nhà thủy toạ, đang như chìm đắm trong sự mơ màng.

Nàng vẫn đẹp lỗng lẫy như xưa, nhưng màu da xanh lướt; hai quần mắt tím lại tỏ ra rằng tiểu thư không ngủ và thường hay khóc âm thầm; cặp môi son nhạt vẫn gượng một nũ cười chua chát. Hơi thở đứt khúc và nặng nhọc làm chiếc vòng ngọc rung rinh.
Nàng lặng ngắm mặt hồ lộn bóng mây ảm đạm. Thỉnh thoảng, một tầu lá vàng rụng xuống, mấy đợt sóng tròn nổi gợn, đuổi nhau rồi tan đi…
Từ sáng sớm, tin quân Chiêm Thành ra đánh khiến như thế bồi hồi lo sợ. Nàng lo rằng trong cuộc tranh hùng kia, sự thắng về bên nào cũng đau khổ cho nàng vô hạn. Vì, nếu một bên thắng lợi tất bên kia phải bại vong. Kẻ bại vong sẽ là cha hay chồng? Dù là ai nữa thì lòng nàng cũng phải đeo thêm một mối hận trường. Than ôi! Lợi danh là cái gì mà vì nó loài người tự thiên vạn cổ nỡ thù hằn chém giết nhau để cho những trái tim vô tội phải héo hon tê tái?
Tiếng nhạn bay qua. Nam Trân ngẩng đầu nhìn theo, vơ vẩn. nàng thở dài, cả linh hồn như muốn bay cao, bay đến nơi chân mây mặt sóng để kêu gào nhữngnỗi đau khổ hoạ may có giảm bớt được sự oán thù đang làm cho hai quân hằn học đâm bắn nhau không chút thương tâm.
Nữ nhạc sư rón rén lại gần. Nam Trân ngoảnh nhìn, ứa nước mắt. nàng khẽ cất tiếng thở than:
- Già ạ, tôi lo quá, mà không biết làm thế nào được. Bên tình bên hiếu, bên nào cũng nặng như núi non. Tôi không ngờ Tạo hoá lại dành phần cho tôi những sự oan trái như thế. Trận này không biết kết liễu ra sao? Kết liễu ra sao cũng là một sự tôi không có can đảm chờ mong…
Nam Trân gục đầu thổn thức. Nữ nhạc sư cũng gạt thầm hai giọt lệ khan nguồn.
Nàng nhớ lại cái đêm hôm ấy, cái đêm lệch đất nghiêng trời, cái đêm mà Bồng Nga đã bị thần chết nắm hụt tà áo chiến. Trong lúc gian nguy, nàng đã nói cùng chàng một câu đến nay nàng vẫn chưa quên: “Nếu chàng có mệnh nào, em cũng không sống nữa”. Phải, trong trận này, nếu Bồng Nga bị giết thì Nam Trân sẽ không thể sao sống được. nếu nàng sẽ mất hi vọng tương lai, nếu trái tim nàng sẽ trở nên cái mả chôn vùi một tấm hình đã chết thì đối với nàng, cuộc đời còn có vui gì? Nhưng, trái lại, nếu Bồng Nga được toàn thắng, nếu chàng thu lại được sự tự do cho Tổ quốc chàng để đến nổi phụ thân nàng phải thân vùi sóng mặn thì mẹ già nàng sẽ đau khổ, nàng sẽ phải thù oán chàng cho tới ngày nhắm mắt!
Nam Trân ngẩn đầu, nhìn trời quan bằng đôi mắt ai oán và rên một tiếng não nùng:
- Trừ phi hai nước hoà nhau!…
Ðáp lại nhời ước mong không thể thực hiện được của Nam Trân, tiếng reo hò bỗng từ xa xa ngoài phố đưa lại.
Nam Trân đứng phắt dậy, mặt tái mét, lắng nghe.
Tiếng reo vẫn như tiếng sóng cồn.
Nàng giục nữ nhạc sư:
- Già chạy ra cổng xem cái gì thế. Mau lên!
Rồi, như không thể gượng được nữa, Nam Trân lại ngồi phịch xuống ghế, mắt giương to, môi hé ở, hai bàn tay bíu chặt lấy bao lan, chờ đợi.
Nàng chờ đợi như thế không biết từ bao lâu. Tiếng người lão phụ Chiêm Thành khiến nàng như tỉnh giấc mơ:
- Tiểu thư ơi, xong cả rồi!…
Nàng rền rĩ:
- Xong cái gì mới được chứ?
- Ðỗ tướng công…
Nàng rú lên và đứng dậy:
- Cha tôi? … Làm sao?
- Tướng công nhà đại thắng, đang kéo quân về triều.
Nam Trân để một bàn tay lên ngực:
- A, cha tôi thắng trận?
- Bẩm vâng, tướng công nhà đại thắng, còn Hoàng tử Chế Bồng Nga…
nàng nói theo như cái máy:
- Ừ, còn Hoàng tử Chế Bồng Nga…
Nữ nhạc sư ôm mặt khóc:
- Có lẽ tử trận rồi!
- Chàng tử trận rồi? Già nghe người ta nói vậy sao?
- Bẩm không, nhưng có thể như thế lắm chứ!
Như người gần chết ngụp còn cố víu lấy một vật nổi, Nam Trân cãi:
- Không có lẽ. Cha tôi chỉ thắng trận thôi mà!… Quân Chiêm Thành tuy thua mà Hoàng tử Chế Bồng Nga có thể không việc gì.
Nàng tuy nói vậy mà thực ra tâm thần đã rối loạn lắm. loạng choạng như người say rượu, Nam Trân gượng bước vào khuê phòng. Số phận nàng, cái số phận thảm thê bi đát của nàng thế là chín mươi chín phần trăm đã quyết định đúng như sự bồi hồi lo sợ của nàng từ sáng sớm.
Hết.

Chămpa Sử Lược

 

Hồ Tôn Tinh
Hồ Tôn Tinh
có thể là một trong các tên gọi của Vương quốc Chăm Pa cổ.
Sử sách
Về nước Hồ Tôn Tinh, Lĩnh Nam chích quái viết:
Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm¹. Vị vua của vương quốc này là Tràng Minh, hiệu Quỷ Vương (Dasanana) có mười đầu. Phía bắc vương quốc này có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh² do vua Dasaratha cai trị. Hoàng tử Chung Tư (Rama), người kế vị vua Dasaratha, có một người vợ là công chúa Bạch Tinh (Sita). Công chúa Bạch Tinh có một sắc đẹp tuyệt trần không giống người phàm. Quỷ Vương, mê hồn trước sắc đẹp của Bạch Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh và cướp công chúa về nước. Hoàng tử Chung Tư, quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xẻ núi băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết chết Quỷ Vương, đưa công chúa Bạch Tinh về.
Theo nhận xét của Huber trong La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises thì Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Chăm Pa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống nhau, tại Indonesia trong các đền thờ Bà la môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu có lẽ chỉ là cách miêu tả thô thiển ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình rắn hổ mang (naja) mười đầu.
Ghi chú
Có thể là Phù Nam
Quốc gia của người khỉ

