Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Người Đi Tìm Hình Của Nước

Thông Tin Du Lịch Phổ biến

ĐẠO CAO ĐÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THUYẾT MINH DU LỊCH

 

Anh chị em ta trong cuộc đời hướng dẫn của mình, ai cũng ít nhất một lần dẫn khách đi Tòa Thánh Tây Ninh, trụ sở lớn nhất của Đạo Cao Đài, hoặc trên đường tour ít nhất cũng một hai lần đụng đến việc thuyết minh về tôn giáo này.

Hơn nữa, khách Inbound rất thích nghe những vấn đề về tôn giáo này, trong khi đó, việc thuyết minh về tôn giáo này tương đối khó khăn bởi tính chất đặc thù của nó và vấn đề chính trị, văn hóa, lịch sử của tôn giáo này cũng rất phức tạp, cho nên nhiều anh em đồng nghiệp của mình cung cấp thông tin mỗi người mỗi khác.

Thanh Hoàng không giỏi giang gì so với quý anh chị em mình, nhưng Thanh Hoàng đã theo đuổi và nghiên cứu về tôn giáo này hơn mười mấy năm nay cho nên Thanh Hoàng cũng biết khá sâu từ những việc tốt, những việc chưa tốt của những người thực hành tôn giáo đó, những thứ mà người ta chưa lột tả được, và đôi khi nhận định thiên kiến, chủ quan. Do đó, có mấy vấn đề Thanh Hoàng mong quý anh chị em cùng nhau khảo cứu:

Ø VẤN ĐỀ THỨ NHẤT: DANH XƯNG ĐẠO CAO ĐÀI

Danh xưng đầy đủ của Đạo Cao Đài là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nghĩa là “Con đường lớn được mở ra lần thứ ba để cứu giúp”, đừng dịch “Đại Đạo là Đạo lớn” vì chữ Đạo ở đây còn có nghĩa là con đường, dịch là đạo lớn rất dễ dẫn đến tranh cãi. Cho nên, theo quan điểm của tín đồ tôn giáo này: Trước khi Đạo Cao Đài ra đời đã có nhiều tôn giáo ra đời, theo quan điểm của họ: Những tôn giáo do các vị “Thái Thượng Nguyên Thủy, Nhiên Đăng Cổ Phật…” lập ra thì được gọi là Tôn giáo thời Nhứt kỳ Phổ Độ - con nghĩa là cứu giúp lần thứ nhất, tuy nhiên, thực chất thì chẳng thể xác định có những người đó, về mặt bản chất và tài liệu do Viện nghiên cứu Cao Đài ở Đại học Quốc Gia Đức (hay còn gọi là Đại học Tây Đức, trong đó có một phân ngành gọi là Cao Đài học) nhận định, những tôn giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ thực chất chỉ là những tôn giáo nguyên thủy và không có giáo chủ, giống như một dạng saman giáo mà thôi. Lần phổ độ thứ hai Đạo Cao Đài gọi là Nhị Kỳ Phổ Độ, gồm có các tôn giáo sau: Nho Giáo, Đạo Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo và Kito Giáo, những tôn giáo này theo như quan niệm của Đạo Cao Đài đều do 1 gốc sinh ra, và được gọi là Thượng Đế sinh ra, Thượng Đế trong Đạo Cao Đài không dừng lại ở đấy giáo chủ Ngọc Hoàng Thượng Đế - Cao Đài Tiên Ông mà nó còn là chân lý tuyệt đối, chân lý ấy là làm việc tốt, việc lành….cho nên, Cao Đài nói những tôn giáo này không khác gì Cao Đài cả, nhưng mà lâu dần theo thời gian, sự cứu rỗi giảm dần cho nên Cao Đài phải xuống thể, gôm hết các giáo lý lại, phục hưng lên và tạo thành lần cứu độ thứ ba, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đã có hướng dẫn nói Tam Kỳ Phổ Đổ là phổ độ 3 kỳ là Bắc Kỳ - Trung Kỳ và Nam Kỳ, điều đó ko chính xác!

Ø VẤN ĐỀ THỨ HAI: NGÀY KHAI ĐẠO CAO ĐÀI VÀ NHỮNG THỨ “ĐẦU TIÊN”

Ngày giờ khai đạo của Cao Đài ngay cả bản thân người Cao Đài còn tranh cãi thì chúng ta làm sao dám nói là cái nào đúng, theo quan điểm của Cao Đài Tây Ninh là ngày 15/10 âm lịch năm Bính Dần 1926, theo quan điểm của các thánh sở Cao Đài độc lập là ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần, theo quan điểm của Cao Đài Chơn Lý là ngày 24 tháng 12 dương lịch năm 1925…có rất nhiều tranh cãi về điều này, nhưng theo tài liệu của Tiểu ban Nghiên Cứu Cao Đài – thuộc Viện KHXH trong Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam và Ban Tôn Giáo Chính Phủ là ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần, đây được xem là ngày được  đông đảo người chấp thuận, nếu các bạn thuyết minh ngày khác, bạn phải chỉ ra vì sao lại nói như vậy, như vậy chẳng khác nào mang dây buộc mình cả, cho nên 15/10 là ngày khỏe nhất.

