Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Người Đi Tìm Hình Của Nước

Thông Tin Du Lịch Phổ biến

ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM Ở TRẠI PHONG BÌNH MINH NĂM 2014

Từ khi lên kế hoạch tổ chức Đêm Hội Trăng Rằm cho trẻ em Trại Phong Bình Minh – Long Thành chỉ có hơn 2 tuần, thời gian khá ngắn ngủi, nhưng phải làm đúng ngày 7/9 (tức ngày 14/8 AL) thì mới có ý nghĩa, tuy Đạt rất hoang mang dao động nhưng được sự ủng hộ của Ms Nguyễn Thuỵ Bích Ngọc và Pé Phạm Anh, các Anh, Chị Em (ACE) cùng các bạn nên cũng tự tin được 1 chút. Đạt và Pé Phạm Anh tiến hành đi khảo sát Trại Phong Bình Minh để tìm hiểu thêm thông tin thì được biết có đến 148 trẻ em từ độ tuổi 15 trở xuống, là con em của các gia đình bị bệnh Phong đang sống tập trung tại Trại Phong Bình Minh, một số lượng trẻ không nhỏ. Về đến nhà thử đăng lời kêu gọi trên cộng đồng Face book thì được sự hưởng ứng của rất nhiều người, đặc biệt là Ms Ngọc (Thánh Like) tuy nhiên Đạt cũng suy nghĩ, quyên góp được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu chứ thời gian thì quá ít. Từ ngày thứ 2 kể từ khi đăng tin tức quyên góp ủng hộ, chỉ thấy mọi người like ngoài ra chẳng thấy ai liên lạc hết, cũng hơi thấy lo lo, qua ngày thứ 3 thì  có nhiều người liên lạc như anh Lê Cường, bạn Phạm Anh, Ms Ngọc cũng cho Đạt biết là có 2 người đã ủng hộ anh Lê Cường và Anh Minh – một tín hiệu rất khả quan, sau đó có rất nhiều người đã ủng hộ, tập, vở, quần áo, sách giáo khoa, sách truyện...bạn Phạm Anh cũng kêu gọi thêm được những mạnh thường quân khác và đưa ra ý kiến là bán bút chì khắc, móc khoá để gây quỹ, công việc này do chính pé thực hiện (hổng biết 2 cái bàn tay như thế nào luôn) tiếp theo sau là sự đóng góp của các bạn sinh viên và các ACE hướng dẫn viên.... tới ngày cuối tuần thứ 2 thì Đạt mới chuẩn bị đủ các phần quà. Nhưng vấn đề lo lắng nhất là sợ mọi người hiểu lầm việc làm này nhằm tôn vinh cá nhân hay thương hiệu của ai đó hoặc những phần quà không đến được tay của những người thật sự cần giúp đỡ. Nhưng suy nghĩ nhiều quá thì chẳng bao giờ làm được, người ta nói “đứng mũi chịu sào mà” để mang niềm vui và hạnh phúc, sự ấm áp cho các pé Trại Phong Bình Minh, dù có bị hiểu lầm, dù có như thế nào thì Đạt cũng chịu được (phải chịu đấm thì mới có xôi để ăn chứ”.
Chiều ngày 6/9 trời đổ cơn mưa khá lớn suốt 4h từ 13h đến 18h mới dứt, Sài Gòn nước ngập lênh láng, nước gần tràn vào phòng rồi, không ổn, phải khiêng tất cả đồ đạc lên vị trí cao hơn nếu không thì ướt hết những phần quà đã chuẩn bị từ mấy tuần nay, chuyển đồ tuy hơi mệt nhưng trong lòng thì hơi vui vì suy nghĩ hôm nay mưa như trút nước như vậy chắc là ngày mai trời sẽ không mưa nữa.
Đến 13h45 Ms Ngọc (Bà Ngoại Thổ Phỉ,Thánh Like)  là người có mặt đầu tiên ở nhà Đạt, đúng là người lớn và có trách nhiệm nên...tiếp theo sau đó là bạn Tâm, Anh Minh và các bạn sinh viên, ngồi đến 14h45 thì mọi người chuyển đồ ra ngoài, dựng xe và ràng đồ lên xe, mải đến 3h30 thì Ms Nga có mặt lúc đó đồ đạc cũng đã chuyển lên xe hết, Ms Ngọc đã nhanh tay thắp nhang trước bàn thờ Phật chắc là để cầu khẩn cho chuyến đi được an toàn và trời đừng mưa, trời bắt đầu đổ mưa tuy mưa không lớn nhưng vì sợ ướt đồ nên mọi người đều phải mặc áo mưa. Chúng tôi đi theo đường Cát Lái, mưa càng lúc càng nặng hạt, đến được bến phà Cát Lái thì mọi người đều ướt từ trong ra đến ngoài, Ms Ngọc cũng tranh thủ chụp vài tấm hình trên phà, Mr Minh phụ trách chở những thùng bánh trung thu, do trời mưa nên có 1 thùng bánh bị bong ra, rất may là những cái bánh đã được bọc rất kỹ nên không bị gì, chúng tôi bỏ những cái bánh đó vào ba lô, cốp xe sau khi qua phà tiếp tục hành trình đi Long Thành, mưa không ngớt. Ra khỏi ngã tư Nhơn Trạch chúng tôi đi tiếp 10km tập trung tại Công Ty Vedan, một số bạn đã mua vài cái bánh bao để ăn, vì ướt mưa nên ai cũng thấy mệt và đói bụng nhưng không ai than phiền, xem ra mọi người đều rất vui vẻ, hoà đồng. Chỉ còn khoảng 2km nữa là đến trại Phong Bình Minh mọi người cũng thấy phấn khởi.
Đường đi vào trại phong khá quanh co, đường đất vì trời mưa nên rất trơn nên chúng tôi không dám chạy nhanh, trại phong đã hiện ra trước mặt, mọi người nhanh chóng khiêng đồ xuống để vào trong khu vực hội trường của trại phong, ở đây có sẵn các dãy bàn nên việc phân đồ cũng tương đối dễ dàng, sau khi để bánh trung thu, tập vở, lồng đèn, kẹo, bánh ngọt, gôm + bút chì, chúng tôi nhanh tay bỏ vào các bịch ninlon để sẵn, các bạn trẻ thật năng động và nhanh tay, vì làm theo dây chuyền, mỗi người bỏ vào bịch 1 thứ nên công việc kết thúc nhanh,đang làm giữa chừng thì Ban Quản Lý Trại Phong đã có mặt, mở đèn, mở văn phòng lúc đó đã có 1 số trẻ em tập trung
Khoảng 18h thì các pé đã tập trung đông đủ theo danh sách và nhận phiếu quà do sự chuẩn bị sẵn của Ban Quản Lý Trại Phong. Chúng tôi phát quà dựa theo danh sách, hầu hết các trẻ em ở đây là con của gia đình bị phong (cha hoặc mẹ bị phong), vì có sự chuẩn bị sẳn về tâm lý nên các bạn sinh viên của nhóm chúng tôi không ngại việc tiếp xúc với trẻ em ở đây. Các pé có đủ mọi lứa tuổi, nhìn qua cách ăn mặc cũng đủ biết về mức độ khó khăn của các gia đình này, hầu hết khi họ tham gia vào các hoạt động trong xã hội đều bị người khác xa lánh nên việc tìm kiếm việc làm để nuôi sống gia đình cũng hết sức khó khăn, sự giúp đỡ của Nhà Nước hoặc các tổ chức xã hội, các đội nhóm thiện nguyện chỉ là giúp vượt khó chứ không thể giúp cho các gia đình bị bệnh phong này thoát nghèo, hơn nữa là định kiến, sự hắt hủi của một số người càng khiến họ đã khó khăn càng khó khăn hơn. Nhìn những ánh mắt hân hoan của các bé và người thân của các bé trước món quà nhỏ nhoi của chúng tôi, chúng tôi cũng cảm thấy rất ấm áp mặc dù quần áo ai cũng  bị ướt và rất lạnh. Ms Ngọc đã ghi lại những khoảnh khắc bằng những tấm hình thật đẹp, những câu chuyện về các pé ở trại phong thì nhiều vô kể, những mãng đời bất hạnh sự kỳ thị của bạn bè và xã hội luôn là gánh nặng của các bé trong suốt tuổi thơ.