Tượng Lâm
Về vùng đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xưa xác nhận đó là phần đất ở vùng cực nam quận Nhật Nam, trực thuộc quyền cai trị của Giao Châuthời Bắc thuộc, ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu cho là đến tận cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ học phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng TrịThừa Thiên-Huế. Một số học giả Chăm học cho rằng lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya (Bình Định), sau này gọi chung là bắc Chiêm Thành.
Sự hòa trộn văn hóa
Tượng Lâm là nơi tập cư của nhiều nhóm người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một sự pha trộn văn hóa tự nhiên giữa các giống người vào thời hoang sơ. Đầu tiên là sự pha trộn văn hóa giữa các nhóm người Indonesia di cư (văn hóa Indus) và Cổ Mã Lai (văn hóa Sa Huỳnh), kế là với nhóm Việt tộc sơ sử (văn hóa Đông Sơn), sau có thêm người Hán (văn hóa Khổng-Mạnh) từ phương bắc di cư xuống và người Môn-Khmer (văn hóa Óc Eo-Phù Nam) từ tây nam đi lên. Cuối cùng là những nhóm Malaysia-Polynesia (văn hóa Mã Lai-Đa Đảo hay Nam Đảo) từ biển cả tràn vào hồi đầu Công nguyên. Nhóm sau cùng, hùng mạnh hơn, đã thu phục hay đồng hóa những nhóm có trước, để chỉ còn yếu tố Nam Đảo độc tôn, và thiết đặt quyền cai trị lâu dài (thế kỷ 1 TCN cho đến thế kỷ 1). Một số cư dân bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay, nhưng không vì vậy mà quan hệ giữa đồng bằng và miền núi bị cắt đứt, dân cư hai vùng đã nương tựa nhau để tồn tại trong suốt thời gian dài.
Sang thế kỷ 2, một số thương nhân Ấn Độ đến vùng đất này buôn bán và phổ biến nền văn minh, văn hóa của mình cho những nhà cầm quyền địa phương và một số thể chế tổ chức quốc gia đã được hình thành từ nam đến bắc. Một tấm bia đá tìm được ở làng Võ Cảnh (Nha Trang) cho thấy vị vương cai trị vùng đất phía nam vào thế kỷ 2 tên là Sri Mara, không có phần kế tiếp. Sri Mara chỉ là một tiểu vương Chăm pa ở phía nam (Kauthara), trong khi Khu Liên là một tiểu vương khác ở phía bắc (Indrapura).
Do nằm cạnh lãnh thổ với Trung Quốc, sự hình thành Vương quốc Chăm Pa phía bắc được biết đến nhiều nhất bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa và cũng nhờ đó người ta biết thêm về quan hệ giữa người Việt (các Lạc hầu, Lạc tướng) và người Chăm trong thời Bắc thuộc đã rất gắn bó.
Cột đồng Mã Viện
Cột đồng Mã Viện là mốc ranh giới đầu tiên giữa nhà Hán và dân cư gốc Nam Đảo. Sự kiện này chứng minh các nhóm dân cư gốc người Kinh theo nhà Hán sinh sống trên phần đất phía nam quận Nhật Nam rất e ngại những cuộc tấn công của người Nam Đảo từ phía nam. Về địa điểm của cột đồng, sử cổ Trung Hoa như Hậu Hán thưThủy Kinh chú cho rằng nó nằm ở phần lãnh thổ cực nam của nhà Hán (quận Nhật Nam) ở huyện Cửu Phong (tỉnh Quảng Trị ngày nay). Những nguồn sử khác như Tấn thư, Nam Tề thưLương thư cũng cho rằng cột đồng được dựng lên ở phía nam huyện Tượng Lâm (phía bắc Thừa Thiên-Huế). Tân Đường thư thì cho rằng cột đồng được dựng lên ở phía nam Quảng Châu.

Nổi dậy ở Tượng Lâm
Sau biến cố Hai Bà Trưng, tình hình chính trị ở phía nam huyện Tượng Lâm, luôn dao động.
Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ phải huy động quân của các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm đầu, đề phòng những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm v.v.
Mục đích của chính sách cai trị trực tiếp này là thu thuế và nhận phẩm vật triều cống (vàng, bạc, sừng tê giác, ngà voi, móng chim ưng, hương liệu, vải lụa) càng nhiều càng tốt. Thuế và phẩm vật triều cống do những lãnh chúa địa phương thay mặt nhà Hán thu của dân. Như vậy nhà Hán vừa có thu nhập vừa không hao tốn ngân quỹ, lại duy trì được ảnh hưởng trên vùng đất đó, bù lại lãnh chúa địa phương được sắc phong và được bảo vệ khi bị tấn công.
Theo sử liệu cổ của Trung Hoa (Hậu Hán thư, Lưu Long truyện, Mã Viện truyện) ghi lại thì người huyện Tượng Lâm luôn chống đối lại chính sách cai trị của nhà Hán và thường tranh chấp lẫn nhau về quyền cai trị tại vùng đất này. Tượng Lâm ở quá xa chính quốc nên sự cai trị trực tiếp của những quan đô hộ và binh lực nhà Hán làm hao tốn công quỹ mà lợi ích chính trị và kinh tế không cao, do đó đã rất lơ là.
Năm 136, khoảng 1.000 dân Tượng Lâm nổi lên chống lại sự cai trị của nhà Hán và đánh chiếm huyện Tượng Lâm, họ đốt thành và giết trưởng lại (huyện trưởng). Năm sau thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải điều hơn 10.000 binh sĩ từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân xuống đàn áp nhưng thất bại. Thay vì đi dẹp loạn, đoàn quân này lại phối hợp với dân quân Tượng Lâm chống lại và chiếm đóng một số thành quách khác trong quận, quan quân Đông Hán phải rút lui khỏi huyện Tượng Lâm.
Năm 138, Giả Xương, quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân dẹp những cuộc nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Sau gần một năm, tất cả đều thất bại, và họ còn bị quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000 quân ở các châu Kinh, Dương, Duyên, Dự xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ Xương bị quân nổi loạn đánh bại, nhà Hán sai một tướng khác là Lý Cố mang viện binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện các lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị dừng lại.

Những kế sách của Lý Cố là:
Ly gián nội bộ những người nổi loạn bằng cách mua chuộc những lãnh chúa địa phương nhằm làm suy yếu tiềm lực của dân quân Tượng Lâm
Tránh can thiệp bằng quân sự vào những tranh chấp cục bộ của người địa phương
Chỉ để lại một quan lại người địa phương thay mặt thiên triều cai trị
Vấn đề lãnh đạo địa phương để cho người địa phương chọn lấy, người thắng cuộc được thiên triều tấn phong
Quan cai trị địa phương phải là một lãnh chúa thần phục thiên triều
Tước Vương Hầu (dành cho người nhà Hán) và Liệt Thổ (dành cho người địa phương).
Để thực hiện mưu kế này, nhà Hán phong Trương Kiều làm thứ sử Giao Chỉ và Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân; cả hai có nhiệm vụ thu thuế và nhận phẩm vật từ những quan lại được nhà Hán tấn phong. Trương Kiều đã thu phục được hàng chục ngàn dân thường của Nhật Nam và Tượng Lâm qui thuận Hán triều.
Năm 144, dân quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm 157, Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm, từ 157 đến 160, quân Tượng Lâm (khoảng 20.000 người) tiến lên đánh quân Hán và chiếm nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang quân sang đánh dẹp.
Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), nhân nội tình Trung Hoa rối loạn, dân Tượng Lâm, phối hợp với dân 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam, nổi lên đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. Năm 192, tiểu vương quốc Chăm pa đầu tiên phía bắc ra đời, dưới tên gọi Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của Khu Liên. Tiểu vương quốc này mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh ở phía bắc và phong trào thống nhất vương quốc Chiêm Thành ở phía nam.