Thánh thất đầu tiên của Đạo Cao Đài được cộng đồng nghiên cứu Cao Đài chấp nhận là Thánh Thất Cầu Kho, nay đổi tên thành Nam Thành Thánh Thất nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM. Tuy nhiên, cộng đồng Cao Đài Tây Ninh nhìn nhận Thánh thất đầu tiên của Đạo Cao Đài là Chùa Từ Lâm hay còn gọi là Chùa Gò Kén (nằm ngay trên quốc lộ 22), hiện chùa dâng xây dựng rất nhiều công trình, trên quốc lộ 22, chùa nào có tượng Phật nằm lớn nhất và sơn màu trắng thì đó là chùa Gò Kén, chùa năm xưa khai đạo Cao Đài. Tuy nhiên, nhà thờ thiên nhãn đầu tiên của Đạo Cao Đài ở TPHCM là nhà ông Đoàn Văn Bản (Đốc học của trường Cầu Kho) chính là hiệu trưởng đầu tiên của trường Tiểu học Trần Hưng Đạo nằm ngay trên đường trần Hưng Đạo, kế bên Trung tâm phòng cháy chữa cháy và gần bệnh viện Rằng Hàm Mặt. Người tín đồ đầu tiên mà tất cả các tài liệu đều xác nhận là ông Ngô Minh Chiêu, nhưng tên trong giấy khai sinh là Ngô Văn Chiêu, người tín đồ thứ 2 theo đạo Cao Đài là ông Vương Quan Kỳ, người gốc Bình Định. Rất ít người biết ai là người thứ hai theo Đạo Cao Đài, ngay cả tín đồ Đạo Cao Đài họ cũng không mấy quan tâm người thứ hai là ai.

Ø VẤN ĐỀ THỨ 3: CÁC TÔNG PHÁI CAO ĐÀI:

Cũng như các tôn giáo khác, Đạo Cao Đài cũng bị phân chia thành nhiều tông phái khác nhau vì bất đồng quan điểm điều hành giáo hội ban đầu, nhưng người Cao Đài gọi là do thiên ý. Quy luật phân ly tôn giáo là quy luật hiển nhiên của tính thế tục trong tôn giáo, giới Tôn Giáo học gọi là “Phân ly đồng quy” hay “phân ly tiệm cận”…

Nhiều HDV thuyết minh Đạo Cao Đài có 2 phái là Bến Tre và Tây Ninh, hoặc có HDV thuyết minh là Bến Tre và Chiếu Minh. Thanh Hoàng xin xác nhận là không chính xác.

Thực chất: Đạo Cao Đài có 2 phép tu gọi là phép tu thiền định giống như thiền tông của Phật Giáo, và phép tu phổ độ giống tịnh độ tông của Phật giáo. Người tín đồ Đạo Cao Đài được quyền chọn một trong hai phép tu này để tu học, tuy nhiên đa phần đều khuyến khích lồng ghép 2 phép tu vào.

Và Tông Phái nên hiểu là cơ quan hành chính của Đạo Cao Đài:

Hiện Cao Đài có vô vàn tông phái, bản thân Thanh Hoàng đi thực tế và thông kê có hơn 28 tông phái, trong đó mới phát hiện phái thứ 29 ở tỉnh Tây Ninh nữa, tuy nhiên, khuyến khich các anh em nêu những tông phái được nhà nước công nhận: Hiện tại có các tông phái sau được công nhận (Thanh Hoàng xếp theo thứ tự ABC để khách quan, không coi anh nào quan trọng hơn anh nào):

-         Giáo Hội Cao Đài Việt Nam Bình Đức ở Tiền Giang

-         Hồi Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý ở Kiên Giang

-         Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre (hay bị gọi là phái Bến Tre)

-         Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan (Bình Định)

-         Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu ở Hậu Giang

-         Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý ở Tiền Giang

-         Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo ở Cà Mau

-         Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên ở Bến Tre

-         Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh  ở Tây Ninh

-         Hội Thánh Cao Đài Việt Nam Bến Tranh ở Tiền Giang

-         Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài ở Đà Nẵng

-         Pháp Môn Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi ở Cần Thơ.

Trong số các Hội Thánh trên, Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đông tin đồ nhất, có tòa thánh là Tòa Thánh Tây Ninh đẹp nhất, to nhất và được khai thác cho du lịch, kế đến là Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, cho nên nhiều khi anh chị em mình hay gọi là 2 phái, nhưng không phải, chính xác là Cao Đài có 2 phép tu và nhiều tông phái, anh em mình không biết đến những phái kia cũng là đúng vì nó không nổi tiếng và ít ai đi du lịch ở đó nên mình cũng không biết, nhưng nếu không biết mà nghĩ rằng không có họ thì không đúng lắm, cho nên Thanh Hoàng xin đính chính lại việc này.

