Trong tâm thức người Quảng Nam nói riêng và người Việt nói chung xưa và nay, nghệ thuật chơi câu đối, dùng câu đối trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán là một nét đặc sắc của văn hóa dân tộc vẫn luôn được lưu giữ và trân trọng.
Ngày nay, thời đại số
hóa với rất nhiều đổi mới trên tất cả các phương diện. Cái thời ông đồ cho chữ,
viết câu đối tết“Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ-
Vũ Đình Liên) đã lùi sâu vào ký ức. Nhưng điều đáng trân quý, câu đối vẫn còn
sức sống riêng của nó trong tâm thức Việt. Người ta chọn viết câu đối bằng chữ
thư pháp trên giấy, khắc chạm trên gỗ, viết hoặc thêu trong các tấm liễn, bức
tranh,… để trang trí nhà cửa hoặc đặt ở những nơi tôn nghiêm. Từ Bắc chí Nam,
từ thành thị đến nông thôn, tại các shop hàng mỹ nghệ, trên các tác phẩm điêu
khắc, tượng gỗ, tranh ảnh, các bức hoành phi,... câu đối thường được chọn đề
vào một cách thích hợp với các chủ đề phong phú, đa dạng, đã tôn hẳn giá trị
cho các mẫu mã sản phẩm, tạo sức thu hút lớn. Rồi từ phố về quê và ngược lại,
cùng với các phẩm vật khác, gắn với nhiều phương cách, câu đối được hiện diện
trong không gian các gia đình, cộng đồng, trường học,… “Vời vợi non cao
ơn dưỡng dục/ Mênh mông biển rộng đức sinh thành”;” Cây chung nghìn nhánh sinh
tại gốc/ Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn; “Lớp học năm xưa nhiều kỷ
niệm /Sân trường ngày cũ lắm ước mơ”,... Và theo đó, bất cứ ở
đâu, trong cảnh huống nào hễ có một vế đối, một câu đối hình thành, là ở đó có
sự kết tinh của nét đẹp văn hóa cổ kim với sức sống Việt mang đến sự mới mẻ cho
tâm hồn, thấm đậm chất trí tuệ.
Ảnh:
Nguồn Internet
Tại Quảng Nam, vùng đất
học nổi tiếng đã xuất hiện nhiều danh sỹ tài hoa với nghệ thuật dùng câu đối.
Trong sách“Hà Đình văn tập”của cụ Nguyễn Thuật (1842-1911) -
danh sĩ và là danh thần triều Nguyễn- người làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ
Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng
Nam) có đến 244 câu đối, “ông có nhiều thành tựu với mảng câu đối
phúng điếu các anh hùng, danh sĩ, quan chức đồng liêu, người thân, tri kỷ. Giá
trị văn chương của câu đối của cụ cũng được giới văn chương đánh giá là tuyệt
hảo” 1 .Những câu đối chúc phúc nhân mùa xuân của
người con quê ở Hà Lam, Thăng Bình, vị quan đại thần triều Nguyễn - danh nhân
văn hóa Nguyễn Thuật đã trở thành mẫu mực cho các Nho sĩ đương thời: “ Nhơn
thích lạc dao phong vật mỹ/ Xuân hồi đại địa tuế hoa tân (Người vui
thích gió đồng nội cái gì cũng đẹp đẽ/ Xuân về tết đến, hoa nở sáng lại đất bao
la); “Nhơn tại xuân đài diên tuế nguyệt/ Thế tư đức thọ phước nhi tôn” (Người
sống trên đền đài, mùa xuân kéo dài năm tháng/ Từng đời lan mãi cây đức hạnh là
phước của cháu con).