Lâm Ấp
Lâm Ấp
có thể coi là một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 760, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam hay thậm chí đến tận Phú Yên ngày nay. Vương quốc này được coi là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Chăm Pa độc lập.
Lịch sử hình thành
Từ nửa cuối thế kỷ 2, phần lãnh thổ cực nam Giao Chỉ trở nên khó trị, dân cư bản địa liên tục nổi lên chống lại chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ. Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường xuyên giữa nhà Hán và dân địa phương.
Năm 190, người Tượng Lâm nổi lên giết thứ sư Chu Phù và chiếm huyện thành. Năm 192, dân Tượng Lâm giết huyện lệnh (huyện trưởng) để đưa Khu Liên lên cai trị. Khu Liên cắt một phần lãnh thổ cực nam của quận Nhật Nam - huyện Tượng Lâm để thành lập vương quốc riêng: Lâm Ấp.
Cho đến gần đây, có rất ít sử gia Việt Nam quan tâm đến sự kiện biến cố Lâm Ấp. Cuộc nổi dậy của người Lâm Ấp là của người Việt cổ, của chính dân tộc Việt Nam vào thời đó. Lâm Ấp là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu giai đoạn đấu tranh giành độc lập của những dân tộc bị đặt dưới ách đô hộ của người Hán.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của thiên triều đã tự tách ra. Sự kiện này trái với nguyên tắc tổ chức chính quyền của người Hoa, vì từ thế kỷ 2 TCN trở đi, dưới thời nhà Hán, nguyên tắc "trung ương tập quyền" đã là nền tảng của các chính sách cai trị của người Trung Hoa, không có ngoại lệ. Giao Chỉ thời đó là một phần lãnh thổ Trung Hoa, các quan cai trị đều do thiên triều trực tiếp chỉ định, mọi ý đồ ly khai hay tự trị đều bị trừng trị.
Cơ chế xã hội
Khi thành lập vương quốc có lẽ Khu Liên không có ý định tách rời ảnh hưởng văn minh và văn hóa Trung Hoa, nhưng với thời gian thì quyết tâm tách khỏi quỹ đạo Trung Hoa ngày càng rõ nét. Sở dĩ có sự đoạn tuyệt này là vì tổ chức chính trị-xã hội của người Hán không còn phù hợp với nền tảng chính trị xã hội Lâm Ấp nữa.
Vào thời kỳ này, thương nhân và tu sĩ Ấn Độ đã giao tiếp mật thiết với người Chăm sinh sống ven biển miền trung. Những người Ấn này đã truyền cho giới quí tộc địa phương văn minh và văn hóa của họ, và luôn cả cách thức tổ chức xã hội. Khác với người Hoa, tổ chức xã hội của người Ấn dựa trên nguyên tắc phân quyền, phù hợp với nếp sống và ước nguyện tự trị của người địa phương nên được ưa chuộng. Đặc điểm của người Ấn là không dùng bạo lực để áp đặt văn hóa hay uy quyền chính trị của mình trên những xã hội khác, kém hơn, mà để các thân hào địa phương tự nguyện làm thay, sau khi hấp thụ văn minh và văn hóa của họ.
Tranh chấp văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ trong nội bộ Lâm Ấp ngã ngũ sau khi Khu Liên qua đời, chữ Phạn cổ trở thành chữ viết chính thức của các triều vương. Các bia ký tìm được trong giai đoạn này đều khắc bằng chữ Phạn. Quốc thư trao đổi của Lâm Ấp với Trung Hoa thời đó được viết bằng chữ "Hồ" (chữ của nước Hồ Tôn Tinh, tức chữ Phạn) thay vì chữ Hán. Văn hóa Ấn Độ, từ phía nam đưa lên, trở thành văn hóa của vương quốc Lâm Ấp. Đạo Bà la mônđạo Phật được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, lấn át dần ảnh hưởng của Khổng giáoLão giáo thuộc văn hóa Trung Hoa.
Về chính trị: các vị vua Lâm Ấp đều ghép tên mình với một thần linh, thường là với Shiva (còn gọi là Isvara) để độc quyền cai trị. Uy quyền vua thể hiện qua lọng màu trắng mà dân thường không được dùng. Giúp việc cho vua là các quan lại trung ương và địa phương, được phân chia thành 3 hạng:
Đứng đầu là 2 vị tôn quan (senapati và tapatica tức 2 tể tướng võ và văn)
Tiếp theo là thuộc quan gồm 3 loại: luân đa đinh (dandavaso bhatah-tướng chỉ huy cấm vệ), ca luân trí đế (danay pinang, quan hầu trầu) và ất tha già lan (yuvaraja-kế vương)
Cuối cùng là ngoại quan (quan lại địa phương).
Quân đội Lâm Ấp khoảng từ 40.000 đến 50.000 người, gồm kỵ binh, tượng binh và thủy binh.
Triều đình Trung Hoa có lẽ cũng muốn chấm dứt tình trạng tranh chấp văn hóa và chính trị kéo dài quá lâu này nên đã chấp nhận sự ly khai một cách miễn cưỡng, họ gọi tên quốc gia mới này là Lâm Ấp, thay vì Hồ Tôn Tinh hay Tượng Lâm như trước kia, và duy trì mối quan hệ tốt để thu nhận nhiều phẩm vật triều cống.
Về danh xưng, Lâm Ấp chỉ là sự biến nghĩa của từ Tượng Lâm. Đối với nhà Đông Hán, danh xưng Lâm Ấp là một khinh miệt, vì đó chỉ là một phần đất nhỏ không quan trọng ở vùng cực nam để phải quan tâm trực tiếp. Thủy Kinh chú viết:

Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng để chỉ còn chữ Lâm
Lâm Ấp là cách phát âm đã Việt hóa của từ Lin-yi, phiên âm từ chữ Hindi hay Indi (tức người Ấn). Có người cho rằng đó là phiên âm từ chữ Phạn "Indirapura" (đất của người Ấn Độ). Về sau người Chăm đặt tên phần đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-HuếIndrapura (đất của Indra, thần sấm sét). Lâm Ấp cũng có thể do sự phát âm Việt hóa của từ "Krom" hay "Prum" (hai tộc của người Việt cổ) mà ra. Dân dã hơn thì người ta giải thích : Lâm là rừng, Ấp là thôn nho v.v. Nói chung, cho dù diễn giải thế nào Lâm Ấp là một định chế độc lập với vương triều Trung Hoa.
Về địa lý, vương quốc Lâm Ấp ở đâu, lãnh thổ như thế nào thì còn rất nhiều điểm mơ hồ. Theo sử cổ Trung Hoa thì lãnh thổ vương quốc này là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, phía nam huyện Lô Dung (Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đường thư nói Lâm Ấp từ huyện Tây Quyển (Quảng Bình) trở xuống. Đại Nam Nhất Thống Chí nói Tượng Lâm là Bình ĐịnhPhú Yên. Thủy Kinh chú cho biết thủ phủ Lâm Ấp lúc đầu không biết ở đâu, sau được biết đặt tại Khu Lật (thành phố Huế ngày nay), phía nam có sông Lô Dung (sông Hương) chảy qua.
Một số nhà Chăm pa học cho rằng Lâm Ấp là lãnh thổ Indrapura từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, khai sinh ra. Sự kiện này cần được ghi nhận với sự dè dặt vì cho đến nay chưa một dấu tích bia ký nào giải thích sự kiện này.
Các triều vương Lâm Ấp
Triều vương thứ nhất (192-336)
Khu Liên lên ngôi năm 192, trị vì trong nhiều năm, nhưng không biết mất năm nào và ai là người kế vị. Sử cổ Trung Hoa (Lương thư) cho biết trong khoảng thập niên 220-230, con cháu Khu Liên có gửi phái bộ đến thống đốc Quảng Đông và các thái thú Giao Châu (Lã Đại và Lục Dận) triều cống và duy trì quan hệ ngoại giao.
Năm 248 diễn ra cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nhà Đông Ngô cho Lục Dận làm An Nam hiệu úy, tức thứ sử, sang Giao Châu dẹp lọan. Sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa này, Lục Dận đem quân xuống chiếm Khu Lật, bắt theo hàng ngàn thợ khéo tay dâng cho nhà Đông Ngô năm 260. Những vùng đất bị quân Lâm Ấp chiếm đóng đều bị lấy lại. Lãnh thổ Lâm Ấp trở về vị trí cũ là huyện Tượng Lâm, quân Đông Ngô không dám tiến xuống xa hơn.
Có lẽ người kế vị Khu Liên đã chết trong cuộc khởi nghĩa này vì không còn được nhắc tới nữa. Sách Lương thư cho biết năm 270, cháu ngoại của Khu Liên là Phạm Hùng (Fan Hiong hay Fan Hsung) lên làm vua.
"Phạm" ở đây là cách phiên âm Hán hóa từ chữ "Po" (hay Pô, Phò, Pha) của người Chăm (là người đứng đầu, lãnh tụ, ngài) chứ không phải là cách phiên âm từ chữ "varman" của người Ấn (cũng có nghĩa là vua, vương, ngài) hay "họ Phạm" của người Việt Nam mà ra. Người Lâm Ấp theo chế độ mẫu hệ, chỉ có tên chứ không có họ.
Dưới thời Phạm Hùng, lãnh thổ Lâm Ấp được nới rộng tới thành Khu Túc, cạnh sông Gianh ở phía bắc và tới Khánh Hòa (Kauthara) ở phía nam. Phạm Hùng cũng đã chinh phục và thống nhất các tiểu vương quốc khác nằm trong các dải đất dọc duyên hải miền trung: Amavarati (Quảng Nam), Vijaya (Quảng Ngãi, Bình Định) và một phần lãnh thổ Aryaru (Phú Yên). Nhưng sau hơn 10 năm chinh chiến (271-282), Phạm Hùng bị quân Tây Tấn (do Đào Hoàng chỉ huy) đánh bại, năm 283 con là Phạm Dật (Fan Yi) lên ngôi. Năm 284, Phạm Dật gửi một sứ bộ sang Trung Hoa cầu hòa; Lâm Ấp được hòa bình và Phạm Dật trị vì 52 năm thì qua đời.

Triều vương thứ hai (336-420)
Phạm Dật qua đời năm 336, tể tướngPhạm Văn (Fan Wen) cướp ngôi. Phạm Văn không phải là người Chăm mà là một người gốc Hoa quê ở Dương Châu, bị bán làm nô lệ cho một quan cai trị huyện Tây Quyển tên Phạm Tương. Năm 15 tuổi, vì phạm tội, Văn trốn theo một thương gia người Lâm Ấp sang Trung Hoa và Ấn Độ buôn bán, nhờ đó đã học hỏi được kỹ thuật luyện kim và xây thành lũy của người Hoa. Khi về lại Lâm Ấp năm 321, Văn trở thành người thân tín của Phạm Dật và được giao trọng trách xây thành, đắp lũy, dựng cung đài theo kiểu Trung Hoa, chế tạo chiến xa và vũ khí, nhạc khí v.v... và được thăng chức tể tướng.
Dưới thời Phạm Văn, kỹ thuật luyện sắt (rèn kiếm, đúc lao) đạt đến tột đỉnh. Vua áp dụng văn minh Ấn Độ vào đời sống: cải tổ hệ thống quan lại theo khuôn mẫu Ấn Độ, nhờ đó tổ chức chính quyền mang lại hiệu quả tốt; xây dựng thủ phủ tại Khu Lật (K’iu-sou, hay Thành Lồi, Huế), hình chữ nhật, chu vi 2.100 mét, tường cao 8 mét, có 16 cửa, dân chúng sống xung quanh chân thành, mỗi khi có loạn, các cửa thành đều đóng lại. Với thế mạnh này, Phạm Văn đánh thắng hai nước Đại Kỳ Giới và Tiểu Kỳ Giới (có thể đây là hai vương quốc trên đất Lào ngày nay), chinh phục nhiều bộ lạc khác như Che Phou, Siu Lang, Khiu Tou, Kan Lou và Fou Tan (có thể là những bộ lạc thiểu số gốc Thái trên dãy Trường Sơn), tăng cường số phụ nữ mang về từ các lãnh thổ đánh chiếm được và tăng quân (khoảng từ 40.000 đến 50.000 người).
Năm 340, Phạm Văn xin nhà Đông Tấn cho sát nhập quận Nhật Nam, gồm các huyện Tây Quyển, Ty Canh, Chu Ngô, Lô Dung và một phần đất phía nam quận Cửu Chân huyện Hàm Hoan (Thanh Hóa) vào lãnh thổ Lâm Ấp nhưng không được. Phạm Văn liền đem quân tấn công vào Nhật Nam, chiếm huyện Tây Quyển, giết thứ sử Hạ Hầu Lâm, lấy mũi Hoành Sơn (nam Thanh Hóa) làm biên giới phía bắc, cho xây lại thành Khu Túc (cạnh sông Gianh) phòng giữ. Từ đó phần lãnh thổ từ đèo Ngang trở xuống thuộc về Lâm Ấp và cũng kể từ đó phía bắc đèo Ngang là nơi xảy ra những trận thư hùng giữa Lâm Ấp và Giao Châu trong suốt hai thế kỷ 4 và 5. Năm 349 nhà Đông Tấn phản công, quân Lâm Ấp bại trận, Phạm Văn bị trọng thương và qua đời, con là Phạm Phật (Fan Fo) lên thay.
Phạm Phật là một vị tướng tài ba, được nhiều sử gia cho là người mở đầu vương triều Gangaraja (Bắc Chiêm Thành). Vừa lên ngôi, Phạm Phật tấn công quân nhà Đông Tấn tại Nhật Nam và vây thành Cửu Chân. Năm 351, quân Lâm Ấp bị đánh bại, chạy về phía tây tại Lãng Hồ, huyện Thọ Lãnh (Thanh Hóa), thành Khu Túc bị chiếm, ranh giới được thiết lập lại tại huyện Ty Canh gần sông Nhật Lệ (Quảng Bình). Năm 359, quân Đông Tấn chiếm huyện Thọ Lãnh và đánh bại quân Lâm Ấp tại vịnh Ôn Cấn, chiếm thành Khu Túc; Phạm Phật xin hòa và gửi sứ bộ sang Trung Hoa triều cống (372 và 377). Phạm Phật mất năm 380 nhường ngôi cho con là Phạm Hồ Đạt.
Phạm Hồ Đạt (Fan Houta) được nhiều sử gia cho là vua Dharmamaharaja, hiệu Bhadravarman I (Bạt Đà La Bạc Ma I), người sáng lập vương triều Gangaraja. Dưới thời Phạm Hồ Đạt, Phật giáo tiểu thừa (Thevada) phát triển mạnh, nhiều nhà sư từ Ấn Độ sang truyền đạo. Thành Khu Lật (Huế) vẫn là trung tâm chính trị nhưng đổi tên thành Kandapurpura, nghĩa là Phật Bảo Thành (vì là nơi có nhiều đền đài và hình tượng Phật và Shiva). Bên cạnh đó nhà vua còn cho xây dựng thêm một trung tâm tôn giáo mới tại Amavarati, tức thánh địa Hào Quang (nay là thánh địa Mỹ Sơn, một thung lũng cách Đà Nẵng 70 km về phía tây). Nhiều đền thờ Bà la môn được xây dựng tại Mỹ Sơn để thờ thần Shiva và tượng Linga, tượng trưng sức mạnh phái nam. Ngôi đền đầu tiên được xây bằng gỗ vào cuối thế kỷ 4 mang tên Bradresvara, kết hợp giữa tên vua Bradravarman I và thần Isvara (hay Shiva). Kể từ thế kỷ 4 trở đi lãnh tụ chính trị và tôn giáo tại Lâm Ấp là một: thờ thần tức thờ vua, vua thay mặt thần Shiva cai quản muôn dân. Shiva vừa là thần bảo hộ xứ sở vừa là vị thần giữ đền (Dvarapala) để dân chúng đến thờ phụng và dâng lễ vật.
Năm 399, Phạm Hồ Đạt mang quân chiếm quận Nhật Nam, giết thái thú Khổng Nguyên, tiến công quận Cửu Đức, bắt sống thái thú Tào Bính nhưng bị quân của thống chế Đỗ Viện đánh bại phải rút về dưới đèo Ngang. Năm 413, Phạm Hồ Đạt mang bộ binh chiếm đóng Nhật Nam, ra lệnh cho thủy binh đổ bộ vào Cửu Chân đốt phá các làng xã ven duyên. Thứ sử Đỗ Tuệ Độ mang quân ra nghênh chiến, chém được con của Phạm Hồ Đạt là Phạm Trân Trân (tiểu vương đất Giao Long) và tướng Phạm Kiện, bắt làm tù binh hơn 100 người, trong có một hoàng tử tên là Na Neng, tất cả đều bị chém đầu. Phạm Hồ Đạt trốn vào rừng sâu rồi mất tích. Trong khi chưa tìm được một vị vua mới, triều đình Lâm Ấp tiếp tục triều cống Trung Hoa để được yên về chính trị.
Triều đại tiếp theo là Bhadravarman do Phạm Tu Đạt cai trị. Trong thời gian từ 413 đến 420, con cháu Phạm Hồ Đạt tranh giành ngôi vua, nội chiến xảy ra khắp nơi. Năm 413, một người con của Phạm Hồ Đạt là Địch Chớn (còn gọi là Địch Chân) (Ti Chen), đạo sĩ Bà la môn, được triều thần đưa lên ngôi vua, hiệu Gangaraja (sông Gange bên Ấn Độ). Năm 415, quân Lâm Ấp vào cướp Giao Châu, năm 420, Tuệ Độ đánh Lâm Ấp. Địch Chớn là người đam mê văn hóa Ấn Độ muốn nhường ngôi cho em là Địch Khai (Ti Kai) để sang Ấn Độ sống những ngày cuối đời, nhưng Địch Khai sợ bị triều thần ám hại, dẫn mẹ chạy trốn vào rừng. Ngôi báu đành nhường cho Manorathavarman là cháu Địch Chớn nhưng tể tướng Thiếu Lâm (Tsang Lin) chống lại vì cho rằng người này không được sinh ra từ một người mẹ có dòng máu tinh khiết (tức đẳng cấp Brahman), nên bị Manorathavarman giết chết.

