Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Di tích lịch sử Bến Nhà Rồng

Thông Tin Du Lịch Phổ biến

MÚA RỐI NƯỚC - MỘT LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM
























































Múa rối nước (hay còn gọi là rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu thì nó xuất hiện từ đời Lý, vào khoảng thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Múa rối nước thường được biểu diễn trong dịp Tết cổ truyền hoặc trong các dịp lễ hội của người Việt. Trong kho tàng múa rối nước của Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt và miền đồng bằng sông Hồng là cái nôi sinh ra hình thức nghệ thuật này. Nghệ thuật rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... trên "sân khấu" này là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ. Lịch sử nghệ thuật Múa rối Việt Nam: Múa rối là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, nó ra đời và tồn tại cùng với nền văn minh lúa nước từ thời các vua Hùng dựng nước. Song dấu ấn của nghệ thuật múa rối nước còn lại đến ngày nay mà chúng ta nhận biết được là vào đời vua Lý Nhân Tông năm 1121, trên bia Sùng Thiện Diên Linh đặt tại chùa Long Ðọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Văn bia chùa Đọi có ghi nhân dân biểu diễn các trò diễn Rối nước để mừng thọ Vua. Do điều kiện tự nhiên và công việc nông nghiệp của người dân Việt Nam gần gũi và gắn bó với nước, chính những người nông dân chân lấm tay bùn này đã sáng tạo ra nghệ thuật Rối nước. Họ thường tổ chức diễn vào những ngày việc đồng áng tạm xong, ngày xuân, những ngày mở hội. Người Pháp gọi môn nghệ thuật này với những con rối duyên dáng là "Linh hồn của đồng ruộng Việt Nam" và đánh giá: "Với sáng tạo và khám phá. Rối nước đáng được xếp vào những hình thức quan trọng nhất của Sân Khấu Múa Rối". Phương thức nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển là sáng tạo tuyệt vời. Nước làm cho con rối sinh động, làm cho chúng tươi tắn. Nước đã tham gia cùng diễn với con rối như một nhận xét: "Nước cũng là một nhân vật của múa rối". Mặt nước như êm ả với đàn vịt bơi, trở nên thơ mộng trong làn khói huyền ảo khi bầy tiên nữ giáng trần múa hát. Nhưng mặt nước cũng sôi động trong những trận chiến lửa, những con rồng vây vàng xuất hiện. Báo Pháp viết: "Con rối được điều khiển bằng sự khéo léo khó mà tưởng tượng. Con rối như có phép thuật điều khiển". Đấy chính là sự tài tình, là điều hấp dẫn và sáng tạo của nghệ thuật Múa rối nước. Trước kia, rối nước chỉ diễn vào ban ngày, ở ngoài trời. Không thấy sân khấu gắn bó hòa quyện với phong cảnh thiên nhiên như rối nước. Giữa thiên nhiên thơ mộng, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật trong đó có đất, nước, cây xanh, mây, gió, có lửa, có khói mờ vương toả, có cả mái đình với những hàng ngói đỏ... Thật sự là một sự hòa hợp độc đáo của nghệ thuật, thiên nhiên và con người. Lịch sử Múa rối Việt Nam ghi nhận hai loại hình chính là Mùa rối cạn và Múa rối nước. Rối cạn gồm nhiều hình thức như: Rối tay, Rối que ở Đồng Minh (Hải Phòng), Tế Tiêu (Hà Tây), Rối dây, Mộc Thầu Hý ở