Năm 2016 Nhà thờ tiền hiền xã Tam Giang đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 3344/ QĐ-UBND ngày 22/9/2016 là nơi thờ cúng các bậc tiền hiền và tổ tiên của 23 tộc họ có công khai cơ lập ấp dựng nghiệp trên mảnh đất ngã ba sông này.
Nhà
thờ được nhân dân xã Tam Giang đồng ưng khởi công xây dựng lại vào
năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015 tại thôn Hòa An. Hằng năm cứ mỗi độ
xuân về Tết đến đặc biệt là ngày Giỗ tổ Hùng vương ( 10/3 âm lịch) con cháu của
23 tộc họ về đây làm lễ bái cúng và dâng lễ vật lên tổ tiên tổ
tiên.
Nhà thờ Tiền hiền xã Tam Giang
Tục
thờ tiền hiền là sự tri ân đối với những người đã có công lớn trong việc đi
khai hoang vùng đất mới, lập nên xóm làng, khai mở nghề nghiệp. Là người đầu
tiên có công lao trong việc lập làng, lập xóm vì vậy họ đã được cộng đồng thừa
nhận và tôn vinh thành tiền hiền. Cơ sở của việc suy tôn là thông qua lịch sử
các gia tộc được truyền từ đời này qua đời khác mà thành lịch sử về các vị Thủy
tổ của làng. Trong suy nghĩ của mỗi người, bậc tiền hiền được coi là tổ tiên của
cộng đồng làng xã. Chính yếu tố này là sợi dây liên kết bền chặt giữa các thế hệ
trong làng, các thành viên trong họ tộc, gia đình, đồng thời cũng là quy định
cách ứng xử của người dân “trong nhà bênh họ, ngoài ngõ bên làng”, đó là cơ sở
nói lên sự đoàn kết, tương trợ tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn, có thể nói
rộng hơn là sự kết nối các thành viên trong cộng đồng, trong việc giữ gìn và
phát huy những giá trị văn hóa truyền thống luôn hướng về cội nguồn dân tộc, mà
điều quan trọng hơn sự đoàn kết, lòng biết ơn trong cuộc sống ngày nay. Trong
dân gian của mọi miền đất nước đều lưu truyền câu ca dao nhằm nhắn nhủ các lớp
con cháu ghi đức công dựng nước, giữ nước của ông bà tổ tiên:
Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi
nhớ
Khai cơ, lập nghiệp, công ơn muôn thuở lưu truyền”
Tình
cảm của người dân xã Tam Giang nơi ngã ba sông chảy về biển cũng
nằm trong nguồn cội tâm tưởng chung của dân tộc Việt Nam.
Các cụ cao niên cúng Lễ Tiền hiền
Vào
cuối thể kỷ XIV, vùng đất Tam Giang thuộc đất Chiêm Động dưới quyền cai trị của
Vương quốc Chăm-pa (Chiêm thành). Những năm cuối đời Trần, quân Chiêm
Thành thường sang quấy nhiễu vùng đất phía Nam nước Đại Việt. Tháng 07 năm
1402, để giữ yên bờ cõi, Hồ Hán Thương làm cuộc Nam chinh buộc vua Chiêm Thành
giao nộp đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quãng Ngãi). Nhà Hồ chia đất ấy
thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa gọi là đất Nam giới (biên giới phía Nam)
thuộc lãnh thổ Đại Việt; vùng đất Tam Giang thuộc Châu Hòa. Đến năm 1471, vua
Lê Thánh Tông thân chinh dẹp giặc mở rộng lãnh thổ Đại Việt vào tận núi Thạch
Bi (núi Đá Bia – Phú Yên) tiếp tục di dân vào khai phá vùng đất phía Nam, lập
ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Đất Tam Giang thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa;
thời Thiệu Trị (1841) đổi phủ Thăng Hoa thành phủ Hà Đông. Đến năm Thành Thái
thứ 18 (1906), đổi phủ Hà Đông thành phủ Tam Kỳ (gồm cả huyện Tiên Phước ngày
nay). Thời kỳ Gia Long “kiến canh điền bộ” (lập bộ năm 1813) thì làng Diêm Trường
mới có 50 mẫu điền thổ và 360 dân; làng Phú Xuân Thượng, (Nghi Xuân lập
sau làng Diêm Trường, năm Gia Long thứ 10 (1811) lập xã hiệu Phú Xuân Thượng,
năm Gia Long thứ 17 (1864) đổi thành xã Nghi Xuân)) chỉ có 4 sào đất thổ cư, thổ
mộ do làng Diêm Trường chuyển nhượng, còn chủ yếu là sở thủy điền (mặt nước
sông đầm để đánh cá) giáp với 4 xã: Đông Tuần, Cồn Xây (Tam Hải), Vĩnh Đại (Tam
Hiệp), Cây Trâm (Tam Anh), Phú Vinh (Tam Hòa).
Các
Hội viên Cựu chiến binh thăm viếng Nhà Tiền hiền
Dưới
thời Pháp thuộc (1884 - 1945) hai xã Diêm Trường và Nghi Xuân đều thuộc tổng
An Hòa, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Do biến động về lịch sử, địa giới và tên gọi
cũng có nhiều thay đổi. Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,
vào đầu tháng 02 năm 1946, sáp nhập hai xã Diêm Trường và Nghi Xuân thành xã
Nguyễn Chỉ ( tên nhà yêu nước và là người công sản tiên của Tam Giang).