Sau khi phát quà xong chúng tôi cho các pé tập trung thành vòng tròn, đốt đèn và mở nhạc trung thu sau đó tổ chức một số trò chơi, đến 19h thì chương trình kết thúc, trời cũng tạnh mưa, chúng tôi chuyển quần áo và sách vở của những nhà hảo tâm vào văn phòng ban quản lý trại phong sau đó chia tay ra về.
Tuy không nói một lời nào nhưng cả nhóm chúng tôi đều hiểu được sự giúp đỡ này cho trẻ em trại phong Bình Minh chỉ là tạm thời, chúng tôi chỉ có thể mang lại cho các pé hạnh phúc nhỏ nhoi và sự ấm áp của lòng quan tâm cho các pé trong đêm trung thu, giúp cho các pé có được niềm vui trong ngày tết Trung Thu còn sau đó...tương lai của các pé và những gia đình này sẽ như thế nào thì không ai biết. Nếu tôi có thể làm được điều gì đó hoặc có được 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi sẽ ước cho con người không bị mắc căn bệnh quái ác này và điều ước thứ 2 là tạo được công việc ổn địn cho những gia đình bị bệnh phong này.
Chúng tôi quay về, trời lại đổ mưa, tôi và các bạn đã ướt sẵn nên không ai muốn mặc áo mưa, cũng có thể vì sự vui mừng  sự ấm áp của các pé khi vui chơi cùng với chúng tôi nên chúng tôi không còn thấy lạnh và mệt mõi.
Chuyến đi kết thúc, tuy đã mang lại 1 niềm vui nho nhỏ cho trẻ em trại Phong Bình Minh trong dịp trung thu 2014 nhưng còn đọng lại trong mỗi người rất nhiều sự băn khoăn và ưu tư, một câu hỏi lớn không lời đáp, không biết số phận của các trẻ em và các gia đình bị bệnh phong này sẽ đi đâu về đâu, tương lai của họ chỉ là một màu ảm đạm bởi vì chắc chắn họ không có cuộc sống như những người bình thường, sự giúp đỡ của chúng ta chỉ là tạm thời, không thể mang lại cho họ một cuộc sống ổn định, một tương lai tươi sáng hơn.
Trong khi chờ đợi một sự kỳ diệu nào đó xảy ra, Đạt mong các ACE, các nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng, các bạn và các đội nhóm thiện nguyện hãy quan tâm hơn nữa đến TRẠI PHONG BÌNH MINH tại Long Thành - Đồng Nai này nhiều hơn nữa, tuy có thể sự giúp đỡ của mọi người chỉ mang tính chất tạm thời nhưng ít ra cũng giúp cho những gia đình này vượt qua được khó khăn. Nếu các ACE nào muốn biết thêm thông tin về Trại Phong Bình Minh có thể liên hệ với Đạt qua số điện thoại 0903 97 68 33.
Để có một chuyến đi đầy ý nghĩa này không thể không nói đến công lao to lớn của những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng của các Cô, các Chú các Bác, các ACE, các bạn sinh viên. Thay mặt trẻ em và các gia đình ở Trại Phong Bình Minh, Đạt  xin gởi đến Quý vị lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc. Rất mong trong thời gian tới sẽ có nhiều chương trình ý nghĩa hơn và được sự giúp đỡ của mọi người.


TRẠI PHONG BÌNH MINH - TỔ CHỨC ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM THẮP SÁNG NIỀM TIN VÀ MƠ ƯỚC

“Đêm Trung Thu em đốt đèn đi chơi” đó là lời mở đầu của một bài hát về Trung Thu hay còn gọi là “Đêm Hội Trăng Rằm” có thể nói đây là một ngày hội dành cho trẻ em và tất cả các trẻ em đều vui mừng chào đón ngày hội này. Nhưng các anh, chị và các bạn có biết vào đêm Trung Thu 2014 này sẽ có rất nhiều trẻ em không có một chiếc đèn Trung Thu để đốt? Vì sao ư? Bởi vì các em là những mảng đời bất hạnh, một ước mơ dù nhỏ nhoi của các em sẽ không thành hiện thực nếu như không có sự giúp đỡ của chúng ta.
Chúng ta thật hạnh phúc, may mắn hơn các trẻ em bất hạnh là chúng ta có một mái ấm gia đình, những gì mà chúng ta mơ ước đều có thể trở thành sự thật, còn các trẻ em bất hạnh, dù không muốn nhưng chỉ một ước mơ nhỏ cũng khó thực hiện được. Có ai đó ngồi nghĩ lại tuổi thơ mà chúng ta đã trải qua có phải chúng ta may mắn hơn các em nhỏ bất hạnh nhiều?
Vậy chúng ta có thể làm gì để góp phần làm cho những mảng đời bất hạnh đó được ấm áp hơn, hạnh phúc hơn vào đêm Trung Thu 2014? Rất nhiều, chúng tôi đang kêu gọi lòng trắc ẩn, sự hảo tâm của các Anh, các Chị, các Cô Chú và các bạn để hoàn thành ước nguyện của các trẻ em bất hạnh bằng cách chia sẻ một phần hạnh phúc mà mình may mắn có được cho các trẻ em bất hạnh. Hãy cùng Đạt và các bạnh sinh viên cùng các anh chị em  tổ chức “ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM THẮP SÁNG NIỀM TIN VÀ MƠ ƯỚC” dành cho trẻ em trại phong Bình Minh, nói chung là “trẻ em bất hạnh” vào dịp Trung Thu 2014 này.
Các ACE, Cô Chú, Anh Chị và các bạn có thể tham gia bằng nhiều cách:
- Tặng 01 phần quà (lồng đèn, bánh trung thu, tập, sách, cặp viết, đồ chơi, quần áo…)
- Đóng góp tiền mặt để mua quà (lồng đèn, bánh trung thu, cặp,sách, viết…): 50.000đ (chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt)
- Tham gia biểu diễn các tiết mục: ca nhạc, trò chơi… hoặc biểu diễn các loại nhạc cụ: đàn organ, gita, sáo, đàn tranh… vào Đêm Hội Trăng Rằm cùng Câu Lạc Bộ chúng tôi tại Trại Phong Bình Minh - Địa chỉ : ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đống Nai .
Đúng 14h00 các ACE và các bạn tập trung tại nhà Đạt - địa chỉ: 561/23/44 xô viết nghệ tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh (hẻm 10 đối diện Bến Xe Miền Đông, đường Quốc Lộ 13) hỏi đường vào chùa Thập Phương, nhà Đạt ở gần chùa.
Chương trình được thực hiện vào lúc 17h ngày 07tháng 09 năm 2014 tại Trại Phong Bình Minh - Địa chỉ : ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đống Nai .