Cao Bằng, Bắc Thái. Riêng Rối nước là loại hình dân gian độc đáo, chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Những chương trình như múa Lân, múa Phượng, múa Bát Tiên, khởi nghĩa Lam Sơn...mang đậm hồn dân tộc, thấm vào sự cảm nhận đầu đời của trẻ thơ đến những người cao tuổi muốn tìm lại chút gì đó của thời gian. Chúng tôi đã đến các làng quê xa xôi cũng như đã biểu diễn nhiều nơi trên thế giới và đã được đón chào! Rối nước là chương trình biểu diễn văn hóa đặc biệt bổ ích phục vụ cho các trường học, khách sạn, tỉnh, thành phố... Một số trò cổ tiêu biểu: Bật Cờ: Sau những nét nhạc mở đầu, dàn cờ bật lên, tung bay như một lời chào khán giả. Đây là một kỹ thuật rất đơn giản nhưng đầy bất ngờ mở đầu của chương trình biểu diễn. Tễu: Tễu là người biểu diễn thông minh, khoẻ mạnh, luôn vui vẻ, hóm hỉnh. Chú là một nhân vật tưởng tượng từ thượng giới xuống gỡ những rắc rối của trần gian, của những trò rối. Tễu xuất hiện, hát giới thiệu chương trình. Múa rồng: Rồng là con vật thần linh có trong truyền thuyết được người dân ngưỡng mộ. Rồng là biểu tượng ở sức mạnh và quyền uy nổi tiếng ở Châu Á, mang dáng dấp cung đình, là sức mạnh vươn lên của người dân Việt Nam. Thật là kì diệu và ngạc nhiên khi con rồng từ dưới nước hiện lên, lúc phun lửa, khi phun nước. Nó bơi lượn: uyển chuyển và mạnh mẽ, hai sự mâu thuẫn được kết hợp hài hoà như lửa và nước cùng tồn tại vậy. Lân tranh cầu: Hai con lân dành nhau quả bóng màu. Cuộc chiến đôi khi quyết liệt nhưng vui vẻ như một cuộc trình diễn tuyệt diệu, tràn ngập màu sắc trong tiết tấu âm nhạc đầy cuốn hút. Với kỹ thuật sử dụng sự tác động của nước là chính, hai con lân vờn cầu, ngụp lặn linh hoạt thật khó tưởng tượng nó có thể làm được gì hơn thế. Múa phượng: Đôi phượng bơi trong cảnh thanh bình, hạnh phúc trên nền nhạc dân tộc, giai điệu trữ tình. Nó tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tình yêu đôi lứa, tượng trưng cho sự cao sang bay bổng, lãng mạn, duyên dáng và tinh tế. Lời ca đẹp đẽ, giọng hát mượt mà đưa người xem đến với những tưởng tượng về tình yêu thuở hoang sơ... Nông nghiệp: Cảnh những người nông dân đang làm việc trên cánh đồng. Họ làm việc rất cần mẫn, khẩn trương nhưng vui vẻ, vừa làm vừa hát đối với nhau. Nơi này những người đàn ông đang cày bừa, nơi kia những cô gái đang cấy mạ. Hàng lúa từ từ mọc lên như sự hứa hẹn của mùa sau. Còn có những người xay thóc, giã gạo...Rồi lại thấy một anh chàng câu ếch rất tài tình. Kỹ thuật câu được thực hiện ngay (không cần che dấu), trước mắt khán giả, gây được sự bất ngờ thú vị. Múa sư tử: Đây là điệu múa truyền thống trong ngày Tết Trung Thu hàng năm của người Việt Nam đón trăng tròn. Điệu múa hiện ra dưới nước tràn ngập ánh trăng rằm tháng tám. Một sinh hoạt văn hóa lâu đời còn tồn tại cho đến nay, mang bản sắc độc đáo của người Việt. Đánh cáo bắt vịt: Hai ông bà chăn vịt, cảnh chăn nuôi gia cầm thanh bình của người nông dân. Nhưng bất chợt một con cáo gian ngoan xuất hiện và rình bắt trộm. Đây là một kỹ thuật hay của trò rối nước: Con cáo bơi đuổi vịt, lúc chui vào bụi cây rồi lại leo nhanh lên cây... cho đến khi