Ø VẤN ĐỀ THỨ 4: THIÊN NHÃN CỦA ĐẠO CAO ĐÀI:

Nhiều HDV hay thuyết minh Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn là con mắt trái, câu này không chính xác, vì Đạo Cao Đài không phải xem thiên nhãn là đối tượng thờ, mà Đạo Cao Đài thực chất thờ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Maha Tát mà theo quan niệm của họ chính là Ngọc Hoàng, hay ông Trời. Biểu hiện cho ông trời được thông qua biểu tượng chủ yêu là thiên nhãn hình con mắt trái, phải gọi là “chủ yếu” mới chính xác, vì có nhiều Hội Thánh Cao Đài dùng biểu hiện khác đại diện cho Thượng Đế của họ, ví dụ: Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý không đem thiên nhãn mắt trái lên làm biểu hiện mà họ dùng Tâm Nhãn, anh chị em có thể search trên google về “Cao Đài Chơn Lý” sẽ thấy họ dùng thứ gì để làm đại diện cho Thượng Đế - hình một trái tim, bên trong trái tim có một con mắt cách điệu, không xác định được con mắt cách điệu ấy là mắt trái hay mắt phải, và bên ngoài có 72 tia hào quang, ngoài ra còn có Giáo Hội Cao Đài Việt Nam Bình Đức và Hội Thánh Cao Đài Việt Nam Bến Tranh họ cũng dùng tâm nhãn làm biểu tượng và 108 tia hào quang.

Song song với vấn đề nhiều chi phái là có nhiều Tòa Thánh Cao Đài, Tòa Thánh Tây Ninh thì ai cũng biết, riêng Tòa Thánh thứ 2 có thể khai thác du lịch là Tòa Thánh Định Tường ở Tiền Giang do Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý quản lý Tòa Thánh này, và nằm kế bên chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho, duy nhất 1 công ty du lịch là công ty du lịch Tovovnhikop của Nga là thiết kế chương trình đi Mỹ Tho có ghé Tòa Thánh này, còn các công ty du lịch khác ở VN hầu như không ai biết nó nằm đâu, chổ nào, mặc dù đến Vĩnh Tràng để ý tháp cao màu trắng sẽ thấy Tòa Thánh ngay lập tức.

Ø VẤN ĐỀ THỨ NĂM: CAO ĐÀI VÀ CHÍNH TRỊ:

Nhiều anh chị em chúng ta hay nhầm lẫn khi nói rằng Đạo Cao Đài chống cộng sản, rỏ ràng là ngay cả các nhà khoa học cũng nhầm lẫn như vậy, Thanh Hoàng đã có rất nhiều văn bản gửi đến Tiểu Ban Nghiên Cứu Cao Đài của Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam mỗi khi họ nhìn nhận vấn đề bị nhầm:

Như ở vấn đề số 3 và số 4, Thanh Hoàng có nói: Cao Đài có nhiều Tông Phái, chỉ có duy nhất một tông phái dính tới vấn đề chính trị mà thôi, đólà Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng không phải 100% tín đồ hãy lãnh đạo của Tông phái này dính tới chính trị, mà chỉ có một bộ phận rất ít những nhà lãnh đạo của tông phái này có quan niệm lập Cao Đài Tây Ninh thành một tông phái hùng mạnh và ra ngoài vòng quản lý của chính quyền, cho nên họ không có đường lối nhất quán về chính trị, khi thì họ thân Nhật, khi thì họ thân Pháp, và khi thì họ thân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, mà bốn thế lực này đều là kẻ thù của miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ cho nên quan điểm thân những thế lực đó của Cao Đài Tây Ninh gây phương hại đến chính sách thống nhất đất nước và hòa hợp dân tộc của mặt trận dân tộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước cho nên Cao Đài Tây Ninh chống Cộng, tuy nhiên, từ năm 1976 đến 1995, các nhà nghiên cứu dường như không nhận ra rằng Cao Đài Tây Ninh và các Cao Đài khác hoàn toàn độc lập với nhau và không liên hệ gì với nhau về mặt chính trị và quân sự, họ chỉ biết nơi nào đem mắt trái lên bàn thờ và thắp nhang thì đó là Cao Đài và Cao Đài thì chống Cộng, cho nên nhận định này của họ mang tính quy chụp và gây phương hại đến danh tiếng của các Hội Thánh Cao Đài khác, trong khi tất cả các Hội Thánh Cao Đài còn lại đều đi theo cách mạng và họ đóng góp rất nhiều cho kháng chiến ở chiến trường miền Tây và miền Trung, ví dụ: Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo ở Cà Mau, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên ở Bến Tre, Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý ở Tiền Giang đã tổ chức tiêu thổ kháng chiến, xây dựng chính dịch vườn không nhà trống và có hàng ngàn tín đồ theo cách mạng và hi sinh, trở thành liệt sĩ, hàng ngàn mẹ Việt Nam anh hùng… Hơn nữa, năm 1946, ông Cao Triều Phát đã tham gia chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng thời với Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó chứng tỏ chỉ một bộ phận nhỏ gây ảnh hưởng đến con đường cách mạng của toàn dân tộc chứ không phải tất cả Đạo Cao Đài, vì vậy cần nhìn nhận lại.