Triều vương thứ ba (420-530)
Năm 420, con cháu của Thiếu Lâm ám sát vua Manorathavarman và đưa người em cùng mẹ khác cha của Địch Chớn là Văn Địch (Wen Ti) lên thay. Văn Địch xưng hiệu là Phạm Dương Mại I (Yan Mah hay Fan Yang Mai), có nghĩa là Hoàng tử Vàng, nhưng không trị vị lâu vì bị chết trong một cuộc tấn công của quân Đông Tấn. Con là thái tử Đốt, 19 tuổi, được nhà Đông Tấn phong vương năm 421, hiệu Phạm Dương Mại II.
Nhân tình thế rối loạn bên Trung Hoa khi nhà Tống dẹp nhà Đông Tấn, năm 431, Phạm Dương Mại II dẫn hơn 100 chiến thuyền tấn công các làng ven biển tại cửa Thọ Lãnh, Tứ Hội và Châu Ngô (quận Nhật Nam và Cửu Chân) nhưng bị đánh bại, quân Tống chiếm thành Khu Lật, Dương Mại II chạy trốn ra Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Năm 433, Phạm Dương Mại II xin "lãnh" đất Giao Châu về cai trị nhưng vua Tống không chịu, chiến tranh lại xảy ra. Năm 443, vua Tống Du Long phong thống chế Đàn Hòa Chi làm thứ sử Giao Châu, cùng hai phó tướng là Tống Xác và Túc Canh Hiến, mang đại quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại II chạy thoát được ra của Tượng Phổ, vịnh Bành Long (Bình Định), tổ chức lại lực lượng, tăng cường thêm nhiều đội tượng binh rồi ra lệnh tổng phản công nhưng không địch nổi quân Tống. Những người sống sót chạy sang Láng Cháng (Luang Prabang ở phía bắc Lào) tị nạn, một số chạy đến Champassak (Nam Lào) ẩn náu. Đàn Hòa Chi thu rất nhiều vàng bạc, châu báu, tượng đồng và đập phá rất nhiều đền đài. Sử Trung Hoa (Tống thư) chép rằng Đàn Hòa Chi lấy được nhiều tượng vàng (mười người mới ôm xuể), đem nấu chảy, thu được hơn 10 vạn cân (40.000 kilôgam vàng). Từ đó Trung Hoa biết Lâm Ấp có nhiều vàng nên mỗi khi có dịp là tiến quân xuống đánh cướp. Trong thời này, nhiều nhà sư Phật giáo Trung Hoa ái mộ kiến trúc và tượng đài trong các đền thờ tại Mỹ Sơn sang Lâm Ấp tìm hiểu và học hỏi rất đông, nhiều tượng Bồ Tát của Phật giáo Đại Thừa Trung Hoa được tìm thấy trong các chùa (chùa Quang Khê) trong vùng.
Trong lúc chạy trốn về phía nam, Phạm Dương Mại II chinh phục luôn các tiểu vương tại Vijaya (Bình Định), Aryaru (Phú Yên), thống nhất với lãnh thổ phía bắc. Năm 443, Phạm Dương Mại II về lại Khu Lật, và mất năm 446. Lãnh thổ phía bắc của Lâm Ấp bị đẩy lùi về huyện Lô Dung (Thừa Thiên), con cháu Phạm Dương Mại II lại tranh chấp quyền hành.
Năm 455 con Phạm Dương Mại II là Phạm Chút (còn gọi là Phạm Thần Thành) (Fan Tou) lên ngôi, hiệu Trần Thành (Devanika). Trung tâm chính trị vẫn tại Khu Lật, nhưng Trần Thành cho xây dựng thêm một trung tâm văn hóa và tôn giáo mới tại Amaravati, gọi là thánh địa Hào Quang (Mỹ Sơn, Quang Nam). Vương quốc Lâm Ấp tiếp tục được nới rộng xuống phía nam đến tận sông Ba (Tuy Hòa), thuộc lãnh thổ Aryaru (Phú Yên) và vùng núi non phía tây lân cận (cao nguyên KonTum, Đắk Lắc), và phía tây tới Champassak (Nam Lào), nhiều bộ lạc người Thượng sống trên dãy Trường Sơn cũng theo về triều cống. Phạm Trần Thành mất năm 472, Lâm Ấp không có vua, nội bộ triều đình có biến động.
Năm 484, một người Khmer tên Phạm Đăng Căn Thăng (còn gọi là Pham Đang Căng Thuần) (Kieou Tcheou Lo), con vua Phù Nam Jayavarman tị nạn tại Lâm Ấp, cướp ngôi và cầm quyền trong gần 20 năm. Năm 492, con Phạm Trần Thành là Phạm Chư Nông giết Căn Thăng giành lại ngôi báu, được vua Tề Võ Đế phong vương Lâm Ấp. Phạm Chư Nông bị chết đuối năm 498, con cháu tiếp tục trị vì đến năm 527: Phạm Văn Tổn (còn gọi là Phạm Văn Tởn) (Fan Wen Kuoan) trị vì từ 498 đến 502, Phạm Thiên Khơi (còn gọi là Phạm Thiên Khởi) hiệu Detavarman (510-514) và Cao Thức Thắng Khơi hiệu Vikrantavarman hay Bật Tôi Bật Ma (526-527).