Sự quan tâm của Quý Vị sẽ tạo cho các trẻ em bất hạnh một niềm vui vào dịp Trung Thu 2014 này. Thay mặt các trẻ em bất hạnh xin chân thành cảm ơn Quý Vị. Hãy Đồng Hành cùng chúng tôi tổ chức “ ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM THẮP SÁNG NIỀM TIN VÀ MƠ ƯỚC” cho trẻ em TRẠI PHONG BÌNH MINH

Để đóng góp tiền bạc và vật phẩm Quý Vị vui lòng liên hệ: Mr Tiến Đạt và Ms Ngọc
Ms:Nguyễn Thụy Bích Ngọc 
Cell phone: 0902.7020.84
Số tài khoản: 044.100.399.66.93, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Tân Bình 
Cellphone: 0903.976.833 - 0906 97 68 33 Tiến Đạt.

Lưu ý:
- Sự đóng góp của Quý Vị sẽ được ghi nhận và cập nhật thường xuyên
- Đây là hoạt động thiện nguyện nhằm mục đích giúp đở cho trẻ em TRẠI PHONG BÌNH MINH chứ không mang danh nghĩa của bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào

Những món ăn đặc sản của người dân bản đia Sapa

Những món ăn đặc sản của người dân bản đia Sapa

 Sa Pa không những là vùng đất nổi tiểng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng như thịt lơn bản, rau xanh... được nhiều du khách đặc biệt ưa thích.
 Lợn bản Sapa
  • Thực sự thả hoang trong rừng đã rất hiếm vì bây giờ chả còn mấy bản làng ở được gần rừng, mà lại trong rừng tít trên núi cao thì lại càng hiếm lắm. Với các tiêu chuẩn này thì đặc sản lợn Mường Sapa có lẽ còn khó kiếm hơn cả lợn rừng cũng nên. 
  • Món này có thể gọi là thịt rừng nhưng lại không phải là thịt rừng. Trong miếng thịt cảm được cả hương vị của rừng hoang mà lại không 'mắc tội' tiêu diệt động vật hoang dã, thật là tuyệt vời. Nhưng có lẽ chỉ khi được ngồi giữa mây núi Sapa, bên bếp lửa hồng với bầu rượu ngô cùng những người bạn hiền thì mới thấy hết cái tinh khôi của rừng tích tụ trong mỗi miếng ăn này. Lòng tôi thầm cảm tạ nhân duyên của Đất Trời đêm nay.
Món cá suối
  •  Sa Pa không những là vùng đất nổi tiểng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích. Trước hết phải kể đến món cá từ suối Mường Hoa, Mường Tiên mang lên bán phố chợ. Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống... Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành. 
Nấm hương Sapa
  • Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, là đặc sản của núi rừng Sa Pa. Vào các nhà hàng, bạn có thể yêu cầu được ăn món nấm hương. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm. Đó là thân nấm xé nhỏ xào với thịt, điểm xuyết thêm chút mực khô và gia vị thì mâm cỗ của bạn sẽ có đĩa nhắm chiếm ngôi hạng bên cạnh các món rau cải xoong, su su, cải nương, bắp cải, su hào... đều mang vị rất riêng của Sa Pa. Ngay như các món rau ở đây cũng đều được coi là rau sạch, vì bà con vẫn giữ nguyên cách thức cấy trồng truyền thống. 
Rau thơm Sapa
  • Đến với Sa Pa, bạn sẽ thấy các loại rau thơm ở đây mang hương vị rất riêng, có loại rau chua, ngọt và cay như: rau húng tía, rau dấp cá, rau tía tô xanh hoặc tím nồng, rau răm cay, rau mùi, kinh giới, rau mì chính, rau bạc hà... đậm đà làm mát chân răng, đó còn là những món thuốc.
Bánh ngô “Páu pó cừ”
  • Từ tháng 6 đến tháng 10, một số dân tộc ở Sa Pa thường làm bánh đao. Nguyên liệu để làm bánh bao gồm đao và gạo nếp được xay thành nước bột. Sau đó, đem nước bột lọc qua khăn cho vừa khô bột bọc bên trong. Tỷ lệ của đao 2 phần, bột nếp 1 phần. Sau đó đến công đoạn nặn bột thành những nắm bằng chiếc chén, gói vào lá chuối, buộc lại rồi cũng xôi như bánh ngô. 
  • Bánh làm xong có hương thơm của gạo nếp và đao, khi ăn sẽ có vị thơm mát, dẻo như chiếc bánh dợm người Kinh vẫn làm. Bánh đao bảo quản nơi khô ráo có thể để hàng chục ngày mà không thiu. 
Bánh dầy “Páu plậu”
  • Bánh dầy làm từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước lã khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đổ ra giá để róc hết nước rồi cho vào chõ xôi. Xôi chín, cho vào cối giã. Khi giã, thỉnh thoảng lại bôi mỡ vào chầy cho khỏi dính. Khi xôi đã nát nhừ, nặn thành từng viên và có thể ăn ngay. 
  • Bánh dầy có thể để được 1 tuần. Nếu muốn để được lâu hơn (2-3 tháng) thì làm cho bánh dẹt ra và lấy bột nếp khô rắc ra ngoài làm áo cho bánh. Khi nào dùng bánh có thể xôi lại hoặc cho vào rán, bánh lại dẻo và thơm như lúc mới làm. 
  • Bánh dầy có thể chấm đường ăn ngay hoặc rán mỡ. Bánh có vị thơm đặc trưng của gạo nếp và rất dẻo. 
Thắng cố “Cô thăng”
  • Đây là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông. Thịt nấu “thắng cố” được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. 
  • Đây là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.
Thịt sấy “Khăng gai”
  •  Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt Ngựa Trâu, Bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 - 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ. 
  • Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng... Thịt có mùi thơm và bùi. 
  • Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.
Măng chua “chua cau”
  • Măng vầu mới nhú được 25 - 30cm, mang về bóc và rửa sạch rồi thái thành từng lát nhỏ, không cho dính vào nước. Ủ măng vào chum, dùng túi bóng che kín miệng chum. Sau 20 - 30 ngày, măng sẽ chua. Lấy măng chua nấu với cá hay các loại thịt đều được. Khi nấu, măng ăn có vị chua mát, ngon, kích thích cảm giác ăn được nhiều. 
  • Măng để kín trong chum có thể bảo quản được đến một năm.
Nhái nấu rau “ua gai ờ ráu áu”
  • Người Mông thường bắt những con nhái ở suối đem về chế biến thức ăn. Họ cho rằng, nhái sống ở suối rất sạch. Sau khi rửa sạch nhái, cho muối vào xóc qua, rửa lại bằng nước lã rồi cho lên bếp luộc. Khi nhái gần chín, cho rau rừng vào, thêm một chút muối, ớt và các gia vị khác. Canh nhái ăn mát, bổ.
Đậu xị “Tẩu lư”
  • Hạt đậu tương xay cùng nước, lọc qua một lớp vải để bỏ bã. Người Mông cho nước đã được lọc vào chảo đun sôi rồi đổ nước chua cho đậu kết tủa. Sau đó ép đậu như công đoạn làm đậu bình thường. Sau đó thái từng miếng bằng bao diêm để vào mẹt để trong mát khoảng 1 tuần cho lên men và mốc đều. Hàng ngày đem ra phơi khô rồi thả vào muối ớt để ăn hoặc cho vào đun. Khi ăn ta thấy có vị đắng, chát, thơm. 
  • Đậu xị có thể để được hàng năm. Đó là món ăn kích thích tốt cho sự tiêu hoá.
Món tiết canh gà Tiết canh gà
  • “trắng cay” có thể làm theo 3 kiểu khác nhau:
  • a) Cắt tiết gà để đông và cứ thế xắn ra ăn. Ăn tiết canh gà kiểu này ngọt nhưng có mùi tanh. 
  • b) Khi cắt tiết gà, hãm tiết cho khỏi đông. Lấy lòng mề, tim gan luộc, băm nhỏ với rau húng rồi đánh với tiết gà sau đó rắc một ít lạc rang lên trên. Tiết canh gà làm theo cách này ăn mát, ngọt, thơm mùi lạc và rau húng. 
  • c) Cắt tiết một con gà khoảng 2kg, hãm tiết. Thịt gà (5 lạng) làm sạch, đem nướng cho thơm. Sau đó băm nhỏ thịt gà, xương gà rồi trộn đều với các loại rau như tía tô “bằng la”, lá chanh “phù sí luỳ”, lá húng suối “pẳn đi phảo phù”, húng lừu “pcay”. Khi ăn, vắt chanh vào bát tiết canh, rắc lạc rang lên trên. Khi ăn, tiết canh có vị ngọt, chua, hơi tanh và thơm mùi gia vị.