nó vồ được con vịt, tha từ dưới nước lên cây. Rất bất ngờ và ngạc nhiên. Tiết mục kích thích sự tò mò và thắc mắc của khán giả như một sự thách đố lý giải. Những chương trình như múa Lân, múa Phượng, múa Bát Tiên, khởi nghĩa Lam Sơn...mang đậm hồn dân tộc, thấm vào sự cảm nhận đầu đời của trẻ thơ đến những người cao tuổi muốn tìm lại chút gì đó của thời gian. Chúng tôi đã đến các làng quê xa xôi cũng như đã biểu diễn nhiều nơi trên thế giới và đã được đón chào! Rối nước là chương trình biểu diễn văn hóa đặc biệt bổ ích phục vụ cho các trường học, khách sạn, tỉnh, thành phố... Đua thuyền: Một trò chơi mang tính truyền thống ở địa phương gần vùng sông nước. Hàng năm, người nông dân thường tổ chức đua thuyền trong những ngày hội được mùa hoặc những ngày lễ, ngày tết. Những chiếc thuyền đua hối hả, sôi động trên nền nhạc dân ca quen thuộc, nổi tiếng, mô phỏng rất hay nhịp chèo thuyền. Đánh cá: Những con cá bơi rất linh hoạt mềm mại trong nước. Những người nghệ sĩ tạo hình đã sáng tạo ra được những con cá có cơ cấu chuyển động tinh tế và sinh động. Vợ chồng câu cá ngồi trên chiếc thuyền bé. Người bạn của họ đang xúc tép hoặc kéo vó. Một anh chàng úp nơm tinh nghịch chòng ghẹo cô gái.. Ta thấy một nhịp sống sôi động, vui tươi hạnh phúc của những người dân miền sông nước. Dàn nhạc dân tộc: Dàn nhạc dân tộc gồm những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đã có từ hàng nghìn năm nay. Với những âm sắc độc đáo, phong phú được minh hoạ tài tình qua những động tác nghộ nghĩnh khéo léo của con rối. Nhi đồng hí thuỷ: Đùa nhau, nghịch và bơi lội dưới ao làng là thứ trò chơi được yêu thích của trẻ nhỏ. Chúng chơi đùa rất hồn nhiên và thích thú với những động tác rất giỏi giang, thành thục, mạnh mẽ và vui ngộ như chính chúng được sinh ra từ nước và là chủ nhân của sông nước. Chọi Trâu: Hai con trâu trắng và đen xuất hiện. Chúng húc nhau như một trận chiến ác liệt. Một con bị thua và bỏ chạy. Cuộc chiến tượng trưng cho sự thắng bại của người chủ chăn trâu trong thôn xóm. Ngày nay, hội chọi trâu vẫn được duy trì ở một số địa phương và được tổ chức rất long trọng kèm theo những giải thưởng lớn. Lam Sơn Tụ Nghĩa: Những người anh hùng tụ họp trên núi Lam Sơn, góp sức cho cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của dân tộc. Khi đất nước đã thanh bình, nhà vua trả lại gươm báu cho thần Kim Quy (Rùa Vàng). Đây là một truyền thuyết nổi tiếng về Hồ Hoàn Kiếm, mặt hồ nước đẹp, thơ mộng giữa thủ đô Hà Nội - Việt Nam. Hãy chú ý kỹ thuật con rùa há mồm đón kiếm thần từ tay vua. Múa bát tiên: Tây Vương Mẫu đã dạy các nàng tiên điệu múa trong cung đình, nơi chỉ có niềm vui và hạnh phúc. Bằng kỹ thuật sử dụng puly, dây kéo đã tạo ra những động tác múa rất đều, đẹp và duyên dáng. Múa tứ linh: Con rồng huyền thoại múa lượn và phun lửa, nước tạo nên những màu sắc rực rỡ kỳ ảo. Trong khi đó con nghê múa theo điệu trống. Phượng nghiêng mình xoè đôi cánh say sưa lướt cùng với rùa trên mặt nước. Cuối cùng tất cả đều biến mất. Đây là cuộc quần vũ của bốn con vật qúy trong truyền thuyết và biểu tượng linh thiêng trong các đền chùa Việt Nam.