Cũng
như các địa phương khác ở khu vực vùng Nam Trung Bộ, cư dân Tam Giang có nguồn
gốc tổ tiên từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, theo tiếng gọi Nam tiến,
cuộc di dân từ phương Bắc vào phương Nam để khai phá vùng đất mới và định cư
lâu dài. Với đặc điểm địa lý của Tam Giang nằm ở đoạn cuối phía Nam sông
Trường Giang, con sông không có thượng nguồn, hạ nguồn. Một con sông chảy
dọc theo bờ biển của tỉnh Quảng Nam, nối sông Thu Bồn (cách Cửa Đại, Hội An 5
km) chạy đến cửa An Hòa (Tam Quang), chính vì vậy con sông Trường Giang là đường
thủy giao thông đóng vai trò quan trọng, sự có mặt của cư dân trên vùng đất Tam
Giang tứ bề là sông nước này là điều dễ hiểu. Người đến đầu tiên và có
công trong việc khai khẩn, quy dân lập ấp được phong danh vị tiền hiền của làng
xứ. Theo sử sách còn ghi lại và theo lời các bô lão trong làng, thì tộc Đặng là
tiền hiền của xã Diêm Trường, vị Thủy – tổ tộc Đặng đến định cư tại xã Tam
Giang vào khoảng đầu thế kỷ XVI thời hậu Lê, lập nên làng Diêm Trường. Tên gọi
Diêm Trường là địa danh vùng “Trường – muối” xuất hiện thời nhà Minh xâm chiếm
Đại Việt (kể cả vùng đất Thăng Hoa), tổ chức ra các Trường – muối dọc ven biển,
mỗi Trường muối có cử chức Cục sử, Cục phó trông coi việc làm muối của cư dân,
đánh thuế và thu mua muối cho bọn thống trị.
Tuổi trẻ xã Tam Giang dâng hương các bậc Tiền
hiền
Vị
Thủy tổ tộc Đặng, tên gọi là Đặng Quý Công là người có công trong việc khai khẩn
vùng đất mới, ông được xem là “Thủy khai thùy thồng”, tức người lãnh đạo, chỉ
huy vùng việc khai khẩn. Ông đã nhập 3 vùng Thanh Châu, Mãn Châu, Diêm Châu
thành làng Diêm Trường, trước đó vùng đất này còn rất hoang vu và hẻo lánh. Từ
nỗ lực của vị thủy tổ Đặng Quý Công, 50 mẫu điền thổ đã được khai hoang, tất
cả ruộng đất khai hoang đều được sung công, cấp cho dân nông canh tác; ngoài việc
tổ chức lưu dân khẩn hoang, Đặng Quý Công còn chú trọng đến công tác trị thủy,
ngăn dòng khe lạch, đắp đập đào ao đánh bắt tôm cá, biến những bãi điệp trắng
xóa thành nương ruộng bằng phẳng, màu mỡ để trồng cây lương thực đem lại đời sống
ấm no cho người dân.
Không
những công lao của vị Thủy tổ Đặng Quý Công mà hậu duệ của ông cũng đã có nhiều
công lao trong sự nghiệp xây dựng quê hương và giữ gìn đất nước cho dân tộc. Dưới
thời vua Quang Trung, hai ông Đặng Tiến Đông và Đặng Đình Miên đã được ban sắc
phong càng làm tăng thêm độ tin cây tuyệt đối của tài liệu chứng minh cho thân
thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của các vị .
Để ghi công đức của những người khai hoang lập làng, vào những năm 20 của thế kỷ
XX, người dân trong vùng đã xây dựng Nhà thờ lớn, mặt chính hướng Đông Nam từ
trên cao có thể quan sát thấy toàn bộ làng Diêm Trường, nhà thờ được xây dựng
quy mô với mái ngói lợp giồng, tường vôi, chạm khắc gỗ, nhà rường 4 cột, có 3 bệ
thờ, một bệ chính có cẩn chữ Phước, hai bệ phụ Nhà thờ này được gọi là nhà thờ
Tiền hiền là nơi thờ cúng Tiên hiền làng Diêm Trường. Cách nhà thờ khoảng chừng
600 mét là ngôi mộ của vị Thủy tổ tộc Đặng, ngôi mộ tọa lạc trên gò đất cao,
xung quanh cây cối um tùm, mộ được xây bằng đá vôi, phía trước mộ có tấm bia
đá, có chiều dài 60 cm và 40 cm khắc chữ phùng thể và 2 đầu lân được gắn trên 2
bên trụ đi vào mộ. Vào năm 1965, nhà thờ làng trở
thành trung tâm kháng chiến của xã Tam Giang, đồng thời đây là cơ sở
dạy học cho con em trong làng, xã chính từ đây đã ươm mầm cho những người con
ưu tú của xã Tam Giang, trong đó có Thiếu tướng Lương Soạn, nguyên Phó Tư Lệnh
bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm kháng chiến chống thực
dân Pháp tại nhà thờ này là nơi hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí
Công.
Trường THCS Phan Châu Trinh tổ chức kết nạp
đoàn viên tại nhà thờ Tiền Hiền
Thời
gian trôi qua cùng với nhiều biến cố do chiến trang gây ra ngôi đền cũ dần đổ
nát. Để có nơi thờ cúng vị tiền hiền của vùng đất và tổ tiên các tộc họ trong
xã, năm 2013, bà con đồng thuận xây dựng lại ngôi Nhà thờ tiền hiền mới.
Trải qua bao thế hệ nhà thờ làng này đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh
của bà con, hằng năm thường tổ chức lễ tổ, để ôn lại truyền thông của cha ông
xưa và giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn và cũng là nơi chứng kiến
nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và địa phương./.
Tác
giả: Lê Văn Huân