Triều vương thứ tư (529-757)
Năm 529, Vikrantavarman mất không người kế tự. Triều đình Lâm Ấp phong Luật Đa La Bật Ma lên làm vua, hiệu Rudravarman I. Năm 577, Luật Đa La Bật Ma mất, con là Prasastadharma lên kế nghiệp, hiệu Phạm Phạn Chi (Sambhuvarman). Dưới thời Phạm Phạn Chi, văn hóa Lâm Ấp tỏa rộng khắp Đông Nam Á. Năm 598, nhà Tùy chiếm dóng Lâm Ấp và phân chia thành ba châu: châu Hoan (Ty Canh), châu Ái (Hai Âm) và châu Trong (Khương). Năm 605, Phạm Phạn Chi dời kinh đô về Sinhapura, thành phố Sư Tư (nay là Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Danh xưng Campa (Chăm pa - Chiêm Thành) chính thức xuất hiện trong thời này. Phạm Phạn Chi cho xây dựng lại ngôi đền Bhadrecvara bằng gạch ở Mỹ Sơn, ngôi đền thời vua trước bằng gỗ đã bị cháy.
Năm 629 Phạm Phạn Chi mất, con là Phạm Đầu Lê (Kandharpardharma) kế nghiệp. Năm 645, Phạm Đầu Lê qua đời, vương triều Lâm Ấp loạn lạc. Phạm Trấn Long (Prabhasadharma), con Đầu Lê, vừa giành được ngôi vua liền bị giết chết, dân chúng đưa con trai một công chúa, em gái của Trấn Long, tên là Chư Cát Địa lên làm vua, hiệu Bhadresvaravarman (sự ghép tên giữa thần Bradresvara và vị tổ Bradravarman - Bạt Đa La Thủ La Bạt Ma). Chư Cát Địa làm vua được một năm (646) thì bị triều thần lật đổ, công chúa Tchou Koti, con gái của chính phi của Phạm Đầu Lê, được tôn lên làm nữ vương, hiệu Jagaddharma. Đức độ của Jagaddharma rất được dân chúng kính trọng. Sau khi qua đời, nữ vương Jagaddharma được dân chúng lập đền thờ tại tháp Po Nagar (Xóm Bóng, Nha Trang).
Năm 653, Tchou Koti nhường ngôi cho chồng - người Khmer - tên là Prakasadharma (Po Kiachopamo - Chư Cát Địa), hiệu Vikrantavarman I. Năm 685, Vikrantavarman I qua đời, nhường ngôi cho con là Vikrantavarman II (Kientotamo - Tị Kiến Đà Bạt Ma II).
Năm 731, Vikrantavarman II qua đời, con là Rudravarman II (Lutolo - Luật Đà La Bạt ma II) trị vì đến năm 757 thì mất. Con là Bhadravarman II lên thay nhưng bị các vương tôn miền nam hạ bệ, chấm dứt vai trò lãnh đạo của vương triều miền Bắc.

Hoàn Vương Quốc
Hoàn Vương Quốc hay vương triều Panduranga là tên gọi của vương quốc đã tồn tại trên lãnh thổ miền trung Việt Nam ngày nay năm 757 đến năm 859. Kinh thành của vương quốc này đặt tại Virapura (theo tiếng Việt là thành phố Hùng Tráng), nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận, trên quốc lộ 1, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 310 km.
Vương quốc này là giai đoạn tiếp theo của Lâm Ấp trong lịch sử Chăm Pa độc lập. Có tài liệu cho thấy Hoàn Vương Quốc là thuộc triều đại thứ năm (758-859) trong số năm triều đại; bốn triều đại trước đó thuộc về thời kỳ Lâm Ấp trong lịch sử Chăm Pa.
Sau này khi Chiêm Thành hình thành, Panduranga trở thành một trong 5 tiểu vương quốc. Địa phận của tiểu vương quốc này có thể nằm trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay (trong sử sách ghi là vùng Phan RangPhan Rí).
Các vương triều
Prithi Indravarman
Hoàn Vương Quốc ra đời sau một cuộc thay đổi quyền lực ở Lâm Ấp, vương quốc vốn tồn tại tại vùng này trước đó.
Năm 757, một tiểu vương ở phía nam Lâm Ấp nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ của Lâm Ấp vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía bắc.
Theo bia ký đọc được, Prithi Indravarman là người đã thống nhất lãnh thổ Chăm pa một cách chính danh nhất, vì được triều thần công nhận là "người thống lãnh toàn bộ đất nước như Indra, thần của các vị thần". Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương Quốc (tức vương quyền trở về quê cũ). Việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử tức Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay) về Virapura (thành phố Hùng Tráng, nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước - cách Sài Gòn 310 cây số về phía bắc trên quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận).
Tháp Bà được xây dựng bằng gạch (thay cho tháp gỗ trước đó) bởi Prithi Indravarman, và được xây lại bởi Satyavarman sau khi bị giặc Nam Đảo phá hủy. Tháp mang đặc trưng văn hóa Ấn Độ.
Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía bắc; tiếng Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phụng; đạo Bà la môn được đông đảo người theo; đạo Phật nguyên thủy (Theravada) phát triển mạnh trong dân gian; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)… để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm "Bà Mẹ xứ sở" để dân chúng thờ phụng – trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ phía bắc.
Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (646-653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà.
Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương Quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp); họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá.
Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Mã Lai) từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một bia ký đọc được ở tháp Po Nagar ghi "những người đen đủi và gầy yếu từ miền xa đến, ăn những thức ăn khủng khiếp hơn xác chết, lại có tính hung ác. Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ [Po Nagar]". Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.