SAPA: BẢN LAO CHẢI - TẢ VAN

Chúng tôi chuẩn bị hành lý xuống tàu để ra xe tiếp tục chuyến đi đến Sapa. Khí trời buổi sáng mát lạnh. Hơi thở của chúng tôi tỏa khói từ mũi, miệng trông như người hút thuốc. Cảnh vật thật mát mẻ so với thời tiết thường nóng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Con đường từ Lào Cai đi Sapa quanh co và tăng dần độ cao. Sáng sớm, càng lên cao sương mù càng dày nhưng một lúc sau trời hửng nắng nhanh, sương tan và cảnh vật tự nhiên ở đây lộ rõ nét dần. Chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy xa xa những thửa ruộng bậc thang dọc theo con đường. Càng lên cao hình ảnh ruộng bậc thang càng nhiều, càng đẹp thêm ra nhất là qua những đoạn quanh co, chúng tôi có thể thấy ruộng bậc thang ở nhiều hướng, nhìn thẳng, nhìn ngang hông. Từ bất kỳ góc nhìn nào, những mảnh ruộng bậc thang đều có nét đẹp khác nhau với những bờ ruộng uốn cong mềm mại.
Sapa - thị trấn trong mây
Đi khoảng 38 cây số là chúng tôi đến Sapa. Theo người H’Mông thì Sapa được gọi là Sapả nghĩa là ‘bãi cát vàng’. Cái tên Sapa cũng bắt nguồn từ cái tên của một người Pháp là Francoise de Chapa, người đã  tìm ra Sapa năm 1903.
Sapa là tên gọi của thị trấn du lịch nổi tiếng vùng Tây Băc và là tên một huyện của tỉnh Lào Cai. Đến với Sapa, mọi người như thoát ra khỏi những áp lực cuộc sống hàng ngày ở đô thị, những lo toan, tham vọng tạm thời gác lại để thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú, để mải mê nhìn ngắm phong cảnh núi đồi, ruộng nương và những sắc màu trang phục của người dân địa phương trong làn sương mù lãng đãng…
Sapa còn được gọi là thị trấn trong mây hay thị trấn trong sương nhất là về đêm khuya tầm nhìn chỉ còn là vài mét. Mây sa xuống đột ngột ngay khi trời còn đang quang đãng. Người ta "sờ" vào mây, mây mù hòa quyện mát lạnh.
Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng Sapa đã có trung tâm cung cấp thông tin và giải quyết những khiếu nại hay thắc mắc cho du khách. Trung tâm này cũng là nơi trưng bày và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân tộc trong vùng và là nơi gắn kết doanh nghiệp với nhu cầu khách du lịch...
Nhiệt độ trung bình của Sapa là 150C. Khách du lịch đến Sapa chủ yếu là vào mùa đông vì ở Việt nam thì chỉ có Sapa là nơi khách du lịch mới có cơ hội thưởng ngoạn hình ảnh những bông hoa tuyết rơi phủ trắng khắp nơi.
Sapa gắn với dãy Hoàng Liên Sơn là dãy núi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét, là đỉnh cao nhất Việt Nam. Tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng là tuyến du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu chinh phục độ cao, du lịch mạo hiểm.
Đi bộ vào bản làng - mua hàng tận gốc
Những người dân H’Mông đi theo khách du lịch vừa trò chuyện, vừa hỏi xem khách thích mua gì và chào bán những món hàng thủ công, hàng thổ cẩm... Ảnh: Kim Dung
Chúng tôi xuống xe để thực hiện chuyến đi bộ (trekking) khám phá bản làng vùng Lao Chải, nằm cặp theo sườn núi mà chung quanh là ruộng bậc thang. Lao Chải là một xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
"Đón" chúng tôi là một nhóm người dân tộc H’Mông đen. Họ đi theo khách du lịch với vẻ thân thiện trông như những người bạn thân. Vừa đi vừa trò chuyện, vừa hỏi xem khách thích mua gì và chào bán những món hàng thủ công, hàng thổ cẩm, khèn môi…. Không vội vàng, không thôi thúc. Cứ đi và cứ trò chuyện.
Chúng tôi bắt gặp từng nhóm người cùng đi Tây có, Việt có hòa lẫn với sắc màu thổ cẩm trang phục dân tộc thiểu số tạo nên hình ảnh đẹp lạ mắt. Nhà người dân tộc H’mông đen thường xây dựng cặp theo vách núi đồi dường như để tránh những cơn lũ quét xảy ra vào mùa mưa. Trẻ em người dân tộc thường tụ tập lại nơi có khách du lịch. Nhóm trẻ em trong đoàn chúng tôi được khuyến khích mang theo kẹo, bánh để làm quà cho trẻ em người dân tộc. Hành động chia sẻ này làm cho trẻ em người dân tộc rất vui khi có được chiếc bánh, chiếc kẹo, là món xa xỉ đối với con em vùng sâu xa, những nơi thiếu điều kiện.
Nhóm trẻ em trong đoàn chúng tôi đang chia kẹo, bánh làm quà cho các trẻ em người dân tộc. Ảnh: Kim Dung
Do là vùng núi đồi nên việc chuyên chở vật liệu xây dựng toàn là dùng sức người là chính nên chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh khuân vác bằng gùi hay cõng vật nặng sau lưng của người dân tộc ở Lao Chải. Có tận mắt nhìn thấy mới hiểu được sự cơ cực của bà con sống ở vùng cao này.
Nhà của người dân tộc thường nhỏ và trống trải. Du khách có thể nhìn thấy nhiều loại vật dụng như cối xay gạo, giã gạo bằng thủ công và dùng sức chảy của dòng suối thay thế sức người bên hiên nhà hay trong nhà.
Du lịch cộng đồng ở Lào Cai phát triển, khách du lịch đến Sapa thường theo chương trình đi bộ tham quan bản làng hàng ngày nên dọc theo tuyến chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như khung dệt thổ cẩm, công đoạn nhuộm màu sợi vải… từ việc làm của những cụ già, phụ nữ người dân tộc để trình diễn và chào bán sản phẩm tại nhà. Chính đó là cơ hội mua sắm để được đóng góp phần mình trực tiếp cho người dân tộc ở đây. Vì vậy mà đoàn chúng tôi, ai ai cũng tìm mua cho mình một số quà tặng từ các mặt hàng thủ công nhất là các mặt hàng làm từ thổ cẩm, khăn quấn cổ, tấm trang điểm chân giường, khèn…
"Khách sạn nhân dân" trong thung lũng Mường Hoa