1. Trích Hà Đình Nguyễn
Thuật, một con người của văn chương, nghệ thuật-Phùng Tấn Đông
Tâm đắc với câu đối, từ
xưa đến nay, “ôn cố tri tân”, người Quảng Nam vẫn thường dùng câu đối trong mọi
lĩnh vực đời sống xã hội. Cụ Lương Bá Thiệu ( 1915-2007), quê ở xã Bình Giang,
huyện Thăng Bình, cán bộ lão thành cách mạng, đã để lại câu đối sâu xa răn dạy
con cháu:“Gia phong nho nhã mỹ cảnh hương/ Quốc Tộ thái hòa hưng thiện
tục”.( Nghĩa là: Nếp nhà thâm hậu đẹp quê hương/ Vận nước yên bình,
dựng nên thói tốt). Nhằm ca ngợi công đức, tri ân tổ tiên, tiền bối thì các tác
giả đã dùng các câu đối sau: “Tiên tổ ngàn năm linh hiển/ Tử tôn vạn thuở
hiếu hòa”( NS. Phan Văn Minh ); “Thuở hồng hoang tiền
bối góp công lập ấp/ Thời hiện đại hậu sinh chung sức xây làng” ( Lê
Bích ). Bên cạnh đó, như món ăn tinh thần, câu đối còn được thông dụng phong
phú, đa dạng trong cuộc sống. Ví như khi quét ngõ thì cho rằng:“Chổi rang
khô quét lá khô ran” (Trần Ngọc Anh), rồi được đối lại:“ Cây thắm tươi
nở hoa tươi thắm”. Đến nơi tham quan lại thốt lên: “Ngắm nước
non bên chùa Non Nước” ( Trần Ngọc Anh), đối lại: “Sống
an bình trong xã Bình An”. Lúc ngồi vào bàn ăn, thấy món cá mó thì lại
đọc vế đối:“Có má được ăn cá mó” hoặc tương tự: “Có bà được ăn
cá bò”. Khi đón năm mới, lại nghĩ ra các vế đối, câu đối phù hợp từng
niên con giáp như:“Đón Canh Tý thử tý tửu” ( “thử”: chuột, “tý”:
chỉ một lượng nhỏ và nghĩa Hán cũng là “chuột”); “ Chào Kỷ Mão
cảo thơm, cơm thảo” ( “kỷ mão” nói lái là“ cảo mỹ”, có thể
hiểu như “cảo thơm”);“ Tết Quý Dậu chưng chậu mồng gà”; “Xuân Giáp
Thìn, ăn Đào Tiên, xem múa Rồng, vui Thăng Long khai hội”,...
Phát huy truyền thống
yêu nước và cách mạng của quê hương Quảng Nam, trong dân gian không thể thiếu
các vế đối, câu đối phản ánh sự đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển; sinh
khí mới trên mảnh đất “ơn trọng nghĩa dày” xứ Quảng :“Năm mới, đổi mới sáng
tạo mới”;“Đại lộ Võ Chí Công khai thông kết nối”; “Dân chủ, kỷ cương, đoàn
kết, sáng tạo/ Đổi mới, phát triển, hạnh phúc, văn minh”; “Tết đến trăm hoa
khoe hương đất/ Xuân về vạn lộc ngát tình quê”; “ Quả ngọt hoa
thơm lan khắp nẻo/ Tình thâm, nghĩa trọng tỏa muôn nơi”.
Rất chí lý, thời nay,
chỉ cần phút giao thừa tích tắt là người ta dễ dàng gửi qua internet, zalo,
fcebook,…những vế đối hay, giàu ý nghĩa để chúc mừng năm mới nhau:“Phúc lộc
thọ tài an gia chủ/ Kiệm cần liêm chính đắc nhân tâm”. Trong các cuộc
hội ngộ đầu xuân, đó đây, bàn về câu đối tết cũng là đề tài rôm rả, ý vị đối
với những người mê câu đối. Được biết, tại một số trường học, hằng năm, trước
khi nghỉ tết, nhà trường đã tổ chức cuộc thi viết câu đối với các chủ đề. Sau
tết, tổ chức trao thưởng cho các câu đối chuẩn và hay của học sinh, nhằm hình
thành, khơi dậy và tập cho các em làm quen với loại hình nghệ thuật ngôn từ và
hiểu được một mỹ tục truyền thống là câu đối trong văn học: “Vở sạch chữ
đẹp, xuân về tô sắc thắm/ Việc tốt người hay, tết đến nở hoa thơm”; “Kính thầy
yêu bạn- vui xuân rộn rã bài ca đón tết/ Trọng cha quý mẹ- mừng tết xôn xao câu
đối chào xuân”. Trong môi trường giáo dục nào, câu đối được dùng đúng
lúc, phù hợp hoàn cảnh, chắc chắn sẽ mang đến sự bất ngờ, lý thú và lan tỏa
được các giá trị.
Có thể khẳng định, ngày
nay, khi cuộc sống càng văn minh hiện đại, câu đối Tết không chỉ vẫn luôn được
lưu truyền mà còn được nhân lên vẻ đẹp với một sức sống văn hóa riêng trong tâm
hồn các thế hệ Việt Nam. “Ơn tiền bối dựng cơ đồ vinh hiển/ Nghĩa
cha ông xây sự nghiệp vững bền/ Chí hậu sinh nuôi khát vọng phồn vinh/
Hướng con cháu mơ tương lai hạnh phúc”, người viết xin được khép lại
bằng câu đối trên như gửi đến một lời tri ân sâu sắc các bậc tiền bối và mong
ước cho câu đối- tinh hoa của tinh hoa chữ nghĩa -
luôn được trân trọng lưu giữ, truyền đời, góp phần tô đậm thêm ý nghĩa của cuộc
sống ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.