Satyavarman
Ngay khi Prithi Indravarman vừa tử trận, một người cháu gọi ông bằng cậu tên là Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi, Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền Bắc (Bình Định) lánh nạn. Tại đây, vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Ba Na, Hrê) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara tấn công quân Nam Đảo. Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 786, Satyavarman mất (được dân chúng thờ phụng dưới pháp danh Isvaraloka), em trai út của ông được hoàng tộc đưa lên ngôi, hiệu Indravarman I(còn gọi là Nhân Đà La Bạt Ma) (786-801).
Indravarman I
Hay tin Satyavarman chết, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại phía Tây thành Virapura (gần Phan Rang ngày nay). Quân Nam Đảo chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt theo nhiều phụ nữ cùng báu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Đến năm 799, Indravarman I mới đuổi được quân Nam Đảo ra khơi để kiến thiết lại xứ sở. Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Indravarman I dẹp yên được giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía Bắc), Indra (Đông Bắc), Agni (Đông), Yama (Đông Nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (Nam). Yakshas là những bộ lạc người Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer.
Harivarman I
Đầu thế kỷ thứ 9, Indravarman I mất, em rể là hoàng thân Deva Rajadhiraja lên thay, hiệu Harivarman I (Kha Lê Bạt Ma). Trong hai năm đầu tân vương dồn mọi nổ lực xây dựng lại đất nước và phục hồi thế lực quân sự. Để nhận thêm sự ủng hộ của quần chúng, nhà vua sai tể tướng Senapati Pangro trùng tu lại tháp Po Nagar vào năm 817 và xây thêm hai tháp mới cạnh tháp chính, một ở hướng Nam và một ở hướng Tây Bắc để dân chúng đến chiêm bái tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương.
Sau những cố gắng vượt bực, Hoàn Vương Quốc hưng thịnh trở lại, Harivarman I quyết định tấn công những quốc gia đã cướp bóc đất nước trước đó. Tháng 1 năm 803, quân Chăm tấn công châu Hoan (Tỷ Cảnh, nay là Thanh Hóa) và châu Ái (Hải Âm, nay là Nghệ An), mang về rất nhiều phẩm vật. Với lượng lúa gạo mang về miền bắc, thủy quân Hoàn Vương Quốc xuất dương trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java và Patani ở Malaysia. Khi trở về, nhà vua cho người lên miền núi mộ thêm binh sĩ. Với đạo quân này, hai lần (năm 803817), Harivarman I tiến vào cao nguyên Đồng Nai thượng, đánh bại quân Khmer và kiểm soát một vùng đất rộng lớn.
Để có thêm nguồn lương thực, năm 808, Harivarman I đem quân đánh chiếm châu Hoan và châu Ái lần nữa, nhưng bị thái thú Trương Châu đánh bại: 59 người trong hoàng tộc bị bắt sống, nhiều thớt voi, tàu chiến và quân trang quân dụng bị tịch thu, hơn 30.000 người bỏ xác tại trận. Qua năm sau, năm 809, Harivarman I tái chiếm châu Hoan và châu Ái một cách dễ dàng và mang về rất nhiều phẩm vật.

Vikrantavarman III
Con trai Harivarman I là tiểu vương đất Panduranga lên kế vị năm 817, hiệu Vikrantavarman III (Thích Lợi Tì Kiên Đà Bạt Ma). Vì tân vương còn nhỏ tuổi, triều thần phong tể tướng Senapati Par, tiểu vương đất Manidhi làm phụ chính. Viên tể tướng này đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Kambujas (Campuchia ngày nay), do vua Jayavarman II cai trị, phá nhiều thành trì Khmer trên cao nguyên Đồng Nai thượng. Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên Po Nagar, Senapati Par cho xây thêm hai tháp mới về phía tây và tây nam, thời gian sau xây thêm ba tháp khác: một tại khu trung tâm thờ Sri Shambu, một phía Tây Bắc thờ Shandhaka và một phía Nam thờ Ganesha. Mặc dù vậy, trung tâm chính trịtôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga.
Dưới thời Vikrantavarman III, Hoàn Vương Quốc là một đất nước phồn thịnh, quân đội hùng mạnh. Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, miêu tả Vikrantavarman III như sau:
"[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc... bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]".
Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) miêu tả thêm : "[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp... trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi...". Đẳng cấp quí tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quí: "Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà... mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai" hay "... quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau...".


Kết thúc Hoàn Vương Quốc, hình thành Chiêm Thành
Tuy nhiên với thời gian, Hoàn Vương Quốc lại trở thành nạn nhân của sự giàu có của mình, các thế lực lân bang liên tục tràn vào cướp phá. Trong suốt 21 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Hoàn Vương Quốc, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp.
Năm 859, một vương tôn có nhiều chiến công, tên là Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Indravarman II. Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm -theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (từ chữ Campapura hay Campa mà ra), tiếng Việt là Chiêm Thành hay Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa.

Chiêm Thành
Chiêm Thành
tên gọi của vương quốc Chăm Pa trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử Chăm Pa độc lập kéo dài từ 859 đến khoảng cuối thế kỷ 17[1]. Vương quốc này được hình thành sau sự tan rã của Hoàn Vương Quốc, vương quốc tồn tại trước đó tại đây. Khi mới hình thành, Chiêm Thành bao gồm 5 tiểu vương quốc là: Indrapura (vùng Quảng Nam ngày nay), Amaravati (vùng Quảng Ngãi ngày nay), Vijaya (vùng Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Nha Trang ngày nay) và Panduranga (vùng Phan RangPhan Rí ngày nay).
Các triều vương Chiêm Thành
Từ năm 875, sử Trung Quốc gọi Chăm pa là nước Chiêm Thành.
Triều vương thứ sáu (875-991)
Indravarman II. Kinh đô chính là Indrapura (Đồng Dương - Quảng Nam). Thời gian của triều đại này là từ 875 - 889.
Jaya Sinhavarman. Thời gian của triều đại này là từ 898 - 903.
Jaya Caktivarman.
Bhadravarman II.
Indravarman III. Vào năm 918, Indravarman III cho đúc tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng dựng tại Tháp Bà, bức tượng này bị quân Chân Lạp cướp vào khoảng năm 945 - 946. Năm 965, Jaya Indravarman I cho dựng lại tượng nữ thần Bhagavati bằng đá ở Kauthara.
Parames'varavarman I (Ba Mỹ Thuế). Năm 982, Lê Đại Hành đánh Chiêm Thành, chém Ba Mỹ Thuế tại trận, phá huỷ thành trì tông miếu.
Indravarman II. Ngô Nhựt Hoan lên ngôi năm 982 và kết thúc trị vì vào năm 986. Lưu Kế Tông trị vì sau đó và kết thúc ngôi vua vào năm 988.
Jaya Indravarman I. Thời gian của triều đại này là từ 960 - 965.
Triều vương thứ bảy (991-1044)
Sri Harivarman II. Băng Vương La Duệ lên ngôi năm 988, lấy Vijaya - Phật Thệ (Bình Định) làm kinh đô chính. Lê Đại Hành đánh châu Địa Lý ngay sau khi Harivarman II lên ngôi. Năm 992, Lê Đại Hành sai mở con đường bộ đầu tiên khai thông với Chiêm Thành ở vùng biển Hà Tĩnh ngày nay. Sau đó Cu Thi Lợi lên ngôi vào năm 991 và trị vì cho đến năm 997
Yan Pu Ku Vijaya. Dương Phô Củ lên ngôi, trị vì từ năm 997 đến năm 1007.
Cri. Bi Trà (Xà Lời) lên ngôi.
Harivarman III
Paramecvaravarman II
Vikrantvarman IV.
Jaya Sinhavarman II. Sạ Đẩu lên ngôi, trị vì trong năm 1044. Vua Lý Thái Tông đã đánh thành Phật Thệ, bắt các vợ và cung nữ của Sạ Đẩu, trong đó có nàng Mỵ Ê.
Triều vương thứ tám (1044-1074)
Jaya Paramecvaravavarman I. Ứng Ni lên ngôi vào năm 1044, kết thúc trị vì năm 1060.
Bhadravarman III
Rudravarman III. Chế Củ (Dương Bộc Thi Lợi Luật Đà Bàn Ma Đề Bà) len ngôi vào năm 1061. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành. Chế Củ dâng ba châu : Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh.
Triều vương thứ chín (1074-1139)
Harivarman IV. Nhà vua bắt đầu trị vì vào năm 1074, đánh phá biên giới Đại Việt, đánh Chân Lạp đến Cambhupura, đốt phá nhiều đền điện của Chân Lạp. Năm 1075, Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành nhưng không thu được kết quả. Harivarman IV dựng lại kinh đô Indrapura (Quảng Nam) đã bị bỏ từ lâu và cho xây nhiều đền tại Mỹ Sơn.
Paramabhodistava. Bắt đầu vào năm 1081, kết thúc năm 1086
Jaya Indravarman II. Chế Ma Na bắt đầu trị vì năm 1086. năm 1104, Chế Ma Na đánh ba châu : Địa Lý, Ma Linh. Bố Chính bị Lý Thường Kiệt đánh bại.
Harivarman V (1114-1129)
Triều vương thứ mười (1139-1145)
Jaya Indravarman III (1139-1145). Năm 1145, vua Chân Lạp là Suryavarman II đánh chiếm Vijaya, Jaya Indravarman III mất tích và triều đại này kết thúc.
Triều vương thứ mười một (1145-1318)
Rudravarman IV. Kinh đô chính là Panduranga. Kết thúc vào năm 1145.
Jaya Harivarman I (Chế Bì La Bút).
Jaya Harivarman I
Jaya Harivarman IV (1167-1190)