Giáp với Lao Chải là Tả Van cũng nằm trong thung lũng Mường Hoa. Bản Tả Van cách Sapa 12km nếu đi bộ qua các bản làng. Tả Van có nghĩa là ‘vòng cung lớn’. Tả Van lưng tựa dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, phiá trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xòe ra như những cánh cung hòa cùng thế núi. Khu vực Tả Van này còn sót lại những di tích của tập tục thờ đá của người Việt cổ. Nơi đây còn sót lại khu chạm khắc đá cổ với nhiều tảng đá to nhỏ khác nhau. Trên đá người ta khắc nhiều hình ảnh, hoa văn của người cổ xưa. Từ năm 1994 khu đá chạm khắc này được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Khu vực bản làng người dân tộc Giáy ở khu vực Tả Van cũng thưa thớt, ngay cả ở xã. Đường vào bản du lịch Tả Van quanh co men theo sườn núi. Chúng tôi bắt đầu leo dốc để lên Tả Van nơi chúng tôi sẽ nghỉ lại một đêm ở nhà một  gia đình người Giáy. Tả Van là khu vực phát triển loại hình lưu trú trong nhà dân (homestay), nên có thể nhìn thấy rất nhiều nhà treo bảng hiệu và bảng giá để chào mời tiếp đón du khách đến với homestay.
Phần lớn các hộ ở bản Tả Van đều đón khách du lịch nghỉ lại trong nhà mình. Trong ảnh, một đoạn đường đất trong bản rất sạch sẽ. Ảnh: Kim Dung
Cả thôn Tả Van Giáy có khoảng 40 hộ dân và đa số các hộ đều tận dụng nhà mình để làm đón khách du lịch nghỉ ngơi và cùng tham gia mọi sinh hoạt với gia đình chủ nhà để khám phá văn hóa bản địa. Theo thống kê của chính quyền xã thì hàng tháng Tả Van đón hàng ngàn khách du lịch nghỉ với dân, cho thấy thu nhập phụ từ kinh doanh du lịch là con số không phải nhỏ. Bên cạnh đó văn hóa truyền thống của bản như múa quạt, múa the, nhảy sạp, múa khèn…  cũng được duy trì, bảo tồn bằng các họat động đốt lửa ban đêm cho du khách cùng vui chơi.
Người dân ở đây vẫn làm công việc ruộng nương là chính nhưng khi khách đến và có nhu cầu ăn, nghỉ thì họ tạm gác công việc đồng áng của mình để trở thành người làm du lịch, giúp du khách phương xa cái ăn, chỗ nghỉ, để hiểu hơn về văn hóa của bản tộc mình. Chúng tôi đi từ xã theo con đường trải đá lên đến nơi nghỉ mà chẳng thấy có ai quấy rầy. Con đường bản làng thật yên tĩnh, không một tiếng ồn . Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp những người trong bản xuôi ngược với ánh mắt, nụ cười thân thiện, mang chút rụt rè, điều thường thấy ở bà con vùng sâu hay miền núi.
Đa số ngôi nhà người Giáy được xây dựng bên cạnh triền dốc thoai thoải theo ruộng bậc thang làm cho cảnh quan thêm đẹp và thơ mộng rất thích hợp cho chuyến du lịch trăng mật hay nghỉ dưỡng. Bên trong ngôi nhà chúng tôi ở, việc vệ sinh được chủ nhà quan tâm. Ngôi nhà được trang trí đơn giản, tất cả vật dụng đều bằng gỗ, đậm nét văn hoá dân tộc vùng sâu còn lạc hậu. Nhiều thứ bùa ngãi vẫn còn treo trước cửa chính vào nhà để xua đuổi tà ma, xua đuổi điều xấu… Phòng khách gia đình cũng là nơi du khách sinh hoạt, đọc sách, xem truyền hình, được trang trí bằng những tấm thổ cẩm, khèn, chuông gỗ đeo ở cổ trâu bò… và nhiều nhà còn có bàn bi da cho du khách thư giãn.
Bữa cơm trưa của đoàn chúng tôi tại nhà một gia đình người Giáy ở Tả Van. Ảnh: Kim Dung
Chúng tôi có một bữa cơm trưa tươm tất với nhiều món ăn khá hợp khẩu vị do chủ nhà nấu. Chúng tôi cùng chiên chả giò, nấu món canh rau được trồng ngoài nương, món gà kho do nhà tự nuôi… cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau dọn bữa ăn một công việc thường làm của mọi người Việt. Thời tiết se se lạnh, mát mẻ dễ chịu cùng món ăn nóng tạo cảm giác ấm cúng dân dã và gia đình. Rượu ngô là món không thể thiếu trong các bữa ăn chính ở vùng đồi núi Tây Bắc này.
Đêm đến, mỗi người chúng tôi có một chiếc nệm gòn, mền, mùng, gối ấm áp được chủ nhà chuẩn bị ngăn nắp sạch sẽ, sắp xếp sẵn trên khu vực gác lửng bao quanh ngôi nhà, có đèn sáng và không khí thì ấm cúng do không có cửa sổ vì thời tiết ở Sapa luôn lạnh về đêm. Do trời mưa nên chúng tôi chẳng có cơ hội để ra ngoài khám phá sinh hoạt về đêm của khu vực Tả Van ngoại trừ việc đọc sách , nghỉ ngơi, đánh bài, và trò chuyện với gia chủ về tập tục người dân tộc, về nương rẫy. Đêm xuống thật tĩnh lặng, rì rào tiếng mưa đêm giúp dỗ về giấc ngũ nhóm lữ hành phương xa.
Tiếng gà gáy đánh thức chúng tôi khi trời vẫn còn mù sương và cảnh vật còn lờ mờ. Bên triền dốc thoai thoải nhìn xuống khung cảnh ruộng bậc thang ánh nước mưa đêm hôm trước  là bức tranh thật đẹp, là tác phẩm của thiên nhiên ban tặng cho đoàn chúng tôi cùng với bữa ăn sáng đạm bạc với trứng gà chiên, bánh mì, khoai nấu, cà phê, trà nóng làm chúng tôi tỉnh táo hơn để tiếp tục đi bộ vượt cầu treo trở ra xe về lại Lào Cai, chuẩn bị quay về với tiếng ồn, bụi bậm của đô thị.
"Du lịch đóng góp" - niềm vui chia sẻ
Đi du lịch để được đóng góp trực tiếp cho người dân tại nơi đến bằng cách nghỉ ngơi ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào, được tiếp xúc với sự thân thiện mến khách, hòa mình trong không gian sống gần gũi với thiên nhiên và điều thú vị là được thưởng thức những món ăn địa phương của người dân tộc rất lạ miệng, rất ngon và hấp dẫn làm cho chuyến đi rất có ý nghĩa vì trong việc đi chơi nghỉ dưỡng vui thích của riêng mình mà lại giúp được phần nào đó cho người dân tộc ở vùng cao.
Nhớ có lần vào thời điểm xảy ra sóng thần ở Phuket, đài truyền hình VN có phát sóng việc phỏng vấn khách du lịch đến Phuket liền ngay sau đó. Phóng viên hỏi rằng: “Vì sao trong lúc tang tóc, ảm đạm của thiên tai mà bà lại đến du lịch Phuket?’. Bà khách du lịch trả lời: “Bây giờ, mới là lúc tôi đi du lịch Phuket”. Một câu trả lời rất cảm động và rất có ý nghĩa vì người ta đi du lịch vì muốn chia sẻ cho những ai đang gặp khó khăn để khắc phục thiên tai và chia sẻ cho những ai thiếu thốn hơn mình.
Du lịch nghỉ với người dân địa phương thật sự thoải mái và rất hấp dẫn với những ai yêu thích tính giản dị, thích tìm hiểu, khám phá, năng động với điều kiện sống tương đối. Qua đó du khách có thể hiểu rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc, vừa được thưởng thức những món ăn dân dã, vừa được hòa mình vào không gian sống của người dân tộc, được tìm hiểu những phong tục truyền thống cũng như tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước.