Sau đó vào năm 1190, Chiêm Thành bị chia làm hai vương quốc : Vương quốc Vijayavương quốc Panduranga. Vào năm 1192 thì lại thống nhất lại
Jaya Paramecvaravarman II lên ngôi năm 1226, từ đây người Chân Lạp tự ý rút khỏi Chiêm Thành.
Jaya Indravarman VI. Jaya Indravarman VI là vị vua có mối quan hệ giao hảo với Đại Việt. Ông bị ám sát và cướp ngôi năm 1257.
Indravarman V (1265-1285). Indravarman V có tên thật là Cri Harideva, người cháu đã ám sát vua Jaya Indravarman VI, và đến năm 1266 thì làm lễ đăng quang.
Jaya Sinhavarman III (Chế Mân). Năm 1305 - 1306, Chế mân đem vàng bạc ..và hai châu Ô, Lý làm lễ cưới công chúa Huyền Trân. Năm 1307, Chế Mân chết, nhà Trần dùng kế đưa Huyền Trân trở về.
Cri Jaya Sinhavarman IV (Chế Chí) (1307-1312). Vua Trần Anh Tông sai quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Chí đem về hành cung ở Gia Lâm, phong Chế Chí làm Hiệu Trung Vương, sau đó đổi thành Hiệu Thuận Vương. Chế Chí mất năm 1313. Tác Chí lên ngôi sau Chế Chí. Vào năm 1312 thì Chế Năng (Chế Đà A Bà Niêm) lên ngôi, trị vì cho đến năm 1318. Năm 1318, Chế năng đánh chiếm hai châu Ô, Lý bị thua và phải chạy sang Java.
Triều vương thứ mười hai (1318-1390)
Chế A Nan lên ngôi, trị vì từ năm 1318 đến năm 1342. Năm 1342, vua Trần Minh Tông sai Huệ Túc Vương Đại Niên đem quân đi đánh Chiêm Thành nhưng không được.
Chế Bồng Nga (A Đáp A Giả). Chế Bồng Nga đem quân đi đánh cướp Hoá Châu vào năm 1361, 1362, 1366, 1368. Ông chết trận vào ngày 23 tháng 1 năm 1390.
Triều vương thứ mười ba (1390-1458)
La Khải (1390-1400). Năm 1394, nhà Trần thu lại đất châu Hoá. Trong năm 1400, nhà Trần đem quân đi đánh Chiêm Thành, La Khải chết.
Jaya Sinhavarman V (Ba Đích Lai) (1400-1441). Nhà Hồ chiếm được đất Chiêm Động và Cổ Luỹ. Năm 1403, nhà Hồ vây đánh thành Trà Bàn nhưng không được. Năm 1434 và 1435, Chiêm Thành lại sang đánh Hoá Châu.
Maha Vijaya (Ma Ha Bí Ca)(1441-1446)
Ma Ha Bí Lai.
Ma Ha Quý Lai.(1446-1449)
Ma Ha Quý Do. (1449-1458)
Triều vương thứ mười bốn (1458-1471)
Ban La Trà Nguyệt.
Ba La Trà Toàn. Năm 1469, 1470 Trà Toàn sai quân đi đánh Hoá Châu. năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, chiếm Trà Bàn, kết thúc triều đại thứ mười bốn của Chiêm Thành.
Từ năm 1471 trở đi
Năm 1472 : Trà Duyệt (Trà Toại) xin triều đình nhà Minh phong Phiên vương Chiêm Thành. Bô Trì Trì, một tướng Chiêm chạy thoát trong trận Trà Bàn năm 1471 đem tàn quân vào Phan Rang tự xưng vương, giữ được 1/5 đất cũ Chiêm Thành. Vua Lê Thánh Tông chia đất còn lại của Chiêm Thành làm ba phần. Bồ Trì Trì được phong đất từ núi Thạch Bi trở vào. Thạch Si sơn là ranh giới Đại Việt - Chiêm Thành. Vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi người Chiêm vẫn chiếm giữ cho đến đời chúa Nguyễn Hoàng.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh Chiêm Thành, lấy phần đất từ đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, đặt làm Phủ Phú Yên.
Năm 1627 đến năm 1651. Pô Rome xưng vương. Vợ thứ ba của Pô Rome là công chúa Ngọc Hoa, con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm 1653. Bà Tấm lên ngôi vua, xâm lấn Phú Yên, bị quân của chúa Nguyễn Phúc Tần đánh đuổi đến sông Phan Rang. Đất Chiêm Thành giới hạn từ phía Tây sông Phan Rang trở vào.
Năm 1692. Bà Tranh xưng vương, đem quân đi cướp phá. Đến năm 163, bị quân chúa Nguyễn Phúc Chu đánh bại. Bà Tranh bị bắt, giam tại Hòn Chén đến năm 1694 thì mất.
Năm 1694. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Kế Bá Tử làm Phiên vương cai trị người Chiêm. Mấy năm sau thì chức Phiên vương bị bỏ, đất đai Chiêm Thành bị sát nhập hết vào lãnh thổ Đại Việt.