NHỮNG ĐIỂM DU LỊCH MỚI Ở LÀO CAI

Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Lào Cai đã quá quen thuộc với khách du lịch đến với Việt Nam. Như bản Cát Cát, núi Hàm Rồng, thung lũng Mường Hoa…ở SaPa đều hấp dẫn đối với ai yêu khám phá về cuộc sống cũng như cảnh đẹp nơi đây. Đã bao giờ bạn muốn khám phá những địa điểm du lịch mới chưa? Những cái tên Lũng Pô hay Lao Chải,…đều là những địa điểm du lịch mới của tỉnh Lào Cai đang thu hút du khách tham quan.
Nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển du lịch 2010 – 2015, bước vào mùa du lịch năm nay huyện Bát Xát (Lào Cai) đã xây dựng và cho ra mắt 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng nằm trên tuyến thành phố Lào Cai – Bát Xát – Sa Pa tạo thành chuỗi các điểm liên kết kéo dài.
Điểm du lịch Lũng Pô
Từ thành phố Lào Cai đi hơn 70 km thì đến Lũng Pô. Đây chính là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt Nam.
Tại đây, du khách có thể thỏa sức hòa mình vào với sông nước, núi non và khám phá văn hóa của đồng bào Mông.
Điểm du lịch Lao Chải
Thôn Lao Chải của người Hà Nhì đen, cách thành phố Lào Cai hơn 70 km (thuộc huyện Bát Xát). Trên cao nhìn xuống, Lao Chải nằm giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh với những căn nhà trông giống những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi ở độ cao 2.660 m; quanh nămsương phủ, giá rét.
Lao Chải có 76 hộ dân, là thôn có số người Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở cao nguyên Ý Tý. Các ngôi nhà ở đây đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Tường nhà thường đắp dày 40 – 45cm, cao khoảng 4,5 – 5 m trong lõi có xếp đá cục, bằng nắm tay.
Mỗi ngôi nhà rộng 65 – 80 m², có mái dốc ngắn (bốn mái) lợp cỏ tranh, không có hiên. Ở giữa ngôi nhà có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa thông gió ở bên trái hoặc bên phải của lối đi. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của chủ gia đình.
Điểm du lịch Dền Sáng
Xã Dền Sáng (Bát Xát) Đông giáp xã Cốc Mỳ, Tây giáp xã Y Tý và Sáng Ma Sao, Nam giáp xã Dền Thàng và xã Sáng Ma Sao, Bắc giáp xã Trịnh Tường và Y Tý.
Dền Sáng diện tích: 40,72 km² với dân số 1.784 người. Đây là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Dao đỏ với những phong tục nổi tiếng như cấp sắc, nhảy lửa, chế biến lá thuốc từ cây rừng.
Đặc biệt, đây nổi tiếng với con suối mang tên Suối Tình thơ mộng giữa thung xanh. Con suối này cách trung tâm huyện Bát Xát hơn 40 km đường đèo. Suối bắt nguồn từ rừng già Dền Sáng chảy qua địa phận xã này, là nơi gặp gỡ, tâm sự của thanh niên hay các cặp vợ chồng trẻ mà những người trung tuổi cũng nô nức kéo đến để trao đổi về cuộc sống, cách làm ăn, cách xây dựng gia đình hạnh phúc…
Chợ Mường Hum
Mường Húm là khu chợ nhỏ có từ lâu đời nằm giữa các làng bản của dân tộc thiểu số, đặc trưng cho các chợ vùng cao ở Việt Nam. Chợ họp vào chủ nhật hàng tuần, là ngày nhộn nhịp nhất của vùng núi cao Bát Xát.
Chợ nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt, xung quanh là những dãy núi cao ngất trùng mây. Ngày thường, ai đến đây cũng thích ngắm cảnh Mường Hum sơn thủy hữu tình, còn vào ngày chợ phiên cảnh bắt mắt du khách nhất là đoạn suối ven chợ.
Điểm du lịch Mường Hum
Chợ Phiên Mường Hum
Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ tập trung bên suối với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác. Những chiếc cầu treo hay cầu đá bắc qua suối lúc nào cũng có người dắt ngựa qua lại…
Bên trong chợ ồn ào, tấp nập và khách không khỏi trầm trồ trước những bộ y phục “loá mắt” của các cô thiếu nữ dân tộc. Những cô gái, chàng trai ở bản làng đi chợ đâu chỉ để mua bán mà còn đi để tìm hiểu, để vui chơi, tìm bạn tình, vì thế ai cũng làm đẹp chẳng kém gì đi dự ngày hội. Các thiếu nữ Mông váy hoa gợi cảm, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu rực rỡ trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc.
Ðẹp không kém là bộ trang phục Dao đỏ: các thiếu nữ mặc áo quần màu chàm đen điểm xuyết hoa văn trên ngực tựa như những cánh bướm và đội chiếc khăn đỏ rực được kết thêm rất nhiều món trang sức bằng bạc, lúc nào cũng lấp lánh. Cả các em bé dân tộc Dao, dù còn được địu trên lưng mẹ nhưng cũng được mẹ chăm chút áo quần, khăn mũ và các em được mọi người thích ngắm nhất…
Điểm du lịch Bản Xèo
Sắc mới Bản Xèo
Xã Bản Xèo (Bát Xát) Đông giáp xã Mường Vi, Tây giáp xã Dền Thàng, Nam giáp xã Nậm Pung và Pa Cheo, Bắc giáp xã Bản Vược và Cốc Mỳ.
Đây là địa điểm đông đồng bào Giáy sinh sống nhất. Vì vậy, đến với địa điểm này, du khách sẽ có dịp khám phá những thú vị trong văn hóa cũng như đời sống của đồng bào; đặc biệt là tục cưới vợ và gói bánh.
SaPa đẹp và nhiều địa điểm đẹp hấp dẫn luôn là địa điểm cho những ai yêu khám phá. Các điểm du lịch cộng đồng này không chỉ giúp du khách hòa mình với thiên nhiên, mà còn thỏa sức khám phá văn hóa dân tộc thiểu số.

DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ TÙ PHÚ LỢI

Di tích nhà tù Phú Lợi Hiện tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Tổng diện tích hiện nay là 77.082m2,đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia ngày 10/07/1980.
Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ, và tồn tại suốt tám năm (1957-1964). Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh thắng lợi.
Được mệnh danh “Địa ngục trần gian”
Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” chỉ trong vòng 2, 3 năm sau Hiệp định Giơ – neo –vơ, Mỹ Diệm gây không biết bao tội ác trên cả miền Nam. Bằng khẩu hiện “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, chúng đã xây dựng thêm nhiều nhà tù.
Từ giữa năm 1957, trại giam Phú Lợi được xây dựng bố trí ngay bên khu căn cứ quân sự với tổng diện tích khoảng 12 ha. Số tù nhân chúng đưa về Phú Lợi đầu tiên có 4 nữ và khoảng 100 nam, đến cuối 1957 tăng lên 3.000 tù nhân. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí Viện – gọi là khu “An Trí Viện” nhưng thực chất là trại giam. Khu trại giam gồm có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A,B,C,D,… mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt. Có hai cổng chính: cổng thứ nhất mang bảng “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, cổng thứ hai mang bảng “An trí viện”.
Đến cuối năm 1958, số tù nhân lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây.
Đừng hỏi tên ai còn ai mất
Sáu nghìn người chỉ một tên chung
Chỉ một tên: hòa bình thống nhất
Tên những người bất khuất trung kiên
(Hoàng Trung Thông)
Chế độ khắc nghiệt của nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác lúc bấy giờ, ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Sống bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man… và chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân. Và những tên “chúa ngục” nổi tiếng gian ác như: Nguyễn Văn Bông, Trần Vĩnh Đắc, Hồ Văn Tần,…
Sự ra đời của các tổ chức Đảng
Trước những thủ đoạn vừa khủng bố vừa mị dân, những cảnh tra tấn dã man đày ải cực hình, anh chị em trong tù vẫn giữ được lòng kiên định và ý chí kiên cường chiến đấu. Đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của những người yêu nước, những người cộng sản.
Qua kinh nghiệm thực tế trong phong trào hoạt động bí mật, nên chỉ trong một thời gian ngắn các Đảng viên ở các trại đã tổ chức được đường dây liên lạc với nhau, các nhóm Đảng viên các chi bộ bí mật lần lượt được thành lập. Đầu năm 1958, Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi được thành lập, gồm có một số đồng chí: Vũ Duy Hanh (nguyên là bí thư tỉnh ủy TDM), Nguyễn Văn Trung,… và các chi bộ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Liêm, Thiệt. Suốt những năm tháng ở đây, tù nhân có tổ chức bí mật của Đảng ta chỉ đạo. Ban Đại diện, Tổ Tâm giao, hoặc Đôi bạn đồng hương ở từng trại giam làm nòng cốt đấu tranh, từng bước đấu tranh với kẻ thù đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân. Tất cả là nhờ sự kiên trung của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Vụ đầu độc tàn ác của Mỹ - Diệm
Một sự kiện đã diễn ra vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1958. Vụ thảm sát Phú Lợi: thường lệ mỗi năm Mỹ Diệm tổ chức 4 đợt đày tù nhân “loại A” ở các nhà tù trong đất liền ra Côn Đảo vào những tháng 3,6,9,12 dương lịch. Trại giam Phú Lợi, sau khi phân loại có 450 tù nhân loại A – là đối tượng bị đày ra Côn Đảo vào cuối tháng 11/1958, với ý đồ bí mật thủ tiêu tù nhân chuyến đi này.


Theo kế hoạch mỗi tù nhân bị đày sẽ được nhận khẩu phần bánh mì (có trộn thuốc độc) và thức ăn kèm theo. Mọi việc đã chuẩn bị hoàn tất vào 28/11/1958, nhưng liên tiếp những ngày này biển động mạnh tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu – Côn Đảo. Không từ bỏ giả tâm, Mỹ Diện thực hiện âm mưu hãm hại tù nhân Phú Lợi trong bối cảnh khác. Đó là ngày 30/11/1958, là ngày chủ nhật, trại giam vẫn thực hiện “ăn tươi” của tù nhân gồm bánh mì và các thức ăn khác. Để đủ khẩu phần ăn ngoài số bánh mì cũ (có thuốc độc) chúng trộn lẫn bánh mì mới vào nhau và cấp phát cho tù nhân. Số tù nhân bị ngộ độc tăng nhanh đau bụng, nôn mửa, co quắp, … Đến ngày 01.12.1958, số tù nhân bị ngộ độc tăng lên hàng trăm người, nhiều người chết, số nằm hôn mê bất tỉnh,… số anh chị em tù nhân bịnh nặng bị địch khiêng khỏi trại, đến ngày 02/12 và 03/12 số bệnh nhân nặng và chết càng đông, số người bị vùi tại chỗ, số nặng chuyển đi, nhưng số tù nhân ấy không thấy được chuyển lại Phú Lợi nữa.
Đoàn kết anh dũng, đứng lên đấu tranh thắng lợi
Với tinh thần kiên cường bất khuất, Đảng ủy trại giam quyết định đấu tranh công khai trực tiếp, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh như: tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu trong ngày bi thảm 01.12.1958. Nhanh như chớp, tin địch đầu độc tù nhân đã được lan truyền khắp nơi. Đầu tiên nhân dân xã Phú Hòa, Bình Chuẩn, Hiệp Thành, Phú Văn,.. nổi dậy phối hợp với tù nhân ở Phú Lợi đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ Diệm.
Để chạy tội Mỹ – Diệm tìm cách phi tang nhân chứng, gây nên làn sóng căm phẩn trong và ngoài nước. Chỉ sau 1 tháng vụ đầu độc ta nhận được liên tiếp nhiều bức điện của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp công đoàn thế giới, Hội liên hiệp học sinh thế giới, Hội luật gia thế giới,… Biến đau thương thành hành động, khắp nơi trong cả nước dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, từ tiếng gọi căm thù, tiếng gọi đau thương...“Tuần lễ thi đua” vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt! của Ủy ban đấu tranh Trung ương chống vụ đầu độc ra đời; làm bừng lên một phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ... Sự căm phẫn đó đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, năm 1959:
“…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai
Nào ai ngờ không có nửa ngày mai!
Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc
Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc
Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn
Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”
Trong điều kiện mới của chiến tranh diễn ra, đến năm 1964, nhà tù Phú Lợi không còn nữa. Từ đó hệ thống trại giam chuyển thành tiểu khu quân sự Mỹ-Ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/04/1975.
Ý nghĩa và giá trị lịch sử
Tại đây, trong nơi giam cầm khắc nghiệt của nhà tù, chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập lãnh đạo tù nhân, từng bước đấu tranh với kẻ thù. Nhà tù Phú Lợi trở thành một bằng chứng về tội ác của Mỹ – Ngụy tại miền Nam Việt Nam; nơi đây là biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, các đồng chí cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước.


 Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng của khu di tích nhà tù Phú Lợi. Năm 1995, di tích đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương đầu tư công trình biên soạn lược sử và trùng tu, tôn tạo khu di tích vào đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi. Một bức tượng bằng đồng cao 3,5m của cố tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu, thể hiện sự đau thương trong ngày xảy ra vụ đầu độc, tái diễn lại lịch sử nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân Phú Lợi năm xưa.
Hàng năm, di tích đã tiếp đón nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của con người Việt Nam. Khu di tích Phú Lợi trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Các tổ chức phong trào đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao lưu, kết nạp đoàn viên mới

LÀNG CÙ LẦN

Giới Thiệu Làng Cù Lần
Chỉ khi vượt hơn 20 km trên đường 722 từ Đà Lạt đi Đắc Lắc êm ả và hai bên là rừng thông đẹp tuyệt vời, mới biết việc tò mò đi xem tại sao có Làng Cù Lần đã không uổng phí.
Bạn đã đến đà lạt nhiều lần và vẫn muốn quay lại khám phá hay hưởng thụ những ngày nghỉ thật thoải mái, thư giãn trong khung cảnh yên bình, lãng man nhưng lại chưa biết đi đâu.
Làng Cù Lần là một điểm tham quan hoàn toàn mới toanh trên bản đồ du lịch Đà Lạt, chỉ mới đưa vào hoạt động hơn một năm nay. Quả thật, đây là một điểm du lịch nằm dưới lũng sâu, mang tính chất hoang dã, lãng mạn và không đụng hàng.
Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ ngay có lẽ ngày xưa ở nơi này có rất nhiều con Cù Lần. Vào thời điểm đó, ở đây còn hoang dã, cho nên nơi này thành nơi sinh sống của con Cù Lần, những con thú hiền lành, thấy người chỉ che mắt lại bằng hai chi trước nên lần bị bắt gần hết. Cái tên Cù Lần cũng có thể bởi thung lũng này cũng có rất nhiều cây Cù Lần vì màu thân cây như màu da con Cù Lần, mọc nhiều dưới tán rừng thông và mỗi khi bị cháy nó chuyển thân từ màu vàng da bò sang màu đen tro. Nhưng chỉ cần mưa xuống chúng lại phát triển trở lại.

Mới hơn 8 giờ sáng một ngày hạ tuần tháng 02. 2012 đã có đoàn khách du lịch đầu tiên 45 người đến từ cơ sở lưu trú Đà Lạt, vượt nhanh hơn 20 cây số đường nhựa đến Làng Cù Lần ngoạn cảnh. Hòa trong dòng du khách “xông đất” ngày mới này, tôi ngồi lên chiếc xe Jeep dập dềnh lội suối, len lỏi băng rừng trên hơn 4 cây số đường chênh vênh đất đá. Đây là chiếc xe Jeep địa hình có tải trọng 6 người, đi hết vòng đi- về Khu du lịch Làng Cù Lần với giá 240 ngàn đồng, cả lộ trình thỏa sức ngắm nhìn những hàng cây cù lần nhấp nhô bao bọc ven hồ, ven suối; có khi dừng lại bước xuống xe đi qua lắc lư với 2 chiếc cầu treo dài hơn 100m; rồi trở lại trên xe lội giữa dòng suối rạt rào đá cuội để bất ngờ dựng lại dưới chân rừng già đánh thức những chú cù lần ngồi cuộn tròn như ngủ vùi bất động trên cành cây…

Tọa lạc trên địa giới thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, những hạng mục đầu tư xây dựng ở Khu Du lịch chủ yếu thiết kế tôn nạo nét đẹp hoang dã, tự nhiên của rừng đồi, hồ, suối, cây cỏ…Mỗi khách du lịch vào cổng với chiếc vé 30 ngàn đồng, được đạp xe đạp địa hình vòng quanh trên thảm cỏ tự nhiên rộng trên dưới 1 ha.

Người lớn, trẻ em cũng được thả hồn mình trên những cánh diều bay bổng trên không trung từ dưới thảm cỏ này. “Neo đậu” trên vách đồi, ven hồ, giữa rừng cây..là 15 căn nhà sàn nghỉ chân với mái tranh, trụ gỗ để trống vách rộng rãi, thoáng mát bốn bề… cũng hoàn toàn miễn phí, không giới hạn thời gian.
Làng Cù Lần là một ngôi làng nhỏ xinh đẹp, lãng mạn ( rộng chừng 30 héc-ta ) nằm lọt thỏm giữa hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh hoang dã dưới chân đỉnh núi LangBiAng trải rộng.Làng Cù Lần cách Hồ Xuân Hương 21 km, cách khu du lịch Thung Lũng Vàng 9 km vào hướng Suối Vàng - Suối Bạc. Dòng suối Bạc là dòng suối nằm trong Làng Cù Lần. Du khách đi qua tỉnh lộ 722, một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam để đến Làng Cù Lần.

Làng tồn tại từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Dân tộc K'Ho của làng ngoài việc canh tác, săn bắt, hái lượm còn sống bằng hai nghề chính là khai thác cây Cù Lần - chế tác thành con Cù Lần trừu tượng mang ra Hồ Xuân Hương bán cho du khách (người ta thường gọi là con CuLi hoặc con cù lần có bộ lông màu vàng có tác dụng y học trong việc cầm máu). Đồng thời, người K'Ho lúc bấy giờ cũng vào rừng "nhặt" con Cù Lần dễ thương, có đôi mắt đẹp nhất thế gian đem về nuôi hoặc bán cho du khách phương xa. Cù Lần là loài động vật hiền lành chủ yếu sống về đêm. (Ngày nay, Cù Lần được liệt vào loại động vật quý hiếm trong Sách Đỏ). Cù lần nổi tiếng hiền lành, khi gặp bất kỳ sự nguy hiểm nào thì Cù Lần nằm cuộn tròn lại dùng hai tay che kín đôi mắt quý giá của mình. Người ta chỉ việc "nhặt" lấy con Cù Lần bỏ vào gùi mang về. Dân làng ở đây hiền lành, mộc mạc và cũng rất cù lần dí dỏm nói rằng khi gặp nguy hiểm, Cù Lần che mắt lại để không nhìn thấy sự nguy hiểm mà đối với cù lần không thấy sự nguy hiểm là không có hiểm nguy gì cả, ai muốn làm gì thì làm.
Ngày nay Làng Cù Lần được Công ty GBQ đầu tư tôn tạo đưa vào khai thác du lịch. Làng Cù Lần phục vụ 5 mảng chính làĐón khách tham quan, sân chơi teambuilding, căm trại, nghỉ dưỡng, nhà hàng và nhiều dịch vụ tuyệt vời gắn với thiên nhiên.
Làng Cù Lần chính thức đón khách vào giữa năm 2011 và lập tức trở thành sự kiện đẹp ngay trong năm đầu tiên, góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Lâm Đồng, làm phong phú thêm các tour du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt, Lâm Đồng. Đặc biệt Làng Cù Lần đã làm hài lòng hơn 1,5 triệu du khách trong 2 năm qua bằng chính sự Cù Lần, độc đáo của riêng mình.
Liên hệ với Làng Cù Lần
Địa chỉ : Thôn Suối Cạn – Xã Lát – Huyện Lạc Dương – Lâm Đồng
Điện thoại : 0632 229 222 – 0903 97 68 33 - 0948 58 68 78
Email: culanlangman@gmail.com    -    traitimculan@gmail.com
Các dịch vụ của Làng Du Lịch Cù Lần:
Tổ Chức Team Building,Tour xe địa hình khám phá cù lần,Giao Lưu Cồng Chiêng,Ở Trọ Giữa Rừng Hoa,Cắm Trại Giữa Rừng Hoang,Xem tranh danh họa việt nam 

DZOÃN TIẾN ĐẠT